Wednesday, April 24, 2019


HÒA LAN – MỘT MÙA PHỤC SINH NHIỀU CẢM XÚC


Sáng Chúa Nhật cuối tháng 3, khi chúng tôi đang chuẩn bị dâng thánh lễ rửa tội cho một người dự tòng 74 tuổi ở Almere thì nhận được tin báo từ Việt Nam là người Cha thân yêu vừa trút hơi thở cuối cùng. Dù đã chuẩn bị tâm lý từ trước, nhưng khi nhận được tin đột ngột này trong lòng buồn vô hạn và cảm thấy trống vắng vì kể từ đây chúng tôi hoàn toàn mồ côi vì người Mẹ kính yêu cũng qua đời đột ngột cách đây vài năm khi chúng tôi còn làm việc ở Paraguay.
Những công việc chuẩn bị cho những ngày tĩnh tâm với các giáo khu Việt Nam cũng như xứ Hòa Lan và Tây Ban Nha phải nhờ người khác giúp để chúng tôi trở về Việt Nam thọ tang thân phụ. Chuyến bay từ Hòa Lan về Việt Nam gần hơn chuyến bay từ Paraguay năm xưa gần nửa chặng đường nên chúng tôi cũng có mặt bên gia đình sớm hơn.
Những ngày đầu tháng 4 năm nay lại đúng dịp các linh mục tĩnh tâm, giải tội trước khi bước vào Tuần Thánh nên Đức giám mục giáo phận nơi gia đình chúng tôi sinh sống muốn cử hành thánh lễ một ngày thuận tiện để các linh mục có thể đồng tế an táng cho ông Cụ. Các anh em linh mục, tu sĩ cùng Dòng tại Việt Nam cũng đến viếng và tham dự rất đông dù anh em đang làm việc ở các nơi xa nhau. Sự hiện diện của 2 giám mục, các linh mục đồng tế, các tu sĩ nam nữ và bà con trong giáo xứ trong những ngày tang lễ cũng phần nào an ủi, động viên cho gia đình và chúng tôi dù bản thân chúng tôi không giúp được gì cho giáo phận và Tỉnh Dòng ở Việt Nam từ ngày chịu chức mà chỉ làm việc ở các xứ truyền giáo.
Thế là Ba tôi đã ra đi sum họp với người Mẹ mà không lúc nào chúng tôi quên được. Những ngày ở Việt Nam với gia đình để lo lắng cho đám tang Ba mới thấy được tình làng nghĩa xóm của người dân Việt, nhất là những người Công giáo hiền lành và đạo đức qua những lời kinh, bài hát cầu hồn bên quan tài và tham dự thánh lễ sốt sắng khi có một linh mục đến dâng lễ. Chúng tôi cũng được an ủi khi những người đồng hương bên Hòa Lan, Đức, Bỉ, Nauy, Pháp, Hoa Kỳ… đã phân ưu, cầu nguyện dù họ chỉ mới biết chúng tôi từ ngày chúng tôi đến Âu châu. Các anh em cùng Dòng từng làm việc với tôi bên Nam Mỹ cũng như bên Hòa Lan cũng đã điện thoại chia buồn và hiệp ý cầu nguyện. Đời tu là thế vì mình đâu có làm những việc gì to tát ngoài sự hy sinh quên mình trong sứ vụ của mình vì mình nhận nhưng không thì cũng cho nhưng không. Xin cảm ơn tất cả mọi người cũng vì tình thương bằng cách này hay cách khác đã đồng hành với chúng tôi trong những ngày đau buồn nhất về sự ra đi của thân phụ chúng tôi và xin Chúa trả công bội hậu cho quý vị.
Sau khi lo đám tang cho ông Cụ, chúng tôi phải quay về Hòa Lan vào những ngày cao điểm của Tuần Thánh để lo việc mục vụ của mình. Dù người dân ở đây họ không tham dự thánh lễ ngày thường hay Chúa Nhật như người Việt mình, họ tham dự sốt sắng các ngày trong Tam Nhật Thánh. Mỗi ngày chúng tôi phải lo soạn các bài giảng bằng những thứ tiếng khác nhau. Tối thứ Bảy Vọng Phục sinh có lẽ là ngày mệt nhất vì thánh lễ tiếng Hòa Lan lúc 21.00 có rửa tội cho 1 người lớn. Ca đoàn Hòa Lan khi hát là hát đầy đủ không bỏ phiên khúc nào nên thánh lễ kéo dài gần 3 tiếng đồng hồ. Gần 1 giờ sáng Chúa Nhật mới về đến nhà nhưng 7 giờ sáng lại phải đón Metro dâng lễ Hòa Lan cho một giáo xứ khác. Ngày lễ trọng nên các phương tiện giao thông công cộng rất ít và đành phải chờ lâu. Thiếu ngủ, di chuyển nhiều, làm việc trí óc nhiều nên sau thánh lễ II của ngày Chúa Nhật Phục Sinh chúng tôi cảm thấy kiệt sức và về đến nhà là nằm liệt luôn. Cũng may là Chúa chưa thương nên chưa gọi về và để chúng tôi tiếp tục bay nhảy, làm việc sau một ngày nghỉ ngơi để kịp hồi sức.
Người ta thường nói trăm nghe không bằng một thấy. Và nhiều khi những điều mình thấy sờ sờ trước mắt nhưng cũng chưa chắc là sự thật 100% cho đến khi chúng ta hiểu đúng về nó. Có lẽ kinh nghiệm trong đời sống truyền giáo đã dạy chúng tôi nhiều điều là đừng vội kết luận điều gì quá sớm khi chưa hiểu và sống về điều đó. Lúc này chúng tôi làm việc nhiều hơn với người Hòa Lan nên chúng tôi bắt đầu hiểu họ nhiều hơn và thấy rằng họ thật sự là những người sống đạo bằng cả con tim. Nhiều người đã nghỉ hưu và hàng tháng họ lãnh lương từ chính phủ mà không cần làm gì. Ấy vậy mà chúng tôi thấy họ đi làm thiện nguyện ở các nhà Dưỡng Lão, các thư viện, các trại di dân… hoàn toàn tự nguyện theo ngành nghề trước đây của họ. Chính chúng tôi cũng được 3 nhà giáo nghỉ hưu người bản xứ giúp đỡ trong việc học ngôn ngữ và kiến thức về đất nước Hòa Lan hoàn toàn miễn phí từ ngày chúng tôi đặt chân đến đây nên chúng tôi cũng hiểu biết được nhiều điều. Ở đây người ta không quan trọng chức vụ, bằng cấp hay tuổi tác mà người ta chỉ quan trọng là chúng ta sống thế nào. Có thể lúc đầu chúng tôi còn thấy bỡ ngỡ và lạ lẫm vì ở Việt Nam hay bên Nam Mỹ nơi chúng tôi từng làm việc thì linh mục luôn được coi trọng và đề cao thái quá đến nỗi nếu linh mục có điều gì sai trái thì cũng dễ bỏ qua. Còn bên này ai cũng như ai và mọi người đều phải chu toàn bổn phận và nghĩa vụ của mình.
Những ngày ở Việt Nam chúng tôi cũng ngồi tòa giải tội ở một số giáo xứ dịp mùa Chay và cảm thấy các sinh hoạt tôn giáo ở Việt Nam nhộn nhịp và sống động quá. Chúng tôi ước gì những nơi mình phục vụ ở đây cũng được một phần như thế nhưng điều ước đó thật xa vời vì con người càng văn minh hiện đại thì luôn tỉ lệ nghịch với đời sống tinh thần và đa số giới trẻ ngày nay dần dần xa rời tôn giáo do chủ nghĩa thực dụng và sự tự do thái quá. Sự kiện nhà thờ Đức Bà Paris, trái tim của nước Pháp bị cháy ruội vào đầu Tuần Thánh là lời cảnh tỉnh cho người dân Pháp nói riêng và dân Âu châu nói chung biết tìm về cội nguồn Ki-tô giáo của mình trước sự bành trướng thầm lặng của người Hồi giáo và chủ nghĩa thế tục đang nổi lên mạnh mẽ ở Âu châu. Nhìn thấy người dân thổn thức cầu nguyện trước ngôi nhà thờ đang cháy mới thấy rằng Chúa có cách của Ngài để chuyển bại thành thắng, biến đau thương thành hành động. Từ đây người dân Pháp sẽ cùng nhau tái thiết ngôi Thánh Đường từng được xem là biểu tượng của một Trưởng Nữ Giáo Hội, và biết đâu trong tương lai người ta sẽ “tái thiết” đền thờ tâm hồn của họ để quay trở lại thời kỷ của các thánh từng vang bóng một thời của giáo hội Pháp.
Những ngày ngắn ngủi ở Việt Nam chúng tôi cũng ghé thăm nghĩa trang thai nhi ở Kontum, một thành phố nhỏ ở miền núi do một linh mục tổng đại diện giáo phận và một nhóm thiện nguyện không phân biệt lương giáo phụ trách. Chỉ trong vòng 10 năm mà một nghĩa trang heo hút này chôn cất được hơn 10 ngàn thai nhi. Nhìn những người thiện nguyện đi nhặt các thai nhi ở các bệnh viện, trên vệ đường hay nơi xỏ xỉnh nào đó đem về lau rửa và bỏ vào những chiếc khạp nhỏ cho xứng với nhân phẩm một con người rồi đem ra nghĩa trang vào mỗi sáng thứ Bảy để chôn cất đàng hoàng cho các em mà cảm thấy xót xa trong lòng. Ở Hòa Lan luật cho phép hôn nhân đồng tính, hợp pháp hóa mại dâm, phá thai nhưng chưa bao giờ nghe thấy tình trạnh phá thai rùng rợn như ở Trung Quốc và Việt Nam. Ngày thứ Sáu Tuần Thánh khi cử hành nghi thức với cộng đồng nói tiếng Anh, chúng tôi đã suy nghĩ điều này rất nhiều và mong thay các bà mẹ đừng giết người nữa, đừng tàn sát những thai nhi vô tội nữa. Những bạn trẻ khi muốn đến với nhau hãy có trách nhiệm với giọt máu của mình. Chúa đã chết để chúng ta được sống thì chúng ta cũng đừng để ai phải khổ, phải chết, nhất là những sinh linh vô tội do chính chúng ta tạo nên.

Chúa đã Phục Sinh All-All. Tuần này chúng ta mừng lễ Bát Nhật Phục Sinh, một niềm vui kéo dài việc mừng Chúa Sống Lại sau 40 ngày chay tịnh. Nhưng thế giới lại đau buồn khi bọn khủng bố đã đánh bom khiến hơn 300 người chết tại Srilanka vào đúng Chúa Nhật Phục Sinh khi người dân tham dự thánh lễ. Văn hóa sự chết dường như đang thống trị thế giới này. Chủ nghĩa khủng bố núp trong bóng tối luôn rình rập, đe dọa chúng ta., nhưng Chúa Giêsu đã nói: "Giữa thê gian các con sẽ phải đau khổ, nhưng hãy can đảm lên, Thầy đã thắng thế gian" (Ga 16,33).  Xin Chúa Phục Sinh giúp chúng con luôn vững bước trên đường đời dù trong cuộc sống vẫn luôn có những bóng ma rình rập hãm hại chúng con nhưng vì tin có Chúa chúng con sẽ chiến thắng.
Hòa Lan, ngày 24 tháng 04 năm 2019,
Lm. Antôn Trần Xuân Sang, svd.