HÒA LAN – NĂM MỚI VỚI
LỊCH TRÌNH MỚI
Tết
dương lịch 2019 đã qua đi gần một tháng với những sự kiện vui buồn xảy ra trên
thế giới, và những ngày cuối tháng giêng 2019 người ta lại chứng kiến cảnh
huynh đệ tương tàn của một quốc gia theo khuynh hướng xã hội chủ nghĩa ở Venezuela-
Nam Mỹ đang đến hồi căng thẳng nhất vì vị tổng thống bất tài ham quyền, thế vị
không muốn rời bỏ quyền lực đã đẩy người dân từ một quốc gia giàu có thành một
quốc gia cùng cực và hàng triệu người phải bỏ nước ra đi.
Sau những ngày cuối năm nghỉ đông ở Tây Ban Nha và
Nauy để thăm một vài người thân, chúng tôi lại bắt đầu một năm mới với những
công việc và lịch trình mới. Vì đã bắt đầu công việc với người di dân nói tiếng
Anh, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Papiamento và người bản xứ Hòa Lan nên chúng tôi
không còn nhiều thời gian với người đồng hương Việt Nam thân yêu như những ngày
đầu mới đến xứ hoa Tu-líp nữa. Vả lại, giáo xứ Việt Nam tại Hòa Lan đã có cha
quản nhiệm mới làm toàn thời gian nên ngài phải đồng hành với đàn chiên mình.
Công
việc mục vụ ở Hòa Lan không mấy vất vả và áp lực nhiều như ở vùng Nam Mỹ khi
xưa vì người dân ở đây chỉ có sinh hoạt tôn giáo chủ yếu vào những ngày cưối
tuần, ngoại trừ ma chay hay xức dầu bệnh nhân vào những ngày trong tuần. Ban
điều hành giáo xứ họ cũng làm tất tần tật mọi việc và linh mục chỉ lo chính là
các bí tích. Bởi thế, linh mục ở đây không phải bận tâm lo xây dựng nhà thờ hay
các công trình phụ của giáo xứ vì nhiều nhà thờ ở đây còn phải giao lại cho nhà
nước để họ tùy nghi sử dụng do giáo hội không còn kinh phí để bảo trì bởi số
người tham dự ngày càng ít đi. Chủ nghĩa tiêu thụ và trào lưu tục hóa làm cho
con người mỗi ngày không cần đến Chúa nữa mà chỉ lo đến bản thân mình nên nhu
cầu tâm linh cũng dần giảm đi. Xét về phương diện con người chúng ta sẽ nói
Giáo hội đang đi vào ngõ cụt hay giáo hội đang chết dần chết mòn, nhưng chúng
ta nên nhớ rằng, giáo hội Công giáo là giáo hội của Chúa và như Chúa Giêsu đã từng
nói với người phụ nữ xưa kia bên bờ giếng Gia-cóp: “Này chị, hãy tin tôi: đã đến giờ các người sẽ thờ phượng
Chúa Cha, không phải trên núi này hay tại Giêrusalem” (Ga 4,21). Có lẽ
nhiều người lớn tuổi cảm thấy lo lắng là tại sao bọn trẻ bây giờ thờ ơ đến chuyện
lễ lạy vì quả thật nhà thờ Tây cũng như Ta tại Hòa Lan hay Âu châu rất ít bóng
dáng của giới trẻ nên họ lo sợ về tương lai của Giáo hội và chính chúng tôi lúc
đầu cũng cảm thấy như thế. Tuy nhiên, khi có dịp nói chuyện và làm việc với giới
trẻ, cách riêng là các sinh viên quốc tế đang sinh sống và học hành tại Hòa
Lan, chúng tôi mới cảm nhận những lo lắng của mình hơi thái quá và chủ quan vì
Chúa có cách của Ngài và những chuyện tưởng như không thể thì đều có thể đối với
Ngài.
Ở Hòa Lan có rất nhiều sắc dân sinh sống, và trong số
những sắc dân đó, có những sắc dân từng là thuộc địa của Hòa Lan và dù họ đã sống
ở đây rất lâu, họ vẫn muốn giữ bản sắc văn hóa của họ và chính quyền cũng như
giáo quyền đều tôn trọng và tạo nhiều điều kiện cho họ. Trong số những sắc dân
mà chúng tôi đang làm việc có nhóm người Antillianen nói tiếng Papiamento thuộc
các nước Curaçao, Aruba ở vùng Caribe Nam
Mỹ. Ngôn ngữ này pha trộn tiếng Tây Ban Nha, tiếng Ý, tiếng Anh và có thể nói
là ngôn ngữ Tả-pí-lù. Chúng tôi phải tự học thêm tiếng này vì nó không khó lắm
và ngày đầu dâng thánh lễ với họ thì họ rất vui và nói rằng từ lâu rồi họ mới
nghe được một linh mục nước ngoài nói được ngôn ngữ của họ rõ ràng và chính xác
như thế.
Cộng
đồng nói tiếng Tây Ban Nha mà chúng tôi làm việc lâu nay họ đến từ Colombia,
Chile, Santo Domingo. Cuba, Venezuela, El Salvador… rất năng động, nhưng vì là cộng
đồng đa văn hóa nên nhóm nào đông hơn thường muốn thống trị nhóm khác ít hơn.
Đó cũng là một trong những khó khăn mà những mục tử như chúng tôi phải tìm cách
gắn kết họ qua những sinh hoạt chung, những buổi cà phê chung sau thánh lễ dù mất
rất nhiều thời gian. Đa số những người tham dự thánh lễ là các phụ nữ và trẻ
con vì đa số đàn ông ngày cuối tuần chỉ lo nhậu nhẹt hay viện cớ này nọ nên rất
ít tham gia. Nhiều khi muốn làm gì đó thêm để qui tụ mọi người nhưng lực bất
tòng tâm vì nhà thờ chính là cho người bản xứ Hòa Lan nên luôn phải ưu tiên cho
họ, và các sinh hoạt ngoại thường của các nhóm khác thì phải xem có trùng với
các sinh hoạt của người Hòa Lan hay không dù người bản xứ Hòa Lan chỉ là một
nhóm nhỏ tham dự.
Với
nhóm người nói tiếng Anh mà đa số là người Phi Luật Tân và người đến từ Phi
châu hay thỉnh thoảng một vài người đến từ Âu châu thì chúng tôi phải thuê một
nhà nguyện nhỏ của một viện dưỡng lão mà trước đây là bệnh viện của một Dòng Nữ
để dâng thánh lễ vào ngày Chúa Nhật. Người Phi Luật Tân ở hải ngoại rất ngoan đạo
và họ luôn đi đầu trong các sinh hoạt của hội đoàn nên họ biết bài trí, sắp xếp.
Những người đến từ Phi Châu thì hơi nhút nhát, nhưng họ cũng thường xuyên tham
dự và cộng tác khi được mời làm những công việc chung.
Thời gian cứ thế trôi qua và mỗi ngày tiếng Hòa Lan của
chúng tôi cũng khá hơn vì ngày nào cũng phải nghe và nói chuyện với người bản xứ.
Và cũng chính vì thế mà chúng tôi cũng phải dâng thánh lễ cho người bản xứ vào
một số ngày nhất định trong tháng. Vì trong tương lai nếu được chính thức bổ
nhiệm thì ít nhất là 30% công việc mục vụ chúng tôi phải giành cho người bản xứ
Hòa Lan vì hiện giờ Hòa Lan đang thiếu linh mục trầm trọng. Bởi thế nhiều lúc
chúng tôi nghĩ dại là phải chi mình đừng biết nói nhiều thứ tiếng ngoại trừ tiếng
mẹ đẻ để chỉ làm việc cho người Việt mà thôi!
Trong
tháng giêng này chúng tôi có hai ngày mừng hai vị thánh của Dòng trong đó có
ngày 15 tháng 1 vừa qua. Lần đầu tiên sau nhiều năm là thành viên của Dòng truyền
giáo Ngôi Lời, chúng tôi dâng thánh lễ cho vị thánh tổ phụ của mình tại chính
nơi ngài đã sáng lập Dòng và nhà nguyện mà ngài từng dâng lễ năm xưa, được cầu
nguyện ngay bên ngôi mộ của ngài ở cuối nhà nguyện được di dời khi ngài được
phong hiển thánh, cùng dâng lễ với những người bà con đồng hương của ngài và một
số anh em linh mục, tu huynh của Dòng. Hạnh phúc và cảm động xiết bao khi người
con dâng lễ cho vị tổ phụ vào chính ngày ngài mất. Và chúng tôi đã thầm thỉ
nguyện cầu với ngài phù hộ cho anh em chúng tôi, những truyền nhân của ngài biết
đem Lời Chúa đến cho mọi người qua cách sống và sứ vụ của chúng tôi. Chúng tôi
còn nhớ trong ngày họp mặt đầu năm 2019 vừa qua có một linh mục cùng Dòng người
Indonesia từng là Tổng Cố Vấn của Dòng chia sẻ với chúng tôi rằng vị Sáng Lập của
chúng tôi có tầm nhìn ngôn sứ khi sáng lập Dòng Truyền giáo Ngôi Lời dù lúc đầu
phải trải qua muôn vàn khó khăn. Chúng tôi- những nhà truyền giáo thuộc mọi sắc
tộc, màu da, ngôn ngữ, văn hóa… nhưng đã tự nguyện sống với nhau như những chứng
nhân; và trước đây những nhà truyền giáo Âu châu đến các nước truyền giáo để chinh
phục các linh hồn, thì nay- những nhà truyền giáo trẻ khi xưa từng đón nhận Tin
Mừng ấy lại tiếp tục ra đi đến những nơi tận bờ cõi trái đất cũng như trở lại với
các quốc gia Âu châu từng loan báo Tin Mừng tình thương để củng cố phần rỗi cho
các linh hồn. Đó là việc kỳ diệu của Chúa, và đó cũng chính là một trong những
lý do mà giáo hội đã phong thánh cho vị sáng lập Dòng truyền giáo Ngôi Lời-
thánh Arnold Janssen.
Chỉ còn vài ngày nữa là một số quốc gia Á châu trong
đó có Việt Nam thân yêu chào đón Năm Mới Kỷ Hợi. Lâu lắm rồi không được đón Tết
quê nhà nhưng từ ngày đặt chân đến châu Âu thì đã thấy bầu khí Tết nơi đâu có
người Việt sinh sống. Nhìn những cặp bánh chưng, những đòn bánh tét, những cành
hoa mai, những món dưa kiệu, những bao lì xì… và đặt biệt là những thánh lễ mừng
Xuân từ sau Giáng Sinh đến giờ ở các cộng đoàn hay giáo khu của người Việt khiến
lòng mình ấm lại. Những truyền thống đẹp đẽ ấy đã được những người Việt tỵ nạn
luôn dạy lại cho con cháu và đó chính là nét văn hóa đẹp nhất như có ai đã từng
nói: “Văn hóa là những gì còn lại sau khi đã quên hết”.
Mấy
ngày qua chúng tôi cũng tiếp đón một linh mục đàn anh người Việt vừa kết thúc
nhiệm kỳ thư ký tổng quyền của Dòng ở Roma và nay chuẩn bị trở lại Hàn quốc nơi
ngài đã từng làm việc trước khi được bổ nhiệm đến Roma. Anh em thật có duyên vì
khi ở Việt Nam cũng có đôi lần gặp nhau. Rồi dịp ngân khánh linh mục của ngài
cách đây gần 10 năm cũng hội ngộ với nhau ở Paraguay, Nam Mỹ vì ngài từng làm
việc ở đó vào thập niên 80 khi nhận bài sai đầu tiên. Rồi bây giờ khi vừa kết
thúc nhiệm kỳ tổng quyền lại gặp nhau bên đất Hòa Lan khi chúng tôi vừa nhận
nhiệm sở mới ở đây. Quả đất này không lớn như người ta tưởng và anh em có nhiều
dịp trò chuyện với nhau hơn về sứ vụ cũng như có dịp thăm và hàn huyên với một
số gia đình Việt Nam từng tỵ nạn giống như ngài. Nhìn đàn anh ngày xưa phong độ
trong khi chúng tôi lúc ấy còn là một thư sinh; nay thì anh đã bước qua tuổi lục
tuần còn chúng tôi cũng sắp vào tuổi ngũ tuần. Thời gian đã khiến chúng tôi mỗi
ngày một già đi nhưng tình huynh đệ chúng tôi vẫn ấm áp như ngày nào.
Hôm
nay Dòng Ngôi Lời chúng tôi mừng kính thánh Giuse Freinademetz, nhà truyền giáo
đầu tiên của Dòng được sai đến Trung quốc để làm việc và một khi đi thì không
bao giờ trở lại quê hương vùng Tyrol của ngài nữa. Ngài từng nói một câu để đời
là: “Ngôn ngữ mà ai cũng hiểu được là tình yêu”. Thánh Âu-tinh cũng từng nói: “Yêu
đi rồi muốn làm gì thì làm”. Chúng tôi, những nhà truyền giáo của Dòng Ngôi Lời,
là những người đang tập nói ngôn ngữ tình yêu khi chúng tôi sống và làm việc với
những người thuộc nhiều nền văn hóa, ngôn ngữ khác nhau; chúng tôi cũng noi
gương vị thánh của mình khi sống và làm việc với những người đau khổ, cô đơn, bất
hạnh bằng chính hành động yêu thương hơn là là nói trống rỗng. Xin cầu chúc mọi
người Năm Mới Kỷ Hợi An Khang Thịnh Vượng.
Hòa Lan, 29
tháng 01 năm 2019 – Lễ Thánh Giuse Freinademetz SVD
Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD.