Wednesday, August 31, 2011

TẢN MẠN NHỮNG NGÀY ĐẦU NĂM DƯƠNG LỊCH 2010

Tản mạn qua các sự kiện vừa xảy r

        Thế giới đã hân hoan chào đón năm 2010 với những hy vọng và viễn tượng tốt đẹp cho một thập niên mới vì thập niên cũ đã có những điều xảy ra vô cùng bi thảm qua vụ khủng bố kinh hoàng ngày 11 tháng 9 năm 2001 ở Mỹ chẳng hạn, hoặc vụ Sóng Thần sau dịp lễ Giáng Sinh vào năm 2005 ở châu Á đã khiến biết bao người bỏ mạng và các danh lam thắng cảnh xát xơ. Người ta cầu chúc nhau một năm mới 2010 hạnh phúc, an bình, một thập niên mới tràn đầy tình thương, hy vọng và may mắn.
Tuy nhiên, nếu chúng ta theo dõi trên các trang mạng điện tử và thời sự thế giới lẫn trong nước, chỉ trong 26 ngày đầu tiên của tháng 1 năm 2010 đã xảy ra biết bao nhiêu chuyện thương tâm mà quả thực chẳng ai muốn nó xảy ra. Có lẽ sự kiện đau lòng nhất là cơn động đất mạnh hơn 7 độ địa chấn diễn ra tại thủ đô Puerto Principe (Cảng Hoàng Tử) của nước Haiti, một trong những quốc gia nghèo nhất vùng châu Mỹ xảy ra chỉ trong vài giờ ngày 12 tháng 1 năm 2010, đã biến thủ đô này thành là một đống tro tàn. Người ta ước tính có gần 200 ngàn người thiệt mạng, gần 1 triệu người đang sống trong cảnh màn trời, chiếu đất và phải mất nhiều năm nữa mới có thể tái thiết lại thủ đô này. Tôi theo dõi đài CNN thì tường thuật trực tiếp cảnh tượng sau động đất mới thấy được sự kinh khủng và tang thương ở quốc gia nghèo khổ này. Nhiều toán tình nguyện của các quốc gia vùng châu Mỹ và các châu lục khác đã tức tốc được gởi đến trợ giúp. Paraguay, dù là một nước chẳng khá giả gì cũng đã gởi đến những người thiện nguyện cùng với lương thực và tài chính để giúp đỡ những người sống sót. Trong hoàn cảnh bi thương đó, người ta mới nhận ra sự yếu đuối, nhỏ nhoi của con người trước thiên nhiên bao la, hùng vĩ. Và cũng chính trong hoàn cảnh bi thảm này người ta mới nhận ra được tình tương thân tương ái của các quốc gia mà lâu nay chúng ta cứ chửi bới nào là bọn thực dân, là bọn đế quốc. Trong khi xem Ti-vi cảnh chiếu sự đổ nát của tòa giám mục và nhà thờ chính tòa ở Haiti, tôi thấy có một vật vẫn còn đứng hiên ngang giữa đống đỗ nát đó : Cây Thánh Giá, biểu tượng độc nhất của những người tin Chúa. Dù thiên tai kinh hoàng xảy ra, người ta vẫn đứng lên cầu nguyện và tin tưởng vào Chúa. Những người dân Haiti ở hải ngoại tham dự thánh lễ và cầu nguyện sốt sắng dù nhiều người thân của họ hiện chưa tìm được tông tích sau thiên tai ấy. Tôi cũng thấy những phụ nữ dù vẫn đang khóc nhưng lại hát vang lên những bài hát ca tụng Thiên Chúa. Quả thực lòng tin của con người vào Thượng Đế tại các quốc gia châu Mỹ là một điều đáng để chúng ta ngẫm nghĩ. Tôi muốn quay lại chuyện ở Paraguay trong những ngày đầu của năm mới 2010 và đó cũng là đề tài mà những ngày Chúa nhật vừa qua tôi đã chia sẻ trong thánh lễ nhằm hâm nóng niềm tin của người Paraguay.
Ngày 19 tháng 1 vừa qua người dân Paraguay rất vui mừng khi một chủ doanh trại rất giàu có và tốt lành được trả tự do sau 94 ngày bị bắt cóc. Bọn bắt cóc đòi tiền chuộc lên đến 5 triệu Đôla Mỹ nhằm thách thức chính quyền và gia đình của chủ doanh nhân. Chính phủ đã gởi những đội đặc nhiệm thiện nghệ nhất để giải cứu con tin nhưng không có một dấu hiệu khả quan nào. Bọn bắt cóc đã yêu cầu gia đình nạn nhân trả tiền nếu không sẽ giết con tin và hình như gia đình nạn nhân đã trả trước gần 1 triệu Đôla mà vẫn không nhận được kết quả. Đâu đâu cũng thấy treo những băng-rôn đòi trả tự do cho chủ doanh trại này. Ngay cả Hội Đồng Giám mục Paraguay cũng lên tiếng đòi bọn bắt cóc trả con tin và làm tuần cửu nhật để cầu nguyện cho người chủ doanh trại tốt lành này. Rồi mọi sự cũng kết thúc có hậu, sau 94 ngày bị bắt cóc, nhà doanh nghiệp đã được trả tự do. Câu đầu tiên mà ông nói với báo chí là ông cảm tạ Chúa và Đức Trinh Nữa Maria đã luôn che chở và phù giúp ông trong hơn 3 tháng bị bắt cóc và bị đối xử tệ. Tuy nhiên nhờ ơn Chúa ông đã đã được cứu thoát. Một tuần sau đó, Paraguay lại rúng động khi nghe tin tiền đạo bóng đá nổi tiếng của mình là Salvador Cabañas bị bắn vào đầu tại một quán Bar ở Mexico. Như chúng ta cũng biết Paraguay là một quốc gia rất rất hâm mộ bóng đá. Dù là một nước nghèo, dân số của họ chỉ hơn 6 triệu người nhưng trình độ bóng đá ở trong khu vực và trên thế giới không hề thua kém ai. Cụ thể là nhiều lần họ đánh bại hai kình địch thủ bóng đá Argentina và Brazil trên cả sân khách lẫn dân nhà. Vì thế, người dân vừa mừng vì nhà doanh nghiệp bị bắt cóc vừa được trả tự do thì nay lại nghe tin buồn vì cầu thủ Salvador Cabañas là niềm hy vọng của họ trong vòng chung kết Mundia ở Nam Phi sắp tới gặp đại nạn. Từ già đến trẻ đều bán tán xôn sao và bắt đầu cầu nguyện cho cầu thủ này. Các bác sĩ nói rằng chỉ có phép lạ mới có thể cứu được Salvador Cabañas. Lần đầu tiên người ta chứng kiến các cổ động viên, cầu thủ, các huấn luyện viên và những người không có tôn giáo tập họp tại sân vận động quốc tế Defensores de Chaco ở thủ đô Paraguay để cầu nguyện cho cầu thủ con cưng của họ được tại qua nạn khỏi. Và phép lạ đã xảy ra. Cuộc giải phẩu hơn 7 tiếng đồng hồ đã thành công và hiện giờ cầu thủ này đã bắt đầu đòi ăn thịt nướng (món ăn truyền thống của Paraguay với củ mì). Câu đầu tiên mà mọi người cất lên là tạ ơn Chúa và Mẹ Maria. Tôi đã từng chia sẻ rằng dân châu Mỹ Latin nói chúng và người dân Paraguay nói riêng phần đông là đạo Công giáo nhưng ít khi họ thực hành nghĩa vụ tôn giáo của họ. Có thể nói hơi quá nhưng đa số người dân Paraguay chỉ thực thi nghĩa vụ tôn giáo và các dịp đại lễ hay khi con cái họ được nhận lãnh các bí tích. Chính vì thế, qua những sự kiện này tôi muốn chia sẻ để mọi người biết rằng Chúa luôn hiện hữu và Ngài luôn lắng nghe chúng ta. Tôi đã chia sẻ với người dân Paraguay điều đó và họ rất đồng tình với tôi điểm này.

