HÒA LAN – KHI CHÚA THUƠNG
GỌI CON VỀ
Một bài hát khá nổi tiếng của linh
mục nhạc sư Kim Long thường được hát vào lễ an táng, lễ giỗ hay tháng các linh
hồn là nhạc phẩm “Ngày Về” với lời điệp khúc trực tiếp:
Khi Chúa thương gọi con về, hồn con hân hoan
như trong một giấc mơ. Miệng con nức vui tiếng cười, lưỡi con vang lời ca hát.
Ngàn dân tung hô: con thật vinh phúc.
Bài hát này hầu như ai cũng thuộc vì diễn tả được tình yêu của Chúa với con cái
Ngài.
Tuy nhiên, trong dịp lễ 50 năm linh mục của nhạc sư Kim Long thì nguời
ta mới khám phá nguyên nhân ra ra đời của nhạc phẩm bất hủ này chính là lúc người
nhạc sĩ tài hoa đang giúp xứ thì được giám mục gọi về tĩnh tâm để chuẩn bị lãnh
chức thánh, và vì quá vui mừng nên xuất khẩu thành… nhạc để ca tụng Thiên Chúa
vì những hồng ân bao la mà Ngài đã thuơng ban. Nhưng bài hát từ niềm vui đón nhận
chức thánh thì biến thành niềm hân hoan về … nhà Cha trên trời. Và từ đó bài hát
trở nên bất hủ trong các dịp lễ an táng và cầu hồn, và linh mục nhạc sư vui tính
của chúng ta cũng không muốn đính chính, cứ để hồn bài hát bay xa, vang xa mãi vì trọn đời linh mục
của ngài đã cống hiến cho nền thánh nhạc Việt Nam nên những gì ngài viết ra cũng
thuộc về giáo hội, thuộc về Chúa .
Với người Công giáo, chết là trở về
nhà Cha trên trời, nơi mà không còn đau khổ, không còn tham-sân-si, nơi mà con
người nhận được hạnh phúc viên mãn. Tuy nhiên, không ai muốn đón nhận đau khổ,
nhất là sự chết vì cái chết là một điều gì đó rất đau thương, thảm khốc, nhất là
những nguời chết trẻ và chết đột ngột, chứ không giống như linh mục nhạc sư hài
hước kia trong lời trần tình bài hát của mình là thật vinh phúc khi được Chúa gọi.
Có lẽ ai cũng có người thân qua đời và đều cảm nhận được sự mất mát lớn nếu những
người thân yêu đó ra đi bất thình lình.
Nhiều truyền thống văn hóa hay tôn giáo rất tối kỵ khi nói về sự chết.
Tuy nhiên, nguời Công giáo chúng ta không ngần ngại nói về điều tối kỵ ấy, và
chính Đức Giêsu cũng đã bày tỏ cho các môn đệ của Ngài trên đường đi Giêrusalem
là Ngài sẽ chịu bắt bớ, chịu đóng đinh và chịu chết nhưng sau ba ngày sẽ sống lại.
Người Phật giáo thường nói có sinh thì ắt có tử và họ chỉ dừng ở đó. Tuy nhiên,
nguời Công giáo chúng ta lại tiến xa hơn là Sinh-Tử-Phục Sinh, nghĩa là ai cũng
được sinh ra, ai cũng phải chết nhưng sẽ có ngày sống lại và đó chính là sự sống
vĩnh cửu mà con người hằng mơ ước.
Cố nhạc sỹ Phạm Duy đã từng tâm sự trong nhạc phẩm “Những
Gì Đem Theo Về Cõi Chết”: Rồi mai đây tôi sẽ chết, trên đường về nơi cõi hết,
tôi sẽ đem theo với tôi những gì đây? Rồi mai đây tôi hóa kiếp, trong lòng còn
bao luyến tiếc, tôi sẽ đem theo với tôi những gì đây?... Ngày chúng ta ra
đi sẽ không mang theo được gì ngoài bộ đồ mặc trên người và được bỏ vào trong
quan tài trước khi đi hoả táng hoặc mai táng. Trong tư cách là linh mục, chúng
tôi đã chứng kiến biết bao cuộc ra đi của người thân hay những nguời mình quen
biết hoặc những giáo dân của mình. Thành thật mà nói cuộc ra đi nào cũng thấm đẫm
nước mắt dù người ta biết rằng những nguời ra đi sẽ được hạnh phúc vì không còn
phải khổ đau với bệnh tật hay lo lắng chuyện đời.
