VIỆT NAM - SAU CƠN MƯA TRỜI LẠI SÁNG
Sau những tháng này u ám vì lệnh phong tỏa, giãn cách hầu như cả nước vì đại dịch Covid, người ta những tưởng Việt Nam sẽ đi vào bế tắc vì ngay cả một quan chức cao cấp trong Bộ Tài Chính cũng tuyên bố rằng nguồn lực đã cạn kiệt và đang mong chờ một phép màu. Những lô hàng Vắc-xin viện trợ, Vắc-xin ngoại giao liên tục được cung cấp nhằm tiêm chủng cho mọi người đang mong chờ những điều tốt lành để chống chọi Covid.
Đã gần 3 tháng thực hiện chỉ thị 16 của chính phủ và chỉ ở trong nhà nên chúng tôi dần dần cũng quen với bầu khí yên tĩnh dù lúc đầu cũng cảm thấy khó chịu. Nhưng cũng chính những ngày tháng này mà anh em nhà tu chúng tôi biết thương nhau hơn, biết cảm thông với những người mà trước đây mình chỉ biết cầu nguyện một cách hời hợt nhưng không cảm nhận được sự tột cùng bi thương của những người đang lâm vào hoàn cảnh bế tắc.
Một số anh em có người thân qua đời nhưng đành phải ngậm ngùi đau xót hiệp dâng thánh lễ từ xa hay thậm chí từ khu cách ly mà lòng đau như cắt. Ai đã tạo nên thảm cảnh đau buồn này để giờ đây có những người mà mình vừa mới gặp lại vĩnh viễn ra đi không một lời báo trước mà mình cũng không thể có mặt để thể hiện một tình cảm thiêng liêng nhất của con người: nghĩa tử là nghĩa tận!
Có lẽ giờ đây những từ ngữ thường thấy trên thông tin đại chúng là: Covid - Vắc-xin - nhu yếu phẩm, giãn cách - phong tỏa - giấy đi đường và từ thiện. Những người chưa bị nhiễm thường hỏi nhau đã tiêm Vắc-xin chưa? Khi nào thì hết lệnh phong tỏa? Làm thế nào để mua được nhu yếu phẩm? Làm thế nào để có được giấy đi đường?… Người ra đã quá mệt mỏi với những ngày bị tù túng trong chính căn nhà của mình. Nhiều người có tiền cũng đành phải ở nhà ăn mì gói hay những gì còn lại trong kho dự trữ để sống còn vì không thể ra ngoài mua thức ăn được. Những anh bộ đội tình nguyện được giao nhiệm vụ giúp đỡ và tiếp tế lương thực trong những ngày giãn cách cũng làm việc không xuể vì nhiều con hẻm đầy ngóc ngách, những dòng chữ nguệch ngoạc của những người nhờ mua thức ăn ở đô thành Sài Gòn. Những chuyến tiếp tế rau xanh, thực phẩm của các mạnh thường quân từ các nơi cũng không thấm vào đâu với số lượng người khổng lồ ở Sài Gòn và các tỉnh thành phía Nam. Nhà nước cũng hỗ trợ từng đợt cho những khu dân nghèo bị cách ly nhưng rồi đành phải tính đến phương án khác vì nếu tiếp tục lệnh phong tỏa như thế thì không biết đến bao giờ mới diệt được đại dịch, và chẳng may hết dịch rồi thì không biết bao nhiêu người còn sống nữa!
Là một tu sĩ truyền giáo, tôi không thể ngồi yên khi chứng kiến cảnh nhiều người đột ngột ra đi, nhiều người không còn cái gì để ăn sau khi bị đưa đi cách ly nhiều ngày rồi trở về, nhiều hộ gia đình trong khu vực bị phong tỏa nhiều ngày dù có tiền nhưng không thể mua gì được. Cùng với anh em trong Dòng và những người có tấm lòng quảng đại, chúng tôi đã chia sẻ cho họ những nhu yếu phẩm cần thiết như rau quả, gạo mắm và một ít tiền để họ có thể trang trải trong những ngày khốn khó. Những việc làm tuy đơn sơ đó nhưng làm chúng tôi cảm thấy âm lòng, và những người nhận những món quà nghĩa tình đó với đôi mắt đỏ hoe đã khóc dù trước đại dịch, họ không phải là những người thiếu thốn. Cũng chính những lúc này đây, những người cán bộ bên kia chiến tuyến mà trước đây có lẽ chúng ta không có cảm tình, thì giờ đây họ đã xông xáo làm việc ngày đêm dù lương bổng không là bao để đem lại những điều tốt đẹp cho dân lành như là việc kêu gọi xét nghiệm Covid, tiêm Vắc-xin, phát nhu yếu phẩm cho vùng dịch, vãn hồi trật tự… Tôi đã chứng kiến nhiều cảnh tượng mà bản thân cũng thấy bực mình khi có một số thành phần ngang ngược thích chống đối không chịu thực hiện những quy định nhằm tránh lây nhiễm cộng đồng. Anh em chúng tôi trong Dòng luôn nhắc nhở nhau là tuân thủ những quy định để những người có trách nhiệm không phải khó xử vì những người tu hành hiểu biết nhiều mà có hành vi chống đối này.
Đôi lúc xem và cập nhật tin tức hàng ngày về số ca lây nhiễm và tử vong của địa phương mình và trên cả nước, tôi cảm thấy buồn khi con số cứ nhảy múa liên tục, và trong lòng tự hỏi không biết bao giờ mọi sự mới trở lại bình thường đây! Khi có những cuộc gọi đây đó của gia đình hay của những người thân thì tôi đều giật mình vì lúc này chỉ là những tin buồn về sự ra đi hay của ai đó mà mình quen biết bị dính F0. Còn gì đau đớn bằng khi những người mình từng chịu ơn, những người mình từng quen biết đang trong tình trạng bi đát mà mình không làm gì được vì lệnh phong tỏa.
Tôi bắt đầu có những giấc mơ, ngay cả ban ngày về những thánh lễ với đông giáo dân tham dự, những buổi sinh hoạt ngoài trời với các bạn trẻ, những buổi gặp mặt liên hoan với bạn bè, những buổi tĩnh tâm hỏi đáp đầy thú vị, những dịp hội thảo, những ngày lễ khấn Dòng, phong chức… với những khuôn mặt rạng rỡ của những tân chức cũng như của những người tham dự. Giấc mơ tưởng chừng đơn giản ấy mà nay không dễ gì thực hiện vì con virus vô hình đang gậm nhấm và làm tiêu tan những giấc mơ. Trái lại, những bản tin, những công văn của chính phủ với những chỉ thị, nghị quyết, quy định và những con số đã đưa tôi về với thực tại và muốn tôi phải đối diện với nó.
Những ngày gần đây, tôi thấy nhiều người đã không còn khóc nữa, vì ngay cả họ muốn khóc thì cũng không còn nước mắt nữa để mà khóc vì họ đã trải qua những khắc khoải, lo toan, đã trải qua những mất mát, ly biệt vì những người thân của họ không còn nữa. Họ phải tự nhủ với lòng mình: Tôi phải sống! Biết trách ai bây giờ dù nhiều người cũng ngợ ngợ rằng con virus oan nghiệt ấy xuất phát từ Vũ Hán, Trung Quốc. Tuy nhiên, những lô Vắc-xin viện trợ và biếu tặng của Trung quốc lại là thứ vũ khí để nhử mồi vì dù muốn hay không người ta cũng phải chấp nhận tiêm nó để có thể đi làm việc, để có thể đi đây đó vì từ nay có thêm một giấy thông hành khác là “Thẻ Xanh Vắc-xin”. Nhiều người có thể căm thù Trung Quốc, nguyền rủa Trung Quốc vì sự xấu xa, bỉ ổi họ đã làm nhưng không còn lựa chọn nào khác nếu không được tiêm Vắc-xin. Nhiều người may mắn được tiêm các loại Vắc-xin AstraZeneca, Moderna hay Pfizer của Anh, Mỹ nhưng những lô hàng xa xỉ phẩm ấy chỉ có giới hạn, và cuối cùng chỉ còn lại những lô hàng mang nhãn hiệu Tàu nên người ta không còn quyền lựa chọn, đành phải chấp nhận thực tại. Nhưng có lẽ chúng ta cần một loại “Vắc-xin ý thức” để mau chữa lành chúng ta.
Cũng trong những tháng vừa qua mạng xã hội đã dậy sóng vì những khẩu chiến không đáng có của một số người khá thành đạt trên thương trường nhưng lại có những lời lẽ không được hay lắm, đã thu hút được nhiều người và hậu quả là sẽ chuẩn bị gặp nhau ở những phiên tòa nếu luật pháp nghiêm minh cần chấn chỉnh những phát ngôn mạ lỵ nhau như thế. Chúa Giêsu đã từng dạy các môn sinh của Ngài là: “Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta, vì Luật Môsê và lời các ngôn sứ là thế đó” (Mt 7,12). Là những người Công giáo, chúng ta không nên dùng những lời lẽ khó nghe để miệt thị, mạ lỵ nhau, nhất là trên mạng xã hội vô thưởng, vô phạt như hiện giờ. Cũng xin đừng gây khó cho những người đang thi hành luật pháp nhằm đảm bảo an toàn trong những ngày phong tỏa, cách ly. Chúng ta đừng trách móc cuộc đời, đừng trách người, trách mình và hãy hứa với nhau đừng oán trách cuộc đời này nữa vì chúng ta không biết rằng chỉ mới hôm qua thôi chúng ta còn hàn huyên tâm sự với một người nào đó, nhưng hôm nay họ không còn nữa. Chúng ta cũng đừng đoạn tuyệt nhau vì chỉ vài ba câu tranh luận vì muốn hơn thua, và biết đâu chính họ là những người đem đến cho chúng ta những nhu yếu phẩm khi chúng ta đang mắc nạn. Chính Thánh Phaolo đã từng nói: “Anh em đừng để mình bị mắc nợ ai điều gì ngoài món nợ tình thương; vì yêu thương là chu toàn lề luật”. (Rm 13,8).
Giữa cơn đại dịch này, chúng ta hãy biết quý mến, trân trọng nhau bao lâu chúng ta còn hiện hữu trên cõi đời này, chúng ta còn được hít thở không khí trong lành, còn một bữa ăn ngon, còn một nơi để đi về, còn những người thân để quây quần nói tiếng yêu thương là niềm hạnh phúc nhất của chúng ta.
Chúng ta có quyền hy vọng sau cơn mưa trời lại sáng, để chúng ta tiếp tục sống và học cách yêu thương, cảm thông, chia sẻ vì trên thế gian này không ai có thể vỗ ngực nói rằng tôi không cần ai cả, tôi có thể sống một mình. Chúng ta cần có nhau, cùng đối diện với những khó khăn, cùng nhau chia vui sẻ buồn và sẵn sàng mở rộng tấm lòng để sống tình Chúa, tình người khi chúng ta biết buông bỏ, biết sống tử tế với nhau. Xin Chúa cho cơn đại dịch mau chấm dứt để chúng con trở lại những ngày nghĩa thiết với Chúa
Nha Trang, 25 tháng 09 năm 2021,
Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD.