Saturday, December 28, 2013

PARAGUAY : MÙA VỌNG VỚI MẸ MARIA




Năm Phụng Vụ mới bắt đầu với Chúa Nhật Thứ I Mùa Vọng trùng vào ngày thế giới Phòng chống SIDA (1/12), một căn bệnh thế kỷ đã khiến biết bao nhiêu người chết và nhiều người đang sống với căn bệnh này cũng gặp biết bao khó khăn, mặc cảm dù xã hội dần dần thay đổi cái nhìn khinh miệt và kỳ thị. Chính trong viễn cảnh này, Giáo Hội của Chúa Kitô bắt đầu một mùa Vọng với những khắc khoải, lo âu trước những thảm họa thiên nhiên vừa mới xảy ra.
Trong khi tiết trời các xứ Bắc Mỹ và châu Á năm nay do biến đổi khí hậu nên lạnh te tua thì ở Nam Bán Cầu, cụ thể là Paraguay nơi chúng tôi đang sống, thời tiết lại nóng kinh khủng và thỉnh thoảng lại có những cơn giông tố khiến cây côi ngã đổ, nhà cửa tốc mái và làm thiệt hại người và tài sản. Trời nóng bức nhưng nhiều nơi lại bị cúp điện khiến hoàn cảnh bi đát hơn.
Cũng chính trong những ngày mùa Vọng này người dân Paraguay bắt đầu cho những ngày lễ để tôn vinh Mẹ mà cao điểm là ngày 8/12, lễ Đức Trinh Nữ Maria Các Phép Lạ tại Caacupé mà người ta hay gọi gọi là Đức Mẹ Caacupé giống như Việt Nam chúng ta quen gọi là Mẹ La Vang, Mẹ Trà Kiệu hay là Mẹ Tà Pao…  
Lễ Đức Mẹ Caacupé ngày 8/12 hàng năm là Quốc Lễ của người Paraguay và người ta đã xem Linh Địa Caacupé là thủ đô tinh thần của quốc gia này.
          Khác với người Công giáo Việt Nam, Lễ Đức Mẹ La Vang dịp 15/8 thường diễn ra trọng thể trong 3 ngày áp lễ nhưng người Paraguay thì họ làm Tuần Cửu Nhật trọng thể và mỗi ngày trong Tuần Cửu Nhật có 2 thánh lễ chính được cử hành trước tiền đình Vương Cung Thánh Đường Caacupe với hàng ngàn người tham dự, và cứ mỗi giờ thì có thánh lễ bên trong Vương Cung Thánh Đường hay Nhà Thờ hầm cho các tín hữu hành hương tham dự. Tất cả các thánh lễ trong Tuần Cửu Nhật đều được lên lịch mời từ rất lâu để các giám mục và các linh mục sắp xếp và chuẩn bị thánh lễ chu đáo vì các Thánh Lễ trong Tuần Cửu Nhật được trực tiếp truyền thanh và truyền hình cho người dân trên cả nước để họ lắng nghe các sứ điệp và các bài chia sẻ của những vị mục tử.   Năm nay chúng tôi được mời chủ tế và giảng lễ vào đúng ngày đầu đầu Chúa Nhật Thứ I Mùa Vọng trong Vương Cung Thánh Đường vào lúc 9h sáng. Chúng tôi những tưởng là sau thánh lễ lúc 7h sáng trước tiền đình Vương Cung Thánh Đường do một Giám Mục người Đức chủ sự với hàng ngàn người hành hương thì thánh lễ lúc 9h sáng của chúng tôi sẽ không mấy người tham dự. Tuy nhiên, khi ca đoàn vừa hát ca nhập lễ, chúng tôi vừa bước ra bái chào Cung Thánh thì hơi khớp vì lượng người tham dự thánh lễ lúc 9h cũng không thua kém gì thánh lễ vừa mới kết thúc. Định thần lại một chút trước khi chào giáo dân, chúng tôi mới cảm nhận rằng có lẽ lâu nay mình hiểu chưa đúng về người dân mà mình đang phục vụ vì cứ nghĩ rằng họ thờ ơ với đạo nghĩa nhưng thật sự trong sâu thẳm họ rất quí mến Mẹ vì qua Mẹ họ có thể dễ dàng đến với Chúa.
          Đây là là thứ hai chúng tôi được diễm phúc chủ tế và chia sẻ thánh lễ với hàng người tham dự tại Thủ Đô Tinh Thần của người dân Paraguay vào những ngày quan trọng nhất của Tuần Cửu Nhật kính nhớ Đức Mẹ trong Mùa Vọng. Thật là một niềm vui và hãnh diện vì chúng tôi nghĩ đây là một món quà quí mà Đức Mẹ tặng cho những người con linh mục luôn biết phó thác và nhận Mẹ là người hướng dẫn đời sống tâm linh của mình.
          Chúng tôi không phải là người cuồng tín hay nói quá về vai trò của Mẹ Maria rồi quên đi điều chính yếu mà nhiệm vụ của các linh mục phải rao giảng là Lời Chúa. Tuy nhiên, chúng tôi phải thành thực nói rằng nếu các linh mục chỉ nói về Chúa mà quên đi người Mẹ Hiền của Ngài thì cũng là một thiếu sót lớn. Chính vì lẽ đó, chúng tôi luôn cố gắng tìm mọi cách để giúp mọi người vừa có thể yêu mến Mẹ cách xứng hợp, vừa có thể quay về với Chúa trong tâm tình của một người con lạc đường.
          Có thể nói, không nhiều thì ít, không một người Công giáo nào dù Phi châu hay Mỹ Châu, Á châu hay Úc châu lại không biết đến Mẹ và bằng chứng là hầu như các nước trên thế giới đâu đâu người ta cũng nói đến những lần hiện ra của Đức Mẹ để an ủi và cứu giúp đàn con trong cơn nguy khốn. Tuy nhiên, Giáo hội Công giáo cũng rất dè dặt và khôn ngoan khi công bố đâu là những phép lạ thật và đâu là những điều bịa đặt để các tín hữu không bị rơi vào hiện tượng mê tín để rồi dẫn đến những hậu quả không mấy tốt đẹp về sau.
          Quay lại ngày lễ Đức Trinh Nữ Maria Các Phép Lạ tại Caacupé ở Paraguay trong Tuần Cửu Nhật, chúng tôi hiểu thêm nhiều vấn đề mà quốc gia có số phần trăm người Công giáo rất đông này rất hãnh diện về người Mẹ tuyệt vời mà Thiên Chúa đã ban cho họ. Linh Địa Caacupé chỉ cách Thủ Đô hành chính Asunción của Paraguay khoảng 60km về hướng Đông, và chính điều đó cũng rất thuận tiện cho việc đi lại cho khách hành hương từ khắp nơi đổ về. Chúng ta thử tưởng tượng xem với tháng 12 là tháng Hè của Paraguay và nhiệt độ có khi lên đến 40 độ C và thỉnh thoảng trời lại mưa xen lẫn sấm chớp nhưng không làm khách hành hương nhụt chí. Họ đến từ khắp các nẻo đường bằng nhiều phương tiện khác nhau : Đi bộ, xe đạp, xe máy, xe ngựa và xe hơi… để được tham dự thánh lễ và được tận tay sờ vào linh tượng của Mẹ. Từng đoàn người rồng rắn kéo nhau nói cười vui vẻ trong suốt cuộc hành trình dài để đến với Mẹ. Chỉ thấy như thế cũng đủ nói lên là Đức Mẹ đang làm phép lạ để qui tụ đàn con về một mối trong tình hiệp nhất dù trong quá khứ họ là những người tội lỗi.
          Những ngày này chúng tôi tận mắt quan sát cách tổ chức và sắp xếp của người Paraguay trong dịp lễ đại trào. Thật tình mà nói nếu so với người Việt Nam mình thì họ thua xa về hình thức và cách bố trí. Tuy nhiên, công bằng mà nói thì người dân xứ này có một sự phối hợp nhịp nhàng giữa chính quyền và giáo quyền vào những dịp trọng thể. Theo nguồn tin đáng tin cậy của tổng giám đốc cảnh sát quốc gia, một người từng là giáo dân trong giáo xứ của chúng tôi cho biết là dịp lễ này chính quyền đã huy động hơn 2.500 cảnh sát để bảo vệ an ninh trật tự và hướng dẫn đoàn người hành hương và chính những viên cảnh sát này cũng là những người chống bạo động. Chính quyền cũng đã ra lệnh giảm giá xe buýt cho khách hành hương, hàng quán bán ven đường và quanh khu vực Linh Địa phải được kiểm nghiệm an toàn, dịch vụ y tế và chữa cháy túc trực 100% trong những ngày đại lễ và không hề có chuyện xảy ra nạn trộm cắp, lừa bịp trong những ngày này. Các vị giảng thuyết trong những ngày này thường đề cập đến công bình xã hội, về các giáo huấn xã hội của giáo hội nhằm thăng tiến thiện ích chung. Báo chí và truyền hình cũng lợi dụng những dịp này để trích dẫn những câu nói, những bài giảng hay của những vị giảng thuyết nhằm đánh động lương tri của những nhà cầm quyền. Các giới chức trong chính quyền hay giáo quyền không hề né tránh hay đỗ lỗi cho người này hay người khác nhưng sẵn sàng trả lời phỏng vấn cách trực diện để làm sáng tỏ vấn đề. Không ai lợi dụng diễn đàn này để trục lợi cá nhân nhưng chỉ để giúp giải quyết các vấn đề tiêu cực mỗi ngày được tốt hơn lên. Chính nhờ những ngày lễ mang tính quốc gia này mà những nhà cầm quyền đã biết lắng nghe và làm cho đất nước mỗi ngày một thay đổi theo chiều hướng tốt đẹp hơn.
          Hôm nay ngày Chúa Nhật ngày 8/12, theo lịch phụng vụ là ngày Chúa Nhật Thứ II Mùa Vọng năm A. Tuy nhiên, với phép đặc biệt của Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bích Tích của Tòa Thánh, Giáo Hội Paraguay được mừng Đại Lễ Đức Trinh Nữ Maria Các Phép Lạ tại Caacupé. Thánh lễ chính được diễn ra lúc 6h sáng trước tiền đình của Vương Cung Thánh Đường với sự tham dự của hàng ngàn tín hữu từ khắp nơi tràn về. Về phía chính quyền có vị Tổng Thống, Phó Tổng Thống, các vị Bộ Trưởng và các phái đoàn ngoại giao của các nước. Vị chủ tế thánh lễ là Đức Giám Mục Giáo Phận Caacupé nơi có Linh Địa Caacupé đồng thời là Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Paraguay. Cùng đồng tế có vị Sứ Thần Tòa Thánh, các Giám Mục của các Giáo Phận khác và hàng trăm linh mục, phó tế trong nước. Điều này cũng nói lên tầm quan trọng của Thánh Lễ này. Dù đài dự báo thời tiết mấy ngày trước nói rằng ngày 8/12 sẽ là ngày mưa lớn nhưng sáng nay trời lại quang đãng và khí hậu khá dễ chịu trong suốt Thánh Lễ. Chính Mẹ Maria đã làm Phép Lạ mà nhiều khi chúng ta không nhận ra.
          Trong bài giảng khoảng hơn 10 phút trước cử tọa hàng ngàn người, với sự hiện diện của vị Tổng Thống và các nhà cầm quyền dân sự, vị Giám Mục giảng thuyết với tư cách là Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục đã dùng Lời Chúa và Giáo Huấn của Giáo Hội để cảnh báo những trào lưu tục hóa đang len lỏi vào Giáo hội và nhắc nhở giới trẻ không để thế giới tiêu thụ, ích kỷ, nền văn minh sự chết lôi kéo. Ngài cũng kêu gọi các nhà cầm quyền và các đảng phái chính trị không nên vị lợi ích nhóm mà quên đi nhiệm vụ chính là làm cho đời sống người dân được bình an, hạnh Phúc. Giáo Hội không làm chính trị nhưng Giáo Hội nói lên những bất công và bênh vực những người nghèo khổ, áp bức để những nhà cầm quyền dân sự bảo vệ và thăng tiến nhân phẩm của họ. Các vị mục tử trong Giáo Hội là những tiếng nói của Chúa, là những dụng cụ của Mẹ trước những bất công đó. Nếu những nhà cầm quyền dân sự quên đi nhiệm vụ chính yếu của mình hay nuốt lời khi vận động tranh cử thì Mẹ sẽ ra tay cứu giúp qua những vị mục tử và do đó, những nhà chính trị đừng cho là Giáo Hội đã tham gia vào chính trị khi chính họ không làm tròn bổn phận cai trị của mình.

          Chúng tôi nhận thấy vị Tổng Thống và Phó Tổng Thống cùng các vị Bộ Trưởng lắng nghe rất chăm chú bài giảng của vị giảng thuyết và có những giây phút trầm tư. Đối với người Paraguay, dù là quốc gia Công giáo nhưng chính quyền và giáo quyền là hai thực thể hoàn toàn độc lập với nhau nhưng bổ khuyết cho nhau. Người dân rất cảm mến những nhà cầm quyền nào có tinh thần đạo đức được thể hiện trong những dịp tham dự các thánh lễ như Lễ Đức Trinh Nữ Maria Các Phép Lạ tại Caacupé hôm nay.
          Người dân Paraguay hôm nay vui như Tết vì có Mẹ chở che, đồng hành. Người ta cùng nhau đốt pháo ăn mừng vì là ngày Quốc Lễ và cũng là ngày mà các học sinh bắt đầu bước vào những ngày Hè sau những tháng học hành vất vả. Xin Mẹ Maria luôn đồng hành và ban ơn cho dân tộc nhỏ bé này và cũng ban ơn cho nước Việt thân yêu của chúng con được tự do, hạnh phúc thật sự.
Paraguay, 8/12/2013 – Lễ Đức Trinh Nữ Maria Các Phép Lạ tại Caacupé
Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD.