VIỆT NAM - NỖI NIỀM MÙA COVID
Hôm nay là ngày lễ Chúa Giáng sinh 2021, sau thánh lễ sáng với cộng đoàn Nhà Chính của Dòng tại Nha Trang, tôi có một ngày thật yên ả nghỉ ngơi hoàn toàn sau bao ngày lo toan mệt mỏi cho công việc của cộng đoàn để chống chọi với Covid và những việc không tên trong Dòng. Tôi bình tâm nhìn lại những sinh hoạt và những sự kiện xảy ra trong những tháng vừa qua kể từ khi dỡ bỏ lệnh giãn cách và chấp nhận sống chung với dịch bệnh sau khi phần lớn người dân đã tiêm đủ hai mũi vắc-xin chống dịch.
Quả thực cơn đại dịch dai dẵng đã làm thiệt hại biết bao nhân lực và tài lực trên khắp thế giới nhưng giờ đây nỗi lo sợ lớn nhất không còn là con virus mang tên Vũ Hán nữa, mà là lo sợ chết đói. Mọi thứ hàng hóa, xăng dầu đều tăng phi mã nhưng công ăn việc làm lại không có vì ai bây giờ cũng chỉ lo cho cái bao tử của mình chứ chẳng còn muốn xây dựng, đầu tư gì nữa. Nhiều Dòng tu, chủng viện đến giờ vẫn còn “bế quan tỏa cảng” và mọi sinh hoạt chỉ gói gọn trong khuôn viên của Dòng. Có lẽ do nhiều cơn lây nhiễm không rõ nguồn gốc đã khiến người ta ngại tiếp xúc với nhau và các mối tương quan dần bị phai nhạt.
Đầu tháng 10/2021, khi các trạm và các khu phong tỏa được tháo gỡ, nhiều người cảm thấy thoải mái như vừa mới ở trong các trại tập trung bước ra hưởng bầu khí tự do vì suốt mấy tháng liền phải chịu cảnh tù túng như gà công nghiệp. Dù mọi sự đang bước vào cảnh “bình thường mới” nhưng đâu đó vẫn còn tâm lý nơm nớp lo sợ vì không biết bất cứ lúc nào chỉ thị 15 hay 16 sẽ được tái lập. Con số nhiễm vẫn từ hàng trăm cho đến hàng ngàn ca mỗi ngày nhưng mọi người giờ đây vẫn lo nhất là làm sao có đủ lương thực, thực phẩm cho gia đình mình.
Một số anh em trong cộng đoàn chúng tôi có thực hiện hai chuyến đi ngoại tỉnh sau khi tháo gỡ lệnh phong tỏa là tham dự lễ an táng cho thân phụ của một anh em linh mục cùng Dòng ở Bình Định vào tháng 10 và một chuyến cứu trợ cho các em mồ côi ở Kon Tum vào đầu tháng 12 trong bầu khí căng thẳng vì ngại đem nàng Co-vy về cộng đoàn. Rất may là sau khi xét nghiệm Covid chúng tôi đều về âm tính nên không phải cách ly. Rồi phân vân mãi chuyện liên hoan cuối năm với các đoàn thể trong tỉnh, thành phố và các vị ân nhân của Dòng trong dịp Giáng sinh dù chính quyền đã cho phép nhưng trong tầm kiểm soát. Chính điều này cũng gây ra vài điều khó xử vì một vài anh em trong Dòng còn lo ngại khi khách ở ngoài viếng thăm Dòng. Tuy nhiên, buổi liên hoan cũng được tở chức và đến giờ này chưa thấy ai bị dương tính để vào cách ly theo qui định. Vẫn biết đó là điều may mắn nhưng không biết là sự may mắn đó sẽ kéo dài bao lâu nếu như có vài anh em sẽ phải cách ly khi bị phát hiện dương tính với con virus quái ác này.
Những ngày trước lễ Giáng sinh, nhiều phái đoàn trong chính quyền các cấp đã đến thăm và chúc mừng Nhà Dòng trong một mối tương quan được xem là có thiện chí. Chúng tôi đã cố gắng sống hài hòa để giảm những căng thẳng tối đa giữa những bất đồng không đáng có để xây dựng một nhịp cầu yêu thương dù biết rằng điều đó không dễ dàng với một số người không có lòng dạ ngay thẳng. Nhiều vị lãnh đạo trong chính quyền hay bên an ninh hiện nay rất trẻ, rất cởi mở và mong muốn hợp tác để làm những điều ích nước, lợi dân nhưng hình như còn một sợi dây vô hình nào đó đang kéo lại không cho họ thoát ra được. Ngay cả trong các cộng đoàn tu trì cũng có nhiều người bảo thủ và định kiến nên nói như thánh Phaolo từng than thở với giáo đoàn Rôma: “vì điều tôi muốn, thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét, thì tôi lại cứ làm” (Rm 7,15).
Những tháng ngày giãn cách dù hơi bất tiện nhưng giúp cộng đoàn chúng tôi gần gũi nhau hơn vì ít ai phải đi ra ngoài mục vụ nên những tổ chức sinh hoạt trong cộng đoàn cũng dễ dàng hơn, và anh em luôn bên nhau trong các giờ kinh nguyện, thánh lễ, làm việc và các giờ ăn chung. Chính những lúc quy tụ và gần gũi này giúp anh em hiểu nhau hơn và tỏ ra ít nghi kỵ nhau hơn vì đời sống cộng đoàn không dễ dàng tý nào. Có lẽ vì mõi người mỗi tính, mỗi vùng miền khác nhau và tuổi tác cũng chênh lệch nhau nên không hiểu nhau là lẽ thường tình vì ít có dịp cọt sát với nhau, nhưng qua cơn đại dịch này anh em có dịp gần nhau hơn và cùng ngồi chung bàn ăn với nhau nên thổ lộ cho nhau nghe nhiều điều. Đi tu là rời bỏ gia đình huyết thống để cùng nhau xây dựng một gia đình hội dòng nên mỗi người cũng phải từ bỏ cái tôi của mình để vì Chúa mà đến với nhau để xây dựng Nước Chúa nơi trần gian qua đời sống chứng nhân nơi các cộng đoàn.
Cũng vì đại dịch Covid mà nhiều chương trình phải bị hủy bỏ hay hoãn vô thời hạn. Tuy nhiên, những cái chết bất ngờ và tức tưởi của một số ân nhân cũng như các song thân phụ mẫu của các anh em trong Dòng mà anh em không thể tham dự được để an ủi gia đình là một điều thiếu sót lớn mà không biết bao giờ anh em có thể bù đắp được. Dịp anh em tham dự lễ an táng của một Ông Cố tại Bình Định trong tháng 10 khi vừa dỡ bỏ lệnh phong tỏa là một niềm động viên lớn cho gia đình vì người anh em này đã từng phục vụ truyền giáo cho người di dân ở Ba Lan nhiều năm mới trở về Việt Nam làm việc. Người anh em này rất cảm động vì nghĩa tử là nghĩa tận giữa cơn đại dịch nên cảm thấy quí mến Hội Dòng mình đang thuộc về hơn.
Đầu tháng 12/2021 anh em cũng đã ‘xăm mình’ đi Kon Tum để nối dài vòng tay từ những ân nhân ở xa gởi về giúp các em mồ côi người thiểu số ở Kon Tum đang gặp khó khăn tư bề vì cơn đại dịch kéo dài khiến những mạnh thường quân không thể nào đến nơi hẻo lánh như ở Kon Tum được. Nhìn thấy các em nhỏ đang tuổi ăn, tuổi học nhưng đang gặp nhiều khó khăn thiếu thốn vì ảnh hưởng của cơn đại dịch khiến mình nhói lòng. Các em mồ côi ở đây do các nữ tu Dòng Ảnh Phép Lạ Kon Tum phụ trách lúc đầu chỉ có duy nhất một nhà Mồ Côi tự phát nằm sau Nhà Thờ Chính Tòa (Nhà Thờ Gỗ Kon Tum) do một vị linh mục hiền lành đem các cháu từ các làng xa về vị mẹ các bé này vừa sinh ra đã mất. Vị linh mục ấy (nay đã qua đời khoảng 10 năm) khi nghe biết các em bé mới sinh ra sẽ bị chôn theo người mẹ vừa mới qua đời liền đến xin các trẻ nhỏ này lúc còn đỏ hỏn để về nuôi, và nay nhiều em đã khôn lớn thành tài và đang phục vụ trong nhiều lĩnh vực khác nhau trong vùng. Từ đó những ngôi nhà mồ côi khác được mọc lên để đáp ứng nhu cầu ngày càng nhiều em bé bị bỏ rơi vì cả cha mẹ đều qua đời hay một trong hai đã chết. Những nhà mồ côi cho các em thiểu số ấy nay được gắn với những cái tên của một vị thánh sáng lập hai hội Dòng chuyên lo việc bác ái là thánh Vinh Sơn nên cả tỉnh Kon Tum hiện nay có đến 6 nhà Mồ Côi Vinh Sơn được đánh số theo thứ tự ra đời. Các nữ tu người dân tộc thiểu số còn giúp các em biết làm nương rẫy để tự nuôi sống ngoài việc nhận sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm. Chúng tôi cũng đi thăm và phát quà giáng sinh cho các em tại một mái ấm của Dòng ở Cam Ranh để động viên các em cũng như các tu sĩ nam nữ của Dòng đang phục vụ tại đây. Nhìn thấy công việc của các anh em làm trong thầm lặng để giúp đỡ cho những trẻ em đang thiếu vắng tình thương mà trong lòng cảm phục.
Hôm nay nhìn lại sau ba tháng dỡ bỏ lệnh phong tỏa nhưng số ca nhiễm hàng ngày vẫn tăng nhanh hơn trước và dường như người ta không còn quan tâm đến con số nữa mà chỉ làm sao có thể sống còn dẫu biết rằng cuộc sống này khá mong manh. Nhiều người đang mong chờ có một phép mầu xảy ra để cơn đại dịch mau chấm dứt và cuộc sống có thể bình thường trở lại thật sự. Hôm nay thế giới lại đón mừng một lễ Giáng sinh không được như ý muốn vì nhiều quốc gia đang có lệnh phong tỏa hoàn toàn trước cơn lây nhiễm của con virus mới mang tên Omicron. Tuy nhiên nhiều nơi vẫn tranh thủ đón mừng giáng sinh dù trong lòng nơm nớp lo sợ. Mừng lễ Giáng Sinh không chỉ là để khoe khoang những hang đá hoành tráng, những bữa tiệc linh đình với nhiều bạn bè, nhưng là dịp để mỗi người chúng ta biết ‘nhập thể’ trong gia đình, trong cộng đoàn của mình bằng việc đem niềm vui và sứ điệp Tin Mừng cho người khác.
Niềm vui của ngày lễ Giáng Sinh không lúc nào trọn vẹn, vì vẫn còn đó một nỗi buồn “Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà không đón nhận” (Ga 1,11). Không đón nhận vì không biết Ngài, vì cố tình khước từ Đấng là sự sống, ánh sáng và sự thật cho con người, hay vì những đam mê, thú vui trần thế quá quyến rũ mà coi thường!Chúng ta sẽ làm gì để đón nhận Ngài?
Lạy Chúa Giêsu Hài Đồng, cảm tạ Chúa đã nhập thể làm người để chia vui sẻ buồn và đưa chúng con vào hạnh phúc vĩnh cửu với Chúa. Xin cho chúng con luôn được cảm nếm niềm vui có Chúa ở cùng với chúng con. Chúc mừng Giáng Sinh đến với mọi người. Merry Christmas. Feliz Navidad. Amen.
Nha Trang, 25 tháng 12 năm 2021,
Lễ Giáng Sinh của Chúa,
Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD.