Wednesday, August 24, 2011

PARAGUAY - NHỮNG DẤU LẶNG TRONG CUỘC SỐNG TRUYỀN GIÁO

Khóa học tiếng Guaraní

Sau 6 tháng làm việc ở giáo xứ mới với nhiều thách đố trong sứ vụ, Nhà Dòng đã cho tôi đi học 1 khóa tiếng Guaraní ngắn hạn nhằm đáp ứng nhu cầu mục vụ của mình.
Tưởng cũng nên biết Paraguay là một quốc gia vùng Mỹ La-tinh nên phần đa họ nói tiếng Tây Ban Nha. Tuy nhiên, tiếng Guaraní lại là ngôn ngữ mà giới bình dân và người nhà quê sử dụng trong giao tiếp hàng ngày. Thêm vào đó, những người dân từ nước láng giềng Brazil đến Paraguay lập nghiệp nên người ta đã nói pha trộn nhiều thứ tiếng và nhiều lúc mình không biết họ đang nói tiếng gì nữa.
Giáo xứ tôi đang phục vụ có hai giáo điểm mà đa số là người Brazil nên họ nói tiếng Bồ Đào Nha pha trộn với tiếng Tây Ban Nha, chúng tôi quen gọi là tiếng Portuñol (Portugués và Español). Ngôn ngữ pha trộn này có thể hiểu được vì tiếng Tây Ban Nha và tiếng Bồ Đào Nha rất gần giống nhau. Tuy nhiên, một số giáo điểm khác lại nói pha trộn tiếng Tây Ban Nha và tiếng Guaraní nên gọi là tiếng Guarañol (Guaraní và Español) rất khó đối với người ngọai quốc; giống như ở Phi Luật Tân người ta nói pha trộn tiếng Anh và tiếng Tagalog hay những người Việt ở Mỹ thế hệ thứ hai thường pha trộn tiếng Anh và tiếng Việt vậy. Bởi thế việc mục vụ cũng gặp nhiều khó khăn vì nếu linh mục không hiểu hay nắm bắt được người giáo dân nói gì thì làm sao có thể giúp họ được. Chẳng lẽ lúc nào cũng kè kè thông dịch viên bên cạnh sao! Người ta thường nói đùa rằng những người nghèo thường hay xài sang. Paraguay cũng vậy, tuy là nước nghèo nhưng lại thích xài sang. Cụ thể là họ nói tới 3 ngôn ngữ (Tây Ban Nha, Guaraní và Bồ Đào Nha). Họ dùng đến 3 đồng tiền (Guaranies, Dollar và Real) và nhiều người đàn ông có đến 3 bà vợ hay nhiều bà có đến ba ông chồng! Bởi thế họ rất dễ qua mặt các linh mục nước ngoài khi họ kết hôn nếu các linh mục không hiểu các ngôn ngữ của họ. Chính vì lẽ đó, tôi đã quyết định khăn gói lên đường để học cái ngôn ngữ mà nhiều người cho rằng rất khó và tốn thời gian vô ích.
Lúc sống trong cộng đoàn học viện ở Sài Gòn, anh em tu sĩ chúng tôi thuộc dân tứ xứ và nói đủ giọng Bắc- Trung –Nam. Có anh nói đùa rằng nếu muốn nói được giọng Huế cho ngọt ngào thì phải ăn nhiều mắm ruốc vào! Nếu nói được giọng Hà-Lam-Linh chính gốc thì phải biết ăn “giau muống nuột”, và nếu muốn nói được giọng miền Nam cho hoàn hảo thì phải biết nói tục và biết kể chuyện tiếu lâm! Người Paraguay cũng khuyên chúng tôi nếu muốn nói được tiếng Guaraní thì trước hết phải biết ăn củ mì và uống Térere. Thực vậy, bữa ăn nào mà thiếu một trong hai thứ đó thì không thuần chất là Paraguay nữa.
Những ngày đầu tiên đặt chân đến Paraguay có những lúc vừa ăn vừa khóc vì ăn củ mì đến sưng cuốn họng, người thì nóng, có những lúc bị lở loét và bị hành sốt vì không quen với cái món ăn truyền thống này của họ. Ăn riết rồi cũng quen và đâm ra ghiền. Có lẽ vì thế mà tôi mau nắm bắt được tiếng Guaraní của họ.
Trong 1 tháng ròng rã học tiếng Guaraní ở một vùng núi không điện thọai, không Internet, với cái ti-vi đen trắng chập chờn lúc có, lúc không giống như thời bước vào tập viện cách đây mười mấy năm. Lúc đầu tôi hơi khó chịu vì không biết được thế giới bên ngoài và không liên lạc được với những người thân yêu và bè bạn. Tuy nhiên sau hơn 1 tuần lễ tôi bắt đầu quen dần và nghiệm ra một điều là cuộc sống đơn giản, thiếu thốn làm cho mình ít nghĩ ngợi hơn, ít bon chen hơn và khỏe khoắn hơn. Ngoài những giờ học với giáo viên và thực tập ngôn ngữ với những người bản xứ, tôi có thời gian đọc sách nhiều hơn và có thể làm việc chân tay vì đây là một khu đất rất rộng trên 2000 mẫu tây của nhà Dòng.
Nói đến chuyện đất đai tôi muốn chia sẻ thêm một tý. Thưở còn nhỏ tôi thường được nghe nói ở Việt Nam trước đây có những điền chủ hay đại điền chủ đất đai nhiều vô kể. Tôi không biết các điền chủ ngày xưa có được bao nhiêu héc-ta đất thì gọi là giàu. Ở đây tôi đã tận mắt nhìn thấy những nông trại của những gia đình cha truyền con nối từ mấy trăm năm qua. Một số nông trại có đến 15.000 hécta đất trong đó họ có xưởng chế biến gỗ, trại nuôi gia súc, ao cá… và thuê hàng trăm gia đình làm việc và sinh sống tại đây. Người giàu thì quá giàu còn người nghèo thì nghèo mạt rệp. Cứ nghĩ xem Paraguay có diện tích rộng hơn Việt Nam rất nhiều mà dân số chí vỏn vẹn hơn 6 triệu người và đất đai phần lớn nằm trong tay những nhà giàu hay những tay tài phiệt, còn người nghèo lại không có đất và chỉ biết đi làm thuê làm mướn mà thôi. Các nhà truyền giáo khi đến đây thường khai hoang ruộng đất và đặt các cơ sở nên các thế hệ đến sau mới có nơi ăn, chốn ở và đất đai canh tác để nuôi sống bản thân chứ chẳng hưởng được một nguồn tài trợ nào cả.
Trở lại chuyện học tiếng Guaraní. Tiếng Guaraní thực sự khó nên người dân ở xứ này nói và nghe tốt, còn đọc và viết coi như mù chữ. Họ phát âm toàn giọng mũi và âm họng như ai bóp cổ vậy. Bởi thế nên trong giáo xứ tôi mà tìm ra được vài người để viết hay dịch một tài liệu gì từ tiếng Tây Ban Nha sang tiếng Guaraní hoặc ngược lại thì khó như mò kim đáy biển. Những gia đình giàu có và tầng lớp thượng lưu không muốn dùng ngôn ngữ khó hiểu này và cũng không cho con cái học vì họ cho rằng tiếng Guaraní là ngôn ngữ của rừng rú! Thật đau lòng khi chỉ trong một gia đình mà con cái không hiểu được bố mẹ chúng nói gì khi người lớn dùng tiếng Guaraní còn bọn con nít lại dùng tiếng Tây Ban Nha. Văn hóa của thực dân đã tước đoạt cái vốn quí nhất của dân tộc đó là ngôn ngữ. Người Việt chúng ta tự hào về điều đó dù ở bất cứ phương trời nào nhưng chúng ta cũng có thể giao tiếp với nhau bằng tiếng Việt của mình.
Những ngày ở đây tôi được sống với một linh mục cùng Dòng người Đức đã ngoài 85 tuổi mà có sức khỏe phi thường. Ngài đã đến truyền giáo ở Paraguay hơn 50 năm, đã từng là một anh lính thời Đệ Nhị Thế Chiến tham gia các trận chiến ở Nga-sô và đã từng nắm nhiều trọng trách lớn trong Dòng. Kinh nghiệm sống đầy tràn. Đến tuổi này mà ngài vẫn chưa muốn về hưu nhưng xin ở lại vùng khỉ ho, cò gáy này để làm việc và có thời gian cầu nguyện nhiều hơn. Ở đây có những xe máy cày, máy kéo để cày đất, kéo gỗ, chặt cây và mỗi khi xe hư thì chính ngài lại hì hục sữa chữa vì ngài từng là thợ cơ khí. Nhìn thấy vị linh mục 85 tuổi với bộ áo lao động tay chân dính đầy dầu nhớt đang cặm cụi sửa những chiếc xe hư mà tôi không tin vào mắt mình. Có lẽ vì người Đức làm việc rất nguyên tắc và quên mình nên họ sống khỏe và sống lâu. Tôi cũng thấy vị cha già đáng kính này ăn uống rất đơn giản và và sống khiêm nhường dù tuổi tác của ngài và của tôi cách nhau rất xa. Thời còn trai trẻ ngài đã vùng vẫy nhiều nơi và rồi ngài đã biết dừng lại đúng lúc để cho các thế hệ kế tiếp tiến lên. Được trò chuyện với vị cha gì đáng kính này tôi được hiểu thêm ít nhiều về cuộc sống truyền giáo. Những lúc vui là lúc mình gặt hái được nhiều thành công và được nhiều người biết đến. Còn những lúc sầu khổ là lúc mình gặp những chuyện xui xẻo và thất bại. Những lúc ấy là những dấu lặng trong cuộc đời mà mình cần hồi tâm, suy nghĩ và chấp nhận để vươn lên. Cuộc sống không phải lúc nào cũng đầy màu hồng và thành công rực rỡ nhưng có những lúc sẽ có những u ám và thất bại bao quanh. Đời sống của vị linh mục khả kính ấy đã là một bài học lớn cho tôi và tôi đang chuẩn bị áp dụng bài học cuộc đời cho đời sống truyền giáo của mình.

Lựa chọn cuộc sống

Tôi đã từng là một chú chủng sinh của giáo phận nhưng số phận lại đẩy đưa tôi trở thành một tu sĩ truyền giáo. Ngày ấy có nhiều người nói với tôi sao mà ngu quá không chịu làm linh mục triều để được gần với cha mẹ và có thể phần nào giúp đỡ gia đình khi cha mẹ về già mà lại đun đầu vào cái Nhà Dòng hèn mọn này (Trước đây Dòng tôi gọi là Dòng Thánh Giuse, sau sáp nhập với Dòng Truyền Giáo Ngôi Lời nên hiện nay ở Việt Nam, Dòng có tên gọi là Tỉnh Dòng SVD-Giuse). Ba lần trong đời tôi đã dám nói tiếng không trong việc lựa chọn hướng đi của mình. Và mới đây khi trả lời câu hỏi của bề trên trong việc trở thành một nhà đào tạo trong Dòng, tôi đã lựa chọn việc sống đời truyền giáo vì nghĩ rằng tôi không phải là một mẫu người đào tạo. Có lẽ dưới con mắt của nhiều người tôi đã sai lầm trong việc lựa chọn, nhưng bản thân tôi cảm thấy mình lựa chọn đúng và bằng lòng với những gì mình đã chọn. Thật sự những người thân yêu của tôi luôn mong muốn điều tốt lành cho tôi, nhưng tự bản thân tôi biết tôi có những sở trường và sở đoản nào để sống đúng với lựa chọn của mình.
Có những lúc vắt tay lên trán suy nghĩ về cha mẹ già, về gia đình và những người thân yêu rồi khóc thầm trong đêm. Trong những tháng vừa qua khi biết tin những anh em tu sĩ cùng Dòng ở Việt Nam mà mình đã từng sống với lần lượt từ giã cõi đời khiến lòng buồn rời rợi. Rồi kế đó lại nghe tin ông bà cố của cha giám tỉnh SVD-Giuse Việt Nam đã dắt tay nhau về với Chúa chỉ trong vòng 31 ngày khiến cho người anh em đầu tóc bạc thêm vì cơn sốc này. Dẫu biết rằng kiếp người rất mong manh và nay anh mai tôi sẽ về chầu Chúa nhưng trong lòng đau nhói làm sao! Sống ở hơn nửa vòng trái đất này muốn trở về thăm quê hương đối với một tu sĩ truyền giáo không phải chuyện dễ, cụ thể là năm vừa qua khi những người thân yêu nhất của tôi lần lượt qua đời cũng chỉ biết khóc và dâng lễ cầu nguyện mà thôi. Dù biết rằng lựa chọn là từ bỏ, là hy sinh nhưng có cái gì đó đăng đắng trong cổ họng. Thỉnh thoảng tôi có hỏi thăm tin tức của gia đình và biết rằng cha mẹ mình lúc này hay đau yếu vì tuổi tác mà mình chẳng thể giúp được gì ngoài lời cầu nguyện. Nói ra thì sợ xui xẻo nhưng nếu lỡ cha mẹ tôi có qua đời mà không đúng vào những ngày nghỉ phép của mình thì cũng đành chịu dâng lễ âm thầm để cầu nguyện nơi đất khách quê người. Đau lắm khi phải thốt lên những lời tâm sự này vì không có cuộc chiến nào mà không đổ máu cả.
Có người nói rằng sao cái ông tu sĩ dở hơi này hay kể lễ và mít ướt quá, nếu biết cuộc sống như vậy thì đừng có đi tu! Đã có lần tôi cũng tự nghĩ như vậy nhưng biết vậy mà vẫn cứ bám theo như một cái nghiệp, và muốn bật mí một tý để cho thiên hạ biết “Đoạn trường ai có qua cầu mới hay”. Ước mong những dòng tâm sự này sẽ làm vơi đi những muộn phiền khi có những người hiểu và chia sẻ trong sứ vụ.

Paraguay, Lễ các Tổng Lãnh Thiên Thần
29/9/2008

No comments:

Post a Comment