Saturday, December 26, 2020

 VIỆT NAM - MÙA VỌNG VÀ GIÁNG SINH GIỮA CƠN ĐẠI DỊCH

 

 Năm 2020 có lẽ là năm không may mắn từ những ngày đầu năm khi con Virus có tên Vũ Hán đã xâm nhập khiến cả thế giới phải gánh chịu đến bây giờ. Tình hình càng nghiêm trọng hơn khi vào trước những ngày Giáng sinh, chính phủ nước Anh phải công bố đóng cửa biên giới và khuyến cáo mọi người không được bước ra ngoài để ngăn ngừa con virus bị biến thể ấy dù thế giới vừa mới công bố đã có vắc-xin và đang tiêm ngừa cho một số người. Tình hình giới nghiêm và lockdown tại Mỹ và các quốc gia Âu châu khiến cho những ngày cuối cùng của năm 2020 thêm ảm đạm, và người ta mong chờ một phép màu của Đêm Giáng Sinh.

 Từ đầu mùa Vọng đến lễ Giáng Sinh năm nay người dân Việt Nam vẫn sống trong thấp thỏm vì họ sợ một cơn giãn cách xã hội khác sẽ đến và mọi người vẫn còn lo ngại đến những chỗ đông người, nhất là những cuộc hội họp hay thánh lễ. Cũng vì thế mà mùa Vọng năm nay được đánh dấu là một mùa Vọng buồn đúng nghĩa dù các nơi cũng chuẩn bị làm hang đá đế đón mừng Chúa Giáng Sinh nhưng chỉ dừng lại ở một mức độ nào đó vì không biết có được tổ chức hay không!

Tại Giáo phận Nha Trang, Đấng Bản quyền khuyến cáo mọi thành phần dân Chúa không nên tổ chức thánh ca, diễn nguyện hay hoạt cảnh mà chỉ nên làm trong phạm vi nhà thờ, và phải kết thúc thánh lễ sớm để mọi người có thể về với gia đình và cử hành bữa ăn chung với người thân trong gia đình. Buồn hơn nữa là những ngày trước lễ Giáng Sinh trời mưa không ngớt nên đường xá trơn trợt và những ngọn gió mạnh do ảnh hưởng bão cứ thổi lên làm bay tung tóe những hang đá ngoài trời vừa mới dựng tạm lên. Những ngày vọng Giáng sinh mà đường phố du lịch Nha Trang vắng ngắt vì người Nha Trang ngại đi ra ngoài và khách du lịch cũng không dám đến vì vẫn còn lo sợ Covid.

Nhà Dòng chúng tôi cũng theo chiều hướng đó vì cũng là thành phần trong giáo phận, và anh em chỉ quây quần với nhau trong các giờ kinh và thánh lễ mỗi ngày để cầu cho thế giới mau thoát khỏi cơn đại dịch và cũng hạn chế nhận khách từ bên ngoài để tránh những phiền phức nếu có chuyện xảy ra.

Trung tuần tháng 12 cũng là những ngày bận rộn, một mặt phải lo ‘chống Covid’, mặt khác phải làm các thủ tục ngoại giao vì nhà Dòng có trụ sở chính tại Nha Trang. Các ban ngành, đoàn thể và chính quyền các cấp đến thăm viếng mừng Chúa Giáng Sinh như là một thủ tục có từ lâu đời để tạo mối tương quan dù hai phía vẫn còn có điều gì đó chưa hiểu nhau. Đây là năm đầu tiên trong vai trò phụ trách Nhà Chính của Dòng nên chúng tôi phải tạm đóng vai chủ nhà để đón tiếp các vị khách mời khác chính kiến, không cùng ý thức hệ nhưng cùng sống chung một bầu trời và cùng dẫm trên lòng đất mẹ. Với tất cả lòng tôn trọng và cởi mở, chúng tôi cũng muốn nói với họ rằng chúng tôi rất yêu nước Việt và muốn làm gì đó cho người dân Việt sống đúng nhân phẩm của một con người, và cũng mong họ là những người thừa hành quyền bính xã hội cũng biết làm cho người dân bớt cơ cực và tự do hành đạo như hiến pháp đã ban hành. Chúng tôi cũng muốn được yên ổn để làm việc nhưng sự yên ổn ấy phải thực sự chứ không giả tạo và nếu còn những nút thắt thì cố mà tháo cởi để chúng ta có thể sống thật với nhau hơn vì chính sự thật mới giải phóng chúng ta.

Nhìn chung năm nay họ đến thăm viếng khá đầy đủ và cởi mở hơn dù họ biết chúng tôi mới từ xa về. Họ biết chúng tôi rất rõ vì họ có đầy đủ các ban ngành vừa hồng, vừa chuyên và chúng tôi cũng muốn sống sao để dĩ hòa vi quí và cố gắng sống đúng vai trò và trọng trách của mình để họ không cảm thấy khó xử, vì nếu chúng tôi làm điều sai trái hay hành xử căng thẳng thì cũng khó cho họ và bản thân mình cũng không hề muốn. Vẫn biết thế nhưng về phương diện ngoại giao chúng tôi vẫn có thể gặp nhau và tay bắt mặt mừng, và có thể nói chuyện với nhau như những đối tác.

Chúng tôi cũng có một bữa tiệc mừng với những ân nhân, bạn hữu và đại diện chính quyền, ban ngành các cấp để nói lên lời tri ân và mừng lễ sinh nhật Con Thiên Chúa làm người dù nhiều khách dự tiệc không cùng tôn giáo. Ai nấy đều cảm thấy vui và ấm cúng với không khí của Nhà Dòng vì những tu sĩ Công giáo không phải là những người có trái tim lạnh lẽo nhưng là một trái tim nồng cháy có thể lan tỏa tình yêu thương và sưởi ấm những tâm hồn lạnh giá như vị Chúa của họ.

Những người di dân Việt Nam ở Malaysia từ nhiều tháng nay không có thánh lễ vì Covid nên họ đã xin chúng tôi dâng lễ trực tuyến mừng Giáng Sinh và cũng là dịp để họ làm hòa với Chúa vì từ lâu họ không được xưng tội. Chúng tôi đã sắp xếp để họ có một thánh lễ trực tuyến Vọng Giáng Sinh và cầu xin Chúa Hài Đồng xuống ơn lành cho anh chị em xa xứ đang khát khao được mừng Sinh Nhật của Ngài và xin Ngài ban ơn bình an trong tâm hồn.  

Dù trời mưa bão trước những ngày Giáng sinh, chúng tôi vẫn cùng nhau đến một trung tâm Mái Ấm của Dòng khá xa Nhà Chính của Dòng, nơi đang cưu mang những em bé bị cha mẹ bỏ rơi từ lúc còn đỏ hỏn để chung vui với các em và những vị ân nhân đang âm thầm đóng góp công, sức và tiền của để nuôi dạy các em khôn lớn thành người. Các em cảm nhận được điều đó nên học hành ngày càng tấn tới và ngoan hơn nhằm đáp lại tình thương của Nhà Dòng và những vị ân nhân. Những bài ca, điệu vũ về Noel của các em do các Nữ tu trẻ thuộc Dòng Nữ Tỳ Thánh Linh truyền giáo tập luyện đã làm cho đêm gặp gỡ vui hơn trước khi đón mừng sinh nhật Chúa.

Đúng ngày Giáng Sinh là một ngày mưa tầm tã từ sáng đến chiều nên chỉ ai có việc mới đi ra ngoài. Chúng tôi tranh thủ ngày này để đi thăm bà Cố của một linh mục đàn em vừa mới qua đời để cùng hiệp thông và đồng cảm với người anh em vừa mất mẹ. Người anh em này đã chuẩn bị tâm lý và được gần mẹ trong những ngày mẹ lâm bệnh nên khá bình tĩnh để lo hậu sự cho mẹ. Bản thân chúng tôi khi nhắc đến chữ Mẹ là cảm thấy mủi lòng vì chưa được một ngày chăm lo cho mẹ khi mẹ ốm đau, và ngày mẹ ra đi đột ngột khi chúng tôi còn làm việc truyền giáo ở một đất nước xa xôi cũng không có bên cạnh để lo cho mẹ. Dấu ấn về mẹ luôn hằn sâu trong ký ức nên khi nghe tin một người mẹ của ai đó vừa nằm xuống là trong lòng cảm thấy nhói đau.

Chúng tôi cũng ghé thăm một bà mẹ trẻ chưa tròn 50 tuổi nhưng bị ung thư và đang thoi thóp thở Ôxy chờ lưỡi hái tử thần. Cùng với gia đình, chúng tôi đọc kinh phó mình cho người hấp hối này mà lòng quặn thắt vì chị đang chờ hai đứa con nhỏ thi học kỳ vào đúng ngày lễ Giáng sinh. Khi còn giúp xứ cách đây hơn 20 năm thì bà mẹ trẻ này cũng là học viên giáo lý của chúng tôi, nhưng giờ đây chúng tôi chứng kiến người người học trò ấy sắp ra đi mà mình không làm được gì ngoài lời cầu nguyện. Nghĩ lại thân phận loài người mỏng manh thật và chúng tôi chỉ biết phó dâng linh hồn chị cho Chúa. Khi vừa về lại Nhà Dòng thì chúng tôi được nghe tin chị đã qua đời trong sự bình an! Xin Chúa Hài Đồng đoái thương linh hồn Maria vừa mới qua đời đúng ngày sinh nhật của Ngài và cũng xin đoái thương gia đình và hai đứa con thơ của chị vừa mất mẹ.

Cũng trong tuần Bát Nhật lễ Giáng Sinh, chúng tôi được mời giảng tĩnh tâm cho các nữ tu Dòng Mến Thánh Giá vùng Nha Trang. Các nữ tu này đang mục vụ tại các giáo xứ, các trường mầm non và vùng truyền giáo lương dân. Hàng tháng các Soeurs thường tụ họp tại một cộng đoàn nào đó trong vùng để tĩnh tâm và cũng là dịp để gặp gỡ, chia sẻ với nhau trong tinh thần gia đình. Lần này họ tập trung tại một cộng đoàn bên cạnh Nhà Chính của chúng tôi và mời chúng tôi chia sẻ về đời sống truyền giáo vì họ biết chúng tôi có chút ít kinh nghiệm về truyền giáo ở nước ngoài. Chỉ một vùng Nha Trang mà các chị có đến 40 thành viên khấn trọn, hơn cả một Tỉnh Dòng quốc tế của các nữ tu ngoại quốc nơi chúng tôi làm việc mới thấy được ơn gọi Việt Nam còn rất dồi dào và các nữ tu khiêm nhường ấy nay sẵn sàng xông pha trên mọi mặt trận. Tuy nhiên, công bình mà nói ở Việt Nam các Soeurs ít được coi trọng hơn các linh mục dù nhiều nữ tu làm việc nhiều hơn và hiệu quả hơn các linh mục. Chúng tôi không dám so sánh vì mọi so sánh đều khập khiễng nhưng chúng ta cần phải đánh giá lại và phải biết tôn trọng và đối xử công bằng với mọi thành phần dù họ là linh mục, nữ tu hay giáo dân.       

Hôm nay giáo hội mừng lễ Thánh Gia Thất trong tuần Bát Nhật lễ Giáng Sinh. Nhiều giáo xứ, cộng đoàn tu trì chọn Thánh Gia Thất làm bổn mạng như muốn nói lên vai trò của những thành viên trong gia đình rất quan trọng và cần phải được tôn trọng và đánh giá đúng chứ không nên giữ nguyên não trạng ‘trọng nam, khinh nữ’. Sáng nay chúng tôi dâng thánh lễ tại một giáo xứ của Dòng thuộc ngoại ô thành phố, và đây là lần đầu tiên cha xứ tổ chức cho những đôi hôn nhân có số tròn để chúc mừng. Trong bài chia sẻ, chúng tôi đã nhấn mạnh đến sự thánh thiêng trong đời sống gia đình mà mẫu gương là gia đình Nazaret. Ước mong những thành viên trong gia đình luôn chu toàn trách nhiệm và bổn phận của mình để giáo xứ, giáo hội, xã hội và thế giới này ngày một tốt hơn vì gia đình là nền tảng của xã hội. Xin Chúc mừng các gia đình, nhất là những gia đình Công giáo biết noi gương Thánh Gia để nước Chúa mau hiển trị và mọi người luôn sống trong bình an và ân sủng Chúa.   

Nha Trang, ngày 27 tháng 12 năm 2020,

Lễ Thánh Gia Thất,

Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD

 

Wednesday, December 16, 2020

                             CỘNG ĐOÀN NHÀ MẸ SVD VIỆT NAM TĨNH TÂM MÙA VỌNG

     Những ngày đầu mùa Vọng năm nay tưởng chừng sẽ có đợt giãn cách xã hội thứ ba với vài ca lây nhiễm cộng đồng tại Sài Gòn, và các chuyên gia lo ngại rằng nếu Hòn Ngọc Viễn Đông Sài Gòn mà bị lockdown như đợt giãn cách thứ hai tại Đà Nẵng và vài tỉnh miền Trung vừa rồi thì có lẽ không biết Việt Nam sẽ đi về đâu! Rất may là liền sau đó, những trường hợp F1 và F2 đều cho ra âm tính và mọi sự cảm thấy nhẹ nhàng tuy cũng đang còn lo sợ vì Cô-vy nham hiểm này sẽ quay trở lại bất cứ lúc nào, và nếu như thế thì Mùa Giáng Sinh Năm nay sẽ rất buồn!


Một nghệ sỹ hài nổi tiếng tại Việt Nam cũng như ở hải ngoại vừa đột ngột ra đi ngay những ngày đầu của tháng 12 này vì cơn đột quỵ đã để lại trong lòng người hâm mộ nhiều luyến tiếc, xót thương vì anh là một nghệ sĩ đa tài như tên của anh và không bị vướng những điều vớ vẩn khi anh còn tại thế. Đó cũng là điều đáng để chúng ta suy gẫm về cuộc sống tạm bợ này như một bài hát được lấy trong thánh vịnh: “Đời sống con người chóng qua như cỏ, như bông hoa nở trên cánh đồng, một cơn gió thoảng đủ làm nó biến đi, nơi nó mọc cũng không còn mang vết tích…” (Tv 102,15-16). Anh đã ra đi để lại biết bao tình cảm đẹp trong lòng người hâm mộ và bản thân tôi cảm thấy xót xa vì sự vắn số của anh.

Cũng trong những ngày Mùa Vọng, Nhà Chính Dòng Ngôi Lời tại Nha Trang chúng tôi đã tổ chức ngày tĩnh tâm tháng để có dịp anh em gặp gỡ nhau và tịnh lắng qua tiếng hô của vị dọn đường cho Chúa là thánh Gioan Tiền Hô chuẩn bị mừng sinh nhật Con Thiên Chúa giáng sinh.

Kỳ tĩnh tâm lần này chúng tôi đọc lại thông điệp “Laudato Sí” (Chúc tụng Chúa) - "Chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta" của Đức Thánh Cha Phanxico do một anh em linh mục cùng lớp với chúng tôi và hiện là giáo sư đại chủng viện Nha Trang trình bày. Người anh em này từng học chung đại học với chúng tôi và chúng tôi rất thân thiết với nhau. Sau ngày chịu chức linh mục thì ngài làm việc mục vụ giáo xứ rồi sau đó đi tu học 8 năm ở Australia, và hiện giờ đang phụ trách môn giáo phụ và lịch sử giáo hội tại Đại Chủng Viện Sao Biển Nha Trang. Với lối chia sẻ bài bản của người từng đứng lớp, ngài cho anh em chúng tôi thấy tầm quan trọng của ngôi nhà chung mà con người ngày nay đã tự cho mình là chủ và bắt mọi sự phải qui phục về mình. Từ là người được Thiên Chúa dựng nên thì con người ngày nay đã cho mình là người có thề làm nên tất cả, có thể hô mưa gọi gió và tất cả đều theo chủ nghĩa quy nhân, hướng về con người là chủ muôn vật. Bởi thế chúng ta phải trả giá cho những việc chúng ta làm, và như một vị giáo sư của chúng tôi đã từng nói vì chúng ta đã bóc lột thiên nhiên nên thiên nhiên đến lúc trả thù chúng ta.


Với những kinh nghiệm thực tế, nhất là sinh ra và lớn lên ở Nha Trang dù quê của vị giảng phòng này tận ngoài Bắc, ngài đã thấy những biến đổi lạ thường, nhất là cơn bão dữ vào năm 2017 đã cuốn trôi mọi thứ và đã tràn vào những ngôi nhà kiên cố nhất mà chưa bao giờ xảy ra trước đây. Rồi cơn bão chồng bão, lũ chồng lũ trong năm nay là những dấu chỉ mà Thiên Chúa muôn chúng ta phải nhận ra những kiêu ngạo của con người trước thiên nhiên và trước Thượng Đế.

Có lẽ Việt Nam chúng ta ngày nay khác trước vì nhiều người phần nào đã có hành xử chút văn hóa, nhưng đại đa số vẫn còn thờ ơ khi xem “ngôi nhà chung trái đất” như những ‘thùng rác lớn’ và họ muốn làm gì theo ý họ. Bởi thế, việc giáo dục là rất cần thiết không những đào tạo cho người ta có bằng cấp, kiến thức mà còn giúp con người có hành vi trong ứng xử văn hóa, nhất là biết bảo vệ ‘ngôi nhà chung’ đang dần bị biến dạng. Những quốc gia văn minh họ đã dạy học sinh từ khi cắp sách đến trường biết phân biệt màu sắc và phân loại các rác thải để có môi trường và bầu khí xanh hơn. Người tu sĩ là những người phải đi tuyến đầu trong việc gìn giữ môi trường và bảo vệ ‘ngôi nhà chung’ mà chính thánh Phanxico Assidi đã từng gọi trái đất là ‘mẹ’ và những thực thể khác là ‘anh chị em’ của ngài. Người tu sĩ phải giúp mọi người nhận ra những dấu chỉ thời đại và phải biết đồng trách nhiệm trong việc bảo vệ ‘ngôi nhà chung’ mà chúng ta đang sống để cùng với thế giới chung tay bảo vệ ‘Mẹ Trái Đất’ đang bị những đứa con ngỗ nghịch hủy hoại.      

Khi ban phép lành toàn xá Urbi et Orbi đặc biệt vào ngày 27/03/2020, Đức Phanxico đương kim có nói: “Chúng ta đã tiến về phía trước với tốc độ chóng mặt, cảm thấy mình mạnh mẽ và có thể làm được bất cứ điều gì. Ham lợi nhuận, chúng ta đã để mình bị cuốn vào mọi thứ và bị dụ dỗ sống hối hả. Chúng ta đã không dừng lại để lắng nghe những lời trách móc, chúng ta không thức tỉnh trước các cuộc chiến tranh hay những bất công trên toàn thế giới, chúng ta cũng không lắng nghe tiếng khóc từ những người nghèo hoặc từ hành tinh ốm yếu của chúng ta."

Đại dịch COVID -19 đã cho chúng ta thấy những dấu hiệu rõ ràng về sự dễ bị tổn thương và dễ vỡ của thế giới hiện đại, củng cố cho những lời tiên báo của Đức Phanxicô về nhu cầu chăm sóc Mẹ Trái Đất trong thông điệp Laudato Sí. Đại dịch đã chỉ cho chúng ta thấy rõ rằng tất cả chúng ta đều được nối kết với nhau và chúng ta không thể sống phớt lờ người khác hoặc cô lập với họ. Đại dịch đã cho chúng ta thấy bằng chứng là chúng ta đồng trách nhiệm về mọi thứ và đó là bổn phận của chúng ta bảo vệ con người, môi trường, thiên nhiên và xã hội mà trong đó mỗi chúng ta đang sống.

Thông điệp Laudato Sí có thể hướng dẫn ta khi ta định hình lại một xã hội - nơi cuộc sống của con người, đặc biệt là những người yếu đuối nhất, sẽ được bảo vệ; nơi mọi người đều được chăm sóc sức khỏe; nơi con người không bao giờ bị loại bỏ và nơi mà thiên nhiên không bị khai thác bừa bãi, nhưng được vun trồng và bảo tồn cho những người đến sau chúng ta. 

Mến chúc anh chị em có tâm tình sốt sắng trong những ngày còn lại của mùa Vọng và xin Chúa Hài Đồng sưởi ấm tâm hồn anh em giữa mùa Đông lạnh giá và những cơn mưa trái mùa đang làm cho bầu khí Giánh Sinh thêm ảm đạm.

Nha Trang, ngày 17 tháng 12 năm 2020

Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD