Mục Vụ Mùa Đông 2014
Sau những ngày World Cup 2014 nóng
bỏng với sự thất bại thảm hại của nước chủ nhà Brazil trong trận bán kết, và
chiếc Cup vô địch lại bị “Cỗ Xe Tăng” Đức lấy đi khỏi Nam Mỹ đầy nuối tiếc từ
ứng cử viên nặng kí Argentina, người dân Nam Mỹ bước vào hai tuần nghỉ Đông để
tránh cái lạnh thấu xương vì Nam Mỹ lúc này đang là mùa Đông.
Theo dự tính ban đầu, chúng tôi sẽ đi mục vụ ở một giáo xứ miền quê
phía Nam của Paraguay vì nơi đó một anh em linh mục cùng Dòng phải coi sóc cả
trăm giáo điểm ở vùng đất đỏ. Chúng tôi đã khởi hành từ rạng sáng và phải lái
xe đến 8 tiếng đồng hồ liên tục để tới các giáo điểm. Tuy nhiên, trên đường đi
thì trời lại mưa rất lớn nên chúng tôi phải dừng lại để liên lạc xem liệu có
vào được không. Người anh em linh mục ở đó trả lời rằng rất khó vào vì đường
xình lầy do mưa lớn và đất đỏ nên trơn trợt và nguy hiểm vì ở đó khi trời mưa
bão thì nội bất xuất, ngoại bất nhập, chỉ có trực thăng mới có thể đi vào để
cứu trợ. Chúng tôi đành phải nghỉ tạm ở một giáo xứ bên cạnh quốc lộ để chuyển
qua phương án II.
Sau một đêm ngủ
tạm bất đắc dĩ đầy lo lắng ở một giáo xứ ven đường, chúng tôi lại khởi hành để
đến vùng Đông Bắc của Paraguay khoảng hơn 10 giờ lái xe nữa, chúng tôi đã đến
một giáo xứ vùng quê khác lúc chập tối để cho các em chủng sinh tham gia mục vụ
mùa Đông nhằm tránh đi những ngày quá rãnh rỗi mà sinh những chuyện không hay
vì “nhàn cư vi bất thiện”.
Vùng Nam Mỹ năm nay mưa rất nhiều và người ta gọi đây là
hiện tương “El Niño”. Theo Wikipedia
tiếng Việt thì “El Niño” (phát âm như "eo ni-nhô") là
hiện tượng trái ngược với “La
Niña” {tiếng Tây Ban Nha: “El Niño” (bé trai) và “La Niña” (bé gái)}, là một trong
những hiện tượng thời
tiết bất thường gây thảm họa cho con người từ hơn 5000 năm
nay. Ngày nay, hiện tượng “El Niño”
xuất hiện thường xuyên hơn và sức tàn phá của nó
cũng mãnh liệt hơn. “El Niño” trong tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là "Hài Đồng hay bé
trai", có ý nói đến Chúa Giêsu Hài đồng. Cứ
trung bình 3-10 năm, ngư dân vùng biển tại Peru phát hiện ra nước biển ấm dần lên vào mùa đông,
khoảng vài tuần trước Lễ Giáng Sinh. Đây chính là một nghịch lý, nhưng nó vẫn tồn
tại có chu kì và kéo theo hiện tượng hơi nước ở biển bốc lên nhiều hơn, tạo ra những
cơn mưa như thác đổ. Và ngư dân đã gọi hiện
tượng này là “El Niño” để đánh dấu thời điểm xuất phát của nó
là gần Giáng Sinh.
Trong khí tượng học người
ta còn gọi hiện tượng “El Niño” là Dao động phương Nam (Southern oscillation). Ngày
nay, khoa học đã chứng minh được rằng hiện tượng “El Niño” có ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu và
thuật ngữ “El Niño” dùng để chỉ hiện tượng nước biển nóng
lên.
Trái ngược với “El Niño” , “La Niña” (phát âm là La Ni-nha) là hiện tượng thường bắt đầu
hình thành từ tháng ba đến tháng sáu hằng năm, và gây ảnh hưởng mạnh nhất vào
cuối năm cho tới tháng hai năm sau. “La Niña” sẽ xảy ra ngay
sau khi hiện tượng “El Niño” kết thúc. Hiện tượng “La
Niña” (hay còn gọi là anti- El Niño hay el Viejo, đối trọng với El
Niño) thuộc dòng biển lạnh làm lạnh nhiệt độ
của những vùng mà nó đi qua.
