HÀ LAN - SỨ VỤ MỚI, VÙNG ĐẤT MỚI
Đón chúng tôi ở phi trường Amsterdam, Hà Lan có cha bề
trên Giám tỉnh người Ấn độ và một linh mục người Trung quốc nhưng được thụ
phong linh mục ở Chicago, Hoa Kỳ. Dù chỉ liên lạc với nhau qua email và
Whatsapp, chúng tôi cảm thấy rất gần gũi nhau như người trong gia đình ngày từ
buổi đầu gặp mặt tại phi trường. Từ đây họ gọi tên thân mật của chúng tôi là
Tony Tran.
Chúng tôi được sắp xếp ở chung cộng đoàn với cha Giám tỉnh
và cha quản lý của tỉnh Dòng tọa lạc ở thành phố Schiedam giáp ranh với thành
phố Rotterdam, một trong những thành phố lớn nhất của phía Nam Hà Lan.
Chúng tôi đã có dịp đặt chân đến Hà Lan 2 lần trước
đây, một lần vào dịp thường huấn với các nhà đào tạo của toàn Dòng để tìm hiểu
quê hương và sự nghiệp của Đấng Sáng Lập
Dòng, và một lần nữa cách đây 2 năm trong dịp giúp tĩnh tâm cho một hội đoàn
Công giáo tại Hà Lan, nhưng hai lần ấy chúng tôi chỉ như người cưỡi ngựa xem
hoa mà chẳng biết gì về đất nước Hà Lan xinh đẹp này. Lần này chúng tôi đặt
chân đến đây theo một bài sai mới và biết rằng dù muốn hay không chúng tôi cũng
phải ở đây làm việc như một nhà truyền giáo cho đến khi nhận lệnh mới từ Bề
trên Tổng quyền.
Hà Lan đứng thứ năm trong danh
sách năm 2004 về đánh giá các quốc gia theo
tiêu chuẩn mức sống, sau Na Uy, Thụy Điển, Úc và Canada. (Xc. Nguồn: https://es.wikipedia.org/wiki/Holanda).
Chúng tôi còn nhớ trong
chuyến thăm Đà Lạt vào những ngày cuối tháng Năm vừa qua và được đồng tế với
cha Tổng Đại Diện Lê Đức Huân ở Nhà Thờ Chính Tòa Đà Lạt, vị cha già đáng kính
đã giới thiệu chúng tôi với cộng đoàn và nói về việc truyền giáo ở Hà Lan nơi
mà chúng tôi sắp đến vì ngài hiểu rõ các quốc gia châu Âu rất phồn thịnh về vật
chất nhưng đời sống tâm linh không còn như trước đây nữa vì người ta không còn
mấy tin vào sự hiện hữu của Thiên Chúa. Có lẽ đây là một thách đố lớn nhất với
chúng tôi và chúng tôi cũng đã biết điều đó trước khi chấp nhận bài sai truyền
giáo mới sau nhiều năm ở châu Mỹ Latin.
Ngày chúng tôi vừa đặt
chân đến Hà Lan cũng là ngày một anh em trong Dòng người Hà Lan trút hơi thở
cuối cùng do tuổi tác và bệnh ung thư. Cha Giám tỉnh nói đùa rằng chúng tôi đến
để thay thế chỗ cho người quá cố vì ông đã đợi có người đến mới ra đi bình an giống
như cụ già Simeon xưa kia! Hà Lan là một quốc gia không lớn về diện tích, không
giàu về tài nguyên nhưng là một quốc gia đáng sống nên có rất nhiều người di
dân đến đây, trong đó có người đến từ Châu Mỹ Latin, Phi châu, Á châu và người
Việt Nam chúng ta cũng rất đông. Bài sai của chúng tôi là làm việc với những
người nói tiếng Tây Ban Nha đến từ các quốc gia vùng Nam Mỹ nhưng điều kiện mà
chính phủ đặt ra để được làm việc tại đây như một vị mục tử là chúng tôi phải
biết nói tiếng Hà Lan (một ngôn ngữ rất khó vì vừa pha trộn giữa tiếng Đức và
tiếng Anh). Chính vì thế mà từ bây giờ đến cuối năm chúng tôi phải mài dùi kinh
sử để học cho được ngôn ngữ khó nuốt này mà người nói tiếng Anh gọi là tiếng
“Dutch”, nhưng nhiều người phát âm cho vui gọi là tiếng “Đách!!!”. Nếu vượt qua
các kỳ thi ngôn ngữ thì sẽ được cấp giấy chứng nhận và sau đó sẽ chính thức
nhận xứ để làm việc với những người di dân nói tiếng Tây Ban Nha. Chúng tôi đã
xác định ngay từ đầu việc khổ luyện ngôn ngữ này dù bây giờ đã trạc ngoại tứ
tuần nên đầu óc không còn nhạy bén như trước và đôi lúc hay lẫn lộn khi nói
tiếng này qua tiếng khác vì làm việc truyền giáo ở một quốc gia nào thì phải
thông thạo ngôn ngữ của quốc gia đó trước khi xâm nhập vào nền văn hóa đa
nguyên với các dân tộc khác. Bởi thế, từ giờ đến cuối năm chúng tôi chỉ lo việc
học ngôn ngữ và những ngày cuối tuần có thể làm việc mục vụ với cộng đồng người
Việt, công đồng nói tiếng Anh và cộng đồng nói tiếng Tây Ban Nha bán thời gian.
Chiều Chúa Nhật ngày 04
tháng 06 chúng tôi tham dự lễ ngân khánh 25 năm linh mục của một linh mục Việt
Nam đang làm quản nhiệm cộng đoàn công giáo Việt Nam tại Hà Lan từ nhiều năm
qua. Mẹ của ngài qua đời vào trung tuần tháng 3 tại Sài Gòn vào đúng dịp chúng
tôi vừa đặt chân về Việt Nam để lo giấy tờ nhưng người anh em này lúc ấy không
về thọ tang mẹ được vì nghe đâu sức khỏe ngài không cho phép. Nhìn thấy bộ dạng
ốm yếu của ngài nhưng Chúa cũng đã dùng con người tầm thường này như khí cụ của
Ngài trong suốt 25 năm qua với biết bao thăng trầm, với những hỉ nộ ái ố trong
đời sống linh mục. Nhìn thấy giáo
dân Việt tham dự đông đảo từ khắp nơi trong
nước Hà Lan dù tháng lễ bắt đầu lúc 14 giờ chiều mới thấy rằng người Việt của
mình vẫn còn rất yêu mến các linh mục. Mỗi khi tham dự thánh lễ ngân khánh, kim
khánh hay ngọc khánh linh mục của những bậc đàn anh, những bậc cha chú mà chính
bản thân cảm thấy khâm phục. Không biết mình có xứng đáng đến ngày đó để cùng
với đàn chiên mà Chúa đã trao ban để tạ ơn Chúa vì những hồng ân Chúa đã ban
cho không hay là mình lo “đào ngũ” sớm do những tham-sân-si trong đời sống
thường nhật. Chúc mừng cha Giuse Trần Đức Hưng, người anh em linh mục cùng họ
Trần dịp Ngân khánh linh mục của ngài và xin Chúa ban cho cha sức khỏe, ơn khôn
ngoan và bình an để tiếp tục dẫn dắt và đồng hành với đoàn chiên đồng hương nơi
đất khách quê người.
Hôm qua cũng là lễ Chúa
Thánh Thần Hiện Xuống- ngày khai sinh Giáo Hội, ngày mà các Tông Đồ Chúa từ căn
phòng đóng kín do sợ hãi đã mở tung cửa đến với thế giới để cho mọi người biết
Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót. Ngày xưa
Chúa Thánh Thần bay lượn trên nước và đã biến cái đám hỗn mang thành một vũ trụ
có trật tự thế nào, thì bây giờ Ngài cũng bay lượn, cũng hiện diện trong tâm
hồn để biến con người tội lỗi, vô trật tự của chúng ta thành một Ki-tô hữu đích
thực, Ngài sẽ cởi bỏ con người cũ của chúng ta, biến chúng ta trở nên một tạo
vật mới, một con người mới. Xin Thánh Thần hãy ngự đến và canh tân thế
giới và ban ơn cho con được ơn khôn ngoan sáng suốt để con bắt đầu sứ vụ mới ở
một vùng đất mới từ khởi sự cho đến hoàn thành đều được sự giúp đỡ của Người.
Amen.
Hà Lan, 05 tháng 06 năm 2017- Lễ Thánh Bonifacio,
Giám mục tử đạo
Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD.