VIỆT NAM SAU CƠN ĐẠI DỊCH VIRUS VŨ HÁN
Tháng Năm đã về với tiết trời nắng nóng ở Việt Nam. Những thông tin về sự lây nhiễm Virus Vũ Hán cũng tạm thu hẹp và chính quyền cũng đã nới lỏng để các sinh hoạt bắt đầu hoạt động trở lại sau nhiều tháng tạm ngưng. Các sinh hoạt tôn giáo cũng bắt đầu trở lại nhưng trong chừng mực vì các vị hữu trách vẫn còn lo lắng biết đâu con virus vô hình này sẽ quay lại và sẽ làm vỡ trận. Thứ Bảy ngày 9 tháng 5, khi những lá thư mục vụ của các giáo phận được gởi đi cũng chính là ngày vui của những người dân Công giáo khắp cả nước hân hoan đón nhận khi được tham dự thánh lễ trực tiếp sau gần 2 tháng phải ngồi nhà xem lễ trực tuyến.
Tháng Hoa - Tháng của Mẹ, và ngày Chúa Nhật tuần thứ Hai của tháng 5 là Ngày Hiền Mẫu đúng lúc được phép dâng lễ trực tiếp nên mọi người đều tham dự thánh lễ rất sốt sắng và người ta mới nhận ra rằng thánh lễ có tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống tâm linh. Nhiều cụ ông, cụ bà đã khóc khi tham dự thánh lễ trở lại và họ chia sẻ rằng thiếu thánh lễ hình như họ mất đi một điều gì quí giá lắm mà đến giờ họ mới nhận ra. Một Facebooker Công giáo đang là ca trưởng ở một giáo xứ đã đếm từng ngày vắng bóng thánh lễ trong niềm nuối tiếc và anh cũng sáng tác một bài về Covid-19 rất cảm động, và có lẽ nay mai sẽ được đăng trên Youtube. Chúng tôi cũng tranh thủ trong dịp này để đi thăm vài nơi và tìm hiểu đời sống
đạo ở một số vùng từ thôn quê đến thành phố để xem phản ứng của người dân, nhất là những người Công giáo trong những ngày cách ly xã hội và phải tham dự thánh lễ trực tuyến. Đa phần đều nói rằng đây là một sự kiện có một không hai trong đời người của họ, và dĩ nhiên vì sức khỏe cộng đồng nên ai cũng tự nguyện làm theo nhưng trong lòng buồn vô cùng. Có người nói rằng nếu tiếp tục kéo dài có thể họ sẽ bị căn bệnh trầm cảm hay tự kỷ vì suốt ngày phải ở nhà hay trong phòng với những sinh hoạt hàng ngày rất nhàm chán và nhiều lúc sinh ra cáu gắt, cãi nhau một cách vô lý với những người cùng trong gia đình. Có lẽ đây là một kinh nghiệm nhớ đời và nếu lập lại chắc nhiều người sẽ tự vẫn vì sốc và chán chường. Một số người bạn ở Hòa Lan có điện thăm và hỏi chúng tôi khi nào trở lại vì họ rất nhớ thánh lễ tiếng Việt, chúng tôi nói đùa với họ rằng đầu năm 2021 họ có thể mua vé cho chúng tôi qua Hòa Lan để rửa tội cho hàng tá trẻ em mà họ sẽ sinh vì mùa dịch Covid này người già chết nhiều và các đôi bạn trẻ không phải đi làm nên năm tới có lẽ dân số trẻ em sẽ tăng!
Là linh mục luôn hăng say hoạt động và hướng ngoại, bản thân chúng tôi dù bị cách ly bất đắc dĩ của chỉ thị nhà nước, chúng tôi không thể ngồi yên ở nhà nhưng cố gắng liên lạc với một số mạnh thường quân mình quen biết để qua họ, chúng tôi có thể đem đến những thứ rất cần thiết cho cuộc sống giữa và sau cơn đại dịch Corona với những mảnh đời bất hạnh và các viện mồ côi do một số nữ tu người Kinh cũng như người thiểu số ở Tây Nguyên vì họ bị cắt đường tiếp tế. Nhìn thấy các em nhỏ phải ra vườn giúp người lớn tăng gia sản xuất và tự lực cánh sinh trong lúc ngặt nghèo, chúng tôi cảm thấy xót xa. Khi đưa lương thực như gạo, mì tôm, dầu ăn và cá khô là những nhu yếu phẩm cần thiết nhất để trao tặng cho các em, các em đã chạy đến để giúp khuân vác và chào thăm rất vui vì những ngày kế tiếp ít nhất là sẽ không bị đói. Rất cảm ơn những tấm lòng quãng đại của các mạnh thường quân ở Hòa Lan, Đức và một vài người bạn ở Sài Gòn đã góp tay vào việc giúp đỡ hoàn cảnh ngặt nghèo để chúng tôi có dịp đến với họ như lời Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ là hãy cho họ ăn.
Một anh em cùng Dòng đang làm việc tại một vùng truyền giáo ở giáo phận Vinh đã mời chúng tôi đến thăm nơi ngài đang làm việc từ ngày tôi mới trở về Việt Nam nhưng do bị cách ly, nên mãi đến giờ chúng tôi mới có thể thực hiện được. Dù khí hậu khắc nghiệt vì nắng nóng vào dịp này, chúng tôi vẫn đến để tận mắt chứng kiến những gì người anh em linh mục trẻ này đã và đang làm trong những năm qua và cũng để giúp ngài chia sẻ vài kinh nghiệm truyền giáo trong kỳ đại hội loan báo Tin Mừng cho giáo xứ và các giáo điểm mà ngài phụ trách. Từ miền xuôi lên miền ngược của những dản tộc thiểu số người Thái, HMông, Khơ Mú, Thổ... chúng tôi phải đi gần 3 giờ đồng hồ bằng xe hơi dù đường xá bây giờ trải nhựa rất tốt nhưng khá hẹp và quanh co nguy hiểm. Người dân thiểu số ở đây khá giống với người Kinh (Việt) và nói tiếng Việt rất rõ dù họ vẫn còn giữ những phong tục và văn hóa truyền thống của họ. Tiếp xúc với một số gia đình tân tòng người Thái và người Thổ xem ra họ rất thân thiện và bộc bạch hết tất cả những gì chúng tôi muốn tìm hiểu. Họ cũng tâm sự rằng dù họ nói được tiếng mẹ để của họ nhưng vẫn không biết viết mà chỉ có những thầy mo, thầy cúng có thể viết ngoằn nghèo khi cử hành lễ cúng. Họ có thể kết hôn với người Kinh (Việt) nhưng giữa các dân tộc thiểu số với nhau hiếm khi họ lấy nhau vì phong tục tập quán và ngôn ngữ. Họ vẫn còn ở nhà sàn và uống rượu cần như các dân tộc ở Tây Nguyên nhưng cách ăn mặt nhiều người đã Kinh hóa. Nhìn thấy công việc của người anh em trẻ nhưng đầy nhiệt huyết đang làm chúng tôi cảm thấy thán phục vì ngài đã hy sinh thời giờ, sức trẻ và những gì mà các mạnh thường quân đóng góp đều đầu tư vào cho việc xây dựng giáo điểm truyền giáo nhưng nhiều lúc còn bị hiểu lầm, thiếu cảm thông của những vị hữu trách. Về mặt chính quyền cũng không được thoải mái cho lắm vì họ sợ khi người công giáo nhiều và mạnh lên thì họ không thể kiểm soát được. Trái với những vùng truyền giáo ở Nam Mỹ nơi chúng tôi đã từng phục vụ, chính quyền không bao giờ can thiệp vào việc tôn giáo nhưng họ còn khuyến khích, động viên và giúp đỡ hết mình miễn sao các nhà truyền giáo nâng cao được nhận thức và giúp người dân sống đúng nhân phẩm của mình. Ở những vùng truyền giáo ấy chúng tôi ít nhận được sự giúp đỡ của các mạnh thường quân nên dù muốn làm nhiều điều cho họ vẫn không làm được vì lực bất tòng tâm.
Chúng tôi cũng chia sẻ về truyền giáo cho ngày đại hội loan báo Tin Mừng do người anh em tổ chức trong giáo xứ với thành phần tham dự cũng khá đông dù nhiều người phải đi từ hàng trăm cây số giữa tiết trời nắng nóng. Nhìn thấy những anh chị em háo hức, hăng say thảo luận và lắng nghe những chia sẻ thực tế qua hình ảnh, videoclip và đối đáp trực tiếp khiến chúng tôi rất vui dù khá mệt do những ngày trước đó phải đi thăm giáo điểm truyền giáo. Có vài tham dự viên tâm sự với chúng tôi rằng họ cảm thấy an ủi phần nào khi nghe những bài chia sẻ của chúng tôi vì họ những tưởng là họ bị bỏ quên vì nghĩ rằng nơi họ đang làm việc như là tận cùng của thế giới nhưng khi nghe những chia sẻ những vùng truyền giáo nơi chúng tôi từng sống thì họ nói là họ vẫn còn sướng hơn nhiều. Buổi chia sẻ được kết thúc bằng một bài hát tạ ơn vì chúng tôi có dịp gặp gỡ, chia sẻ với nhau những trăn trở và vui buồn của đời truyền giáo.
Chúng tôi cũng có dịp thăm và nói chuyện với hai vị giám mục của giáo phận, và vị chủ chăn của giáo phận rất đơn sơ, khiêm nhường luôn thao thức, trăn trở về truyền giáo. Ngài mong muốn một ngày nào đó chúng tôi có thể làm việc trong giáo phận của ngài ở những vùng giáp biên giới với các sắc dân thiểu số vì đó là sứ mạng của Dòng Truyền Giáo Ngôi Lời. Chúng tôi hứa với ngài một ngày nào đó sẽ quay lại để thực hiện sứ mạng này.
Chúng tôi cũng mới nhận được thư bổ nhiệm của bề trên và cuối tháng này sẽ bắt đầu làm việc trong một vai trò mới nơi chúng tôi đã từng được đào tạo từ những ngày mới tập tu và cũng chính nơi đó tôi được thụ phong linh mục trước khi được gởi đi truyền giáo. Người ta thường nói quê hương là điều gì đó rất linh thiêng dù mình đi đâu cũng luôn nhớ về. Có lẽ cơn đại dịch Coronavirus đã đưa đầy chúng tôi về với quê hương sau nhiều năm xa cách để chính Đất Mẹ sẽ tiếp tục giúp chúng tôi thành người và bản thân cũng muốn làm điều đó cho quê hương và Hội Dòng đã từng cưu mang mình. Thời trai trẻ sung sức nhất của đời linh mục đã qua đi nhanh chóng và thoáng nhìn lại với lớp đàn em thì mình cũng cảm thấy không còn nhiều nhuệ khí và sức lực để có thể làm những điều mà mình mong muốn được. Có chăng chỉ là những kinh nghiệm trong những năm truyền giáo xa quê hương và một số vốn luyến ngôn ngữ để có thể trao đổi và chuyển dịch một số văn bản và tài liệu nước ngoài cho anh em sử dụng. Những người bạn đời cùng lớp ngày xưa giờ tóc cũng đã điểm bạc và phụ trách những công việc chuyên môn ở một số tỉnh thành quan trọng trong nước cũng như làm công tác kinh doanh khá thành công đã có dịp họp mặt nhau dù chúng tôi không cùng tôn giáo nhưng luôn hướng thiện và phục vụ cộng đồng cách công tâm nhất. Ba Má chúng tôi không còn nữa nên chuyến về quê hương lần này cảm thấy trống vắng làm sao dù các chị lo lắng cho những bữa ăn, giấc ngủ. Tạ ơn Chúa đã ban cho con sống ý nghĩa trong những ngày về thăm quê hương giữa cơn đại dịch virus Vũ Hán và Ngài cũng đã sắp đặt cho con công việc tại quê nhà dù trong lòng con muốn phiêu lưu phục vụ xa quê hương. Xin cho con biết chọn Ngài chứ không phải chọn công việc của Ngài dù chọn Ngài, theo Ngài nhiều lúc làm cho con cảm thấy không được như ý nguyện con. Xin ban ơn cho con trong công việc và sứ vụ mới để con luôn chu toàn bổn phận và nên ích lợi cho anh em con.
Hôm nay lễ Chúa về trời sau khi Ngài sống lại và hiện ra với các môn đệ thân tín để củng cố niềm tin của các ông và sai các ông ra đi loan truyền Tin Mừng tình yêu của độ của Ngài cho khắp thế gian. Sau khi dâng thánh lễ sáng với anh em thiểu số người Bahnar do các linh mục Dòng Đaminh phụ trách tại một giáo xứ khá lâu đời ở Kontum, chúng tôi cũng đồng tế thánh lễ tạ ơn với cha nguyên tổng đại diện giáo phận Kontum tại Linh Địa Măng Đen để ngài tạ ơn Chúa và Mẹ đã gìn giữ ngài trong suốt nhiều năm qua với vai trò là bề trên giáo phận và sứ vụ linh mục của ngài ở vùng đất truyền giáo đầy khó khăn này. Ngài sẽ về nhà hưu dưỡng trong tuổi già và sẽ tiếp tục giúp đỡ người nghèo trong phạm vi sức khỏe cho phép. Chúng tôi được biết ngài nhiều năm và ngài cũng từng giảng lễ an táng của thân phụ chúng tôi năm vừa qua. Một linh mục đơn sơ, chân chất, dễ gần và có lòng từ tâm đối với người nghèo và người bất hạnh. Những hy sinh đóng góp của ngài trong cuộc đời linh mục tại giáo phận truyền giáo này đã để lại trong tôi những ấn tượng đẹp nên tôi cảm thấy rất phục và quí trọng ngài. Chúa về trời và bàn giao sứ vụ cho các môn đệ để các ông tiếp tục công việc còn dang dở. Cha nguyên tổng đại diện về hưu và chúng tôi cũng là những người kế nghiệp công việc của ngài. Xin Chúa và Mẹ Maria luôn phù trì nâng đỡ ngài trong lúc tuổi xế chiều và đồng hành với chúng con để chúng con luôn biết xây dựng Nước Trời ở trần gian bằng chính đời sống chứng nhân và sự hiện diện đúng lúc của chúng con với những người mà chúng con phục vụ. Amen.
Việt Nam, ngày 24 tháng 5 năm 2020- Lễ Chúa Lên Trời
Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD
No comments:
Post a Comment