Theo truyền thống của người Công giáo thì tháng 11 là tháng nhớ đến các
linh hồn, nhớ những nguời đã khuất, và nguời Công giáo ở Việt Nam thường viếng
thăm và dọn dẹp mồ mả của những người đã qua đời như là một sự biết ơn, luyến
tiếc. Nguời ta cũng tổ chức cầu nguyện vào những dịp lễ giỗ và xin lễ cầu hồn để
nhớ đến nguời quá cố. Rời Việt Nam đã lâu và mỗi dịp về thăm quê hương cũng thỉnh
thoảng dâng lễ an táng cho những nguời qua đời trong giáo xứ và sống lại những
ký ức tốt đẹp của người Việt mình. Hơn hai năm ở Hoà Lan nơi có nhiều người Việt
tỵ nạn sinh sống và họ vẫn còn giữ đậm bản sắc tốt đẹp của người Việt nên chúng
tôi cũng được mời dâng các thánh lễ giỗ, lễ cầu hồn hay lễ an táng theo nghi thức
Việt Nam cũng giúp chúng tôi hiểu và ý thức hơn về nguồn cội Việt của mình để sống
đúng với vai trò của một nguời con đất Việt là kính mến Chúa và thảo hiếu với các
bậc tổ tiên mình.
Người Hòa Lan bản địa và các sắc dân khác sinh sống ở
Hòa Lan cũng nhiều, nhưng họ rất khác với người Việt về vấn đề kính nhớ tổ tiên
và những người đã khuất. Chúng tôi đã tham dự những nghi lễ an táng của họ và cảm
thấy bi quan về những ngày cuối đời của mình. Một người Việt qua đời thì nghèo
cách mấy cũng được đọc kinh, cầu lễ và mọi người tham dự sốt sắng nên ấm cúng làm
sao. Còn bên này sau khi một nguời qua đời, họ đóng trong quan tài và gởi vào
phòng lạnh, rồi chỉ cho phép thăm vào những giờ qui định cho đến ngày hoả táng
hay mai táng mới đem ra nhà thờ và chỉ có những nguời quen biết hay được mời tới
tham dự rồi xong. Ngay cả các linh mục cùng Dòng từng làm việc truyền giáo nhiều
năm ở nước ngoài, nay về Hoà Lan nghỉ hưu và khi ra đi cũng chỉ được một thánh
lễ với 3 linh mục đồng tế và số người tham dự chỉ vài chục người, sau đó đem ra
nghĩa trang mai táng, rồi thôi. Nếu xét về phương diện con người thì buồn thật.
Tuy nhiên, cuộc sống của chúng ta giống như một sân khấu,
có khởi đầu, có kết thúc, có mở màn và có lúc hạ màn. Đôi lúc có thể chúng ta
diễn không hay lúc ban đầu vì chưa thuộc kịch bản hay vì lý do nào đó khiến chúng
ta không làm tốt vai diễn của mình. Rồi một khi đã quen với sàn diễn do kinh
nghiệm sống nên chúng ta phải tiếp tục diễn để vỡ kịch cuộc đời ngày một hay hơn.
Và chắc chắn ai cũng muốn được vỗ tay khen ngợi khi màn ảnh của sân khấu cuộc đời
ta khép lại, đó là lúc chúng ta phải trở về với cát bụi và ngày đó người đạo diễn
tài tình là chính Thiên Chúa sẽ không hỏi chúng ta là đóng vai chính hay vai phụ
nhưng sẽ hỏi chúng ta là chúng ta có làm tốt vai diễn cuộc đời của chúng ta không.
Chúa có thể viết thẳng dễ dàng trên các đường cong vì Người là Thiên Chúa nhưng
Nguời muốn chúng ta phải cộng tác với Người để cho thế giới này ngày một tốt hơn
vì Người tôn trọng sự tự do của chúng ta.
Khi Chúa thuơng gọi con về. Lời mở đầu bài hát cho ngày lãnh chức thánh
lại trở thành bài hát nói về sự chết, và nói như lời chia sẻ của thánh nữ Têrêsa
Avila trên đường đi lập đan viện Burgos, thánh nữ gặp phải nhiều đau khổ nên đã
thốt ra những lời sau đây: “Ôi lạy Chúa, phần thưởng của Chúa dành cho kẻ phục
vụ toàn là những thử thách gay go”. Thánh nữ liền được nghe tiếng Chúa nói: “Đó
là cách Ta đối xử với các bạn thân của Ta!” Têrêsa đáp lại: “Đúng rồi, có gì lạ
đâu, chính vì thế mà Chúa có ít bạn tâm phúc!”. Và người Việt chúng ta thường
có câu: Thuơng cho roi, cho vọt. Nhưng có lẽ nhiều người chúng ta rất sợ Chúa
“thương” nên khi những đau khổ hay sự chết ập đến chúng ta thường than trách
Chúa. Hãy để Chúa thuơng chúng ta theo cách của Nguời và chúng ta cũng sẵn sàng
đáp lại như cậu bé Samuel ngày xưa: “Lạy Chúa, xin hãy nói vì tôi tớ Chúa đang
lắng tai nghe” (1 Sm 3,9).
Giá trị cuộc đời con người không hệ trọng ở việc sống
thọ, sống lâu, nhưng hệ tại ở chỗ là mình sống như thế nào. Đức Cố Hồng Y Fx.
Nguyễn Văn Thuận đã từng nói: “Chiều cao của đời tôi là gì? Là trung thành với
Thiên Chúa, với Hội thánh, với Tổ tiên, với Tổ quốc. Chiều rộng của đòi tôi là
gì? Là trưởng thành đối với gia đình, cộng đoàn và xã hội. Chiều dài của đời
tôi là gì? Là Tín thành với bằng hữu, với mọi người” (trích Thập Đại Thành
Công).
Thực tế đã cho chúng ta thấy, cũng là con người nhưng
có những cái chết cô đơn, ít người thương tiếc. Trái lại có những cái chết ý
nghĩa, được mọi người luyến tiếc, nhớ mãi. Có những người chết trẻ mà “tiếng
thơm” lan rộng, nhưng có những người chết già mà lại toàn thiếng xấu. Đó là phần nào kết quả của những gì mình đã
nói, đã làm, đã nghĩ và đã sống ở trần gian. Vậy phải sống sao cho xứng, sao
cho “thơm” trên dòng đời nhiều trôi nổi, lắm đổi thay với nhiều xu thế xấu tốt
luôn rình rập. Đáp lại điều đó, chính Đức Kitô đã mời gọi mỗi chúng
ta: “Không tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người hiến mạng sống mình vì
bạn hữu” (Ga 15,13).
Những ngày cuối tháng
10 vừa qua cả thế giới bàng hoàng khi nguời ta phát hiện ra một chiếc xe
container đông lạnh chở 39 người trái phép vào nuớc Anh đều bị chết vì cóng, và
những người di dân xấu số ấy đều là người Việt ở các tỉnh phía Bắc. Vì mưu cầu
hạnh phúc, vì cơm áo gạo tiền, vì đời sống bất an nên người ta đã tìm đủ mọi cách
để vượt biên tìm kiếm bền bờ tự do và cuộc sống ấm no nơi xứ người nhưng không
may lại gặp phải những hoàn cảnh éo le và những cái chết tức tưởi ấy. Hơn 40 năm
về trước, hàng triệu người Việt cũng đã bỏ nước ra đi để tìm kiếm bến bờ tự do
nhưng cuộc ra đi ấy đã cướp đi bao nhiêu mạng sống làm mồi cho biển cả hay trở
thành nạn nhân của những vụ cướp biển kinh hoàng. Chỉ có một số ít may mắn hiện
giờ đang sống ở các nước văn minh nhưng trong lòng vẫn còn nhiều điều bất an vì
nhiều người vẫn còn cảm giác sợ hãi khi nhắc lại những cuộc vượt biên khủng khiếp
ấy. Có nhiều điều không thể nói ra vì nhạy cảm nhưng cũng phải thành thật nhận định
rằng người ta bỏ nước ra đi cũng chỉ vì cuộc sống bấp bênh về kinh tế, chính trị
hay ý thức hệ và người ta chỉ trở về khi quốc gia họ đảm bảo về nhân quyền, tự
do và cuộc sống ấm no hạnh phúc. Hàng năm tháng 11, tháng các linh hồn, họ cũng
thắp lên những nén hương lòng để cầu cho những người xấu số trên đường vượt biển
và những người bị coi là mất tích mà đến nay vẫn chưa biết sống chết thế nào.
Tuần đầu tiên của tháng 11 chúng tôi tham dự kỳ tĩnh tâm năm tại Nhà Mẹ ở
Steyl, Hòa Lan giáp biên giới Đức. Kỳ tĩnh tâm thinh lặng hoàn toàn này chúng tôi
có dịp sư nghĩ về đời tu của mình và chuẩn bị cho một sứ vụ mới mà chưa biết sẽ
đi về đâu. Trong những ngày tĩnh tâm này chúng tôi được sống với các vị bề trên
tổng quyền và những vị giáo sư danh tiếng một thời của Dòng nay đã về hưu nhưng
sống rất đơn sơ và khiêm nhường. Ở đây cũng hội tụ các Tu Huynh không linh mục
mà đa số là người Đức là những bậc thầy về hội hoạ, nhiếp ảnh, kiến trúc… đã cống
hiến cả đời mình cho Hội Dòng qua tài năng của mình. Người Việt Nam thường nghĩ
là những người đi tu làm linh mục không được thì mới làm Tu Huynh nhưng đừng lầm
tưởng như thế vì có những người dư khả năng để trở thành linh mục nhưng họ vẫn
muốn trở thành những Tu Huynh để vừa phục vụ Chúa, vừa có thể dâng hiến cả đời
mình cho nghệ thuật hay cho lý tưởng như các Tu Huynh của Dòng Ngôi Lời, Dòng
La Salle, Dòng Trợ Thế Gioan Thiên Chúa… Có những giờ riêng để gặp gỡ nói chuyện
và chia sẻ về đời sống nội tâm với các ngài để được các ngài linh hướng mới thấy
được sự thánh thiện và thông thái của các ngài. Vị cựu bề trên tổng quyền người
Đức cách đây gần 25 năm chúng tôi đã từng gặp nhau ở Việt Nam, nay ngài đã chống
gậy nhưng vẫn minh mẫn và vẫn còn nhớ người vô danh tiểu tốt như chúng tôi mới
thấy được các vị có một trí nhớ tuyệt vời và đầu óc sáng suốt dù tuổi đời đã gần
90. Những chuyện chúng tôi chia sẻ về đời sống cộng đoàn hay đời sống mục vụ mà
đối với mình thì rất khó khăn nhưng với các ngài những chuyện ấy đều đã trải
qua và các ngài giúp chúng tôi cách nhẹ nhàng để đối phó trước mọi nghịch cảnh.
Cũng may ngôn ngữ mình cũng tạm đủ để nói những gì mình cần nói nên lòng cảm thấy
nhẹ nhõm khi trút được những bầu tâm sự trước khi đưa ra quyết định. Chúng tôi
cũng thăm viếng nghĩa trang của Dòng nơi chôn cất các thế hệ cha anh từng xây dựng
Hội Dòng và có dịp khám phá những nơi thánh của Dòng mà trước đây chỉ học qua sách
vở hay chỉ thăm thoáng qua. Nhìn trên bia mộ ghi danh tên tuổi cũng như ngày
sinh và ngày tử của các bậc tiền bối vang bóng một thời nhưng nay nằm sâu trong
lòng đất mới thấy cuộc sống con người thật mỏng manh. Nhớ lời Thánh Vịnh 48 nói
về của đời phù vân, có viết: “… Dù sống trong danh vọng, con người cũng
không thể trường tồn. Thật nó chẳng khác chi, con vật ngày kia cũng phải chết”.
Qua những cuộc tĩnh tâm mới làm cho lòng mình lắng đọng mà biết suy nghĩ về
chuyện đời, chuyện người. Và cũng chính nhờ những cuộc tĩnh tâm giúp chúng tôi
khám phá ra con người thật của mình cũng như những việc mình làm có đúng theo ý
Chúa hay chỉ làm theo ý mình.
Sự sống này chỉ thay đổi mà không mất đi như lời Kinh
Thánh đã nói nhưng khi ai đó lìa khỏi cõi đời này, nhất là những người thân yêu
của chúng ta thì thường làm chúng ta rơi lệ. Dẫu biết cuộc sống là vô thường
nhưng ai cũng muốn sống lâu, sống thọ nhưng rồi một lúc nào đó chúng ta phải dừng
cuộc chơi ở cõi tạm này. Tin Mừng Chúa Nhật 32 thường niên C vừa qua là câu trả lời rõ ràng nhất về cuộc sống mai hậu nơi
mà con người sống như những thần linh và không còn phải lo cơm áo gạo tiền, chết
chóc hay cưới xin nữa vì Thiên Chúa là tất cả, Người là Thiên Chúa của những người
sau khi hoàn tất cõi tạm này đáng được hưởng vinh quang với Người trên thiên quốc.
Người là Thiên Chúa của người sống chứ không phải của người chết.
Hôm nay là lễ giỗ người Mẹ thân yêu chúng tôi qua đời cách đây 7 năm khi
tôi còn đang làm việc ở Paraguay. Sự ra đi đột ngột của nguời Mẹ hiền là một cú sốc rất lớn với
tôi dù chúng tôi biết rằng sớm muộn gì thì ai cũng phải chết. Bảy năm trôi qua
nhưng trong lòng chúng tôi ngày nào cũng nhớ đến người Mẹ hiền và nhiều lúc trong
mơ cũng nhớ về Mẹ với những ngày tháng được Mẹ quan tâm, chăm sóc, nhất là ngày
Mẹ lo lắng đến lã nguời khi chúng tôi bị nhiễm trùng máu lúc được giải phẫu ở bệnh
viện cách đây gần 30 năm. Chỉ có Mẹ là nguời luôn yêu thương, tha thứ và cho đi
tất cả dù Mẹ chẳng có gì. Bởi thế, những ai còn có mẹ hãy biết yêu thương, quan
tâm đến mẹ mình nhiều hơn vì mẹ chính là viên ngọc quí, là thiên thần hộ mệnh của
những người con dù khi tuổi của các mẹ ở xế chiều đôi lúc có làm phiền lòng con
cái. Đời sống tu sĩ truyền giáo lắm lúc cũng gặp những khó khăn, cạm bẫy và những
lúc ấy rất cần đến mẹ để giãi bày tâm sự cho vơi đi vì mẹ chính là người đáng
tin nhất nhưng tiếc thay mẹ không còn trên cõi đời này nữa. May thay chúng tôi
còn có nguời Mẹ Hiền trên thiên quốc và chính nguời Mẹ này luôn từng bước dìu đắt
chúng tôi và nâng đỡ tôi những lúc tôi vấp ngã. Xin Mẹ Maria luôn đồng hành với
con trong suốt hành trình nơi duơng thế này. Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời cầu
cho chúng con là kẻ có tội khi này và trong giờ lâm tử, Amen.
. Hòa Lan, 11 tháng 11 năm 2019-
Giỗ 7 năm của người Mẹ thân yêu
Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD.