Thấm thoát mà đã hết tháng 10, thời gian trôi đi quá nhanh và nhìn lại thì thấy biết bao điều xảy ra trong cuộc đời mình. Hôm nay có một vài người thân gởi thư điện tử và điện thoại chúc mừng ngày chịu chức linh mục, thế là tôi vội ngồi vào máy để viết đôi dòng tâm sự trong ngày kỷ niệm chịu chức của mình.
Những suy nghĩ trái ngược
Có lẽ do những ngày nghĩ hè gặp những người thân yêu vẫn còn đọng lại trong tâm trí dù tôi đã trở lại Paraguay từ những ngày đầu tháng 8. Đôi lúc cảm thấy thèm ăn một tô phở, tô bún bò hay gói mì tôm sau khi mục vụ về mà chẳng biết mua ở đâu. Xứ sở vắng bóng người Việt thấy cũng buồn. Có vài điều mà tôi muốn chia sẻ ra đây để mọi người biết và cảm thông với tôi nếu lỡ tôi có so sánh hơi khập khiễng. Một anh Ta-ru -một bạn học cũ của tôi sau gần 20 năm xa cách vừa viết cho tôi một email và trách tôi nhiều điều khi đọc các bài chia sẻ truyền giáo của tôi, trong đó anh ta phê bình tôi là có lối so sánh khập khiễng, nhất là vấn đề chuyện đời tu ở bên Nam Mỹ và ở Việt Nam. Anh phê bình tôi thì tôi đành chịu vậy chứ biết sao bây giờ.
Trong những tháng cuối năm phụng vụ, các giáo xứ và giáo điểm truyền giáo ở đây đều chuẩn bị cho các lễ thêm sức, rước lễ lần đầu nên các cha xứ thường mời các cha ngồi tòa. Có lẽ vì thấy tôi còn trẻ trung và dễ chịu nên các cha thường mời tôi ngồi tòa. Tôi còn nhớ lúc còn ở Việt Nam tôi cũng thường được ngồi tòa cùng với rất nhiều cha khác vào các dịp Mùa Chay hay Mùa Vọng ở các giáo xứ tại Sài Gòn. Sau khi ngồi tòa thì các cha được bồi dưỡng tô cháo gà cho ấm bụng, và… dĩ nhiên có một phong bì nữa. Còn những ngày ngôi tòa ở đây, chỉ có 3 linh mục mà con số xưng tội lại quá đông, nhiều người lại chẳng biết xưng tội như thế nào vì có khi cả hơn 30 năm rồi chưa bước đến nhà thờ. Lại thêm một số bà với mùi nước hoa vô cùng khó chịu cứ thao thao bất tuyệt kể những chuyện và những tội của người khác đôi lúc cũng làm tôi bực mình. Ngồi tòa cả mấy tiếng đồng hồ mà chẳng có được một ly nước lã, thậm chí muốn đi vô nhà vệ sinh mà cũng ráng nín cho xong việc, rồi khi xong việc thì nhìn đồng hồ đã gần 11 giờ đêm mà ông cha nhờ mình chẳng hề mời ăn tối, chẳng hề có một lời cảm ơn nên mình lẳng lặng về nhà kiếm chút gì bỏ vào bụng trước khi đi ngủ. Nhiều khi thấy cuộc đời sao nó bạc quá, bạc hơi vôi nữa và chẳng biết có mấy ai hiểu cho cuộc sống ở đất lạ quê người này. Đôi lúc cũng muốn buông xuôi và xin đến một nơi khác để có một cuộc sống thoải mái hơn và cũng để kiếm chút gì gởi cho cha mẹ già đang bệnh nhưng hình như trong thâm tâm vẫn còn những cuộc đấu tranh tư tưởng và những suy nghĩ trái chiều nhau nên đôi lúc cũng gây ra mất ngủ.
Vì phụ trách mục vụ ơn gọi nên tôi thường phải đi xa để thăm hỏi gia đình các ứng sinh và thuyết trình về ơn gọi ở các trường công cũng như trường tư. Những chuyến đi xa như thế nhiều khi cả tuần lễ mới về lại chỗ cư trú của mình và nhiều lúc không biết mình đang ở đâu khi nửa đêm thức dậy. Tình hình an ninh lúc này không được đảm báo lắm vì hiện giờ ở Paraguay có một nhóm phiến quân EPP có liên hệ với nhóm FARC của Columbia, chuyên bắt cóc, giết người để gây áp lực với chính quyền. Vị tổng thống đương nhiệm của Paraguay đang bị bệnh ung thư, vì thế phe đối lập muốn kiểm soát tình hình nên diễn biến chính trị ở đây khá phức tạp. Tình trạng an ninh luôn là một vấn đề khó khăn cho các nhà truyền giáo nước ngoài. Ai mà không sợ nguy hiểm, ai mà không sợ chết. Chính điều này cũng làm tôi suy nghĩ nhiều. Một số người thân đã khuyên tôi nên suy nghĩ để tìm cho mình một tương lai tươi sáng hơn chứ ở bên Paraguay có gì hay đâu mà ở lại. Tuy nhiên, khi nhìn lại câu Kinh Thánh mà tôi đặt làm kim chỉ nam cho đời mình trong ngày chịu chức : “Trong tay Ngài, con xin phó thác hồn con” (Tv. 30,6) khiến tôi ngẫm nghĩ nhiều vì có lẽ tôi đã thiếu sự phó thác vào Chúa nên hay bị những cám dỗ bên ngoài.
Vì chuyển về giáo phận mới nên công việc của tôi cũng khá phong phú và tôi được làm việc với nhiều đối tượng, nhiều phong trào mà mới nghe tên có thể giật mình như Phong trào giới trẻ thế kỷ XX, REJOP (giới tu sĩ trẻ toàn quốc), Convivistas (Các gia đình cùng sống chung)… Có lẽ vì thiếu linh mục, tu sĩ nên Hội Đồng Giám Mục đã lập nên những đoàn thể và phong trào này để gây ý thức về truyền giáo nhân kỷ niệm 200 thành lập nước Paraguay vào năm 2011 sắp tới. Có nhiều điểm rất hay vì nhờ những phong trào này mà giáo dân tham gia các sinh hoạt tôn giáo nhiều hơn, nhưng bên cạnh đó, một số phong trào chưa được đào tạo kỹ nên họ đã lạm dụng và đã xảy ra những chuyện đáng tiếc.
Có lẽ tôi có ơn gọi làm tuyên úy nên khi tôi đi họp ở giáo phận, các cha thường chỉ định tôi làm tuyên úy cho các đoàn thể và các phong trào, tôi cũng được mời dâng lễ cho các tù nhân nữa. Rồi có thể nay mai đây tôi sẽ làm tuyên úy cho các nha tù cũng không chừng!. Hiện nay có nhiều người thất nghiệp nhưng có lẽ làm linh mục thì không thất nghiệp bao giờ. Những hình thức mục vụ đa dạng này đã giúp tôi mạnh dạn hơn, chín chắn hơn và tôi đã không ngần ngại dấn thân dù có lúc mệt lã người khi trở về nhà.
Đôi điều suy nghĩ về những sự kiện vừa mới xảy ra
Có lẽ một sự kiện mà cả thế giới quan tâm và xúc động trong ngày 13 tháng 10 vừa qua ở nước Chi-lê, Nam Mỹ là 33 thợ mỏ được giải cứu sau 69 ngày bị kẹt dưới lòng đất khoảng 700 mét khi một phần khu mỏ San Jose, nằm giữa sa mạc Atacama bất ngờ đổ sập vào ngày 5.8.2010.
Truyền thông Chi-lê và quốc tế đã liên tục đưa tin sự kiện đáng nhớ này. Đích thân tổng thống Chi-lê cùng phu nhân đã có mặt tại hiện trường từ những giây phút đầu của cuộc giải cứu với lực lượng cứu hộ và gia đình nạn nhân. Ông là người đầu tiên, sau những nhân viên cứu hộ, đến chúc mừng người vừa được kéo lên và ôm họ vào lòng. Ông tuyên bố về quyết tâm “không đầu hàng” của Chính phủ Chi-lê và trấn an tinh thần tất cả mọi người. Ông kể một câu chuyện nhỏ, nhưng rất xúc động. Đó là lúc đầu người ta dự định không cho gia đình các nạn nhân đến gần nơi cứu hộ để bảo đảm công tác giải cứu an toàn. Nhưng rồi, cậu bé 7 tuổi tên Bairo, con trai của người thợ mỏ Florencio Ávalos đã nài nỉ được vào chứng kiến giây phút đầu tiên cha mình trở về mặt đất. “Tôi nói với bé Bairo Ávalos rằng tôi chưa bao giờ gặp một cậu bé yêu bố mình đến như vậy”, Tổng thống Piñera của Chi-lê thuật lại, và ông đã chiều theo ý nguyện của cậu bé Bairo.
Ý nguyện của một công dân bé nhỏ Bairo Ávalos đã không bị bỏ qua. Mạng sống con người, trong hoàn cảnh ít hy vọng nhất và dễ thối chí nhất, luôn được trân trọng. Nếu các vị lãnh đạo của đất nước Việt Nam mà biết lắng nghe như vị tổng thống Chi-lê thì hay biết mấy!
Trong số thợ mỏ được cứu sống, có một người thuộc quốc tịch Bô-li-vi-a. Đích thân tổng thống của Bô-li-vi-a cũng có mặt trong giây phút trọng đại này để chào đón người con của đất nước vừa được cứu sống. Cả vị tổng thống và anh thợ mở người Bô-li-vi-a đã đồng thanh hô lớn : “Mil Gracias, Chile” (Ngàn lần cảm ơn đất nước Chi-lê).
Chi-lê vừa trải qua cơn động đất kinh hoàng vào đầu năm nay với gần 1000 thiệt mạng. Vị tổng thống đương nhiệm, tỉ phú Sebastián Piñera trong ngày nhận chức tổng thống thì dư chấn của cơn động đất vẫn còn. Ông từng tuyên bố trước lễ nhậm chức :"Chúng tôi sẽ không phải là chính phủ của động đất, mà sẽ là chính phủ của tái thiết". Và ông đã hành động thật sự dù tiếp sau đó với bao nhiêu sự kiện lớn nhỏ xảy ra, nay lại thêm vụ sập khu hầm mỏ với 33 thợ mỏ đang sống dở chết dở nhưng ông không đầu hàng, mà luôn có mặt trên từng cây số để trấn an người dân. Đây quả là vị tổng thống hết mình vì dân, vì nước mà chính người dân đã tin tưởng và bỏ phiếu cho.
Tôi muốn ghi lại sự kiện đáng nhớ này của những người dân Nam Mỹ, hay nói đúng hơn, cách hành xử của những vị lãnh đạo hết lòng vì dân của những dân tộc mà đôi lúc tôi cho rằng kém văn minh hơn Việt Nam của chúng ta với bốn ngàn năm văn hiến. Nghĩ lại mà thấy xót xa cho người Việt Nam của mình khi mà những người dân nghèo có chết cũng mặc kệ, hay chỉ vì không đội mũ bảo hiểm mà bị bắn què giò hoặc bị đánh cho tới chết. Cũng là con người sao ở nơi này người ta coi trọng mà nơi khác người ta lại xem thường! Một công dân Mỹ gốc Hàn bị bắt ở Bắc Triều Tiên vì tình nghi là gián điệp, mà đích thân cựu tổng thống Mỹ phải qua thương lượng để giải cứu, trong khi biết bao nhiêu người Việt chính gốc bị bắt, bị hành hạ, bị sỉ nhục bởi những “nước lạ” mà những người được gọi là “đầy tớ nhân dân” lại chẳng bao giờ nhớ đến các ông chủ của mình. Ngay cả nước Paraguay lạc hậu mà người ta còn biết tôn trọng nhân phẩm, còn biết thương dân, còn Việt Nam mình thì sao! Vụ bão lụt ở Miền Trung trong những ngày đầu của tháng 10 vừa qua với bao nhiêu thiệt hại và con người và tài sản mà thử hỏi có mấy vị lãnh đạo cấp cao đến tận nơi để thăm hỏi, động viên như ông tổng thống tỉ phú Piñera của Chi-lê!
Tôi chỉ là một nhà truyền giáo nhỏ vô danh đang làm việc ở một đất nước mà rất ít người biết đến. Những việc tôi làm và cuộc sống hàng ngày của tôi cũng chẳng có gì đặc biệt. Nhưng tôi yêu công việc của tôi, yêu những người dân chất phát ở nơi này và tôi sẵn sàng làm mọi thứ cho họ dù nhiều lúc tôi cảm thấy hơi phủ phàng về cách họ đối xử với tôi. Tuy nhiên tôi nhận ra một điều là tôi không hổ thẹn với lương tâm khi mình đã sống đúng với lời thề của một tu sĩ truyền giáo. Tôi cầu xin cho những vị lãnh đạo của đất nước Việt Nam thân yêu của tôi biết thương và lo cho dân như lời hứa ngày họ tuyên thệ nhậm chức.
Lại thêm một năm nữa kỷ niệm ngày chịu chức linh mục, con xin dâng lời tạ ơn Chúa đã gìn giữ con trong sứ vụ linh mục dù có những lúc cuộc đời đã làm con chao đảo. Cảm ơn những người thân, ân nhân và bạn bè đã luôn cầu nguyện, nâng đỡ những khi con yếu lòng. Hôm nay con đã dâng lễ tạ ơn với những ý hướng đó. Xin Chúa giúp con luôn trung thành với ơn gọi và ban ơn cho những người thân yêu, những ân nhân và bạn hữu đã từng nâng đỡ và đồng hành với con trong ơn gọi này.
Paraguay 31/ 10/2010, kỷ niệm ngày chịu chức linh mục