PARAGUAY – TÂM TÌNH THÁNG 6
Từ ngày
trở lại Paraguay đến giờ sau những tháng nghỉ hè, công việc cứ dồn dập và nhiều
khi muốn ngồi viết một chút gì đó để chia sẻ cảm tưởng nhưng viết được nửa
chừng lại mất hứng và bỏ đi làm chuyện khác. Nhiều lúc chính bản thân tự hỏi là
có phải mình đang chán chường trong cuộc sống hiện tại chăng? vì đôi lúc cảm
thấy khá mệt mỏi và nặng nề trong công việc hàng ngày và không có nhiệt huyết
như ngày xưa nữa.
Một sự
kiện không vui vừa xảy ra ở trường học chúng tôi ở Paraguay khiến trường tôi và
bản thân tôi là người trách nhiệm cao nhất trở nên “nổi tiếng bất đắc dĩ”. Số
là có một em học sinh cấp I bị cảm cúm vì Paraguay đang chuyển qua mùa Đông nên
thời tiết khá lạnh. Cùng vào thời điểm ấy có một em học sinh ở trường khác cũng
bị cảm cúm và sau mấy ngày thì chết. Bác sĩ thông báo về cái chết của em bé đó
không phải bị cúm mà bị bệnh Meningitis (Viêm màng não cấp tính). Ngay lập tức,
bà mẹ của em bé đang học ở trường chúng tôi gởi tin nhắn qua mạng xã hội
Whatsapp cho bạn bè của bà là “hình như” con bà cũng bị chứng bệnh khó chữa
này. Sau tin nhắn úp mở được gởi đi theo cấp số nhân thì cả thành phốnơi chúng
tôi làm việc đều nhận được tin đồn thất thiệt này. Báo chí, đài truyền thanh,
truyền hình lập tức đến trường chúng tôi để tìm hiểu và đưa tin tức. Rất nhiều
cha mẹ của các em học sinh đã không dám gởi con đến trường trong những ngày ấy vì
sợ lây nhiễm căn bệnh quái ác này. Chúng tôi đã tức tốc họp ban giám hiệu và
những người có liên quan để tìm hiểu vụ việc trước khi đưa ra thông cáo báo chí
và cử cô hiệu trưởng cấp I (cô cũng có bằng luật sư) là người phát ngôn chính
của trường để trả lời cho giới truyền thông. Dù vậy, chúng tôi cũng phải trực
tiếp trả lời một số câu hỏi chính với báo chí như là người đứng đầu một trường
Tư Thục Công Giáo. Sự việc tưởng chừng như không có gì bởi một tin nhắn vô
trách nhiệm của người mẹ đã đưa đến những hậu quả khó có thể kiểm soát trước
những phương tiện thông tin như hiện nay. Rất may là còn nhiều nhà làm truyền
thông chân chính nên đã nhanh chóng vãn hồi và đưa ra những tin tức chính xác
và an lòng người dân. Qua đó cho chúng tôi một kinh nghiệm quí giá là khi đứng
trước một vấn đề hệ trọng, nhất là sức khỏe và các vấn đề liên quan đến tính
mạng con người thì cần phải trung thực điều tra và thông báo ngay lập tức để
mọi người cùng biết và không bị nhầm lẫn hay để kẻ xấu lợi dụng phao tin đồn
thất thiệt. Ở một đất nước tuy nghèo và lạc hậu nhiều so với Việt Nam mình
nhưng về phương diện tự do báo chí và dân chủ thì chính quyền Việt Nam cần phải
học hỏi nhiều qua vụ các chết hàng loạt mà gần ba tháng rồi vẫn chưa có kết quả
và truyền thông chính thống chẳng dám đả động đến vì sợ trù dập.
Tháng 6
năm nay có nhiều biến cố xảy ra trên thế giới với những nạn khủng bố đẫm máu
như thảm sát ở Orlando, Mỹ; nhiều vụ biểu tình, đình công ở Pháp dù là nước
đăng cai Cúp Châu Âu 2016; hay những bất ổn chính trị ở Brazil và Venezuela ở
Nam Mỹ đang ở hồi kết cho những vị lãnh đạo cực hữu… Ở Việt Nam chỉ trong vòng
một tuần mà hai chiếc máy bay quân sự bị lâm nạn. Ở Paraguay cách đây hai ngày,
tại một thành phố biên giới với Brazil, những tên trùm ma túy thanh toán lẫn
nhau như trong phim hành động khiến ai nấy cũng lo sợ không dám ra đường. Nếu
chúng ta bình tâm suy nghĩ về những sự kiện đó chắc chúng ta cũng biết điều gì
Chúa muốn nói với chúng ta qua những dấu chỉ thời đại này.
