Wednesday, March 7, 2018

HÒA LAN – TẢN MẠN MÙA CHAY 2018

Người ta thường nói không có cảm giác nào buồn và quyến luyến bằng lúc chia tay với những người thân và nơi chốn mà mình đã từng gắn chặt đời mình. Và lại càng tê tái hơn nữa khi biết mình lìa xa nơi ấy, những con người thân thương ấy để đến một phương trời khác, một châu lục khác để bắt đầu một sứ vụ mới mà không biết khi nào mình có thể trở lại thăm họ. Ấy vậy mà chúng tôi đã xa nhau đúng một năm để đến làm việc tại một quốc gia hoàn toàn khác với nơi mình từng phục vụ, từ con người, phong tục tập quán, cảnh vật, thời tiết… cách riêng là cách thực hành tôn giáo.
Chúng tôi còn nhớ những ngày trước khi chia tay, nhiều cộng đoàn, nhiều giáo dân mà chúng tôi từng phục vụ đã khóc, đã níu kéo, đã quyến luyến khiến chúng tôi rất xúc động và không muốn rời xa họ chút nào nhưng vì nhiệm vụ, vì đức vâng lời nên phải nói lời từ biệt và để lại bao tiếc thương, bao nỗi nhớ cũng như tạm gác lại những dự định chưa hoàn thành được.
Đến xứ sở mới này, dù đã rất cố gắng hội nhập và hàng ngày lao vào việc học ngôn ngữ cũng như những ngày cuối tuần ngược xuôi các vùng Bắc-Trung-Nam của đất nước để làm quen với nhiều sắc dân, trong đó có người đồng hương Việt Nam qua những buổi cầu nguyện, những thánh lễ tại giáo xứ hay tại tư gia nhưng mình vẫn cảm thấy cô đơn, lạc lõng như đang lạc vào giữa khu rừng vắng.
Mùa Chay đầu tiên tại vùng đất mới với tiết trời lạnh lẽo và lòng người cũng lạnh khiến tâm hồn mình cũng se lạnh! Hình như khi con người đã đầy đủ điều kiện vật chất thì đối với họ Thiên Chúa chẳng là gì cả. Trong một lần nói chuyện với một anh em linh mục người Indonesia cùng Dòng đã đến Hòa Lan cách đây 25 năm, ngài tâm sự rằng khi ngài đến đây được vài năm và bắt đầu nói được tiếng Hòa Lan thì những giáo dân Hòa Lan đã hỏi ngài là tại sao phải đến Hòa Lan làm việc. Người anh em này trả lời hài hước nhưng rất thâm thúy rằng ngài đến Hòa Lan để trả lại Thiên Chúa cho người bản xứ vì trước đây chính những người Hòa Lan đã đem Tin Mừng đến cho người dân Indonesia đa số là Hồi giáo, trong khi hiện giờ chính người Hòa Lan lại quên mất Chúa và những nhà thờ cổ kính đẹp đẽ nay đã trờ thành những bảo tàng viện, những trung tâm văn hóa hay những tụ điểm ca nhạc, nên những người mà trước đây từng ở các xứ truyền giáo, từng được đón nhận Lời Chúa muốn đem Tin Mừng của Chúa cho thế hệ con cháu của những nhà truyền giáo trước đây như là một lời nhắc nhở về cội nguồn của mình.
Tục ngữ Việt Nam có câu: “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng’’ rất đúng trong mọi trường hợp và mọi thời đại. Có lẽ vì sống ở một quốc gia công nghiệp phát tiển nên nhiều người đồng hương Việt Nam cũng bị ảnh hưởng lối sống tây phương và nhiều người chỉ biết đến công việc rồi một lúc nào đó không còn nhớ mình có phải là người Công giáo nữa hay không.
Mùa Chay ở Việt Nam hay ở Nam Mỹ nơi chúng tôi từng làm việc thì các linh mục khá bận rộn với những cuộc tĩnh tâm cho các đoàn thể, giải tội và thăm viếng mục vụ… và giáo dân thì có những nghi thức phụng vụ cổ kính là ngắm đàng thánh giá, sốt sắng xưng tội và làm các việc lành phúc đức, chuẩn bị chương trình cho Tuần Thánh và Lễ Phục sinh. Nhưng mùa Chay ở đây cũng như bao ngày khác vì hình như người ta không cần Chúa nữa. Chỉ có vài người lớn tuổi thi thoảng đến nhà thờ và các giáo xứ Hòa Lan ở đây cũng do những giáo dân điều hành dù có linh mục quản xứ, nhưng các ngài chỉ làm việc theo sự phân công của Hội Đồng Giáo Xứ mà thôi.
Chúng tôi có dịp tiếp xúc với nhiều bạn trẻ Việt Nam được sinh ra và lớn lên ở đây. Các em rất thông minh và thành công trong cuộc sống. Nhiều em đã có bằng cấp bác sĩ, kỹ sư, luật sư, thậm chí có em đã có học vị thạc sĩ, tiến sĩ. Có nhiều em từng theo cha mẹ tham gia với cộng đồng người Việt nhưng cũng có nhiều em không thích lắm vì các em cho rằng đó không phải là thế giới của chúng. Đa phần các em nói tiếng Việt bập bẹ nhưng khi nói tiếng Hòa Lan, tiếng Anh hay tiếng Tây Ban Nha thì rất lưu loát vì các em được học trong trường.
Tiếp cận và nói chuyện với các em để hiểu thêm đời sống tâm linh của giới trẻ, chúng tôi nhận thấy các em có lý của chúng khi nói rằng nhiều người Công giáo giữ đạo nhưng không sống đạo. Đừng nghĩ  giới trẻ thờ ơ, lãnh đạm với tôn giáo mà tội nghiệp cho chúng. Một cô gái trẻ hành nghề luật sư ở đây và em cũng đã từng có duyên làm việc trong đại sứ quán Hòa Lan tại Hà Nội cách đây vài năm tâm sự rằng khi em về Việt Nam với bè bạn cùng trang lứa với mình, em có tham dự thánh lễ Việt ở một vài giáo xứ và quan sát các linh mục và nói rằng sao mấy cha ở Việt Nam lạ quá, cứ nghĩ mình là vua, là chúa mà coi ai chẳng ra gì! Họ chỉ là linh mục thôi mà. Nghe đến đó mình cũng cụt hứng vì mình cũng là linh mục Việt Nam. Cô gái trẻ ấy còn nói cô quan sát những người Công giáo thường đi lễ nhưng cứ cãi nhau và nói những lời lẽ tục tĩu khó nghe. Vậy thì làm sao mà chúng ta có thể làm chứng cho giới trẻ được.
Trong bài diễn từ triều yết Đức Thánh Cha Phanxico dịp Ad Limina ngày 5 tháng 3 vừa qua tại Vatican, Đức Cha chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã chia sẻ: ‘’…Sau hàng nửa thế kỷ phải trải qua những giờ phút đầy thử thách của cuộc chiến tranh ý thức hệ, giờ đây chúng con đang phải đương đầu với một cuộc chiến mới: cuộc chiến chống lại tinh thần cầu an. Những cuộc bách hại nếu đã tôi luyện đức tin của chúng con thì về phương diện nhân loại, cũng khiến chúng con rơi vào tình trạng thủ thân khép kín. Vì thế mà từ khi chiến tranh chấm dứt năm 1975, con số bảy triệu người Kitô hữu tại Việt Nam hầu như không hề gia tăng’’. Số tín hữu gia tăng vì cha mẹ là Công giáo thì con cái phải được rửa tội nhưng nếu chúng ta cứ tiếp tục sống khép kín, giữ đạo mà không sống đạo thì chẳng những số tìn hữu không gia tăng mà sẽ mỗi ngày giảm đi.
Chiều hôm qua chúng tôi có tham dự một buổi cầu nguyện đại kết với thành phần tham dự gồm những người Tin Lành, Hồi giáo và Công giáo tại một nhà thờ Tin Lành được trang trí một bầu khí rất đại kết. Những người tham dự là những người có âm hồn nhiệt huyết, muốn xây dựng một thế giới hòa bình và mong muốn hợp tác với nhau trong nhiều lĩnh vực hơn là so sánh, ganh đua nhau xem tôn giáo nào trỗi vượt hơn. Chúng tôi thì thầm cùng Thiên Chúa cho mọi người trên thế giới này biết yêu thương nhau và nhìn nhận Thiên Chúa là tình yêu.
Sáng nay cũng nhận được tin không vui về sự ra đi đột ngột của Đức Tổng Giám Mục Sài Gòn Phaolo Bùi Văn Đọc khi ngài đang tham dự chuyến Ad Limina với Hội Đồng Giám Mục Việt Nam diễn ra từ những ngày đầu của tháng 3 này. Vẫn biết con người ai rồi cũng sẽ phải ra đi, nhưng khi hay tin những chuyến đi không được báo trước mình khiến mình cảm thấy sao đời sống con người mong manh quá. Xin đốt lên một nén hương lòng với những lời cầu nguyện chân thành cho Đức Cha tài hoa Phaolo Đọc, và xin Thiên Chúa đón nhận Đức Cha Phaolo vào Vương quốc vĩnh cửu của Người. Xin Người tiếp tục gởi đến cho Giáo Hội Việt Nam nói chung và Tổng Giáo Phận Sài Gòn nói riêng vị chủ chăn mới tài đức để hướng dẫn đàn chiên của Người.
Chúng ta đã đi 1/3 đoạn đường mùa Chay. Chúa muốn dùng Mùa Chay để thanh luyện chúng ta và nuôi dưỡng chúng ta bằng lời hằng sống của Người. Chúng ta cầu xin Chúa cho mỗi người biết ăn năn, sám hối, ăn ở tiết độ hầu được thanh thoát mà phụng sự Người hết lòng.
Hôm nay là ngày đúng một năm mình rời xa Paraguay, Nam Mỹ, nơi mà mình đã gắn bó nhiều năm và xem như là mối tình đầu trong đời sống mục vụ truyền giáo. Những kỷ niệm vui buồn tự nhiên tràn về khi chúng tôi hồi tưởng lại những ngày tháng đáng nhớ ấy. Mình đi tu thì chỉ chọn Chúa chứ không phải chọn việc của Chúa nên lúc nào cũng phải sẵn sàng, phó thác dù đôi lúc mình không muốn. Xin Chúa giúp con luôn biết đón nhận tất cả những buồn vui, ngay cả những lời chỉ trích, lên án nếu có của những người con đang phục vụ và cho con biết hội nhập vào cuộc sống mới hiện đại nơi đây để con sống vui và làm chứng cho Ngài.         
         Hòa Lan, 07 tháng 03 năm 2018 – Kỷ niệm 1 năm ngày rời xa Paraguay,

Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD.