Friday, July 28, 2017

HÀ LAN:  NGÔN NGỮ, ĐẤT NƯỚC VÀ CON NGƯỜI


Đã hai tháng trôi qua sống ở xứ sở Hoa Tulip với mùa Hè thật dễ chịu và những con đường khá bằng phẳng, nên thường vào những buổi chiều sau khi học xong, chúng tôi có những cuộc chạy bộ hay đi xe đạp để giữ gìn sức khỏe nhằm tiếp tục cho sứ vụ trong tương lai.
Như chúng tôi đã chia sẻ trong hai bài trước, năm nay là năm mà chúng tôi trở thành một em học sinh mẫu giáo lớn vì chúng tôi phải bắt đầu học tiếng Hòa Lan cấp độ 0. Khác với các linh mục khi đi du học ở Ý, Đức, Bỉ, Mỹ… chỉ lo học ngôn ngữ vài ba tháng và sau đó lo học chuyên môn vì không phải tiếp xúc trực tiếp mà chỉ lo hiểu bài, trả bài và sau đó là làm luận văn để hoàn tất chương trình. Là nhà truyền giáo, không những chúng tôi phải học bài, làm bài tập về nhà, trả bài qua các kỳ thi cấp chứng chỉ về phía nhà nước, mà chúng tôi còn phải nói, phải trao đổi, họp hành, chia sẻ và giảng dạy bằng tiếng bản xứ với người dân ở đây vì đó là qui định mới của chính phủ dù chúng tôi đã biết tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha để làm việc với những cộng đồng nước ngoài.
Phải thực sự nói rằng hai tháng qua là một cực hình với chúng tôi mỗi khi phải phát âm và nói tiếng Hòa Lan. Nếu người ta nói rằng “phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam”, thì ở đây những người nước ngoài mà chúng tôi từng tiếp xúc, và ngay cả những giáo viên bản địa đang dạy chúng tôi cũng thừa nhận rằng tiếng Hòa Lan thật sự khó, nhất là trong cách phát âm bất qui tắc mà không chữ nào giống chữ nào. Khi phát âm thì chúng tôi đã cố gắng “chu miệng, há mồm, cong lưỡi, nhắm mắt, khạt đồm…” để bắt chước người ta nói cho giống vì nếu không thì chẳng ai hiểu mình đang nói gì. Hai tháng rồi mà phát âm vẫn chưa đúng chữ “Ui” củ hành, “Uit” (lối ra), “Uil” (con cú) hay “Huilt” (tiếng thét)… Còn những chữ nguyên âm hay nguyên âm đôi thì coi như bó tay rất khó phân biệt. Hơn 10 năm trước đây khi đến Paraguay thì chỉ trong vòng 3 tháng học tiếng Tây Ban Nha, chúng tôi có thể dâng lễ, soạn bài giảng và đọc trên giấy thì người ta vẫn hiểu được dù lúc ấy không có từ điển hay youtube trên Internet như bây giờ. Vậy mà hiện nay với đầy đủ phương tiện hiện đại mà học miết chẳng thấy tiến bộ gì, hay có lẽ do mình bắt đầu có tí tuổi (trạc ngoại tứ tuần rồi) nên nạp hoài chẳng vô và nói gì chẳng ai hiểu. Có những lúc điểm tâm sáng chúng tôi có nói với cha bề trên giám tỉnh là nếu trong năm tới tiếng Hòa Lan của tôi chẳng tiến bộ gì thì chúng tôi xin trở lại xứ sở Paraguay thân yêu để làm việc, nhưng ngài đã trấn ân và khuyên là hãy cố gắng.
Nước Hòa Lan phải nói thật là đẹp dù không có nhiều tài nguyên thiên nhiên hay “rừng vàng, biển bạc” như nước Việt Nam mình. Xuất thân từ một anh hai lúa sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, sau đó chúng tôi được sai đi làm việc truyền giáo ở Paraguay cũng chẳng hơn kém Việt Nam là bao nhiêu. Rồi bây giờ lại được đưa đến một đất nước thật văn minh, tân tiến khiến mình cũng choáng ngợp vì mọi thứ phải học lại từ đầu dù trước đây thỉnh thoảng cũng có đi đây đó trong những cuộc họp quốc tế hay những khóa học ngắn hạn. Có lẽ tuổi tác cũng không còn trẻ trung như xưa nữa nên việc hội nhập cũng tương đối chậm. Thân xác ở Hòa Lan nhưng hình như tâm hồn chúng tôi vẫn còn ở Paraguay dù không nói ra. Từ một người làm việc năng động và sắp xếp hết mọi sự khi còn ở xứ truyền giáo vùng Nam Mỹ, nhưng nay cái gì cũng phải hỏi han, chờ đợi! Có lẽ chúng tôi đang hoài niệm về những kỷ niệm đẹp dù te tua ở Paraguay vì nơi đó chúng tôi đã cống hiến thời gian đẹp nhất của đời người hơn một thập niên để rồi bây giờ mỗi khi nhìn lại có một chút luyến tiếc.
Nước Hòa Lan có những ngôi nhà thờ cổ kính rất đẹp có niên đại từ nhiều thế kỷ vì trước đây là một quốc gia Công giáo. Tuy nhiên, thời Cải Cách Tin Lành thì bắt đầu có nhiều sự chia rẽ. Nhiều nhà thờ Công giáo cổ kính xưa, nay đã bán lại cho các tôn giáo khác hay giao lại cho nhà nước để họ làm những nhà văn hóa hay các cơ quan hành chính vì không còn nhiều người đi lễ, không có tiền trả thuế và không còn kinh phí để bảo quản vì có một số đã xuống cấp theo thời gian, và mùa lạnh cần năng lượng nhiều để sưởi ấm trong nhà thờ nhưng lại không có nguồn nào chi trả cho những vấn đề này vì giáo dân không tham dự thánh lễ và không có tài trợ nào khác. Trong khi đó thì ở Việt Nam, giáo xứ nào cũng xây mới hay mở rộng thêm nhà thờ vì giáo dân Việt mình rất sùng đạo và lúc nào cũng chật nhà thờ vào những dịp lễ trọng, lễ khấn Dòng, lễ phong chức hay lễ tạ ơn.
Tiếp xúc với nhiều người Hòa Lan bản xứ, chúng tôi nhận ra rằng người Hòa Lan có tinh thần hiếu khách không phải như nhiều người nói là họ lạnh lùng dù trong số ít họ cũng có những người quá khích hay phân biệt chủng tộc. Có lẽ vì hiếu khách, vì thương người và thân thiện nên họ và một số nước Âu châu khác đã đón nhận người Việt tỵ nạn cũng như những dân nhập cư khác sống trong đất nước họ và bây giờ đều được đối xử bình đẳng trước pháp luật từ dân thường đến thủ tướng chứ không giống như những chính quyền độc tài đã ngang nhiên tước quốc tịch của người dân nước mình, rồi trục xuất qua nước khác hay đối xử bất công với dân thường, trong khi những công chức vi phạm pháp luật thì chỉ bị cảnh cáo, hay nặng lắm thì điều chuyển công tác từ chỗ này qua chỗ khác sướng hơn.
Những ngày cuối tuần thi thoảng chúng tôi có đi thăm và dâng thánh lễ tiếng Việt với một vài cộng đồng nhỏ vì người Việt ở đây sống rải rác khắp nơi. Cha quản nhiệm đã ngoài 60 và vừa mới cử hành lễ ngân khánh linh mục nhưng sức khỏe của ngài hiện nay không được tốt lắm và phải trông coi 25 giáo khu nên khó bề chu toàn hết được. Có lẽ vì những năm đầu sống đời tỵ nạn, người Việt Nam chúng ta phải lo bươn chải mưu sinh nên ít lo đến việc đạo nghĩa và ngôn ngữ bản địa Hòa Lan, nhưng nay ai ai cũng bắt đầu có tuổi và đã có của ăn, của để nên người ta cần đến nhu cầu thiêng liêng và luôn muốn tham dự thánh lễ, xưng tội, tĩnh tâm, hành hương… bằng tiếng Việt, tiếng mẹ đẻ cho thông suốt dù gia đình họ vẫn sống trong xứ đạo Hòa Lan. Họ đã có những đoàn thể Công giáo tiến hành và cũng có một số linh mục người Việt cùng đồng hành với họ dù các cha đang làm việc ở các giáo xứ Hòa Lan. Tuy nhiên, hình như có điều gì đó hiểu lầm hay thiếu đối thoại đôi bên nên có những cơn sóng ngầm. Những xứ đạo toàn tòng, đồng hương, đồng khói như ở Việt Nam mà thi thoảng còn nghe thấy lục đục huống chi người dân ở đây đến từ nhiều nơi Bắc-Trung-Nam của Việt Nam thì làm sao có sự hòa điệu 100% được. Chúng tôi chỉ nghe và cầu nguyện vì không biết đứng về phía nào, và trong mọi dịp luôn cố gắng giữ một thế quân bình để có thể đem lại ích lợi cho đôi bên.
Những ngày Hè ở đây ai ai cũng có những chuyến du lịch hay hành hương, nhất là năm nay kỷ niệm 100 năm ngày Đức Mẹ hiện ra tại Fatima nước Bồ Đào Nha. Chúng tôi cũng được nhiều nhóm mời đồng hành nhưng phải ở nhà vì bận việc học. Chúng tôi chỉ tranh thủ vài ngày cuối tuần đi hành hương với vài gia đình tại Linh Địa Đức Mẹ Banneux bên Bỉ quốc hay đi dâng lễ kỷ niệm ngân khánh hôn phối cho một người bạn bên Đức quốc để gặp những người đồng hương. Đất nước văn minh, con người cũng phải văn minh theo và chúng tôi phải học hỏi hàng ngày từ chuyện đi tàu điện, đi xe buýt, lái xe hơi, đậu xe ở bãi, xã rác, đi đứng nơi công cộng, xếp hàng… cho đúng để không bị phạt và bị xem là người đến từ rừng rú!
Chúng tôi còn nhớ những chia sẻ của Đức Cố Hồng Y Phanxico Xavie Nguyễn Văn Thuận khi ngài nói là chúng ta chọn Chúa chứ không phải là chọn công việc của Chúa. Nhiều lúc bản thân muốn làm theo ý riêng mình, chẳng hạn như mấy tuần nay đã rất muốn làm một Bank Card (Thẻ Ngân Hàng) riêng cho mình vì ở bên này cái gì người ta cũng xài thẻ, nhưng ngay từ đầu bề trên nói là xài thẻ chung của cộng đoàn vì chúng tôi là tu sĩ. Vâng phục bề trên những điều đúng, điều phải lẽ cũng chính là chọn Chúa nhưng chúng tôi cảm thấy khó quá vì mình đâu còn trẻ con mà đi đâu cũng phải thông báo, tiêu xài gì cũng phải có hóa đơn!
Tin mừng Chúa Nhật XVII thường niên A Chúa Giêsu muốn mỗi người chúng ta hãy xác định lại căn tính ơn gọi của mình, đó là chọn Ngài, là đi theo Ngài. Chọn Chúa, đi theo Chúa là đón nhận Ngài làm của riêng, xem lời Ngài dạy như là một cẩm nang để sống và sẵn sàng sống những lời dạy ấy trong cuộc đời dù gặp những khó khăn. Quyết tâm loại bỏ những điều sai trái với thánh ý Ngài. Làm được những điều đó tức là chúng ta đang chọn Chúa, đang sở hữu Ngài như nhà kinh doanh  và anh thanh niên trong Tin Mừng đi tìm “kho báu” và “viên ngọc quý” hôm nay.
Ước chi mỗi người chúng ta nhận ra rằng Thiên Đàng là “kho báu” bền vững và Chúa Giêsu là “viên ngọc quý” đích thực. Đạt được “kho báu” là Thiên Đàng, chiếm hữu được “viên ngọc quý” là chính Chúa Giêsu thật là điều không dễ tý nào. Muốn đạt tới điều đó thì hàng ngày chúng ta phải đánh đổi bằng những hy sinh, những cố gắng, những kiếm tìm và tin tưởng tuyệt đối vào Ngài.
Hôm nay Giáo Hội mừng kính thánh Ignacio, sáng lập Dòng Tên. Ngài được đánh động sâu sắc bởi câu nói của Chúa Giêsu trong Tin Mừng: “Lời lãi được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống thì nào có lợi gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình?”  (Lc 9:22). Từ một quân nhân cao ngạo ngài đã trở thành một “lính canh” của Chúa để “Ad majorem Dei gloriam” (Để Vinh Danh Thiên Chúa). Xin cho chúng con nhận ra được điều đó, để bất cứ làm việc gì chúng con đều làm vinh danh Thiên Chúa. Amen.
Hoà Lan, 31 tháng 07 năm 2017-Lễ Thánh Ignacio Loyola

Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD.