Chuyến đi Áo – Tyrol - Roma
Sau gần một tháng lưu trú ở xứ sở
nổi tiếng về hoa Tu-líp hay còn gọi là đất nước của “Cối xoay gió” để sống lại
những giây phút ban đầu của Thánh Sáng Lập Dòng và những người cùng thời với
ngài, chúng tôi lại chuẩn bị lên đường tiến về Roma cho giai đoạn II của khóa
học. Trước khi ra đi, chúng tôi có dâng thánh lễ cho một cộng đoàn nhỏ người Việt
sống gần thủ đô Amsterdam mà đa số đã cư ngụ ở Hoà Lan gần 30 năm qua. Chúng
tôi lại được một buổi trò chuyện thật nồng ấm và cùng được thưởng thức tài nghệ
nấu ăn của một phụ nữ trẻ vừa trở lại đạo cách đây không lâu. Dù là cộng đoàn
nhỏ nhưng khá sum tụ. Các em nhỏ thì chỉ nói được vài câu tiếng Việt vì sinh ra
bên đất Hoà Lan nên khi nghe giảng lễ các em chỉ biết nhìn khi thấy cha mẹ, ông
bà chúng cười mà chúng chẳng hiểu gì cả. Chúng tôi còn nhớ vào một dịp đến Hoa
Kỳ cách đây mấy năm, một bác lớn tuổi mời mấy cha Việt nam, trong đó có chúng
tôi đến dùng cơm tối. Trước khi dùng bữa, bác có gọi mấy cháu nội, ngoại ra chào
các linh mục. Một cháu bé khoảng 5,6 tuổi gì đó rất ngây thơ hỏi ông nó : “Ông
ơi! Ông muốn con chào thằng nào trước?” làm cho ông nó tái mặt. Chúng tôi được
một trận cười về sự ngây thơ của cháu bé vì chúng tôi biết rằng các em bé Việt
Nam sinh ở nước ngoài không dễ gì nói tiếng Việt như trẻ em sinh ra và lớn lên ở
Việt Nam. Cũng vì thế chúng tôi không bao giờ trách cứ vì những chuyện cỏn con
này.
Hoà Lan là quốc gia đầu tiên trên
thế giới công nhận hợp pháp công nghệ tình dục và cho phép một khu vực buôn bán
và hút thuốc phiện. Thủ đô Amsterdam là nơi rất đông du khác tham quan và nhờ
lượng khách du lịch này mà họ thu được nguồn lợi rất lớn. Đây cũng là một trong
những quốc gia đầu tiên công nhận hôn nhân đồng giới. Bởi thế, nhiều người hay
đùa rằng nếu muốn làm chuyện gì bị cấm ở các nước khác thì cứ đến Hoà Lan mà
làm.
Chúng tôi đã từ biệt Hoà Lan để
lên đường đến các nơi mà vị thánh truyền giáo đầu tiên của Dòng sinh sống trước
khi được gởi qua Trung quốc truyền giáo. Hành trình của chúng tôi đã trải qua
nhiều nước bằng xe bus xuyên quốc gia nên chúng tôi được dịp ngắm cảnh và tận
hưởng những vẻ đẹp thiên tạo cũng như nhân tạo của của Âu châu. Trong cuộc hành
trình này có một linh mục rất rành về Âu châu đã giới thiệu cho chúng tôi rất
nhiều điều bổ ích về những địa danh và thắng cảnh của những nơi mà chúng tôi đi
qua cũng như sẽ đặt chân đến.
Khi đến Austria (mà người Việt
mình hay quen gọi là nước Áo). Chúng tôi cũng không hiểu vì sao người Việt mình
gọi là nước Áo. Có lẽ là do phiên âm từ Hán-Việt là Áo-đại-lợi, nên gọi là nước
Áo, giống như gọi nước Italy là Ý (Hán-Việt là Ý-đại-lợi) lâu ngày thành thói
quen. Có lẽ chúng ta cũng cần thay đổi để gọi tên của một số địa danh thông
dụng cho đúng, ví dụ ta không nên gọi Rô-ma là La-Mã nữa vì La-Mã là âm
Hán-Việt do người Trung Hoa không đọc được chữ “R” nên họ đọc trại thành chữ
“L” rồi từ đó người Việt mình cứ theo nên thành thói quen. Chúng tôi không dám
“múa rùa qua mắt thợ” chuyện ngôn ngữ nhưng muốn góp một tí gì đó để giữ gìn sự
trong sáng của tiếng Việt mà thôi.
Nói đến nước Austria (nước Áo),
người ta không quên các thiên tài âm nhạc như Mozart, Beethoven, Schubert,
Strauss… với những nhạc phẩm bất hủ và một bản nhạc mà ai cũng biết đến trong
Mùa Giáng sinh là bài “Stille Nacht” hay “Đêm Thánh Vô Cùng” đã được dịch trên
300 ngôn ngữ do nhạc sĩ Gruber phổ nhạc với lời của linh mục Josef Mohr. Quốc
gia này còn gọi là quốc gia của âm nhạc. Chúng tôi đã đặt chân đến đất nước đẹp
như tranh vẻ này với phong cảnh hữu tình và những ngọn núi phủ đầy tuyết trắng dù
trời đã chuyển qua mùa Xuân. Đây cũng là đất nước nhiều lần đăng cai Thế Vận
Hội Mùa Đông. Một anh em linh mục người Việt tham dự khóa học này đã thốt lên
khi nhìn thấy phong cảnh hữu tình này: “Trời! Đất nước đẹp như vậy mà ông thánh
của Dòng mình lại bỏ đi truyền giáo, uổng thiệt!”. Quả thật một đất nước quá
đẹp và thơ mộng.
Sau cuộc thám hiểm Austria xinh
đẹp, chúng tôi đã đến Đại Chủng Viện Bressanone thuộc miền Nam Tyrol mà trước
đây thuộc về Austria, nhưng sau Đại thế chiến thứ II đã thuộc về Italy. Đây là
Đại chủng viện khá lâu đời hơn 5 thế kỷ qua và vị thánh truyền giáo đầu tiên
của Dòng đã học thần học và chịu chức tại đây. Vào năm 2008, Đức Giáo Hoàng
Bê-nê-đi-tô XVI đi nghĩ Hè ở miền Nam Tyrol và cũng đã trọ tại Đại Chủng Viện
cổ kính này nên các thành viên ở đây rất hãnh diện. Nhìn thấy cơ ngơi bề thế
của chủng viện mà trước đây đã từng sản sinh ra biết bao nhà truyền giáo trong
đó có những vị thánh, rồi từng cung cấp cho giáo hội biết bao linh mục, giám
mục, hồng y nổi tiếng. Chủng viện này đã từng có hàng trăm chủng sinh với ban
giáo sư gồm mấy chục người mà nay chỉ còn mấy chú chủng sinh với vài ba giáo sư
lo việc huấn luyện và chủng viện bây giờ phần lớn để tiếp khách hành hương từ
nơi xa đến để có kinh phí bảo quản mà thấy xót xa.
Trong những ngày trọ tại Nam
Tyrol, chúng tôi cũng đi thăm một số Đan Viện và những ngôi Thánh Đường cổ kính
được xây theo lối kiến trúc Baroque. Loại kiến trúc này có nguồn gốc từ tiếng Bồ Đào Nha: "Barroco" nghĩa là những
viên ngọc không có quy luật hay có hình thù kì dị, là "tất cả những gì
không tuân theo các chuẩn mực về tỉ lệ, mà chìu theo tính khí bất thường của
nghệ sĩ". Các nghệ sĩ cùng tạo ra một kết quả thống nhất và nhấn mạnh hiệu
quả ảo ảnh với mục đích làm cho chiều sâu sâu hơn, chiều dài dài hơn, những
luồng ánh sáng chuyển động và sự âm vang của âm thanh khi được phát ra dù chỉ
là một tiếng động rất nhỏ. Hình oval là hình chủ đạo của lối kiến trúc đòi hỏi
sự tỉ mỉ, chi tiết và cầu kỳ này, nó xuất hiện hầu như ở tất cả mọi nơi, từ nét
uốn lượn của những dãy tường dài đến cái góc nhỏ khuất cao trên trần. Như chúng
tôi được biết vì vào thời kì đó giáo dân không được đọc hay học hỏi Kinh Thánh,
vì thế những hình vẽ hay điêu khắc trong các thánh đường hay tu viện là để mọi
người chiêm ngắm và đọc Kinh Thánh qua qua những tác phẩm nghệ thuật. Ngắm nhìn
những nhà thờ và các tu viện xây từ bao thế kỷ đến nay vẫn còn giữ những nét
đẹp mê hồn nhưng chỉ thiếu có một điều là không còn nhiều ơn gọi và người tham
dự thánh lễ mà thôi.
