Monday, December 2, 2019


HÒA LAN – HY VỌNG VÀ ĐỢI CHỜ

Không khí lạnh đã tràn về trên khắp Âu châu nói chung và Hòa Lan nói riêng, và mỗi khi màn đêm buông xuống thì người ta thấy những ánh đèn lấp lánh được trang trí khá bắt mắt chuẩn bị cho một mùa Giáng Sinh sắp đến.
Mùa Vọng đã bắt đầu để chuẩn bị đón mừng Lễ Chúa sinh ra và đây là một mùa Vọng-Giáng Sinh thứ ba chúng tôi sống tại Hoà Lan. Thời gian trôi đi nhanh quá và biết bao điều cũng đã xảy đến trong cuộc sống của mình. Ngồi ngẫm nghĩ lại mới thấy được những điều kỳ diệu Chúa đã thực hiện và mình chỉ là người cộng tác với Ngài.
Với người Công giáo thì mùa Vọng là bắt đầu cho chu kỳ phụng vụ mới và năm nay trở lại năm A với các bài đọc Tin Mừng theo thánh Mattheu. Người thu thuế tội lỗi ngày nào lại được Chúa gọi trở thành tông đồ của Ngài và trở nên nhà viết sử để loan báo Tin Vui của Chúa- Tin Mừng Cứu Độ, Bình An và Hạnh Phúc nếu ai muốn trở nên môn đệ của Ngài. Mùa Vọng có hai ý nghĩa là mùa chuẩn bị đón mừng Chúa sinh ra và mong chờ ngày Chúa quang lâm. Bầu khí của mùa Vọng không u ám như mùa Chay nhưng cũng có vài dấu chỉ diễn tả sự thống hối để đón mừng con Chúa sinh ra trong ngày lễ Giáng sinh.
Người Công giáo thường hay có thói quen là mỗi dịp mùa Chay hay mùa Vọng thường tổ chức những buổi tĩnh tâm để lắng đọng tâm hồn và để làm hòa với Chúa và tha nhân qua bí tích giải tội. Khi chúng ta lãnh nhận bí tích giao hoà, chúng ta mới nhìn nhận ra con người bất toàn, mỏng dòn và yếu đuối của mình để biết yêu thương hơn và biết thế giới này có Đấng Công Minh sẽ thưởng phạt những việc ta làm và sẵn sàng tha thứ nếu ta lạc lối và biết quay trở về. Nhiều người nghĩ khi xưng tội với một linh mục là không xứng vì linh mục cũng chỉ là con người bình thường với những tham-sân-si của kiếp làm người. Tuy nhiên linh mục là người được thánh hiến qua bí tích truyền chức nên qua linh mục- khí cụ của Thiên Chúa, chính Chúa là người lắng nghe, tha thứ và ban ơn cho chúng ta để chúng ta trờ thành con cái của Người.
Chuyến viếng thăm mục vụ của Đức Thánh Cha Phanxico đến hai quốc gia Á châu là Thái Lan và Nhật Bản vào cuối tháng 11 vừa qua đã để lại nhiều dấu ấn cho người dân ở xứ Chùa Vàng và xứ Phù Tang vốn là những quốc gia có số phần trăm người Công giáo khá khiêm tốn. Nhiều người Việt trong nước cũng như hải ngoại đã tìm cách đến hai quốc gia này để được tận mắt chứng kiến vị đại diện của Chúa ở trần gian, và ước mong một ngày nào đó Đức Thánh Cha cũng viếng thăm quê hương Việt Nam với một lịch sử oai hùng của biết bao thánh tử đạo và lòng nhiệt thành phụng sự Chúa của người công giáo thuộc 27 giáo phận. Ước muốn ấy khá đơn giản nhưng khó thành hiện thực vì các quốc gia vô thần cộng sản không mấy quan tâm đến các tôn giáo và cũng chẳng cần biết các tôn giáo mong muốn điều gì ngoại trừ muốn các tôn giáo ấy phải biết tuân phục chính quyền như những bầy cừu.
Những ngày cuối tháng 11 cũng là tháng cao điểm của những cuộc biểu tình ở Hongkong và qua truyền thông chúng ta thấy có những cuộc đụng độ đẫm máu giữa chính quyền và tầng lớp trí thức ở các trường đại học. Kết quả là nhiều giáo sư lẫn sinh viên bị đánh đập, bắt bớ và cầm tù chỉ vì cất lên tiếng nói dân chủ cho quyền con người nhưng bị chính thể độc tài đàn áp thô bạo và nhiều người chỉ nhìn bề ngoài những gì xảy ra  hay muốn an phận thì cho là rằng những người biểu tình đó là điên khùng, thiếu suy nghĩ. Ngay cả chuyện mới xảy ra ở Hà Nội khi có vài em sinh viên công giáo đi nhặt thai nhi ở các trung tâm phá thai hay các thùng rác y tế để về chôn cất cho tử tế cũng bị nhiều người rượt đuổi, đánh đập và cho rằng các em này bị điên khùng. Tuy nhiên, nếu ta bình tĩnh xem xét lại thì những việc làm ấy thật đáng khâm phục vì ai cũng mong muốn sống có mục đích, có ý nghhĩa và thánh Phaolo cũng đã từng nói trong thư của ngài: Cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người.” (1Cr 1, 25).
Thế giới hiện nay với biết bao bất công, lãnh đạm, thờ ơ và nhiều người chỉ biết sống cho mình và cho rằng không còn niềm tin nữa. Tuy nhiên, trong bóng đêm vẫn còn có những tia sáng đâu đó để soi chiếu và chính nhờ những ánh sáng ấy mà nhiều người có thể đến nơi mà họ muốn đến. Cuộc sống này vẫn còn có nhiều điều hay mà chúng ta cần phải khám phá và mùa Vọng chính là mùa mà chúng ta có nhiều hi vọng để có thể đạt đến điều chúng ta mong chờ. Chúa Giêsu đã đến, đang đến và sẽ đến trong cuộc sống của chúng ta nhưng Ngài luôn tôn trọng sự tự do của chúng ta và mong muốn chúng ta có một sự thay đổi tận căn. Đứng truớc những nghịch cảnh của cuộc sống nhiều lúc làm chúng ta chùn bước và tự hỏi liệu chúng ta có vượt qua được những chướng ngại đó không. Cuộc bầu cử địa phương ở Hongkong đã toát lên tia hi vọng cho một thể chế dân chủ khi các đảng phái thân cộng đều thất bại và nhưỡng chỗ cho những tiếng nói bênh vực cho tự do và công lý.
Thời ông Noe, dân chúng mải mê ăn chơi thoải mái, trong khi gia đình ông Noe lại tất bật với việc đóng tàu. Dân chúng đi qua đó, thấy đó, nhưng họ lại chẳng lưu tâm gì với những điều Kinh Thánh đã loan báo. Có lẽ ông Noe cũng đã thông tin cho nhiều người chung quanh, khi họ hỏi ông đóng tàu làm gì, nhưng họ đâu có tin ông, vì họ đang mê mải ăn chơi, hưởng thụ. Chính thái độ thiếu tỉnh thức ấy đã khiến cho họ chết vùi, chết thảm trong trận hồng thuỷ thời bấy giờ. Mùa Vọng là mùa giúp chúng ta phải cảnh tỉnh trước những dấu chỉ thời đại và đừng nên thờ ơ trước những gì đang diễn ra xung quanh chúng ta.              
Hôm nay giáo hội mừng kính thánh Phanxico Xavie, tu sĩ Dòng Tên- bổn mạng các xứ truyền giáo. Chúng tôi có dịp đến thăm ngôi làng và nhà riêng của vị thánh nhân này ở Tây Ban Nha nơi ngài từng sống những năm thiếu thời với gia đình trước khi đến đến Pháp học hành rồi trở nên nổi tiếng, và sau đó trở thành một tu sĩ Dòng Tên. Cuộc đời của thánh Phanxico thật đáng ngưỡng mộ vì sinh ra trong một gia đình quyền quý, học hành khoa bảng, bằng cấp đầy mình, giảng dạy ở một truờng danh tiếng tại Pháp nhưng đã từ bỏ tất cả chỉ vì theo gương Chúa Giêsu “Lời lãi được cả thế giới mà mất linh hồn thì được ích gì” (Mt 16,26). Ngài đã đến vùng đất Viễn Đông ở Á châu để rao giảng Tin Mừng và được mệnh danh là Tông đồ của châu Á khi những quốc gia giàu truyền thống về Phật-Lão-Khổng như Nhật Bản, Ấn Độ hay Trung quốc đều đón nhận Tin Mừng nhờ tài giảng thuyết và tài hùng biện của một nhà trí thức như ngài và các nhà truyền giáo Dòng Tên. Từ nhỏ chúng tôi đã mong có một ngày trở thành tu sĩ Dòng Tên nhưng không có duyên và cuối cùng cũng trở thành nhà truyền giáo với một tên khác của Ngôi Hai Thiên Chúa là Dòng Truyền giáo Ngôi Lời. Bôn ba nhiều năm ở Á châu, Mỹ La-tinh, Âu châu và sắp tới đây nếu Chúa muốn sẽ đến một châu lục khác để làm mục vụ cho những người kém may mắn nếu sức khoẻ của mình cho phép. Nhìn lại cuộc đời trôi nỗi của mình với biết bao thăng trầm nhưng so với thánh Phanxico Xavie thì chỉ là hạt cát trên sa mạc. Chúng tôi rất yêu quí ơn gọi truyền giáo nhưng lực bất tòng tâm và cảm thấy nhiều lúc cũng hơi nhụt chí trước những lời gièm pha, chỉ trích của người khác. Tuy nhiên vẫn còn nhiều hi vọng vì những người bạn chân tình ở bên cạnh quan tâm, cầu nguyện và nhìn vào tấm gương của các vị thánh, cách riêng vị thánh Phanxico Xavie, một trong những thần tượng của mình mà cố gắng đứng lên. Xin thánh Phanxico Xavie luôn đồng hành và phù hộ cho con để con biết đứng dậy dù nhiều lần vấp ngã và xin ngài giúp con luôn biết cậy vào Chúa chứ đừng ỷ lại với sức mình. Mừng lễ Giáng Sinh và Năm Mới đến tất cả mọi người và chúng ta tiếp tục cầu nguyện cho nhau.     
                                                Hòa Lan, 03 tháng 12 năm 2019- lễ thánh Phanxico Xavie,
Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD.