Monday, August 31, 2020

Việt Nam- Thấp Thỏm Giữa Cơn Đại Dịch

 

 

Sau một tháng Covid-19 bùng phát trở lại có tâm điểm tại Đà Nẵng và một vài tỉnh thành lân cận, tình hình mỗi ngày một thêm căng thẳng hơn. Số người chết cũng như người nhiễm mỗi ngày một tăng khiến cho chính quyền Đà Nẵng phải phong tỏa toàn diện “nội bất xuất, ngoại bất nhập” nhằm hạn chế tối đa nguy cơn lây nhiễm. Đà Nẵng thân yêu đã phải giải quyết cảnh phát phiếu đi chợ, và những người thăm viếng Đà Nẵng vào những ngày cuối tháng 7 bị cách ly cũng như những ai từ Đà Nẵng trở về vào những ngày ấy đều phải khai báo y tế và được “chăm sóc” cẩn thận nhằm tránh lây lan cộng đồng.



Con Virus bé nhỏ vô hình kia đã làm cho cả thế giới nói chung và nước Việt Nam thân yêu nói riêng chìm vào cơn khủng hoảng trầm trọng và không biết đến bao giờ mọi sinh hoạt mới thực sự trở lại bình thường.

Xét về mặt tôn giáo, nhiều sinh hoạt phải tạm hoãn vô thời hạn dù nhiều giáo phận không hề có ca nhiễm nào. Tuy nhiên, các vị hữu trách đều viết văn thư dặn dò tín hữu cũng như đàn chiên mình nên khôn ngoan trước cơn đại dịch nhằm tránh những phiền phức vô tình không đáng có xảy ra. Một Dòng Tu ở Sài Gòn chuẩn bị lễ phong chức linh mục đã hủy bỏ vào giờ chót vì ngại khách khứa đến từ phương xa sẽ ảnh hưởng đến việc chống dịch khiến cho các “chuẩn linh mục” ấy khá thất vọng và buồn rầu. nhất là vài ngày sau đó có một Bà Cố của một trong những “chuẩn linh mục” ấy qua đời đột ngột khi chưa nhìn thấy người con thân yêu mình bước lên bàn thánh! Dòng chúng tôi cũng tạm hoãn ngày lễ Khấn Trọn vào tuần đầu của tháng 8 vì lo ngại sự xuất hiện đông người sẽ gây khó xứ cho giới cầm quyền. Các anh em cũng hơi buồn nhưng đành chấp nhận vì công việc chung. Thờ buổi Covid, ai nấy đều thấp thỏm khi lên kế hoạch, và dù có kế hoạch rồi vẫn không dám thực hiện vì sợ sẽ bị ảnh hưởng và gây hậu quả xấu nếu chẳng nay có chuyện gì liên quan đến Covid thì hỏng chuyện. Có lẽ lúc này khi nêu lý do Covid là lý do mạnh nhất để có thể thoái thác mọi chuyện vì không ai  muốn vướng vào kẻo bị vạ lây.


Cơn đại dịch Covid chưa nguôi ngoai thì trung tuần tháng 8 vừa qua lại xảy ra sóng nhiệt và bão sét lớn ở tiểu bang California khiến hàng chục người thiệt mạng và hàng ngàn héc-ta rừng bị thiêu rụi. Nhiều người đang sống trong tâm trạng lo âu, thấp thỏm vì Cali có rất nhiều người Việt chúng ta sinh sống. Kinh tế thế giới đang kiệt quệ và Việt Nam chúng ta cũng không nằm ngoài vòng ảnh hưởng ấy. Đi đâu người ta cũng than vãn về cuộc sống vốn dĩ đã khó khăn tư bề, thì nay càng te tua hơn nữa. Một số người thân quen bên Âu châu và Mỹ châu điện thoại thăm hỏi và tâm sự với chúng tôi nhiều điều, và họ thâm tín rằng đây là thời điểm để chúng ta nhìn lại mình và Thiên Chúa muốn thanh luyện đức tin của chúng ta vì chúng ta đã quá xem thường Ngài khi ai nấy đều đầy đủ tiện nghi vật chất mà quên Ngài.

Cơn đại dịch tái bùng phát lần này cũng làm cho cả chính quyền lẫn  giáo quyền đều thấp thỏm. Không giống như lần đầu là cách ly toàn xã hội và các giáo phận đều đồng loạt đưa ra những chỉ dẫn cụ thể với các thánh lễ trực tuyến. Lần tái phát này chỉ có vài nơi và vài giáo phận có nguy cơ cao mới đưa ra những văn thư chính thức để hướng dẫn các sinh hoạt tôn giáo, còn nhiều nơi khác chỉ đưa ra giải pháp hàng hai khiến người dân hoang mang và thực hiện trong thấp thỏm.




Gần 1 tháng kể từ ngày tái bùng phát dịch ở Đà Nẵng, bản thân chúng tôi chỉ lo ở Dòng theo kiểu cách ly tại nhà dù Nha Trang không phải là thành phố có nguy cơ về dịch, mọi sinh hoạt diễn ra có kiểm soát và Dòng chúng tôi cũng không tiếp khách bên ngoài ngay cả các cha, các thầy từ nơi khác đến. Chúng tôi chỉ đi tham dự lễ nhận xứ mới của một anh em linh mục bạn tại Phan Thiết sau nhiều năm ngài làm việc ở vùng hải đảo cũng như vùng đất miền núi truyền giáo xa xôi của giáo phận. Thông thường thì những ngày thuyên chuyển linh mục vừa là ngày vui cho một số người khi từ xứ nhỏ hoặc xứ nhà quê ra xứ lớn hay xứ thành phố, nhưng lại là ngày đáng buồn cho một số người trong chiều hướng ngược lại nếu họ không có tinh thần dấn thân và từ bỏ. Thỉnh thoảng chúng tôi có nghe là một vài cha xứ bị “mọc rễ” tại một vài giáo xứ từ năm 1975 đến giờ, và nay đã gần 80 tuổi mà vẫn không chịu về hưu để trả giáo xứ lại cho giám mục. Nhiều giáo dân cũng ngao ngán vì cha xứ của họ ở quá lâu dù cũng có vài công lao xây dựng giáo xứ nhưng trở thành một đề tài công kích cho đàn chiên vì sự bất tuân lệnh của giám mục sở tại và lộng quyền khi tự cho mình là “cha già đáng kính” và bắt mọi người phải vâng phục tối mặt. Thế kỷ XXI rồi mà vẫn còn tình trạng như thế đang diễn ra ở một đất nước nghìn năm văn hiến mà một vài người ấy lại là những vị được xem là Alter Chritus (Chúa Kitô thứ Hai). Ở bên Âu châu nơi chúng tôi từng làm việc vài năm, có một luật được áp dụng cho mọi công dân trong nước bất kể thuộc tầng lớp, tôn giáo nào là đến tuổi 67 (trước đây là 65) phải về hưu. Một số linh mục gần 70 vẫn còn khỏe mạnh như trai tân nhưng phải về hưu và nhường lại cho lớp trẻ làm việc, và nếu họ muốn làm việc nữa thì chỉ đóng vai phụ để hỗ trợ đàn em. Việt Nam chúng ta vẫn còn não trạng người lớn tuổi mới là người có kinh nghiệm, và vì thế nhiều giáo phận, nhiều Dòng Tu vẫn có truyền thống chọn người lớn tuổi vào chức vụ cao dù biết rằng người ấy không còn đủ sức khỏe và sự nhạy bén để đảm trách những công việc lớn trong giáo phận cũng như trong Hội Dòng. Rất may chúng tôi cũng biết một vài Dòng Tu Nam cũng như Nữ hiện nay đã dám bỏ phiếu cho một số người trẻ đầy năng lực và nhiệt huyết vào chức vụ tổng phụ trách để họ có thể lãnh đạo Hội Dòng. Càng khâm phục hơn là những vị lãnh đạo trẻ ấy làm việc rất tận tâm khiến cho những người trước đây hay gièm pha giới trẻ phải tâm phục, khẩu phục. Chúng tôi thuộc tầng lớp trung niên và có chút ít kinh nghiệm trong những năm truyền giáo nước ngoài nên chỉ đang quan sát những chuyện xảy ra trong đời tu và đời thường để tích lũy thêm kinh nghiệm hầu có thể làm gì đó cho Hội Dòng trong tương lai.     



Hôm nay giáo hội mừng lễ thánh Augustine, giám mục tiến sĩ Hội Thánh. Nhiều người nói rằng nếu không nhờ thánh nữ Monica (thân mẫu của thánh Augustine mừng ngày 27.8), thì cũng không có thánh giáo phụ xuất chúng là Augustine, và như thế thánh Monica đã hai lần sinh ra Augustine cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Nói về thánh Ausgutine là nói đến một con người được chính Chúa dẫn dụ đi từ nổi loạn sang say mê tình yêu Chúa đến nỗi ngài phải thốt lên: “Con đã yêu Chúa quá muộn màng, lạy Chúa là Đấng Tuyệt Mỹ từ đời đời đến đời đời; con đã yêu Chúa quá muộn màng. Và xin Chúa hãy nhìn xem, Chúa chờ đợi con ở bên trong cõi lòng con, nhưng con lại ở bên ngoài cõi lòng mình, và con kiếm tìm Chúa tại đó. Thánh nhân đã sốt sắng trở nên khí cụ đắc lực của Chúa khi đã say mê lời Chúa và châm ngôn của ngài là: “Yêu thương rồi bạn hãy làm những gì bạn muốn”. Ngài là một con người mang tính thời đại và thật ấn tượng. Trong cuộc sống của ngài, chúng ta tái khám phá ra một cách tròn đầy về những vấn đề khác nhau. Mừng lễ thánh Augustine là dịp để mỗi người chúng ta suy xét lại con người của mình vì lắm lúc chúng ta cũng nổi loạn, háu thắng muốn chinh phục mọi thứ nhưng lại thiếu vắng tình yêu. Ước chi mọi người chúng ta biết say mê Chúa và biết lắng nghe, yêu thương rồi sau đó chúng ta mới có thể làm những gì chúng ta muốn theo thánh ý Chúa. Xin thánh Augustine phù hộ cho chúng con mau thoát khỏi cơn đại dịch này. Amen.       

Nha Trang, ngày 28 tháng 08 năm 2020

Lễ Thánh Augustine,

Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD.                       

No comments:

Post a Comment