HÒA LAN – ĐỔI MỚI TÂM
HỒN
Vụ xả súng xảy ra ngày đầu
tuần qua ở thành phố Utrecht miền trung Hòa Lan khiến 3 người chết và nhiều người
khác bị thương đã làm bàng hoàng người dân Hòa Lan vốn dĩ rất yên bình và được
xem là một trong những quốc gia đáng sống. Tay súng người Thổ Nhỉ Kỳ đã bị bắt
ngay trong ngày và người ta đang điều tra xem liệu đây có phải là vụ khủng bố
không. Phải công nhận rằng hệ thống an ninh ở đây rất tuyệt vời và các nhân
viên công lực làm việc không chê vào đâu được trước sự việc vừa xảy ra. Những vị
lãnh đạo đất nước hoa Tu-líp này đã hết lòng vì dân, vì nước và xem việc an
toàn quốc gia là trên hết.
Tháng 3 thời tiết bắt đầu ấm lại dù thi thoảng vẫn
có những cơn mưa phùn và những đợt gió lạnh khiến ta có cảm giác quốc gia này
lúc nào cũng là mùa Đông nên đi đâu cũng phải luôn mang theo chiếc áo khoát bên
mình. Vườn hoa Keukenhof đẹp như tranh vẽ cũng bắt đầu mở để đón khách thập
hương tham quan trong dịp xuân này. Người
dân ở đây cũng đang sống tâm tình mùa chay dù việc giữ đạo của họ không giống
kiểu người Việt Nam mình. Ngày Thứ Tư Lễ Tro chúng tôi cử hành thánh lễ cho người
Hòa Lan và họ tham gia rất đông và sốt sắng. Hỏi ra thì họ sống đạo còn tốt hơn
mình và nhiều người đã giữ chay và kiêng thịt vào tất cả các thứ sáu và không hề
đụng đến bia rượu trong suốt mùa chay dù rượu, bia ở đây lúc nào cũng đầy trong
nhà. Họ còn tự nguyện chia sẻ những thức ăn và đồ dùng của mình để những tổ chức
thiện nguyện giúp đỡ những người di dân và người nghèo không phân biệt tôn
giáo. Những người về hưu đã trở thành những người thiện nguyện theo nghề nghiệp
và khả năng của mình để giúp đỡ người khác. Những sắc dân châu Mỹ Latinh ở đây
vẫn còn não trạng lề mề và giữ đạo khá hời hợt nên vẫn khó hội nhập với người bản
xứ.
Chúng tôi làm việc với các
linh mục và phó tế vĩnh viễn người Hòa Lan. Trước đây thì mỗi nhà thờ có ít nhất
một cha xứ nhưng hiện giờ thì một linh mục phải trông coi nhiều nhà thờ vì
không có ơn gọi và thiếu linh mục. Do đó, nhiều người nam có gia đình ở đây được
khuyến khích học để trở thành phó tế. Và những phó tế vĩnh viễn làm việc khá đắc
lực trong ban mục vụ giáo xứ dù dưới con mắt của người Việt hay người Nam Mỹ sống
ở đây thì những phó tế có gia đình mà lúc nào cũng trông giống như linh mục thật
là chướng mắt. Vả lại, lương của những phó tế vĩnh viễn này cao gấp 3 lần lương
của những linh mục dù làm việc ít hơn linh mục và một số phó tế vĩnh viễn ở đây
khi người vợ qua đời đã được phong chức linh mục. Bởi thế, nhiều người ở đây
hay nói đùa rằng mấy ông đó vừa được cả đời lẫn đạo
Làm chung với nhóm mục vụ
cho người bản xứ cũng như những sắc dân nên phải rất tế nhị và phải lắng nghe
nhiều hơn vì dẫu sao mình cũng là người mới đến đây và hiện giờ vẫn đang học việc
vì tiếng Hòa Lan chỉ tạm đủ để giao tiếp và dâng thánh lễ chứ chưa đủ để làm những
chuyện khác. Người Hòa Lan làm việc rất giờ giấc và theo chương trình rõ ràng,
cụ thế nhiều khi khá cứng nhắc; trong khi người di dân thì cứ cần khi nào thì gọi
điện và muốn làm theo nhu cầu của mình.Vị cha xứ người Hòa Lan đang làm việc với
chúng tôi mà trước đây từng là phó tế vĩnh viễn, nhưng khi người vợ qua đời đã
xin giám mục phong chức và nay đã là linh mục được vài năm nên ông không có nhiều
kinh nghiệm mục vụ trong việc điều hành giáo xứ đa văn hóa và ông luôn sợ giáo
dân mến các cha khác hơn mình nên ông thường ôm việc nhiều. Chúng tôi không
quan tâm nhiều về chuyện này vì nhập gia phải tùy tục và chỉ làm những gì ban
điều hành giao cho mình và phần còn làm mình làm việc của nhà Dòng.
Những ngày trong mùa chay
chúng tôi có gặp gỡ, ngồi tòa và nói chuyện với nhiều người gồm cả người bản xứ,
người sắc dân và người đồng hương Việt Nam. Người bản xứ Hòa Lan có lẽ là người
ít có vấn đề nhất vì họ rất hạnh phúc khi sống trong một xã hội công bằng, văn
minh vì không phải lo lắng về cơm áo, gạo tiền và việc học hành cho con cái vì
nhà nước đã đáp ứng đủ nhu cầu cho họ. Nhu cầu tâm linh của họ khá tự do thực
hành niềm tin của mình và không hề bị áp đặt bất cứ luật lệ nào. Không hề có vị
lãnh đạo tôn giáo nào dám cấm cản họ điều này, điều kia hay dọa dứt phép thông
công. Những người thuộc các sắc dân Nam Mỹ hay Phi châu thì khá an phận khi sống
ở một quốc gia văn minh và họ sẵn sàng chụp lấy những thời cơ thuận tiện khi đến
với mình. Họ chỉ than thở một điều là ước gì có một giáo xứ riêng cho họ và ước
mong có một cha xứ là người của họ, hiểu được văn hóa, phong tục tập quán của họ
vì những cha xứ người Hòa Lan nói tiếng Tây Ban Nha hay tiếng Anh rất tốt nhưng
cái đầu vẫn là của người Âu châu nên họ khó gần và việc tham dự thánh lễ với họ
chỉ là bổn phận cho xong mà thôi.
Riêng với người đồng hương
Việt Nam mà chúng tôi gặp gỡ và nói chuyện, họ là những người rất cần cù và đạo
đức theo lối sống bình dân. Những người từ 50 tuổi trở lên dù đã sống ở đây lâu
năm nhưng vẫn còn rất Việt Nam và luôn hướng về đất mẹ Việt Nam cũng như những
truyền thống, thói quen mà họ thụ hưởng được khi còn ở quê nhà. Thật tình mà
nói họ không giỏi về ngôn ngữ vì khi đặt chân đến đây phải đầu tắt, mặt tối để
nuôi sống bản thân, gia đình và còn lo gởi tiền về giúp cho người thân ở quê
hương. Bao nhiêu chuyện đó đã làm cho những người tha hương rất mệt mỏi nhưng họ
còn phải lo tìm nhà thờ để tham dự thánh lễ Chúa Nhật và các ngày lễ trọng
nhưng ở đây nhà thờ thì có nhưng linh mục thì không. Nhiều ngày Chúa nhật trời
lạnh lẽo tuyết rơi nhưng họ cũng phải đi cả tiếng đồng hồ để đến nhà thờ tham dự
thánh lễ mà chỉ lát đát có vài người nhưng xuôi thay lại không có lễ mà chỉ có
thấy một bà hay một ông bận đồ thùng thình cử hành nghi thức Lời Chúa. Ai ở
trong hoàn cảnh này mới hiểu được là tại sao từ đó nhiều anh chị em Việt Nam lại
“làm biếng” đi lễ ngày Chúa Nhật, và nếu những anh chị em này có dịp về Việt
Nam thăm người thân và đi xưng tội với các linh mục người đồng hương lại bị mắng
xối xả chỉ vì bỏ lễ ngày Chúa Nhật mà không chịu nghe họ giải thích vì sợ mất
giờ! Chia sẻ ra đây để chúng ta cùng hiểu nhau và đừng mang gánh nặng cho nhau
nhưng cùng nhau chia sẻ gánh nặng để cuộc đời ngày càng vui hơn khi mọi người
biết cảm thông, chia sẻ.
Qua những cuộc chia sẻ
chúng tôi hiểu được tâm trạng của một người mẹ Việt Nam từng sống ở đây gần 40
năm và chỉ mới năm vừa rồi chị mới bắt đầu liên lạc lại với người đồng hương và
tham dự những sinh hoạt tôn giáo của người Việt. Chị có hai người con một trai,
một gái nhưng cuộc sống gia đình không được hạnh phúc từ ngày đặt chân đến vùng
đất này nên phải chia tay. Một mình phải nuôi hai con dù được nhà nước trợ cấp
tiền ăn học cho con cái nhưng người mẹ đơn thân ấy phải quần quật làm việc để
lo cho mái ấm của mình cũng như lo giúp cả hai gia đình bên Việt Nam. Khi đứa
con trai khôn lớn thành tài lại đi kết hôn ở một quốc gia khác và lâu lâu mẹ
con mới được gặp nhau. Mừng vui với đứa cháu nội chưa được bao lâu thì chị lại
nhận được hung tin khi con trai chị, con dâu chị và đứa cháu nội yêu quí vừa mới
biết gọi tiếng bà đã vĩnh viễn ra đi trong một tai nạn giao thông bên xứ người
khi cả gia đình nhỏ bé này đang đi du lịch ở một tiểu bang khác. Đau xót, hụt hẫng,
thất vọng khi phải chứng kiến cảnh mẹ già tóc bạc phải tiễn người con trai và đứa
cháu nội yêu dấu đầu vẫn còn xanh trong tai nạn đáng tiếc ấy, người mẹ này như
bị rơi xuống vực thẳm và cũng từ đó bà như bị tự kỷ và không muốn tiếp xúc với
ai sau khi xong công việc của mình ở công ty. Bà cũng thầm trách Chúa và không
bao giờ đến nhà thờ nữa dù trước đây bà không hề bỏ sót một buổi cầu nguyện hay
thánh lễ nào. Cũng may là trong một dịp gần đây vì tình thân nên bà có tham dự
một lễ an táng của một người đồng hương và chúng tôi được gặp bà. Rồi cũng từ
đó bà có số phone là liên lạc với chúng tôi. Lắng nghe câu chuyện của bà mà
không biết mình có làm gì được cho bà không ngoài lời cầu nguyện. Người ta thường
nói cái mà dễ nhất để làm là cho lời khuyên nhưng chúng tôi không muốn khuyên
răn gì ngoài việc lắng nghe và đồng cảm với bà vì mình cũng từng lâm vào hoàn cảnh
như thế. Rất may là bà đã tham dự lại các thánh lễ và thấy vui hơn dù chúng tôi
nhìn thấy trong đôi mắt bà vẫn còn điều gì đó xót xa và man mác buồn.
Chúng ta đã gần đi hết nửa đoạn đườn của mùa chay và
Chúa Nhật thứ Ba Mùa Chay tới đây Chúa Giêsu mời gọi chúng ta đừng bao giờ đoán
xét một điều gì đó theo cảm tính và thành kiến vì điều đó sẽ khiến mọi điều phức
tạp hơn. Mạng xã hội ngày nay đầy tràn những tin tức giật gân khiến nhiều lúc
chúng ta không biết đâu là thật, đâu là giả và thường thì chúng ta có khuynh hướng
kết án lập tức những người mà chúng ta không thích mà không qua kiểm chứng.
Chúng ta thường ảo tưởng là bản thân mình có thể làm được điều này, điều kia nếu
mình được ở vào vị trí ấy và thường lên tiếng chỉ trích người khác vô dụng, bất tài. Đừng ảo tưởng
đổi mới xã hội, cải tạo thế giới. Trước hết, hãy đổi mới chính mình, cải tạo bản
thân mình. Tục ngữ Trung Hoa có câu: Nếu mỗi người cham sóc vườn hoa trước cửa
nhà mình, cả thế giới sẽ biến thành một vườn hoa đẹp. Đổi mới chính mình đó là
góp phần vào đổi mới thế giới. Mùa Chay mời gọi chúng ta ăn năn, sám hối. Sám hối
là đổi mới tâm hồn. Muốn đổi mới tâm hồn, phải đổi mới cách nhìn về con người
và cuộc đời, về bản thân và tha nhân. Xin Chúa giúp chúng con biết đổi mới từng
ngày và loại bỏ những định kiến, kết án anh em mình. Amen.
Hòa Lan, 23 tháng 03 năm 2019–
Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD
No comments:
Post a Comment