 Kỷ niệm 100 sự hiện diện của Dòng Ngôi Lời tại Paraguay

        Cũng trong những ngày cuối tháng 1 năm 2010, nhà Dòng chúng tôi tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm hiện diện và hoạt động truyền giáo tại Paraguay. Nếu chỉ nói về con số thì số 100 chẳng là gì cả nhưng kỳ thực khi đi sâu vào lịch sử của công cuộc truyền giáo tại các quốc gia châu Mỹ La-tinh nói chung và của Paraguay nói riêng thì sự hiện diện và hoạt động của các nhà truyền giáo Dòng Ngôi Lời trong 100 năm qua quả thực là một công trình kỳ diệu của Chúa thực hiện qua những con người tầm thường.
Cứ ngẫm nghĩ lại mà xem ngày nay nếu các vị bề trên sai các linh mục hay tu sĩ nam nữ đến một giáo điểm hay một giáo xứ hơi bị nghèo một tý là họ la ầm lên. Hình như chúng ta đang sống trong một thế giới hưởng thụ nên phần nào các linh mục và tu sĩ nam nữ cũng bị ảnh hưởng và cuốn theo trào lưu thế tục đó. Chính bản thân tôi trước đây cũng thường hay phàn nàn các bề trên khi đưa mình đến những nơi mà mình không muốn vì nơi ấy có nhiều khó khăn. Có lẽ tôi và một số linh mục tu sĩ trẻ bây giờ thích tiến thân hơn là hiến thân. Tuy nhiên khi dần dần nghiệm ra những nét đẹp mà vị Thầy Chí Thánh của mình đã bước đi, cộng với sự cọ sát trong công việc truyền giáo qua các gương hy sinh của các bậc cha anh trong Dòng, tôi bắt đầu có một cái nhìn khác. Các bậc cha anh trong lĩnh vực truyền giáo đã sẵn sang từ bỏ những vinh quang nên trần thế để đến những nơi nghèo nàn, lạc hậu với văn hóa, ngôn ngữ, phong tục tập quán hoàn toàn khác với mình và nhiều khi còn bị hiểu lầm, bị bắt bớ, thậm chí bị giết chết nữa. Có ai mà khờ dại đến nỗi tự chôn vùi đời sống vinh hoa phú quí của mình nếu không vì mục đích cao cả nào đó. Trở lại ngày chính lễ. Tất cả anh em Dòng truyền giáo Ngôi Lời chúng tôi đang làm việc ở Paraguay đều được thông báo ngày giờ cử hành lễ Bách Chu Niên sự hiện của của Dòng tại Paraguay. Nơi cử hành thánh lễ là nơi mà cách đây đúng 100 năm, 3 nhà truyền giáo đầu tiên của Dòng đặt chân đến. Đó là một nơi khỉ ho cò gáy nằm sâu trong sườn núi cách quốc lộ khoảng 40 cây số và bên cạnh một dòng suối róc rách, nơi mà hiện giờ những người thổ dân vẫn còn bám trụ. 40 cây số đường rừng không phải là dễ đi tý nào. Một số nhà truyền giáo ở xa phải đi từ ngày hôm trước. Tôi thì phải đi từ lúc 4 giờ sáng và đến nơi thì gần đến giờ lễ. Dù đường xá xa xôi, gập gềnh nhưng các tu sĩ từ khắp các nơi vẫn tề tựu đông đủ. Vị giám mục sở tại cũng đến đồng tế nhưng ngài khiêm tốn nhường quyền chủ tế cho vị bề trên của Dòng. Các vị giám mục ở đây không hề câu nệ về hình thức vì chính đa số các vị từng là các bề trên của các Dòng nên khi nhận chức vị cao hơn không phải là để được phục vụ như là để phục vụ như Chúa Giêsu đã từng nói. Trước khi thánh lễ bắt đầu, đoàn đồng tế chúng tôi cùng các giáo dân tham dự đã nhận phép lành của những người thổ dân theo phong tục của họ, và vị linh mục đang làm việc với những người thổ dân mời gọi các nhà truyền giáo hãy tôn trọng văn hóa của thổ dân, đừng cho rằng mình đến từ các nước văn minh rồi dung uy thế và quyền lực của mình để lấn áp hay phá bỏ văn hóa của người khác. Thánh lễ đã diễn ra trong bầu khí ấm cúng, huynh đệ và mọi người cùng cầu chúc nhau một viễn tượng tốt đẹp hơn cho công cuộc truyền giáo, và cho sự phát triển của Tỉnh Dòng trong tương lai. Sau 100 năm hiện diện và làm việc ở Paraguay, Tỉnh Dòng Ngôi Lời đã xin Tòa Thánh thiếp lập được 3 giáo phận, 78 nhà truyền giáo Ngôi Lời thuộc nhiều quốc gia đang làm việc tại Paraguay, trong đó các anh em truyền giáo Ngôi Lời người Ba-lan và Indonesia hiện chiếm đa số. Số anh em Việt Nam là 3 thành viên. Chỉ còn 4 ngày nữa là bước qua năm Canh Dần. Sáng hôm nay tôi nhận được tin buồn từ gia đình ở Việt Nam là ba tôi được đưa đi cấp cứu ở bệnh viện. Ôi! Sao mà nhiều thánh giá đến với con quá Chúa ơi. Vẫn biết rằng đời người phải trải qua Sinh-Lão-Bệnh-Tử, nhưng khi con nghe tin những người thân yêu của con có những điều bất trắc, con thật sự đau buồn. Xin Chúa ban cho ba con được chóng hồi phục để ngày con trở về thăm quê hương được gặp lại những gương mặt thân thương của cả ba má và các anh chị em con trong nhiều năm xa cách. Một ước nguyện nhỏ nhoi như vậy xin Chúa hãy đoái thương. Xin mọi người cùng hiệp thông cầu nguyện cho gia đình con trong hoàn cảnh éo le này. Nhân đây, con cũng cầu chúc mọi người đón Tết Canh Dần vui vẻ, bình an, hạnh phúc và tràn đầy ơn Chúa. 

 Paraguay, ngày 9 tháng 2 năm 2010 (26 tháng chạp năm Kỷ Sửu),