Một
cuộc tranh cãi về ý nghĩa các khái niệm của các nhà tu từ học là tại sao khi
trời mưa bão thì người ta lại dùng khái niệm “El Niño” (bé
trai) trong khi trời khô hạn lại dùng khái niệm “La Niña” (bé gái)? Rất nhiều nhà
tranh đấu nữ quyền đã phản bác khái niệm trái nghịch này vì cho rằng “La Niña”, cũng có nghĩa biểu tượng là phồn thực, tươi
mát, sinh động, mầu mỡ, dễ thương… Thật sự các khái niệm trên đây chỉ nói lên
hiện tượng biến đổi khí hậu mà thôi.
Trở
lại chuyện mục vụ mùa Đông với các em chủng sinh. Sau một đêm ngon giấc vì
đường xá xa xôi, chúng tôi lại bắt tay vào việc để thăm các giáo điểm vùng xa
này dù không nằm trong kế hoạch định sẵn.
Cha
xứ đã giao cho chúng tôi viếng thăm các cộng đoàn mà cả năm mới có được một
thánh lễ. Ở đây trời cũng mưa nhưng đường xá khá hơn vì là đất cát nên dù có bị
lụt lội thì đất cát cũng mau khô ráo hơn. Các em chủng sinh chia nhau thành
từng nhóm nhỏ để thăm các gia đình và trò chuyện với họ vì người dân ở đây rất
niềm nở tiếp khách và sẵn sàng lắng nghe những người mà họ gọi là Pa’í (linh
mục) hai Pa’írã (chủng sinh) đến từ nơi xa. Người dân địa phương họ chỉ nói
tiếng Guarani nên các em chủng sinh rất dễ gần vì phần lớn các em đến từ các
gia đình miền quê nói tiếng Guarani nhiều hơn tiếng Tây Ban Nha. Chính nhờ
những chuyến đi truyền giáo hàng năm này đã giúp các em có cơ hội hiểu rõ hơn
về người dân nước mình và những gì họ cần làm cho hành trình tương lai của họ
như những nhà truyền giáo.
Một
Nữ tu thân quen ở Việt Nam khi mới nhận bài sai truyền giáo ở Tây Nguyên tỏ ra
lo lắng vì từ khi đi tu đến giờ gần 20 năm mà chỉ ở trong Nhà Mẹ, nay mới được sai
đi phục vụ ở xa đã tâm sự với chúng tôi và chúng tôi có nói với Soeur là đừng
quá lo lắng vì mình đã chấp nhận đi tu là chấp nhận thách đố, giống như chấp
nhận lập gia đình là cũng chấp nhận tất cả những điều may mắn cũng như rủi ro.
Khi Nữ tu trẻ này đến vùng truyền giáo được một tuần, Soeur bắt đầu chia sẻ với
chúng tôi là rất khâm phục các nhà truyền giáo khi phải sống xa quê hương với
ngôn ngữ, văn hóa bất đồng nhưng đã chấp nhận tất cả. Soeur nói sẽ cố gắng nhiều hơn nữa để
thích ứng với môi trường mới dù có khó khăn nhưng vẫn có chung một nền văn hóa.
Có hai kỷ niệm vui trong những ngày mục vụ
này mà chúng tôi muốn chia sẻ. Niềm vui đầu tiên là chúng tôi làm lễ cưới cho
một đôi tân hôn mà cô dâu bị câm điếc và là con gái độc nhất của ông trùm họ.
Dù bị câm điếc nhưng cô dâu này thật đẹp và thông minh. Thông thường thì khi
làm đám cưới thì đôi tân hôn phải học thuộc lòng nghi thức thề hứa và trao nhẫn,
nhưng bên này chúng tôi thống nhất là vị chủ tế sẽ dùng nghi thức vấn đáp và
những cặp phối ngẫu chỉ việc trả lời mà thôi. Khi chúng tôi hỏi cô dâu câm điếc
này, cô ta nhìn vào khẩu ngữ của tôi và mấp máy đôi môi thì chúng tôi hiểu ngay
là cô ta ưng thuận và hoàn toàn tự do mà không bị ép buộc. Chúng tôi cũng nhắn
nhủ chú rễ và gia đình hai bên luôn cố gắng vun đắp và giúp đôi tân hôn này có
được một gia đình hạnh phúc vững bền vì chuyện hôn nhân hiện nay giữa những
người bình thường đã khó huống chi là giữa một người vừa khiếm ngôn vừa khiếm
thính (câm-điếc) kết hôn với một người binh thường với biết bao dị nghị thì khó
khăn gấp bội.
Niềm
vui thứ hai là trong dịp này chúng tôi cũng cử hành một thánh lễ bổn mạng cho
một giáo điểm. Trời lạnh cóng nhưng chúng tôi cũng cố đến đúng giờ. Vậy mà
chẳng có người nào. Đợi một hồi lâu thì bà trùm họ mới đến và bắt đầu ngồi uống
Mate (trà nóng) để giết thời giờ trong khi đợi mọi người đến. Thánh lễ cũng
diễn ra sốt sắng và người ta cũng dâng lễ vật nào là chuối xanh, đậu phộng và
trái cây. Trước khi phép lạnh cuối lễ thì họ cũng nghêu ngao hát và đi mấy vòng
quanh xóm để kiệu thánh bổn mạng. Nhìn thấy người dân đơn sơ, chất phát mà mình
cũng muốn trở lại cảnh hai lúa ngày xưa để có thể làm những gì mình thích mà
không sợ bị cho là lố bịch.
Đại
Hội Liên Tu Sĩ Toàn Quốc
Cũng trong những ngày nghỉ Đông này,
Liên Tu Sĩ Paraguay đã tổ chức Đại Hội lần thứ 55 để cho tất cả các tu sĩ đang
làm việc ở Paraguay có dịp gặp gỡ nhau và chia sẻ với nhau những thách đố, khó
khăn mà họ gặp phải trong đời sống cộng đoàn cũng như mục vụ, và cũng để cập
nhập những tin tức chính thống về tinh hình kinh tế, chính trị, xã hội và giáo
hội trong một thế giới kỹ trị không ngừng biến đổi từng ngày khiến người tu sĩ
không thể dùng chân tại chỗ.
Đại Hội lần này qui tụ
hơn 500 tu sĩ nam nữ từ tất cả các Hội Dòng và Tu Hội trong cả nước đang làm
việc ở Paraguay không phân biệt trẻ già. Năm ngoái cũng trong Đại Hội, hai nam
tu sĩ đã được Đức Thánh Cha bổ nhiêm giám mục và năm nay cũng vậy, Đức Sứ Thần
Tòa Thánh cũng đã công bố có 2 nam tu sĩ được Đức Thánh Cha bổ nhiệm để thay
thế cho một giáo phận trống tòa và một giáo phận có vị giám mục vừa mới nghỉ
hưu khi tròn 78 tuổi. Người dân ở Paraguay rất kính nể giới tu sĩ và mỗi năm
khi tổ chức Đại Hội thì nhiều báo đài đến phỏng vấn, viết bài vì Liên Tu Sĩ
Paraguay có tiếng nói rất mạnh trong chính trường Paraguay khi dám nói, dám làm
khiến các chính trị gia cũng rất nể phục.
