Monday, October 26, 2020

DI DỜI 6 PHẦN MỘ CỦA CÁC BẬC TIỀN BỐI VỀ CÔNG VIÊN PHỤC SINH NHA TRANG

 

Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay

Anh em được sống vui vầy bên nhau. (Tv 133,1)

Cách đây hơn 20 năm, trong một lần nói chuyện với cha Tập sư lúc ấy là linh mục Gérard Trần Lộc, SVD, ngài tâm sự rằng ngài ước mong xây một công viên Phục Sinh tại Nhà Chính để đưa hài cốt của tất cả Quý Cha, Quý Thầy, Quý Dì và những người từng làm việc trong Dòng hiện đang tản mác khắp nơi về yên nghỉ chung với nhau.

 Trước khi ngài qua đời, ngài đã thực hiện ước mơ ấy với việc xây dựng một tượng đài công viên Phục Sinh tại khuôn viên Tập viện lúc ấy, mà bây giờ nằm phía sau Nhà Hưu Dưỡng, và đã qui tụ gần 40 hài cốt của những ân sư và những người từng làm việc trong Nhà Dòng.

Trong những ngày tháng Mân Côi năm nay, với sự đồng ý của Hội Đồng Giám Tỉnh, chúng tôi đã cải táng và di dời 6 phần mộ của các bậc tiền bối ở Phước An- Ninh Thuận và Phước Đồng- Nha Trang để trở về công viên Phục Sinh mà trong đó có vị cựu Tập sư đáng kính ngày xưa.


Linh mục Gérard Trần Lộc, SVD sinh ngày 17/05/1916 tại Kim Châu, Bình Định và qua đời ngày 02/10/2003 tại Nha Trang, Khánh Hòa. Ngài là một trong những vị tiền bối của Dòng Thánh Giuse lúc ấy, và là người rất có công trong việc sáp nhập Dòng Thánh Giuse và Dòng Ngôi Lời hiện nay. Ngài là vị Tập sư lâu năm nhất và vẫn là Tập sư cho đến ngày ngài qua đời năm 2003. Chính ngài là người có ý tưởng xây công viên Phục sinh để qui tụ anh em thuộc Dòng Thánh Giuse trước đây cũng như Dòng Ngôi Lời hiện nay và những người từng làm việc trong Dòng về Ngôi Nhà Mẹ của Tỉnh Dòng Ngôi Lời Việt Nam hiện nay. Ngài là vị cha, vị thầy, vị ân sư của rất nhiều thế hệ trong Dòng, và những ai từng gặp ngài cũng như tiếp xúc với ngài đều nhận thấy nơi ngài toát lên sự đơn sơ, thánh thiện với bộ đồ Pyjama mỗi ngày và chiếc áo Dòng vải thô ngài luôn khoát trên người trong mỗi giờ kinh và các giờ phụng vụ. Chính chúng tôi từng là học trò của ngài đã từng học được rất nhiều từ vị Tập sư khả kính này, và những lời dạy của ngài vẫn còn vang vọng trong tôi đến bây giờ. Trong giây phút linh thiêng đưa hài cốt ngài về công viên Phục Sinh, chúng con xin tri ân cha Gérard khả kính và xin cha tiếp tục phù hộ và cầu nguyện cho Hội Dòng và cho chúng con nữa. 

      Linh mục Francois Nguyễn Đình Kim, SVD sinh ngày 02/06/1928 tại Trà Kiệu, Quảng Nam.
Ngài là một trong những anh em của Dòng Thánh Giuse được thụ phong linh mục đầu tiên vì thời ấy Dòng Thánh Giuse rất hiếm linh mục.
Cha Francois Kim là linh mục quản xứ thứ hai kế nhiệm cha Phaolo Đậu Vương Quyền từ khi Phước An được nâng lên giáo xứ. Ngài được thụ phong linh mục năm 1974 do Đức Cố Hồng Y Phanxico Xavie Nguyễn Văn Thuận phong chức, và cũng được chính Đức Cha Thuận làm giám mục Nha Trang lúc ấy bổ nhiệm làm chính xứ Phước An, kiêm nhiệm Phước Thiện, Liên Sơn và Đá Hàn. Ngài qua đời tại Nhà Xứ Phước An lúc 18.15 thứ Hai ngày 15.10.1984 vì lao lực.

 Khi còn ở Dòng Thánh Giuse, ngài từng làm việc trong vai trò huấn luyện tu sinh, từng là hiệu trưởng trường Trung học Đặng Đức Tuấn ở thành phố Tuy Hòa, và anh em trong Dòng thường nói rằng ngài là một nhà đào tạo hiền lành, dễ thương, gần gũi và được nhiều người quí mến. Từ khi nhận nhiệm vụ làm cha xứ ở Phước An, ngài đã rong ruỗi chăm lo mục vụ những xứ lân cận bao gồm Phước Thiện, Liên Sơn và Đá Hàn. Thời đó việc đi lại khó khăn không như bây giờ nhưng ngài không muốn đàn chiên thiếu vắng mục tử nên đã chạy ngược xuôi đến với đàn chiên đến nỗi bị lao lực và kiệt sức. Có những ngày Chúa Nhật ngài phải dâng 6 thánh lễ. Nhiều giáo dân quí mến ngài nên thường biếu tặng ngài trứng gà, trái cây, và vì ăn nhiều trứng gà và phải làm mục vụ nhiều nhiều nên ngài đuối sức và bị ung thu gan dù đã tận tình cứu chữa nhưng không qua khỏi. Ngày 15.10.1984, sau gần 10 năm làm cha sở ở Phước An, ngài đã từ giã cõi đời để về với Chúa giữa tháng Mân Côi với sự thương tiếc vô vàn của đoàn chiên thiếu vắng mục tử. Ngày 22/10/2020 vừa qua, cũng trong tháng Mân Côi, giáo xứ Phước An, Dòng Ngôi Lời-Giuse, anh em cựu tu Giuse và những người thân yêu của ngài cải táng mộ ngài để đưa về công viên Phục Sinh của Dòng tại Nhà Chính Nha Trang.


Cựu bề trên Dòng Thánh Giuse là tu sĩ Michel Nguyễn Thiếu Hy đáng kính. Ngài sinh ngày 13/12/1909 tại Kỳ Thọ, Quảng Ngãi và qua đời ngày 19/06/2005 tại Nha Trang, Khánh Hòa trong vòng tay thân yêu của anh em trong Dòng với tuổi đời khá cao, 96 tuổi. Chúng tôi được tiếp xúc với ngài khi thời gian còn là chú đệ tử, và lúc ấy ngài đã về hưu nhưng vẫn còn tự học thêm tiếng Anh dù trước đây từng rất giỏi tiếng Pháp. Những anh em lớn tuổi trong Dòng nói rằng trong những năm đầy khó khăn, cựu bề trên Michel đã gánh vác Hội Dòng Thánh Giuse trong vai trò Tổng Phụ Trách (Bề Trên), phải đương đầu với những nghịch cảnh để gởi anh em đi tu học những nơi danh tiếng và ngài đã hy sinh rất nhiều. Chúng tôi còn nhớ cựu bề trên Michel là người có thói quen hút thuốc và đã từng nói với vị bề trên của ngài là ngài đã từ bỏ tất cả, chỉ xin được hút thuốc mà thôi. Con cháu của cựu bề trên Michel thuộc bia kia chiến tuyến hiện đang có địa vị cao nhưng vì sợ liên lụy đến thanh danh nên phải quên đi người thân đáng kính này để yên vị. Ngày bốc mộ cựu bề trên Michel chỉ có đại diện Nhà Dòng và 3 người cháu còn liện hệ lúc ngài còn sống, đến để nhìn nắm tro tàn lần cuối và thắp nén hương nhớ về người ông, người chú đã luôn ước mong con cháu mình nhớ đến Chúa và quay về với Chúa trước khi quá muộn.

Chúng tôi cũng bốc mộ của tu sĩ Boniface Lê Quang Ninh, một vị thầy có dáng người nhỏ bé và sống đúng tinh thần khiêm nhường, khó nghèo và đơn sơ của anh em hèn mọn Thánh Giuse.

 Thầy sinh ngày 08/04/1922 tại Quảng Nam và mất ngày 08/09/2003 tại Nhà Chính ở Nha Trang. Chúng tôi đã cố gắng tìm người thân của thầy để liên lạc trong ngày bốc mộ nhưng không được. Ngày bốc mộ thầy lên chúng tôi cố chụp lại bộ hài cốt thầy trước khi đem đốt bỏ vào chiếc quách nhỏ nhưng chụp mãi vẫn không được dù chúng tôi cũng là dân chụp ảnh. Nhìn thấy bộ hài cốt đã tan rã hết chỉ còn vài chiếc xương nhưng chiếc áo Dòng và sợi dây đeo thánh giá vẫn còn dù áo Dòng thời ấy chỉ bằng vải thô. Ngày thầy qua đời cách đây 17 năm chúng tôi còn nhớ rất rõ là đúng ngày sinh nhật Đức Mẹ. Năm ấy có nhiều anh em trong Dòng qua đời và cũng chính năm đó Nhà Dòng cũng đón nhận tin phong thánh cho vị sáng lập Dòng là cha Arnold Janssen và vị truyền giáo đầu tiên của Dòng tại Trung Quốc là cha Giuse Freinademetz. Chúng tôi cảm phục sự đơi sơ của vị tu sĩ hiền lành này và xin thầy phù hộ cho chúng con.


Thầy Phaolô Nguyễn Bá Sáng, SVD sinh ngày 02/06/1966 tại Buôn Mê Thuột và qua đời ngày 15/01/2003 trong một tai nạn thảm khốc trên đường về dự lễ cưới của đứa em gái. 
Chúng tôi đã từng làm việc với thầy Phaolô Sáng và từng sống chung với thầy trong Học Viện tại Sài Gòn trước khi thầy qua đời. Ngày thầy ra đi khiến anh em học viện cũng như cả Nhà Dòng bàng hoàng vì thầy sắp khấn trọn. Thầy là người rất vui vẻ, hiền lành, đơn sơ và hài hước. Khi nhắc đến thầy Phaolô Bá Sáng thì ai cũng vui vì thầy có nụ cười duyên và luôn làm cho anh em thích thú vì thầy có những câu chuyện dí dỏm. Một kỷ niệm thú vị với thầy khi chúng tôi làm việc ở Nhà Nội Trú Hoa Huệ, lúc ấy là thầy đưa chúng tôi đi bệnh viện để mổ ruột thừa năm 1996 và thầy đã chọc đùa một câu mà đến bây giờ ai cũng nhắc đến kỷ niệm giữa thầy và tôi là “Mần Sạch”, có nghĩa là mổ ruột thừa thì phải “cạo” tất tần tật. Ngày bốc mộ có sự hiện diện của anh chị em trong gia đình thầy, có người em là Nữ tu Dòng Phaolô Đà Nẵng mà ngày thầy mất đang còn trong Tập viện, cũng hiện diện. Gia đình thầy đã xin lại chiếc nhẫn vàng vẫn còn óng ánh mà khi thầy qua đời còn đeo trong tay để làm kỷ niệm. Mới đó mà đã được 17 năm qua đời và nay thầy cũng được đưa về với các bậc tiền bối trong Dòng.


Ông Phêrô Dương Mùi còn được gọi là ông Bốn Mùi, sinh năm 1930 tại Bình Định và qua đời ngày 22/06/2004 tại Nhà Chính ở Nha Trang. Ông là một giáo dân và là người giúp việc lâu năm trong Dòng. Giống như Chí Phèo trong tác phẩm cùng tên của nhà văn Nam Cao, ông Bốn Mùi là người không vợ, không con và không người thân thích. Ông đã từng là giám thị ở Kim Châu, Bình Định trước năm 1975 và sau đó Nhà Dòng đưa ông về Nha Trang khi ông đã về già. Ông còn có biệt danh là ông Bốn ngủ vì ông ngủ chỗ nào cũng được và làm gì cũng tự nhiên cơn buồn ngủ ập đến. Về già ông ít nói và chỉ ậm ừ khi ai hỏi đến. Ông đã ra đi thanh thản và được Nhà Dòng chôn cất như một tu sĩ thực thụ. Ông cũng được Nhà Dòng bốc mộ để đi dời về Dòng như bao vị tiền bối khác vì ông cũng chính là thành viên của Dòng.

Đọc lại sách ông Gióp chương 1, 21; 2,10: “Thân trần truồng sinh từ lòng mẹ, tôi sẽ trở về lòng đất cũng trần truồng. Chúa đã ban cho, Chúa lại lấy đi. Người muốn sao nên vậy: xin chúc tụng danh Chúa. Mình biết đón nhận ơn lành từ Thiên Chúa, còn điều dữ lại không biết đón nhận sao?” tự nhiên bản thân thấm thía làm sao. Ngày chúng ta còn sống với biết bao công việc và tham vọng tràn trề, nhưng rồi sẽ đến ngày chúng ta phải tạm gát lại tất cả khi được Chúa gọi về nằm sâu trong lòng đất mẹ nếu được mai táng. Bẵng đi một thời gian khi người thân chúng ta cải táng mộ về rồi đựng trong một chiếc quách nhỏ để đưa vào một chiếc hộc nhỏ giữa công viên Phục Sinh, chúng ta mới thấm thía Lời Chúa, “vì từ đất, ngươi đã được lấy ra. Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất." (St 3,17-19). Quan sát những bộ hài cốt của các bậc tiền bối mà giờ đây chỉ còn xương với đất bụi mới thấy thân phận con người mỏng giòn làm sao. Vậy thì tại sao chúng ta còn bon chen, còn tranh giành nhau để làm gì!!! 


6 phần mộ trên chúng tôi đã cải táng và di dời về Nhà Nguyện Nhỏ của Nhà Chính trước khi đặt vào công viên Phục Sinh để ngày 2.11 sắp tới đây chúng tôi sẽ dâng thánh lễ cầu hồn cho họ. Xin các vị tiền bối phù hộ cho Nhà Dòng và cho tất cả các thành viên luôn hăng say hoạt động tông đồ theo tôn chỉ và đoàn sủng của Hội Dòng, để một ngày nào đó chúng ta hẹn gặp nhau trên Nước Trời. Chúng con cậy vì Danh Chúa nhân từ cho các đẳng linh hồn, cách riêng các vị tiền bối chúng con vừa được di dời về công viên Phục Sinh, được lên chốn nghỉ ngơi, hằng xem thấy mặt Đức Chúa Trời sáng láng vui vẻ vô cùng. Amen.

Nha Trang ngày 26 tháng 10 năm 2020

Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD

Bề trên Nhà Chính