Sunday, September 8, 2019


HÒA LAN – MÙA TỰU TRƯỜNG

Mấy ngày qua trên các con đường chính ở Hòa Lan từ nông thôn đến thành phố nơi chúng tôi quan sát đều thấy có những tấm bảng ghi rằng: “De scholen zijn weer begonnen” (tạm dịch năm học mới lại bắt đầu), và chúng tôi có gọi phone về Việt Nam hỏi thăm các cháu chuẩn bị  năm học mới thế nào nhưng trong lòng cảm thấy xốn xang và tự nhiên nhớ đến mẫu chuyện ngắn “Tôi đi học” của nhà văn Thanh Tịnh- từng học ở trường La-San, Huế mà miên man nghĩ về thuở ấu thơ: “Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường”.
Bản thân đã bước qua cái tuổi học trò lâu rồi, đã từng là nhà đào tạo và đầu đã hai thứ tóc rồi nhưng mỗi khi bắt đầu năm học mới dù ở đâu vẫn cảm thấy tiếc nuối về khoảng thời gian cắp sách đến trường bên bè bạn với những trò chơi và những bài học vỡ lòng ngày nào khiến mình như sống lại những ký ức tuổi thơ. Ai cũng có những quá khứ dù đôi lúc gợi lại quá khứ có thế làm chúng ta buồn, hận vì không được như ý mình muốn nhưng chính những quá khứ vui buồn ấy có thể giúp chúng ta sống đúng với con người thật của chúng ta hơn.
Những ngày qua cũng có một anh em linh mục cùng Dòng đang làm việc tại vùng truyền giáo mới ở Miến Điện đến thăm trước khi về Roma tham gia khóa học Mục Vụ Kinh Thánh. Linh mục này khi còn là sinh viên Triết học tại Sào Gòn, chúng tôi từng phục trách. Rồi khi đi thực tập ở Argentina trước khi chịu chức linh mục ở đó chúng tôi cũng có liên lạc với nhau. Sau khi hoàn thành khóa học và thực tập mục vụ, người anh em này được phong chức linh mục tại Argentina và chúng tôi cũng là người đến tham dự và mặc áo lễ cho tân chức. Nghi thức phong chức thật đơn sơ nhưng ấm cúng của vùng Nam Mỹ và năm ấy người anh em này nhận bài sai đi giúp những người thổ dân Mapuche giáp với nước Chile.
Sau khi chúng tôi nhận bài sai qua Hòa Lan làm việc với người nói tiếng Tây Ban Nha, cha Tuyên sau đó cũng nhận bài sai đến Miến Điện là một vùng truyền giáo mới của Dòng do Đức Hồng Y Miến Điện mời Dòng Ngôi Lời đảm trách. Người anh em này cũng tham hảo ý kiến của chúng tôi trước khi lên đường nhận sứ vụ vì anh em Truyền giáo của chúng tôi không bao giờ nói tiếng “no” khi được bề trên sai đi. Và sau hơn 1 năm lăn lộn ở mặt trận truyền giáo mới, cha Tuyên được gởi đi tu học khóa mục vụ Kinh Thánh tại Roma để khi trở về có thể giúp cho anh chị em nơi mình làm việc đón nhận Lời Chúa cách hữu hiệu.
Chúng tôi đã đưa người anh em này đến một số gia đình thân quen cũng như một số cơ sở của Dòng tại Hòa Lan, nhất là Nhà Mẹ ở Steyl- nơi Đấng Sáng Lập Arnold Janssen đã lập Dòng cách đây gần 150 năm. Một số người đồng hương cũng yêu quí công việc truyền giáo nên cũng có ít quà cho người anh em này làm lộ phí để khi trở về giúp những người cùng khổ bên xứ Miến Điện. Cha Tuyên cũng tâm sự rằng dù Miến Điện đã có dân chủ nhưng vì lực lượng quân đội vẫn còn ảnh hưởng rất mạnh nên chính phủ không thể làm được gì và người dân Miến Điện đến giờ vẫn còn sống trong cơ cực giống như người Việt Nam sau biến cố 1975. Những người mới nhìn cha Tuyên không ai dám tin rằng đó là linh mục vì tính cách rất phóng khoáng, hút thuốc và uống rượu cũng khá nhưng ít ai biết rằng cha Tuyên từng là một “đại ca” bụi đời nhưng nay trở thành linh mục truyền giáo.
Sau khi tiễn cha Tuyên ra phi trường để đi Roma tham dự khóa học, chúng tôi cũng vội vã đón xe lửa đến nhà Emmaus ở Helvoirt để tham dự khóa thường huấn về lãnh đạo trong thế giới đa văn hóa do một linh mục tiến sĩ về phân tâm học người Úc hiện đang làm việc tại Roma hướng dẫn. Khóa thường huấn này kéo dài từ thứ Hai đến thứ Năm cũng trùng vào năm học mới nên cái cảm giác trở lại thời cắp sách đến trường tự nhiên khiến chúng tôi thấy thú vị dù những người tham dự đều là các linh mục. Chúng tôi thường tham dự những khóa thường huấn ở nhiều nơi trên thế giới và sau mỗi hóa học ấy tự nhiên mình nhận ra con người của mình và biết chấp nhận người khác nhiều hơn, nhất là chúng ta đang sống trong một môi trường đa văn hóa, đa chủng tộc. Những người làm lãnh đạo trong một công ty nhà nước hay tư nhân thường chỉ làm việc với các thư ký hay những người đồng sự và đều có luật lệ, phép tắc nên ai sai hay phá vỡ qui tắc sẽ bị chế tài. Tuy nhiên, những nhà lãnh đạo tôn giáo phải làm việc với tất cả mọi người và không có quyền chế tài ai cả. Chúng tôi từng có kinh nghiệm sống trong cộng đồng đa văn hóa ở Nam Mỹ, và nay ở Âu châu. Nếu mình không thích ứng và học hỏi từ nền van hóa khác thì mình dễ bị rơi vào sự ích ỷ, độc tài và thiếu khoan dung. Người lãnh đạo tôn giáo phải là người linh động, mềm dẻo, cương trực nhưng khoan dung. Vì là con người nên nhiều khi rất bực tức và muốn phản ửng thật mạnh trước một điều bất bình nào đó nhưng nghĩ lại lời mời gọi của Chúa Giêsu khiến mình cần bình tâm lại: “Hãy mang lấy ách của Ta và hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng, và tâm hồn các ngươi sẽ gặp được bình an. Vì ách của Ta thì êm ái và gánh của Ta thì nhẹ nhàng" (Mt 11,29-30).
Một bức ảnh khá dễ thương về bữa tiệc ly hiện đại giữa Chúa Giêsu và các trẻ em đường phố do nghệ sĩ Joey Velasco họa lại là những trẻ em thật ngoài đời tại các khu ổ chuột Phi Luật Tân có tuổi các em từ 4-14 tuổi. Tác giả họa lại hình ảnh bữa tiệc ly và Chúa Giêsu là người chia sẻ với những em bé hồn nhiên ấy và mong muốn có thêm những bàn tay rộng mở để ôm ấp và xoa dịu những tâm hồn thơ trẻ đang phải vất vưởng trên các đường phố. Người lãnh đạo cũng có cái tâm như Chúa.       
Trong khóa thường huấn này, chúng tôi cũng có bài trắc nghiệm tâm lý để xem mình có gì thay đổi không giống như mỗi lần đi tái khám bác sĩ sẽ xem bịnh tình mình thuyên giảm thế nào. Quả thực theo chỉ số trắc nghiệm, chúng tôi có nhiều thay đổi qua năm tháng và dĩ nhiên thay đổi lần này là thay đổi theo hướng tích cực từ một người nóng tính và háu thắng nay trở thành người bình tĩnh và hòa bình.
Làm người lãnh đạo trong lĩnh vực tôn giáo cần phải có một bản lĩnh phi thường và nhất là phải biết lắng nghe chứ đừng kiêu căng tự tại cho mình là hiểu biết tất cả rồi lấn áp ý kiến người khác, nhất là người yếu thế hơn mình. Chúng tôi cũng chia sẻ những vấn đề mục vụ nóng bỏng mà chúng tôi đã từng trải qua cũng như đang thực hiện. Mỗi quốc gia đều có những sở trường, sở đoản của riêng mình nên chúng ta không được phép áp đặt và cho cái của mình là tốt, còn của người khác là không ra gì. Ngồi tâm sự với một anh em linh mục người Hòa Lan đáng bậc cha chú từng làm việc ở Phi Luật Tân hơn 40 năm, sau đó về Roma làm việc trong văn phòng Tổng quyền. Chúng tôi có đưa ra những thắc mắc về đường hướng mục vụ giáo xứ ở Hòa Lan vì có nhiều điều mình cảm thấy sốc vì cái gì cũng đều cho là tương đối. Người anh em này giải thích rằng giáo hội ở Hòa Lan dù thiếu vắng linh mục nhưng không mấy đặt trọng tâm vào linh mục như là người chủ, là người đứng đầu vì giáo dân ở đây đã trưởng thành và họ có thể làm tất cả ngoại trừ dâng lễ mà thôi. Nghe câu trả lời từ chính miệng người anh em linh mục cùng Dòng người bản xứ mà cảm thấy sốc hơn vì có nhiều điểm mục vụ mà chúng tôi đang cần phải xác mình rõ ràng trước khi trả lời cho những giáo dân nói tiếng Tây Ban Nha để họ không bị lẫn lộn khi trống đánh xuôi, kèn thổi ngược.