Công
việc hàng ngày của chúng tôi tại xứ truyền giáo hiện giờ là đồng hành với giáo
viên và học sinh trong một môi trường giáo dục Ki-tô giáo ở thời đại khoa học
kỹ thuật phát triển quá nhanh chóng đôi lúc khiến chúng tôi cũng không theo
kịp. Thêm vào đó là công việc mục vụ ở giáo xứ và nhiều việc không tên ở Nhà
Chính của Dòng khiến nhiều lúc mất ăn, mất ngủ. Mỗi sáng thức dậy luôn cầu xin
Chúa thánh hóa công việc, nhất là ở trường học vì nếu một chuyện nhỏ xảy ra với
học sinh hay giáo viên là nguyên ngày đó đau cái đầu luôn. Học sinh bây giờ
thật khó dạy dỗ dù trường tư thục chúng tôi có đầy đủ các ban ngành và các nhà
tâm lý để hướng dẫn các em, nhưng chỉ vì những chiếc điện thoại thông minh,
những chiếc IPad đa năng cộng thêm Internet Wifi, 4G cài ngay trong nhữn chiếc
điện thoại đã làm các em, và ngay cả những giáo viên lơ là, chểnh mảng trong
việc dạy và học. Lại nữa có bất cứ chuyện gì họ cũng chụp ảnh, quay phim và
nhất là “selfie” ngay trong lớp học, trong sân trường và thậm chí trong… cả nhà
vệ sinh nữa để rồi tải lên các trang mạng xã hội, nhất là facebook để cả thế
giới được nhìn thấy. Trong các thánh lễ thì không tài nào tập trung được một
phút vì ai cũng có điện thoại cài đủ chức năng để liên lạc và giải trí dù trước
thánh lễ đã có thông báo trước. Tuy ở cương vị là người phụ trách chính và
nhiều lúc khá bực mình về những hành động như thế nhưng phải cố nén cơn giận và
dùng lời lẽ nhẹ nhàng để hướng dẫn, dạy dỗ dù biết chúng cũng chẳng nghe mấy
nhưng chỉ cần la lối hay phản ứng gay gắt thì ngay lập tức sẽ bị ghi âm và quay
phim rồi “phóng” lên facebook để cho cả thế giới biết dù chẳng biết ai đúng, ai
sai.
Từ
tháng 6 đến giữa tháng 8 là thời điểm lạnh và người dân Paraguay có một lễ hội
dân gian mang dáng dấp tôn giáo với tên lễ hội là Fiesta San Juan (lễ hội Thánh
Gioan). Tất cả các trường học, công ty, nhà thờ, cơ quan hay xí nghiệp tư nhân
hay nhà nước dù tôn giáo hay không tôn giáo đều tổ chức lễ hội này ở khu vực
của mình vào những ngày cuối tuần. Trong lễ hội thì người ta tổ chức hội chợ có
bán vé. Các thức ăn truyền thống được bày bán và những điệu nhạc, điệu vũ dân
gian của từng vùng miền cũng được biễu diễn rất vui nhộn. Người ta cũng làm
những hình nộm bằng rơm hay bằng vải của nhữn người mà họ không thích rồi được
treo lên những chỗ cao nhất và sau đó sẽ đốt như là một sự trả thù. Trường
chúng tôi cũng vừa tổ chức lễ hội này và thu hút rất đông người tham dự từ khắp
các nơi vì thức ăn truyền thống của trường chúng tôi rất nổi tiếng từ lâu và
những vũ điệu dân ca của các cựu học sinh cũng rất đặc sắc. Số tiền thu được từ
lễ hội này chúng tôi sẽ dùng cho việc bác ái, nhất là giúp đỡ nhữn người có
hoàn cảnh khó khăn trong năm lòng Chúa Thương Xót. Chính trường học chúng tôi
cũng có nhiều học bổng cho các em học giỏi, các em nghèo hiếu học và các em bị
tật nguyền. Chúng tôi cũng khuyến khích và đồng hành với các em học sinh đi
thăm viếng các nhà hưu dưỡng, các tại cô nhi và các trung tâm khuyết tật để các
em cảm nghiệm được sự quan phòng của Chúa.
Hôm nay
là Father’s Day- Ngày Hiền Phụ. Đã lâu rồi chúng tôi quên nhắc đến công ơn của
những người cha dù “lòng” các ngài không “bao la như biển thái bình…”, các ngài
là trụ cột và chỗ dựa vững chắc trong cuộc sống gia đình. Dịp Tết vừa rồi có về
thăm gia đình và gặp lại người cha mỗi ngày tiều tụy do tuổi tác và bệnh tật khiến
tâm trạng buồn tê tái. Trong lòng cứ phân vân mãi khi Tỉnh Dòng Việt Nam muốn
chúng tôi về lại quê hương để làm việc sau nhiều năm xa xứ và cũng để gần với
gia đình thăm viếng cha già tuổi đã về chiều. Chí biết phó thác cho Chúa tất cả
vì “người tính không bằng trời tính”. Xin chúc mừng tất cả những người cha,
người bố; những người đã từng sinh dưỡng chúng con thành người và thành con
Chúa. Happy Fathers’ Day. Xin Chúa ban nhiều ơn lành cho tất cả.