Saturday, February 6, 2016

KỲ NGHỈ PHÉP THÚ VỊ

Những ngày ở Âu Châu và Việt Nam

Sau một tuần ở Hòa Lan để thăm viếng và dâng lễ với các cộng đoàn nhỏ tại đây, chúng tôi cảm nhận được tình cảm của những người bạn và đồng hương Việt Nam thật đậm đà khi mình biết tôn trọng họ và yêu mến họ thì họ cũng sẽ đáp lại với mình bằng những tình cảm ấy.

Từ ngày 17 đến 24 tháng 12 năm 2015, chúng tôi đã đến Oslo, Nauy để cùng với linh mục Nguyễn Tất Thắng Dòng Đaminh đang làm việc tại oma đê giúp các cộng đoàn Công giáo Việt Nam tại đây tĩnh tâm mùa Vọng để đón mừng Chúa Giáng Sinh do lời mời của Đức Ông Tổng Đại Diện người Việt Nam Phan-xi-cô Hải, một người đồng hương với chúng tôi. Người Công giáo Việt Nam ở Nauy, theo lời Đức Ông Hải là khoảng 3.000 người và sinh hoạt khá đều đặn dưới sự hướng dẫn, đồng hành của Đức Ông từ thập niên 80 đến nay và hiện giờ có một số linh mục Việt Nam trẻ chịu chức tại Nauy tiếp tục đồng hành với các cộng đoàn và vì thế, các sinh hoạt tôn giáo ở đây khá sinh động, nhất là có các lớp học Việt Ngữ cho các trẻ em Việt Nam sinh ra tại Nauy. Phải nói rằng công lớn ấy thuộc về các bậc cha mẹ và Đức Ông Tổng Đại Diện với nhiều hy sinh, chịu khó mới có được như ngày hôm nay. Hàng năm vào các dịp lễ lớn như Giáng Sinh và Phục Sinh, Cha Tổng Đại Diện thường mời các cha từ khắp nơi, nhất là các linh mục đang du học tại Rô-ma về để giảng tĩnh tâm và dâng thánh lễ với các cộng đoàn. Ngài rất ưu tư về mục vụ vì tuổi ngài ngày càng cao nên ngài tâm sự là cố gắng làm hết sức có thể để cho mọi thành phần dân Chúa, nhất là những người Việt sống xa quê hương cảm nhận như đang sống trên chính quê hương mình.

Nauy là một quốc gia Bắc Âu và mùa Đông ở đây thường rất lạnh và có tuyết rơi. Tuy nhiên những ngày chúng tôi ở đó thời tiết lại rất ấm áp và thuận tiện cho việc di chuyển, và mọi người có thể tham dự tĩnh tâm và thánh lễ cách sốt sắng. Cha Tổng Đại diện cũng ưu ái và cho phép chúng tôi đến thăm các cộng đoàn nơi có nhiều người Việt sinh sống để chia sẻ về truyền giáo, giải tội và dâng thánh lễ. Chỉ trong một tuần tĩnh tâm và ngồi tòa, chúng tôi thấu hiểu được những nỗi khổ tâm và ưu phiền của những gia đình đang sống ở đây. Đừng tưởng cử sống ởa nước ngoài là hái ra tiền và muốn gì là có đó. Những người Việt ở đây cũng lam lũ và làm đủ mọi việc để sống dù chính phủ Nauy hay các quốc gia Âu Châu không để cho người nào phải chết đói, hay thiếu chỗ ở nhưng mọi người phải làm việc. Nhiều người Việt mình ở đây chẳng những làm việc để nuôi sống gia đình mình ở Nauy nhưng còn phải “cày” thêm nữa để giúp đỡ bà con họ hàng bên Việt Nam, trong khi ở Việt Nam không hiểu hay không muốn hiểu và cứ luôn than thở để những người thân ở bên đó phải gởi tiền về. Chính vì điều này có khi làm rạn nứt tình nghĩa vợ chồng vì ai cũng muốn giúp riêng gia đình mình bên Việt Nam. Những trường hợp như thế chúng tôi đã chứng kiến tận mắt, nghe tận tai nên cảm thấy khó xử vô cùng. Phải nói rằng việc mục vụ gia đình ngày nay khá nan giải đối với các linh mục vì nếu không hiểu hay quá nệ luật thì sẽ làm cho mọi người ngày càng xa lánh Giáo Hội. Có lẽ sống và làm việc ở các xứ truyền giáo Nam Mỹ đã giúp cá nhân chúng tôi mở lòng nhiều hơn dù trước đây khi còn học ở Chủng viện với những bài học về giáo luật và luân lý rất bài bản, nhưng nếu áp dụng vào nhữn trường hợp này là hoàn toàn không ổn tý nào. “Luật vị nhân sinh”, luật vì con người, cởi trói và giúp con con ngày một tốt hơn chứ không phải luật là để trói buộc con người ngày càng đi vào ngõ cụt.

Chúng tôi cũng có dịp đến thăm một số cộng đoàn nữ tu già nua nhưng nay với sức trẻ và ơn gọi đến từ Việt Nam thì các cộng đoàn này đang hồi sinh dù các nữ tu trẻ Việt Nam tâm sự rằng cũng khó hội nhập. Các vị bề trên người Đức và Ba-lan dường như thấu hiểu nên đã để chúng tôi chia sẻ với các nữ tu Việt Nam khi phải sống và làm việc xa quê hương. Nhìn thấy các nữ tu trẻ hồn nhiên, vô tư đang dấn thân học hành và làm việc ở những nước văn minh như Âu châu nhưng đời sống tinh thần ngày càng đi xuống mà cảm thấy thương cho các em vì chưa có kinh nghiệm sống ở nước ngoài.
“Nauy xứ lạnh, tình nồng” như một người dân ở đây từng nói với chúng tôi và quả thật là như thế. Tuy chỉ ở đây 1 tuần lễ nhưng cũng thấm thía được câu nói này. Dù 1 tuần lễ ở đây như cưỡi ngựa xem hoa, chúng tôi cảm nhận được tình thân của những người đồng hương Việt Nam và tình huynh đệ giữa các anh em linh mục. Đêm Vọng Giáng Sinh là một bằng chứng nói lên tình liên đới đó với 4 nhà thờ chỉ tại thủ đô Oslo nơi có người Việt sinh sống đều chật cứng số người tham dự Thánh Lễ và các em thiếu nhi và ca đoàn cũng trình diễn những hoạt cảnh và hoan ca Giáng Sinh như ở quê nhà thật ấm cúng. Tạm biệt Nauy với những lời chúc chân thành nhất cho một mùa Giáng Sinh An Lành và Năm Mới nhiều may mắn.
Sáng ngày 25 tháng 12 năm 2015, chúng tôi ra phi trường Oslo thật sớm để về lại Amsterdam, xứ sở hoa Tu-líp để cùng đồng tế Thánh lễ Giáng sinh vào buổi chiều với cộng đoàn Công giáo Việt Nam tại Hòa Lan. Vì dư âm của khủng bố tại Pháp tháng 11 vừa qua và cảnh báo khủng bố ở Bỉ quốc trong những ngày cuối năm dương lịch nên ở các phi trường Quốc tế ở Âu châu đều kiểm tra an ninh rất chặt chẽ và khắt khe để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể sẽ xảy ra. Chúng tôi đã đến kịp thời để cùng đồng tế với cha Quản nhiệm tại Hòa Lan, Đức Ông cựu quản nhiệm, các linh mục du học tại Roma, Pháp và một số anh em linh mục Việt Nam khác đang làm việc tại Đức và Hòa Lan. Theo chúng tôi được biết thì người Công giáo Việt Nam tại Hòa Lan có chừng 4.000 người nhưng chỉ khoảng 1.000 người sinh hoạt khá thường xuyên, số còn lại chỉ thỉnh thoảng hay không sinh hoạt nữa. Dịp Giáng sinh hay Phục sinh là dịp để gặp gỡ nhau để chia sẻ, hiệp thông vì đất nước Hòa Lan không lớn lắm và đường xá rất đẹp nên việc di chuyển từ Bắc đến Nam, từ Đông sang tây chỉ mất vài tiếng đồng hồ nên việc tổ chức cũng khá dễ dàng. Dịp này chúng tôi được gặp gỡ nhiều đồng hương và hiểu biết thêm vì trước đó 10 ngày chúng tôi cũng có gặp gỡ nhưng chỉ thoáng qua. Nhìn thấy bầu khí ấm cúng với những người cùng nói chung ngôn ngữ của mình trên đất lạ quê người dù tiết trời se lạnh mà mình thấy ấm lòng. Những ngày sau đó chúng tôi được mời dâng thánh lễ ở các cộng đoàn và gia đình nơi có đông người Việt sống gần nhau và cũng để họ thổ lộ những khuất mắc mà bây lâu nay chưa biết ngỏ cùng ai. Nhiều người đã xin được làm hòa với Chúa qua bí tích hòa giải trong Năm Thánh Lòng Chúa Thương xót và dịp này mình đã bắt được nhiều “con cá khá lớn”, có người nhiều nhất là 40 năm, 35 năm và ít nhất là 10 năm. Chúng tôi cũng lần đầu tiên được tham dự Đại Nhạc Hội do Trung Tâm Thúy Nga Paris tổ chức tại Hòa Lan dịp Giáng Sinh và được trực tiếp nghe MC Nguyễn Ngọc Ngạn và các ca sĩ nổi tiếng ca hát. Lần đầu tiên anh hai lúa Paraguay được mặc áo Vest, được tặng vé VIP để tham dự Đại Nhạc Hội.