Nhà tu đức Thomas Merton người Mỹ đã từng nói: “Không ai là một hòn đảo”. Sống là sống với, sống cùng và sống cho người khác. Mẹ Têrêsa Calcutta cũng từng nói với các nữ tu của mình: “You can do what I cannot do. I can do what you cannot do. Together we can do great things.” (Bạn có thể làm những gì tôi không thể. Tôi có thể làm những gì bạn không thể. Chúng ta cùng nhau có thể làm được những điều trọng đại). Sống trong cộng đoàn nhà tu, sống  trong một thế giới đại đồng ngày nay không ai có thể nói một mình tôi có thể làm tất cả nhưng nếu mọi người cùng chung nhau làm việc, biết lắng nghe, nhường nhịn nhau thì bất cứ chuyện gì chúng ta cũng có thể làm được. Làm lãnh đạo trong các cộng đoàn tu sĩ không phải dễ nhưng để trở thành một người lãnh đạo tốt và được mọi người yêu quí thì càng khó hơn.
Hôm qua chúng tôi có cử hành phép chuẩn hôn phối cho đôi bạn trẻ mà cô dâu là gốc Việt và chú rễ là người Pháp. Ở bên này giới trẻ chịu đám cưới trong nhà thờ là tương đối hiếm vì họ sợ là nếu có chuyện gì phải lo gỡ rối thì phiền phức lắm nên nhiều bạn trẻ đã chấp nhận sống chung với nhau và nếu không hợp nhau thì đường ai nấy đi dễ dàng hơn. Đám cưới này vừa là hôn nhân khác đạo vừa là hôn nhân khác văn hóa vì cô dâu là người gốc Việt và chú rễ là người Pháp và người tham dự đến từ các nước nói tiếng Pháp, tiếng Hòa Lan, tiếng Đức và tiếng Việt. Bởi thể, cô dâu chú rễ nhờ chúng tôi dâng thánh lễ song ngữ Anh-Việt để mọi người có thể hiểu hơn. Mọi người đều rất vui vì cô dâu chú rễ rất đẹp đôi và nhất là người mẹ cô dâu cảm thấy an ủi khi con gái mình được bước vào ngôi thánh đường để được Chúa chúc phúc theo đúng nguyện vọng của bà.     
Hôm nay chúng tôi cử hành thánh lễ Chúa Nhật XXIII thường niên nhưng lại trùng ngày sinh nhật Đức Mẹ, và cũng là ngày thành lập Dòng Ngôi Lời. Chúng tôi cử hành thánh lễ bằng tiếng Papiamento cho cộng đồng người Antilian và ca đoàn đã cùng chúng tôi hát bài “Lời Mẹ Nhắn Nhủ” của nhạc sỹ Lê Huy như là lời tâm sự của những người con với Mẹ trong ngày vui của Mẹ mình. Dù giọng hát lơ lớ không rõ lời của những người dân cựu thuộc địa của Hòa Lan hát về Mẹ, họ cảm thấy melody của bài hát đi vào lòng người và cùng vỗ tay chúc mừng sinh nhật Mẹ và sinh nhật của Dòng truyền giáo Ngôi Lời. Happy birthday Mẹ Maria của chúng con. Xin Mẹ giúp chúng con biết thực thi lời Mẹ dạy để thế giới này ngày một tốt hơn và anh em truyền giáo Ngôi Lời chúng con luôn chu toàn trách nhiệm và sứ vụ của mình được giao phó.                         
                                                Hòa Lan, 08 tháng 09 năm 2019- lễ Sinh nhật Đức Mẹ,
Kỷ niệm 144 năm ngày thành lập Dòng Ngôi Lời
 Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD.   

No comments:

Post a Comment