Chúng tôi đến thăm
ngôi nhà nơi vị thánh truyền giáo của Dòng từng sinh ra và lớn lên, và giờ đây căn
nhà này đã trở thành nhà nguyện và lưu giữ những bút tích của ngài để khách hành
hương tham quan và cầu nguyện. Người anh em linh mục cùng Dòng là người đồng
hương cùng xứ với vị thánh truyền giáo, được Nhà Dòng giao phụ trách ngôi nhà
nguyện này, từng làm việc truyền giáo ở Chilê gần 20 năm, và nay trở về tâm sự
với chúng tôi rằng dù người ta rất mến mộ vị thánh truyền giáo nhưng từ hơn 100
năm nay chỉ có ngài là linh mục truyền giáo thứ 2 thuộc ngôi làng này. Chúng
tôi mới hỏi đùa ngài vậy ai sẽ là người thay thế kế tiếp nếu ngài cũng trở
thành thánh! Ngài chỉ cười nhưng thoáng hiện một nét buồn khi ngài cho biết các
gia đình ở Âu châu mỗi ngày có ít con hơn và ơn gọi tu trì là vô cùng hiếm hoi.
Chúng tôi cùng thì thầm cầu nguyện với vị thánh của Dòng để có thêm ơn gọi phục
vụ.
Tuần Thánh và Mùa Phục Sinh tại
Roma
Sau những ngày ở Austria và Nam
Tyrol, đoàn chúng tôi tiếp tục lên đường đến Roma sau khi từ biệt các cha giáo
của Đại Chủng Viện ở Bressanone. Trên đoạn đường từ Tyrol về Roma, chúng tôi
băng qua những thành phố nổi tiếng của Italy là Trento và Milano. Vị linh mục
hướng dẫn đoàn cũng cho chúng tôi biết thêm nhiều thông tin bổ ích mà chúng tôi
chưa từng được biết trước đây. Chúng tôi cũng dự định hành hương đến thành phố
Padova, nơi vị thánh nổi tiếng làm các phép lạ là thánh An-tôn, nhưng vì giờ
chót chương trình thay đổi nên chúng tôi phải đi thẳng đến Roma cho kịp giờ cơm
tối để gặp gỡ các linh mục đàn anh làm việc ở các nước châu Mỹ La-tinh đang
tham dự khóa thường huấn bằng tiếng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Chúng tôi đã đến
trụ sở của Dòng gọi là Centro Ad Gentes ở đồi Nemi, Roma cách không xa ngọn đồi
Castel Gandolfo, dinh thự mùa hè của Đức Giáo Hoàng, vào chiều thứ Bảy, áp Lễ
Lá để chuẩn bị chương trình bước vào Tuần Thánh tại Roma.
Trong bữa ăn tối huynh đệ với các
linh mục đàn anh thuộc đủ sắc tộc, ngôn ngữ, màu da và đa số có thâm niên trên
40 năm làm việc truyền giáo ở nước ngoài, chúng tôi được dịp nói tiếng Spanish với
họ. Tiếng Italy, Portugese và Spanish cũng khá gần giống nhau nên thật sự giữa chúng
tôi có thể hiểu nhau. Một số anh em linh mục lớn tuổi mà trước đây cũng từng
làm việc ở Paraguay có hỏi chúng tôi về hoàn cảnh Paraguay hiện tại và nhất là
hỏi về người anh em cùng Dòng mà nay đang làm tổng thống của Paraguay. Chúng
tôi được dịp chia sẻ và biết thêm nhiều điều mới mẻ từ các bậc đàn anh này.
Ngày đầu Tuần Thánh với cuộc rước
lá, chúng tôi 2 lớp trẻ, già cùng tham dự nghi thức chung với nhau bằng hai thứ
tiếng English và Spanish trong ngôi nhà Tĩnh Tâm của Trung Ương Dòng. Có lẽ đây
là những giây phút hạnh phúc nhất trong đời truyền giáo vì Tuần Thánh mà được ở
nhà Trung Ương Dòng.
Cũng trong những ngày này chúng
tôi được học hỏi với các vị giáo sư nổi tiếng của Dòng, những người đã từng
sống đời sống truyền giáo và giảng dạy nhiều nơi trên thế giới. Tiếp cận và học
hỏi với họ chúng tôi mới nhận thấy sự khiêm nhường và đạo đức của những người
theo Chúa thật sự. Ngay cả cha Bề Trên Tổng Quyền và những vị trong Hội Đồng cố
vấn Tổng quyền cũng đến chia sẻ với chúng tôi về sứ mạng của Hội Dòng đối với
Giáo hội, chúng tôi nhận thấy sao họ gần gũi và đơn sơ quá dù họ có bằng cấp
cao và kinh nghiệm rất nhiều. Tuy nhiên chúng tôi vẫn còn nghe đây đó một số
người trong Giáo hội mình chỉ mới nắm một chức vụ nhỏ xíu mà đã lên giọng và tự
cho mình là vua một cõi!!!
Chiều thứ Năm Tuần Thánh, anh em
linh mục chúng tôi cử hành với nhau Lễ Tiệc Ly với việc “Rửa Tay” cho nhau thay
vì Rửa Chân cũng tại trụ sở của Dòng tại Roma. Cử chỉ này một lần nữa nói lên
tinh thần khiêm nhường và phục vụ nhau chứ không phải mình làm linh mục rồi thì
tự phong cho mình làm vương, làm tướng.
Vị linh mục giảng thuyết cho chúng tôi trong những ngày này cũng là một
anh em linh mục cùng Dòng và là thần học gia nổi tiếng- John Fuellenbach, người
từng giảng dạy ở Đại học giáo hoàng Gregory ở Roma và nhiều nơi khác trên thế
giới, đã nhấn mạnh đến yếu tố phục vụ và phục vụ trong yêu thương. Chính ngài
đã thể hiện điều đó một cách cụ thể với chúng tôi ngay sau bài giảng.
Những ngày này chúng tôi cũng
hiệp thông với Giáo Hội hoàn vũ và hướng về Đức Thánh Cha qua những hoạt động
liên lỉ của ngài tại Tòa Thánh. Tội nghiệp cụ già đã 85 tuổi mà làm việc không
ngơi trong những ngày trọng đại này. Đơn cử trong ngày thứ Sáu Tuần Thánh, sau
khi chủ tọa nghi thức trọng thể tại Đền thờ Thánh
Phêrô để tưởng niệm cuộc khổ nạn của Chúa Kitô, ngài cũng phải đến hiện diện
chủ tọa nghi thức gẫm đàng thánh giá tại Đại Hí Trường Colesseo với hàng chục
ngàn giáo dân từ khắp nơi đổ về. Nhìn thấy cụ già cao tuổi nhưng phải làm biết
bao việc với tư cách là người đứng đầu của một nhà nước và là người đứng đầu
của Giáo hội Công giáo hoàn vũ mới cảm nhận được sự quan phòng của Chúa với
Giáo Hội.
Sáng Chúa Nhật Phục
Sinh, anh em linh mục trẻ, già chúng tôi tranh thủ ăn sáng thật sớm để kịp đến
Quảng Trường thánh Phê-rô tham dự thánh lễ trọng thể do Đức Giáo Hoàng chủ sự.
Từ biến cố ám sát cố Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II vào năm 1981 đến nay, khi vào
Quảng trường thánh Phê-rô tham dự thánh lễ do Đức Giáo Hoàng chủ sự, tất cả mọi
người đều được kiểm tra an ninh cẩn thận. Chính vì thế chúng tôi phải tranh thủ
đi sớm dù có vé vào. Trước thánh lễ chúng tôi có quan sát và ước tính có đến
hàng trăm ngàn người tham dự thánh lễ với sự sốt sắng tột cùng. Thánh lễ được cử
hành bằng tiếng Latin nhưng các bài đọc và lời nguyện giáo dân được chia ra
thành nhiều thứ tiếng. Có một nữ tu Trung Hoa đọc lời nguyện giáo dân để cầu
nguyện cho toàn thế giới. Đúng 12h trưa, Đức Thánh Cha đọc thông điệp Phục Sinh
và chúc lành cho thành Roma và toàn thế giới bằng nhiều thứ tiếng khác nhau.
Khi ngài bắt đầu nói tiếng Việt : “Chúc Mừng Phục Sinh”, mấy anh em linh mục
Việt Nam chúng tôi cố la lên thật to để tìm người đồng hương nhưng vì quá đông
người nên chẳng biết ai là người Việt. Mãi sau thánh lễ mới gặp được một nữ tu
Việt Nam đang tu học tại Roma. Ở nước ngoài mà gặp đượng đồng hương thì vui
biết mấy dù người đó chẳng có họ hàng thân thiết gì với mình. Chúng tôi tranh
thủ đi tham quan vài nơi tại trung tâm Roma và nhận thấy rằng thành phố cổ kính
này quá đẹp. Tuy nhiên chúng tôi thấy có rất nhiều thanh niên châu Phi bán hàng
rong của Trung quốc với nhãn hiệu Italy đang làm mất vẻ mĩ quan của thành phố.
Còn rất nhiều điều thú vị nữa trong chuyến Tây du vừa học vừa thám hiểm này, và
chúng tôi sẻ có nhiều điều mới để trải lòng trong dịp tới. Blessings.
Roma, 16-4-2012
Lm. Antôn Trần Xuân Sang,
SVD.