Những ngày còn lại ở Âu châu thạt là ý nghĩa khi chúng tôi đi thăm các nơi hành hương tại Đức, Bỉ, Hòa Lan trong dịp Năm Thánh Ngoại Thường về Lòng Chúa Thương Xót. Đi đâu cũng được mọi người yêu thương dù biết mình chỉ là một nhà truyền giáo hèn mọn ở tận Paraguay xa xôi. Chúng tôi cũng được mời làm chủ tế hay đồng tế tại các nơi hành hương khiến cho mình cảm thấy như ở quê hương mình. Đêm 31 tháng 12 năm 2015 chúng tôi đã đến thăm và đón giao thừa và mừng năm mới dương lịch 2016 tại một gia đình ở Đức quốc và dâng thánh lễ tạ ơn ở đó trong bầu khi rất gia đình. Người dân ở các nước Âu châu vẫn còn đốt pháo giao thừa thật dòn giã và nghe nói đâu chỉ tính riêng đêm giao thừa nước Đức đã “đốt” hơn 200 triệu Euro tiền pháo.
Những ngày đầu năm Dương lịch, một số cộng đoàn Công giáo Việt Nam tại Hòa Lan cũng mời một linh mục Việt Nam trẻ thuộc Dòng Biển Đức đang du học tại Roma chia sẻ về Năm Thánh Lòng Chúa Thương Xót. Chúng tôi cũng được mời để nghe giải tội và giảng lễ. Nhin thấy mọi người khao khát lắng nghe sứ điệp về Năm Thánh và xếp hàng để lãnh nhận bí tích hòa giải mà lòng mình cảm thấy vui vì người Việt Nam mình dù sống ở đâu cũng vẫn luôn giữ được nét truyền thống về đạo hạnh dù thế giới bây giờ đang đảo lộn mọi thứ. Hai tuần sốg ở Hòa Lan và Đức quốc chúng tôi cảm nhận tình người vẫn còn ấm áp dù mùa Đông lạnh lẽo và người Công giáo Việt Nam mình vẫn luôn là những người tiên phong trong việc gìn giữa đạo hạnh.

Tạm biệt Hòa Lan xứ sở Hoa Tu-líp và những người đồng hương Việt Nam thân yêu đã đón nhận chúng tôi, một linh mục truyền giáo bình thường với tất cả tấm lòng quí mến nhất dù chúng tôi chẳng giúp gì cho mọi người ngoài sự chia sẻ mục vụ. Xin cảm ơn tất cả những người đã từng lo lắng và đồng hành với chúng tôi trong những ngày lưu lạc ở Âu châu. Chúng tôi sẽ khắc ghi những tình cảm này và hẹn sẽ có ngày đẹp trời nào đó sẽ được gặp lại mọi người.
Sau gần 1 tháng lưu lạc ở Âu châu một công đôi chuyện là nghỉ ngơi và chia sẻ mục vụ, chúng tôi đã đáp may bay từ Amsterdam, Hòa Lan về Việt Nam để nghỉ phép. Chúng tôi đã đặt chân đến phi trường Tân Sơn Nhất, Sài Gòn để nghỉ ngơi và thăm gia đình sau nhiều năm xa quê hương. Nhìn thấy dòng người và xe cộ chen chút nhau mới biết mình đang ở Việt Nam. Có khá nhiều thay đổi, nhất là đường xá, các tòa nhà cao ốc, nhưng có một điều không thay đổi là nạn kẹt xe mỗi ngày một nhiều hơn vì người ta càng ngày càng kéo vào Sài Gòn đông hơn và việc tuân giữ luật giao thông khá kém cõi và mặc ai nấy đi. Chúng tôi có gặp một Nữ tu Bề tên Tổng quyền người Chile rất quen bên Nam Mỹ có cộng đoàn tại Sài Gòn đã thốt lên rằng : “Cha ơi, tôi ra đường ở Sài Gòn thì chỉ biết phó dâng cho các thần thánh trên trời vì giao thông ở đây kinh khủng quá!”. Chúng tôi cũng nói với Soeur ấy rằng chúng tôi cũng chí biết phó thác mọi sự cho Chúa chứ mình đâu làm gì được.

Dịp về Việt Nam lần này chúng tôi cũng được mời giảng lễ mở tay của một tân linh mục cùng Dòng vừa chịu chức vào cuối tháng 12 năm 2015 cùng với 2o tân linh mục khác tại Sài Gòn. Đây cũng là một ơn gọi đặc biệt mà chúng tôi cố gắng hiện diện để giảng lễ cho em vì em có một lịch sử cực kỳ thú vị khi những ngày đầu dự tu ở Giáo phận nhưng bị cho về vì không qua các kỳ khảo hạch. Em đã rất buồn và chạy xe đạp cọc cạch từ Sài Gòn theo quốc lộ 1 mà không có đồng xu dính túi để về đến Kontum trong vòng 1 tuần lễ vào những năm đầu của thập niên 2000. Tuy nhiên, vào thời gian ấy, chúng tôi đã giới thiệu với nhà Dòng cho em được nhập tu Dòng với những lời bảo đảm là em không bị ”khùng”. Hiện giờ em đã là một linh mục và sắp đến sẽ đi truyền giáo tại Botswana bên châu Phi. Em là linh mục đầu tiên được chịu chức trong giáo xứ kể từ ngày thành lập đén nay đã là 83 năm. Chúng tôi đã chia sẻ với em trong thánh lễ với tư cách là một người anh đi trước khi tâm sự với em rằng em từng là một anh hai lúa chính hiệu, là một người em, người con trong gia đình, trong giáo xứ, trong Hội Dòng, em hãy tiếp tục sống tính cách hai lúa chân thành, mộc mạc của em dù giờ đây em đã là linh mục. Đừng nghĩ rằng mình là linh mục thì mình có quyền vung tay, múa chân và xem thường người khác. Người ta kính trọng các linh mục, các tu sĩ không phải vì họ có bằng cấp cao hay là có những bài giảng hung hồn nhưng người ta kính trọng các linh mục vì họ giống Chúa Giê-su, một mục tử khiêm nhường và dễ gần. Hãy bắt chước Chúa Giê-su là mẫu gương linh mục của chúng ta “Hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (x Mt 11,25-30).  Nếu em có và giữ được đức tính này thì dù em làm việc ở đâu mọi người sẽ yêu mến em và từ đó chính họ sẽ tự nguyện xin vào đạo. Chúng tôi sẽ tiếp tục cầu nguyện cho em trong những năm đầu đời linh mục của em và sứ vụ truyền giáo của em. Chúng tôi cũng trần tình với các em linh mục mới chịu chức mà phần lớn là học trò cũ ngày xưa của chúng tôi là hãy biết sống khiêm nhường và tôn trọng văn hóa của người khác và đừng bao giờ cho rằng mình là nhà truyền giáo, là văn minh hơn người khác mà xem thường văn hóa của họ.

Những ngày còn lại ở Việt Nam chúng tôi ở với gia đình và thăm những người thân để hâm nóng tình thân trong gia đình. Chúng tôi cũng thăm ngôi mộ nơi người Mẹ thân yêu đã an nghỉ trong những năm qua để tâm sự với Mẹ. Người cha già bị tai biến đã nhiều năm qua chỉ nằm, ngồi một chỗ khi thấy chúng tôi về đã bật khóc thấy mà thương.
Nhìn lại những ngày đã qua thì tất cả là một hồng ân. Tạ ơn Chúa đã cho con có dịp biết nơi này nơi khác để hiểu thêm nhân tình thế thái nhằm giúp đời phục vụ và mục vụ như là linh mục truyền giáo của con có một tầm nhìn thoáng hơn. Nhân dịp Tết Nguyên Đán 2016 sắp tới, xin cầu chúc mọi người luôn bình an, hạnh phúc, an khang, thịnh vượng. Xin Chúa Xuân luôn ban nhiều ơn lành cho quí vị.                    
           Việt Nam, ngày 16 tháng 01 năm 2016

           Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD.