Truyền giáo và hội nhập văn hóa
Sau những ngày Hội Thảo quốc tế về hội nhập văn hóa, các nhà truyền giáo trẻ chúng tôi đã trở về nhiệm sở để tiếp tục công việc của mình. Mỗi người đều có những trăn trăn trở và thao thức riêng cho hành trình sắp tới.
Nhớ lại những ngày đầu đặt chân đến giáo xứ mới tại vùng đất truyền giáo này, biết bao câu hỏi “tại sao” cứ lẩn quẩn trong đầu và nhiều lúc làm tôi khó chịu. Tại sao các nhà truyền giáo ở đây không xây một nhà thờ cho xứng đáng để cử hành thánh lễ? Tại sao không có được một nhà xứ cho đàng hoàng để sau những giờ làm việc mệt nhọc có chổ nghỉ cho tương xứng với một linh mục? Tại sao các linh mục lại ăn uống chung với những người thổ dân với những đồ ăn thức uống có vẻ hơi mất vệ sinh? Tại sao và tại sao…? Những câu hỏi “tại sao” đó nhiều lúc đã làm tôi nhục chí và bất mãn với cách làm việc của những bậc đàn anh. Tôi chưa tìm được câu trả lời thích đáng cho đến mãi hôm nay. Những vị thuyết trình viên đầy kinh nghiệm đã giúp tôi giải mã được những thách đố và những vấn đề khúc mắt làm cho tôi an tâm phần nào. Có lẽ vì tôi là một nhà truyền giáo quá non nớt và quá năng động nên cứ mong làm chuyện gì cho nhanh, cho hoành tráng để gây một tiếng vang mà không biết nghĩ đến chuyện lâu dài!
Những ngày ở Việt Nam, có dịp tôi ghé thăm các cơ sở truyền giáo của các anh em Dòng Chúa Cứu Thế đang làm việc tại Tây Nguyên, tôi cũng không bằng lòng lắm khi thấy họ dựng Nhà Tạm trong một căn chòi nhỏ rồi mọi người quây quần đọc kinh, chiêm ngắm Thánh Thể. Lúc đó, tôi cũng tự hỏi tại sao các anh em Dòng Chúa Cứu Thế lại để Chúa Giêsu Thánh Thể nghèo nàn và tội nghiệp như vậy! Giờ thì tôi đã hiểu. Chúa không cần ở trong những cung điện nguy nga do con người làm ra mà Chúa cần ở ngay trong tâm hồn của mỗi người.
Có những lúc tôi thật sự ngỡ ngàng và hơi thẹn thùng một tý khi đang dâng thánh lễ và nhìn xuống thấy những bà mẹ trẻ cũng như những bà mẹ già rất tự nhiên vạch ngực cho con bú khi con trẻ khóc dù đó là lúc linh thiêng nhất-linh mục dâng Mình và Máu Thánh Chúa. Hoặc khi linh mục xướng kinh Vinh Danh, kinh Hosana (Thánh, Thánh, Thánh) hay kinh Lạy Cha thì từ già đến trẻ đều nhảy múa và hát vang rất tự nhiên. Tôi được đào tạo khá chính thống và thực hành đạo khá nghiêm túc ngay từ nhỏ nên lúc đầu tôi thấy những biểu hiện như thế này có vẻ “lạc đạo” và “không nghiêm túc” trong thánh lễ. Nhưng đây là nét văn hóa truyền thống của họ mà tôi cần phải chấp nhận và sự chấp nhận ấy đòi hỏi tôi cần có sự tôn trọng với tất cả niềm vui.
Những người ở đây nói với tôi rằng sao thánh lễ của người Công giáo mình đơn điệu và buồn quá, chỉ một mình linh mục làm tất cả còn người tham dự chỉ biết khoanh tay đứng nhìn và thỉnh thoảng đối đáp vài câu, trong khi các nghi lễ của các tôn giáo khác lại rất sinh động và mọi người cùng đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu! Một vài cha xứ cứng nhắc và quá truyền thống, không biết mềm dẻo trong các nhu cầu mục vụ đã tự đánh mất đoàn chiên thân yêu của mình. Tôi cũng đang cố gắng phân định đâu là bản chất chính thống của giáo hội và đâu là nét hội nhập văn hóa trong truyền giáo để làm sao vừa giữ được niềm tin tinh tuyền vừa hợp văn hóa vừa giúp mọi người cảm nhận được Chúa luôn gần gũi, đồng hành và hiện diện với họ thật sự. Điều này không dễ dàng tý nào nếu tôi chưa thật sự đổi mới con người của mình để sống đúng với sứ mạng truyền giáo.
Hậu bầu cử tại Paraguay
Gần một tháng sau ngày bầu cử tổng thống, bầu khí ở Paraguay thay đổi lạ thường. Xung quanh xứ tôi không còn những kẻ say xỉn. Những cuộc thanh toán lẫn nhau cũng giảm bớt. Vị tổng thống đắc cử Fernando Lugo từng là Giám mục của Giáo phận San Pedro đã ngỏ lời xin lỗi Giáo hội về tình trạng giáo luật của mình : “Nếu thái độ và sự bất tuân giáo luật của tôi đã gây ra đau khổ, tôi thành thật xin lỗi giáo hội, đặc biệt là Đức Thánh Cha Benedicto XVI”. Giáo hội đang tìm các phương thế tốt nhất để giải quyết trường hợp đầu tiên này. Có lẽ đối với người Á châu nói chung, và cách riêng người Việt Nam chúng ta sẽ rất khó chấp nhận việc các giáo sỹ tham gia vào đời sống chính trị. Nhưng quả thực hầu hết người dân ở đây, kể cả hàng giáo sĩ, một cách nào đó họ rất thích bàn đến chuyện chính trị.
Những người hay tò mò đặt ra câu hỏi ai sẽ là đệ nhất phu nhân trong ngày đăng quan tổng thống của Fernando Lugo vào ngày 15/8 sắp tới. Dĩ nhiên vị cựu giám mục này vẫn còn độc thân và ông đã giành cái danh dự Đệ Nhất Phu Nhân (La Primera Dama hay The First Lady) cho người chị ruột của mình đã ngoài 60 và cũng sống độc thân như ông. Với người dân ở giáo phận San Pedro mà vị tân tổng thống từng coi sóc, họ đã gọi vị ông là Monseñor Presidente (Đức Cha tổng thống) một cách trìu mến. Công bình mà nói vị cựu giám mục sống rất tốt từ lúc là một chủng sinh cho đến khi nhận chức giám mục năm 1994. Trước những ngày bầu cử, biết bao điều vu khống, trù dập, thậm chí họ còn trương những tấm áp-phích rất lớn với hình của ông đang cầm súng AK và chú thích rằng ông chính là tên khủng bố trong nhóm FARC có trụ sở tại Columbia. Những trò chính trị bỉ ổi của phe đối lập khi đưa một lúc 3 phụ nữ bồng con đến và nói là con của ông. Tuy nhiên, đến nay mọi người đều đã biết đó là những trò lừa bịp và những người từng vu khống, chỉ trích đã xin lỗi ông. Với tư cách là một vị tổng thống đắc cử, ông đã tha thứ tất cả và kêu gọi mọi người, mọi đảng phái cùng nhau xây dựng đất nước. Trong thời gian chuẩn bị nội các cho chính phủ mới, ông cũng đã giải quyết nhiều vấn đề hóc búa cách khôn ngoan mà các vị tổng thống tiền nhiệm của ông không làm được. Đặc biệt, ông đã thi hành đầy đủ nghĩa vụ của một Kitô hữu và rất thiết tha với giáo hội dù ông không cò thi hành thánh chức như một giám mục thuở nào. Người ta nhìn vào vị tân tổng thổng với bộ râu quai nón, với nụ cuời thân thiện, dễ gần gũi, và với đôi xăng-đan mà ông đã từng mang từ thời chủng sinh thì đủ biết ông đã sống giản dị biết chừng nào. Ông từng được mệnh danh là “giám mục của người nghèo” và người ta cũng hy vọng ông cũng sẽ là “tổng thống của người nghèo”.
Trong những ngày vừa qua ông cũng đã về lại thăm cộng đoàn nhà Dòng, nơi ông từng làm việc như là một vị Bề trên dù công việc của một tân tổng thống rất bề bộn. Ông đã chào thăm từng anh em và xin anh em trong Dòng cầu nguyện cho đất nước Paraguay, cho chính phủ mới mà ông sẽ đảm nhận trong những ngày tới. Có thể nhiều người sẽ còn lên án ông là người ham chức, ham quyền mà bỏ đàn chiên để làm chính trị. Có lẽ chuyện đó để Chúa phán xét vì cho đến hiện giờ mọi người ở đây đều coi ông như là một người được Chúa gởi đến để thay đổi đất nước.
Nhiều người nói rằng có lẽ từ đây người Công giáo, đặc biệt là những tu sĩ truyền giáo sẽ được ưu tiên hơn vì tân tổng thống từng là một tu sĩ truyền giáo, đã làm việc ở Uruguay và nhiều nơi khác trên hế giới nên sẽ hiểu tâm trạng và nỗi khổ của sứ vụ truyền giáo. Tuy nhiên, các nhà truyền giáo chúng tôi chẳng mong muốn một đặc ân nào cho chính mình ngoại trừ việc việc thăng tiến con người, và khi quyền và phẩm giá con người được tôn trọng thì công việc truyền giáo coi như đã thành công.
Nghĩ lại những ngày tập tu ở Nhatrang phải trốn chui chốn nhủi khi công an đến khám nhà Dòng vào ban đêm. Có anh em trốn trong vườn chuối bị công an rọi đèn pin và dẫm lên người. Chúng tôi chẳng biết mình phạm tội gì và mãi đến giờ mới hiểu mình phạm “tội đi tu”. 28 anh em chủng sinh chen chúc nhau trong một ngôi nhà ẩm thấp để tập tu. Rồi những năm học Triết, Thần ở Sài Gòn, các anh em chúng tôi với thân phận ở trọ hết nhà này đến nhà khác như nhũng người phiêu bạt. 20 anh em đã nói lời chia tay với nhà Dòng để về lại thế gian và chỉ còn lại 8 anh em hiện đang làm việc ở các nước. Đến giờ này tôi mới nghiệm ra một điều là tất cả những khó khăn, bách hại đó chính Chúa đã chuẩn bị cho hành trình truyền giáo của tôi. Xin tạ ơn Chúa. Có lẽ thời gian tới với vị tổng thống mới từng là tu sĩ truyền giáo sẽ thấu hiểu đời sống của công việc truyền giáo và tạo nhiều điều kiện thuận lợi hơn để giúp mọi người có cuộc sống ấm no hạnh phúc.
Paraguay 8/5/2008
No comments:
Post a Comment