Trong ngày đầu tiên, Đại Hội có mời
ba vị tiến sĩ phân tích về tình hình kinh tế, chính trị và giáo hội của đất
nước để các tu sĩ có cơ hội cập nhật những thông tin mà họ chỉ nghe thiếu cơ
sở. Hai vị tiến sĩ trình bày những vấn đề nhạy cảm về chính trị và kinh tế mà
nếu chuyện đó nói ở các nước độc tài thì có lẽ mấy nhà phân tích kinh tế chính
trị này sẽ bị vào tù ngay. Ở một quốc gia dân chủ nhỏ bé như Paraguay, người
dân có thể chỉ trích những điều mà Tổng Thống và Quốc Hội làm sai hay nói mà
không làm nếu họ có đầy đủ bằng chứng mà không hề sợ bị bắt hay làm khó dễ vì Tổng
Thống hay các Nghị Sĩ Quốc Hội chính là những người mà người dân bầu lên để cai
quản đất nước. Kế đó, một nữ tiến sĩ chuyên ngành báo chí có 20 năm kinh nghiệm
trong ngành làm báo đã nói về Giáo hội dưới con mắt của một nhà báo để các bậc
tu trì và các “đấng” được nghe một cách đa chiều về tình hình giáo hội trong
nước trong những tháng vừa qua. Có thể là một nỗi đau khi chính những giáo dân
mà đại diện là vị tiến sĩ ngành báo chí nói lên những
suy nghĩ của họ với hàng giáo sĩ và các bậc tu trì về những khiếm
khuyết, những tật xấu của người đi tu khiến nhiều người ngày xa lánh hoặc không
muốn đến nhà thờ nữa. Nhưng thà đau một lần rồi mình biết nhận ra mà sửa đổi
còn hơn là cứ để âm ỉ rồi có ngày phải trả giá đắt. Chính nữ nhà báo này đã cho
chúng tôi những hình ảnh và bài viết thuyết phục, mang tính đa chiều khi nói về
những điều vừa xảy ra tại Giáo hội Paraguay đến nỗi Đức Thánh Cha Phan-xi-cô
phải gởi đặc phải viên từ Tòa Thánh đến điều tra. Khi vị Hồng Y từ Tòa Thánh đến điều tra trong những ngày
này thì không may là ngày hôm qua (24/7), trong chuyến chào xã giao vị Thống
đốc Bang Alto Parana, ngài đã bị đột quỵ khi vừa trao quà của Đức Thánh Cha cho
vị Thống Đốc. Hiện tình trạng sức khỏe của ngài đã qua cơn nguy kịch nhưng Đức
Thánh Cha đã khuyên ngài nên tạm dừng tất cả các lịch trình cho đến khi hồi
phục.
Trong 3 ngày Đại Hội, Liên tu sĩ
cũng đã tổ chức đi thăm những nơi bị ngập lụt ngay Thủ Đô vì nhiều người dân
quanh thủ đô đã sống trong cảnh màng trời, chiếu đất từ nhiều tháng nay do hiện
tượng “El Niño” toàn cầu. Có lẽ năm nay
là năm mà Paraguay chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ trước đến nay và nhiều con
đường đã bị cô lập hoàn toàn do ngập lụt và hàng trăm ngàn người bị ảnh hưởng
trước thảm họa thiên nhiên này. Người tu sĩ không chỉ đứng nhìn hay chỉ hội họp
nhau với một mới lý thuyết hay chỉ nói những lời cầu nguyện suông mà phải bắt
tay vào việc. Chúng tôi rất ngưỡng mộ hình ảnh của Đức Tổng Kiệt năm nào khi
ngài cùng những người có trách nhiệm trong Giáo phận xoắn quần và đi thăm những
vùng bị lụt. Hai vị giám mục của chúng tôi trong những ngày này đã hiện diện
với liên tu sũ chúng tôi trong từng cây số không phải để báo chí chụp hình và
tung hô nhưng các ngài, nhưng đây là những vị mục tử biết “ngửi mùi chiên” khi
thấy người dân gặp khó khăn. Nhìn các em bé và các cụ già phải sống trong các
lều tạm trong mùa Đông giá rét với đường xá ngập nước không biết bao giờ mới
rút đi mà mình cảm thấy nhói lòng. Người tu sĩ không thể nói về Chúa chỉ trên
môi miệng nhưng phải là những cảnh tay nối dài của Chúa để giúp đỡ những người
khốn cùng. Người dân có thể cần cơm bánh để ăn hàng ngày, nhưng cái họ cũng cần
hơn nữa đó là sự hiện diện của những môn đệ Chúa Ki-tô bằng những lời thăm hỏi,
động viên và đồng hành với họ trong những lúc cả đời sống vật chất lẫn tinh
thần thiếu thốn vì chinh Chúa Giê-su đã từng trả lời khi Ngài bị ma quỉ cám dỗ
trong hoang địa : “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng
Thiên Chúa phán ra” (Xc. Mt 4,1-4).
Paraguay, ngày 25 tháng 7 năm 2014 – Lễ Thánh
Gia-cô-bê Tông Đồ
Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD