Một số cảm nghiệm trong đời sống truyền giáo của Linh mục Antôn Trần Xuân Sang, SVD.
Friday, August 19, 2011
PARAGUAY – TẢN MẠN TRUYỀN GIÁO
GẶP ĐỒNG HƯƠNG
Vào một ngày Chúa nhật, sau thánh lễ lúc 10h00 tại một ngôi nhà nguyện bé nhỏ cách giáo xứ khoảng 45 phút xe máy, tôi vội trở về giáo xứ vì có một cuộc hẹn. Về đến giáo xứ, tôi thật ngạc nhiên vì có 3 người Việt Nam vừa đến thăm tôi.
Tôi mừng đến phát khóc vì lâu rồi không được gặp người Việt. Sau lời chào hỏi thân tình, một trong số họ lại hỏi tôi một câu rất thật lòng : “Trời ơi, sao Cha lại ở vùng Kinh tế mới. 30 năm trước chúng tôi đã sống ở vùng Kinh tế mới tại Parguay rồi mà bây giờ cha lại đun đầu đến đây làm gì?” Tôi phì cuời vì họ đâu hiểu là cách đây hơn 30 năm trước họ là người tản cư và được đưa qua Parguay sau một thoả thuận giữa chính phủ Nhật và Paraguay vì họ là thuyền nhân, và 30 năm sau tôi tự nguyện đến đây với tư cách là một nhà truyền giáo. Và cũng lâu rồi tôi lại được nghe ngôn ngữ Việt của hơn 30 về trước vì họ đã ở đây từ lâu mà chưa một lần về thăm quê hương. Kinh tế mới, từ ngữ gợi lại cho tôi về lịch sử gia đình tôi. Hơn 30 năm về trước gia đình tôi sống Sài Gòn với nhiều điều kiện thuận lợi vì ba tôi là một thuyền trưởng giỏi thuộc bên kia chiến tuyến. Tuy nhiên, sau ngày chạy loạn, thay vì gia đình tôi theo đoàn người đến một chân trời khác thì ba tôi lại quyết định chuyển đến vùng kinh tế mới dù có sự phản đối mạnh từ phía những người bà con và các anh em của tôi. Thế là từ đó gia đình chúng tôi trở thành một gia đình vô danh và nghèo nàn trong vùng kinh tế mới.
Gia đình tôi có 6 anh em trai và 3 chị em gái. Tôi là người con áp út. Má tôi là một tân tòng và từng là một phật tử nên ngày tôi đi tu, những người bà con phía má tôi phản đối vì cho rằng có lẽ tôi thất tình mới vào chốn thiền môn! Tôi hoàn toàn có quyền tự do lựa chọn cuộc sống cho riêng mình. Tôi từng là một ứng sinh sinh của chủng viện nhưng số phận lại đẩy đưa tôi trở thành một tu sĩ truyền giáo.
Trở lại chuyện những người Việt tại Paraguay. Tôi rất cảm động khi họ đã bỏ ngày Chúa Nhật lặn lội đến thăm tôi và còn đem cho tôi những món ăn rất dân dã của Việt Nam như nước mắm, gạo, mắm ruốc, mì tôm, xì dầu… mà họ mua từ Brazil vì ở Paraguay không có. Họ hỏi tôi rất nhiều điều về Việt Nam và lần luợt tôi trả lời cho họ những gì họ muốn biết. Chúng tôi đã trò chuyện với nhau như là những người thân nhau từ lâu lắm rồi. Họ nói một ngày nào đó họ sẽ trở về thăm quê hương để xem những thay đổi của đất nước. Họ cũng mời tôi nếu có dịp viếng thăm gia đình họ để có thể hàn huyên tâm sự nhiều hơn và cũng để họ giới thiệu một số gia đình Việt khác đang ở Paraguay và vùng giáp biên giới của Brazil. Chúng tôi từ biệt nhau sau khi thăm viếng cha bạn cũng là người Việt nam ở Encarnación vì họ còn phải về với gia đình của họ cách chổ chúng tôi khoảng 6 giờ xe.
MÙA GIÁNG SINH
Ngày lễ Giáng sinh sắp đến, chúng tôi có nhiều việc để làm như anh em chia nhau để đi dự lễ tổng kết cuối năm học để ban phép lành cho các em học sinh, sinh viên tốt nghiệp và được lên lớp, đặc biệt là chúng tôi chuẩn bị thánh lễ cho 24 cặp hợp thức hoá hôn nhân.
Có những cặp hôn nhân được hợp thức hoá này đã lên chức ông bà nội ngoại nên trước những ngày này chúng tôi lại phải ngồi toà cho chính họ cũng như bà con thân thuộc của họ. Ở đây chúng tôi muốn cử hành một thánh lễ thật trang trọng để đón những người con hoang trở về sau nhiều năm xa cách Chúa, và cũng dịp này để nói lên ý nghĩa của bí tích hôn nhân cho con cháu và những người tham dự hiểu rõ hơn. Thật sự bí tích hôn nhân không phải do linh mục cử hành mà do chính những người phối ngẫu cử hành. Rất nhiều người lầm tưởng nếu linh mục không cử hành bí tích hôn nhân thì sẽ không thành sự! Linh mục và cộng đoàn chỉ là những nhân chứng đại diện Giáo hội để chứng nhận đây là một cuộc hôn nhân hợp pháp.
Thánh lễ diễn ra lúc 20h00 tối thứ năm ngày 20/12/2007. Mặc dù lễ ban đêm nhưng hôm nay ngôi nhà thờ trở nên chật chội vì có rất nhiều người tham dự. Vị linh mục Paraguay và tôi đồng tế thánh lễ này. Khi tôi chuẩn bị công bố Phúc Âm, cha người Paraguay chạy lại nói nhỏ với tôi là chờ 1 tý vì có một cặp hôn phối đang đến trễ. Khi họ vừa hớt ha hớt hải chạy vào nhà nguyện với mồ hôi nhuễ nhoại thì vị linh mục Paraguay nói với cộng đoàn cho một tràng pháo tay để chúc mừng cặp hôn nhân này vì họ đã lặn lội từ một giáo họ rất xa giáo xứ với phương tiện thô sơ là chiếc xe ngựa để đến kịp thời. Đây cũng là một bài học cho tôi về sự hiền hoà của một vị mục tử. Nếu như ở Việt Nam có lẽ tôi sẽ bực mình và ngay cả cặp hôn phối sẽ hoảng sợ khi đến trễ, nhưng chính vị linh mục Paraguay đã có một cách xử sự rất đáng khen và làm cho mọi người cảm phục.
Thánh lễ đã diễn ra thật tốt đẹp và nhiều cặp hôn nhân đã oà khóc vì cảm thấy sung sướng được hoà nhập vào cộng đồng mà trước đây họ tưởng chừng bị bỏ rơi.
Rồi ngày lễ Giáng sinh lại đến. Ở đây đang là mùa hè nên trời thật oi bức. Mọi người cùng nhau chuẩn bị cây thông Giáng sinh và những bài hát nhưng thú thật tôi chưa cảm thấy quen với bầu khí Noel ở đây vì hình như thiêu thiếu một cái gì. Đâu đó vọng lại trong tôi những bài hát Noel ở quê nhà như Hang Bê-lem, Cao Cung Lên… khiến lòng tôi rộn lên. Những bài thánh ca xứ Nam Mỹ tuy cũng rộn ràng, hoàng tráng, cũng trầm bổng nhưng tôi chưa cảm được. Ở đây người ta làm các hang đá thật sơ sài và hình như người ta chẳng còn chú trọng đến hình thức nữa. Nội dung đã thiếu vắng và hình thức cũng chẳng còn. Chủ nghĩa thế tục đang gặm nhắm vào tận hang cùng ngốc hẻm khiến nhiều người tỏ ra thờ ơ với ngày trọng đại của Con Chúa Giáng Trần.
Đêm 24 tháng 12, tôi chuẩn bị dâng thánh lễ lúc 20h00 thì lúc 19h00 trời lại nổi cơn giông tố lớn chưa từng thấy dù cả ngày trời rất đẹp. Mưa lớn, điện cúp và bên ngoài trời tối đen và sấm chớp ầm ầm nổi lên như tận thế sắp đến khiến cho đêm Noel ở đây thật ảm đạm. Chúng tôi không thể nào đi đến các giáo họ để dâng lễ và chúc mừng Giáng sinh được vì trời mưa và đường xá quá nguy hiểm. Tại giáo xứ, chỉ có 1 giáo dân đến sớm và bị kẹt mưa nên ở lại với tôi và Đêm Noel này tôi đã dâng thánh lễ âm thầm với 1 ngọn nến, 1 linh mục và một giáo dân. Qua đó tôi mới cảm nghiệm được một điều là nhiều khi mình lo lắng, bôn ba nhiều chuyện và mình nghĩ đó là tốt, là hay nhưng nếu Chúa không muốn thì mọi sự chắc chắn sẽ không thành. Ý mình không phải là ý Chúa. Mầu nhiệm Giáng Sinh hôm nay sao mà trơ trọi, vô hình, không ai biết đến! Đây là đêm Giáng sinh buồn nhất trong cuộc đời tôi. Thế kỷ XXI rồi mà dường như ở đây tôi đang sống vào thời xa xưa. Có lẽ Chúa Giêsu muốn nhắc nhở tôi cần phải sống khiêm nhường hơn, sống nội tâm hơn là hình thức bề ngoài. Tôi thầm thỉ nguyện cầu với Chúa Hài Đồng giúp tôi biết chu toàn nhiệm vụ, biết mở lòng đón nhận những nghịch cảnh và sẵn sàng chịu đựng tất cả những vui buồn trong cuộc sống truyền giáo.
Sáng ngày 25 tháng 12, trời bớt mưa và giáo dân bắt đầu đến tham dự thánh lễ khoảng chừng 80 người. Họ là những cụ già, những bà goá thường xuyên tham dự thánh lễ sẵn sàng lội mưa với đường xá sình lầy để mừng Chúa Giáng sinh. Còn giới trẻ vì đêm qua lo tiệc tùng dù trời mưa nên đến giờ này vẫn còn ngủ cho đã giấc. Trong bài giảng, tôi đã chia sẻ với họ về mầu nhiệm Con Chúa Làm Người để con người được làm Con Chúa nhưng dường như ngày nay người ta không muốn làm con Chúa nữa mà muốn điều khiển cả Chúa. Tôi chia sẻ với họ trong nước mắt vì đêm qua dường như tôi không chợp mắt được khi nghĩ đến bầu khí Giáng sinh quê nhà. Đúng là xứ truyền giáo vì ở ớ đất nước này mặc dù thiếu linh mục nhưng dường như người ta cũng chẳng cần sự hiện diện của các nhà truyền giáo, và nếu có thì chỉ có một số người đạo đức cần tham dự các bí tích mà thôi. Nhiều khi nghĩ lại cũng thấy buồn buồn, tủi tủi và hay có sự so sánh giữa giáo hội Việt Nam và cá giáo hội ở Nam Mỹ. Nếu bao lâu tôi chưa dứt được với những giấc mơ hồng ở quê nhà chắc tôi không thể nào trụ vững nơi đây được.
TẾT TÂY 2008
Ngày 2 tháng 1 năm 2008, tôi có dịp lên thành phố để chụp phim cánh tay vì ngày lễ Thánh Gia 30.12.2007 vừa qua tôi bị té xe sau khi dâng thánh lễ ở một nhà nguyện khá xa bằng xe honda với một giáo dân.
Dịp này tôi cũng được nghỉ mấy ngày để sau đó tôi về lại thủ đô Asunción họp mặt và có một khoá học cho các nhà truyền giáo trẻ tại Paraguay. Tôi cũng hẹn cha bạn người Việt đang ở Paraguay để anh em có dịp gặp nhau. Và cũng dịp này chúng tôi muốn ghé thăm gia đình người Việt Nam lần trước đã ghé thăm chúng tôi. Gia đình anh Thành và chị Thanh đến Paraguay từ năm 1976 nhưng sau đó vì kế sinh nhai anh chị đã làm việc ở hai đất nước là ngày ở Paraguay và đêm ở Brazil. Anh chị có 7 người con đều đã khôn lớn, hầu hết đã lập gia đình và rất thành đạt.
Dịp này anh chị mời chúng tôi qua thăm gia đình anh chị ở Brazil. Từ Ciudad del Este (Phố Đông) của Paraguay, một thành phố sầm uất và nhộn nhịp như Phố Sài Gòn ở Việt Nam, chúng tôi đã đi qua cầu hữu nghị để vào đất nước Brazil rộng lớn. Chỉ cách một chiếc cầu ngăn cách giữa hai quốc gia vùng Nam Mỹ mà có quá nhiều khác biệt như múi giờ thay đổi (Brazil đi trước Paraguay 1 giờ đồng hồ), cơ sở hạ tầng thay đổi (đường xá ở Brazil rất đẹp và toàn là các cao ốc trong khi ở Paraguay tìm đỏ cả mắt chỉ có vài cao ốc!); ngôn ngữ khác biệt vì ở Paraguay nói tiếng Tây Ban Nha và tiếng Guarani còn ở Brazil thì nói tiếng Bồ Đào Nha); đồng tiền có sự chênh lệc rất lớn (1 Real của Brazil đổi được gần 2.500 Guarani của Paraguay). Kể ra như thế để biết được sự chậm tiến và sự tham những của Paraguay đã làm cho đất nước trì trệ đến mức nào. Chúng tôi đi qua thành phố Foz của Brazil để thăm các gia đình Việt Nam. Thật là một điều bất ngờ thú vị vì khi chúng tôi đến nhà anh Thành, gia đình Việt Nam mà chúng tôi mới quen biết, chúng tôi lại được gặp 3 nữ tu thuộc Dòng Phaolô ở Việt Nam (1 Soeur thuộc tỉnh Dòng Phaolô Đà Nẵng và 2 Soeurs thuộc tỉnh Dòng Phaolô Sài Gòn) đã qua Brazil làm việc truyền giáo hơn 3 năm và một linh mục Việt Nam cũng thuộc Dòng Ngôi Lời từ tỉnh Dòng Úc đã phục vụ ở Brazil gần 3 năm nay. Gặp nhau tay bắt mặt mừng, một niềm vui không thể diễn tả hết được. Chúng tôi đã nói chuyện với nhau rất nhiều. Gia đình anh Thành đã mời chúng tôi đi tham quan du lịch ở một công viên quốc gia rất nổi tiếng ở Brazil và trên thế giới đó là công viên Cataratas del Iguazú ở Brazil. Đây là một quang cảnh thiên nhiên lớn nhất vùng Nam Mỹ với thác nước cao hơn 8 mét. Rất nhiều khách du lịch tham quan mỗi ngày và khuôn viên du lịch rộng bằng cả một thành phố.
Lần đầu tiên sau khi rời Việt Nam đến giờ, hôm nay chúng tôi đã cử hành thánh lễ tạ ơn Chúa dịp đầu năm mới bằng tiếng Việt tại gia đình anh Thành với sự hiện diện của 2 anh em đồng môn, 3 nữ tu Phaolô việt Nam và những người Việt xa xứ ở Paraguay và Brazil. Trong bài chia sẻ của ngày Chúa Nhật lễ hiển linh, tôi mong ước những người Việt xa xứ trong đó có cả những tu sĩ, những nhà truyền giáo Việt Nam hãy cố gắng sống bằng chính đời sống chứng nhân của mình và đừng bao giờ lấy văn hoá của Việt Nam đặt vào văn hoá của những người bản xứ ở đây. Người mẹ của anh Thành đã gần 80 tuổi sau khi xưng tội và tham dự thánh lễ bằng tiếng Việt mà hơn 30 năm qua đã không được tham dự đã khóc nức nở vì hạnh phúc. Bà nói rằng tiếng Tây Ban Nha cũng không biết, tiếng Bồ Đào Nha cũng chẳng thông, rồi tiếng Việt lâu lắm rồi mới đối đáp trong thánh lễ nên đôi lúc cũng quên mất nhưng bà chia sẻ là không biết ngày nào mới có được niềm vui như ngày hôm nay. Anh Dũng, một doanh nhân khá thành đạt có vợ là người Brazil, là người không Công giáo nhưng anh chia sẻ trong lời nguyện giáo dân rất chân tình vì anh đã mang ơn Chúa rất nhiều từ ngày rời xa quê hương để sống nơi đất khách. Các Soeurs cũng rất vui mừng vì đây là lần thứ hai tham dự thánh lễ bằng tiếng Việt kể từ ngày đến vùng đất truyền giáo. Vào buổi tối, anh Thành đã mời những người Việt sống trong vùng lân cận và gọi tất cả con cháu, dâu rể của anh để họp mặt và gặp gỡ đồng hương. Kỳ thực đại gia đình của anh Thành cũng là gia đình liên hiệp quốc vì dâu rể và con cháu là người Việt, Brazil, người Hoa. Có người cháu của anh Thành nói được 5 thứ tiếng. Kể ra người Việt mình cũng khá và thành công ở xứ người. Mọi người được dịp thi thố tài năng qua những câu chuyện vui, qua những món ăn thuần Việt và ai cũng vui mừng với cuộc hội ngộ đầy bất ngờ này. Chỉ có những người Việt xa xứ mới có những tình cảm nồng ấm như thế này. Cuộc vui đã kéo dài đến gần 1 giờ sáng mà mọi người vẫn chưa muốn kết thúc. Chỉ trong Chúa Kitô mọi người mới có được sự hiệp nhất và niềm vui dâng tràn.
Ngày hôm sau, anh em chúng tôi phải từ biệt sau thánh lễ vì chúng tôi còn phải về lại Paraguay để tham dự khoá học cho các nhà truyền giáo trẻ. Mọi người đều quyến luyến, bồi hồi như những người yêu sắp chia tay nhau. Tôi đã cố giấu những giọt nước mắt sắp rơi xuống khi bà mẹ anh Thành chào từ biệt tôi trong nước mắt và nói rằng không biết đến khi nào tôi có thể trở lại thăm bà để có cuộc vui như thế này. Tạ ơn Chúa vì đã cho chúng con, những người con xa xứ được hội ngộ nhằm tiếp lửa để chúng con có đủ sức vượt qua những cơn sóng gió.
11/01/2008
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment