Sunday, December 30, 2018


HÒA LAN – TÂM TÌNH MÙA VỌNG VÀ GIÁNG SINH 2018

Mùa Vọng 2018 qua nhanh với những thánh lễ và những cuộc tĩnh tâm ngắn nhằm chuẩn bị tâm hồn đón mừng Con Thiên Chúa giáng trần.
Hòa Lan và các nước ở Âu châu là các quốc gia công nghiệp nên các ngày lễ bổn mạng, sinh nhật hay các sinh hoạt mang tính tôn giáo chỉ tổ chức vào những ngày cuối tuần. Người di dân thuộc các nước nói tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha do chúng tôi phụ trách cũng có hai ngày lễ bổn mạng lớn trong tháng 12 là lễ Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội và lễ Đức Mẹ Guadalupe nhưng chúng tôi phải gộp lại để tổ chức vào ngày Chúa Nhật thứ II Mùa Vọng để mọi người cùng nhau gặp gỡ, chia sẻ và cử hành thánh lễ của mình. Những tưởng người dân Nam Mỹ sinh sống ở Hòa Lan nhiều năm sẽ hội nhập như người Hòa Lan về chuyện giờ giấc, nhưng họ vẫn đi trễ và cà kê như thường vì có lẽ văn hóa đi trễ và rề rà đã ngấm vào máu của họ nên chỉ khi nào thay máu họ mới có thể đổi được. Một số người Việt Nam ở đây hình như cũng bị nhiễm máu đi trễ của người Nam Mỹ, và đôi lúc cũng gây phiền hà cho cộng đoàn và ảnh hưởng đến một số công việc chung.
Mùa Đông đã bắt đầu ở Âu Châu. Ở Hòa Lan những ngày cuối tháng 11 đến giờ trời lạnh, mưa phùn, gió bấc và khoảng 4 giờ chiều thì màn đêm buông xuống nhanh khiến mọi người ai cũng phải vội vã về nhà nên tình hình kẹt xe vào những giờ này rất nhiều dù đường xá ở đây thoáng mát, rộng rãi và phương tiện công cộng cũng khá phổ biến. Chúng tôi thật may mắn cũng vừa đậu bằng lái xe ở đây dù chúng tôi đã từng có bằng lái xe ở Paraguay hơn 10 năm, và trước khi chuyển đến Hòa Lan đã lấy bằng lái quốc tế nhưng họ chỉ cho chạy trong khoảng thời gian nhất định, rồi sau đó phải học lại từ đầu từ lý thuyết đến thực hành và trải qua những kỳ thi sát hạch thật khó. Nhiều người định cư  ở đây đã phải tốn gần 10 ngàn euro cộng với thời gian học hành mới có được một tấm bằng lái nên họ mới thấm thía được cái gian nan của người đi học và giá trị của tấm bằng thật, và vì thế tai nạn rất ít xảy ra vì người ta học hành kỹ càng và có trách nhiệm. Nhiều người còn nói rằng có được tấm bằng lái xe ở Hòa Lan còn quí hơn tấm bằng đại học vì nó là phương tiện để có thể làm những chuyện khác.
Những ngày mùa Đông mọi người rất ít ra ngoài vào những ngày cuối tuần ngoại trừ họ có những việc hệ trọng. Còn các linh mục làm việc thì bất kể ngày đêm hay cuối tuần họ phải ra đi để thi hành sứ vụ. Nhìn thấy người anh em linh mục đang làm việc cho giáo xứ Việt Nam ở đây cũng như các linh mục tiền nhiệm của ngài phải đi dâng lễ ở nhiều nơi khác nhau vào những ngày cuối tuần dù cho trời mưa gió lạnh lẽo hay khi tuyết rơi mà nhiều khi đến chỉ có vài gia đình nhưng vẫn phải đi vì sự hiện diện của linh mục là niềm khích lệ rất lớn cho họ. Những giáo khu dần dần được hồi sinh với sự hiện diện của các linh mục qua các thánh lễ như là của ăn tinh thần dù vật chất ở đây họ rất đầy đủ. Chúng tôi cũng được mời cộng tác trong một số lĩnh vực vì một mình cha xứ không thể chạy show khắp nước Hòa Lan để chăm sóc mục vụ cho đoàn chiên gốc Việt đang sống rãi rác từ Bắc đến Nam được. Những lúc ấy chúng tôi tự hỏi linh mục có thể làm gì cho đoàn chiên ở đây? Linh mục có thể cho đoàn chiên điều gì? Và chúng tôi cũng tự trả lời rằng điều duy nhất mà linh mục có thể cho đoàn chiên mình là tình thương, là sự cảm thông, sự đồng hành, là sự liên đới chứ không phải là một mớ lý thuyết suông hay những sự hù dọa qua các bài giảng hay ở tòa trong. Trước những xì-căng-đan đang xảy ra trong Giáo hội ở khắp nơi, chúng ta không thể che dấu nhưng phải đối diện và phải làm chứng rằng Chúa vẫn yêu thương và mong muốn những người gây ra lỗi lầm ấy phải hoán cải, và những người đang có dã tâm tàn phá giáo hội, “đục nước béo cò” qua những chiêu trò bẩn trên các phương tiện truyền thông đừng vội đắc thắng vì như lời Chúa đã phán với thánh Phêrô khi trao cho ngài chìa khóa Nước Trời là cửa hỏa ngục cũng không thể phá nổi vì Giáo hội là của Chúa và chỉ có Chúa mới có thể quyết định sự thành bại chứ con người không thể làm gì được dù có những thăng trầm, sóng gió tưởng chừng như có thể phá nát Giáo hội.
Giáng sinh năm nay trời Hòa Lan rất đẹp và không lạnh lắm nên mọi người tham dự thánh lễ rất đông. Đêm Vọng Giáng sinh chúng tôi cùng cử hành thánh lễ đồng tế cho người Hòa Lan, có cả những người Việt và những sắc dân khác nữa với một linh mục người Hòa Lan và một anh em linh mục cùng Dòng từ Roma đến thăm. Người Hòa Lan họ hát rất khí thế và một khi họ đã nhận trách nhiệm điều gì thì họ làm cho tới nơi, tới chốn. Tuy nhiên, những người tham dự thánh lễ Chúa Nhật hay các ngày đại lễ là những người đều đã có tuổi nên đôi lúc cảm thấy rời rạc và chúng tôi cũng không thường xuyên dâng lễ cho người Hòa Lan vì có một đức ông lớn tuổi người Hòa Lan đã nghỉ hưu luôn đồng hành với người bản xứ của mình và đức ông này rất thích nhạc La tinh và bình ca nên cũng hợp với chất giọng và sở thích của ca đoàn bô lão xứ sở hoa tu-líp này.
Giáng sinh là đại lễ không những của người Công giáo mà còn là lễ chung của mọi người nên thường thì họ được nghỉ liên tiếp hai ngày. Ấy vậy mà chúng tôi nghe nói ở Việt Nam người ta còn ra cả một văn bản cấm không cho trang trí những gì liên quan đến Giáng sinh ở các trường học và các nơi công cộng. Con người ai cũng hướng đến cái đẹp, vậy mà thế kỷ 21 rồi còn có những người ấu trĩ chẳng những thù ghét tôn giáo mà còn hận thù cái đẹp nữa. Thiết nghĩ những người làm công tác văn hóa nên cố vấn cho chính phủ biết tôn trọng nền tảng đạo đức và phát huy những giá trị văn hóa tâm linh để cái đẹp ngày càng thăng hoa và sẵn sàng cách chức ngay những thành phần nào có tư tưởng lạc hậu, cố tình phá hủy thuần phong mỹ tục như một viên chức ngành giáo dục của một huyện ngoại thành Sài Gòn đã làm xấu đi ngành giáo dục khi có một văn bản tùy tiện dịp Giáng sinh năm nay.
Sau đại lễ giáng sinh với cộng đồng người Việt tại Hòa Lan, chúng tôi có mấy ngày nghỉ đông nên quyết định đi Tây Ban Nha thăm một số nhà truyền giáo cùng Dòng trước đây từng làm việc ở Paraguay và nay đang nghỉ hưu ở tỉnh Dòng gốc và cũng thực hiện ước mơ ấp ủ từ lâu về quốc gia này. Trước giờ nghe nói rất nhiều về Tây Ban Nha và cũng nói tiếng Tây Ban Nha khi làm việc truyền giáo ở Nam Mỹ. Nay mới chính thức đặt chân đến vùng đất cùa những nhà truyền giáo lỗi lạc, những đấng sáng lập các hội Dòng và cũng là đất nước có nhiều câu lạc bộ bóng đá nổi tiếng. Những chuyến du lịch châu Âu ngắn ngày chúng tôi thường chỉ thích đi một mình để tham quan những nơi mình muốn đến và không phải vội vàng, cập rập nếu đi theo đoàn. Có lẽ từ nhỏ đã có tính tự lập nên chúng tôi luôn biết tự sắp xếp những chuyến đi cho riêng mình.
Chúng tôi đã đi thăm ngôi làng nơi thánh Phan-xi-cô Xavie, vị thánh truyền giáo lỗi lạc Dòng Tên mà nay ngôi làng ấy được đặt tên của ngài ở vùng núi giáp ranh thủ phủ Pamplona gần nước Pháp, và trở thành trung tâm hành hương của Tây Ban Nha hiện giờ. Được tận mắt chứng kiến tòa lâu đài nơi cha mẹ của thánh nhân sinh sống và được người dân địa phương ở đây kể lại mới hiểu được tại sao thánh nhân lại có một kiến thức uyên thâm và là người Tây Ban Nha nhưng lại giảng dạy ở trường đại học Sorbone danh tiếng ở Pháp. Nhiều gia đình công giáo ở đây ngưỡng mộ ngài nên thường đặt tên cho con cái họ là Javier (Xa-vi-e).
Chúng tôi cùng với một gia đình người quen đã đi thăm thủ phủ Barcelona, một thành phố giàu có nhất ở Tây Ban Nha và họ muốn tách khỏi vùng Tây Ban Nha nhưng chưa thể được vì còn nhiều yếu tố nhạy cảm. Những công trình kiến trúc tuyệt vời của hai vị kiến trúc sư Gaudí và Montaner mà đến giờ chính phủ vẫn tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện hơn. Có lẽ thú vị nhất là đi thăm tổng hành dinh của đội bóng nổi tiếng FC Barcelona dù chúng tôi không phải là fan hâm mộ của đội bóng này. Một sân vân động có sức chứa gần 100 ngàn chỗ ngồi với biết bao dịch vụ vệ tinh. Nhìn cách tiếp thị và lối kinh doanh của họ mới hiểu được tại sao họ dám bỏ ra hàng trăm triệu euro để mua bán cầu thủ. Một chi tiết nhỏ nhưng rất đáng chú ý là ngay trong phòng chuẩn bị trước khi ra sân có một nhà nguyện nhỏ để các cầu thủ có thể dừng lại cầu nguyện trước khi ra sân vì nói đến Tây Ban Nha mà thiếu vắng niềm tin tôn giáo thì xem như thiếu sót lớn.
Người dân ở Tây Ban Nha còn tham dự thánh lễ rất đông so với các nước Âu châu khác. Những nhà thờ, tu viện cổ kính vẫn còn có ơn gọi và các hoạt động tôn giáo vẫn còn sống động. Khi thăm và nói chuyện với một số bề trên ở các Dòng, họ rất vui và cởi mở khi biết một linh mục trung niên Á châu như chúng tôi nói và hiểu được ngôn ngữ và văn hóa của họ. Chúng tôi cũng thầm tạ ơn Chúa vì những năm truyền giáo bên Nam Mỹ đã giúp chúng tôi rất nhiều trong cuộc sống và trong sứ vụ.
Hôm nay là Chúa Nhật cuối cùng của năm dương lịch 2018, giáo hội mừng lễ Thánh Gia Thất- bổn mạng của các gia đình. Gia đình luôn là một yếu tố quan trọng trong xã hội và trong giáo hội. Xin Thánh Gia Thất (Chúa Giê-su, Đức Maria và Thánh Cả Giuse) luôn ban ơn và đồng hành với các gia đình- nhất là các gia đình trẻ, luôn biết trân trọng gia đình của mình và biết hướng về Thánh Gia Thất như là một mẫu gương sống để gia đình ngày một thăng hoa, và con cái cũng từ đó mà học được giá trị yêu thương mà cha mẹ chúng để lại. Cầu chúc các gia đình luôn bình an, hạnh phúc. Và trước thềm Năm Mới 2019, cầu chúc mọi người may mắn và đạt được ước mơ trong sự che chở và chúc lành của Chúa.                   
                                                   Tây Ban Nha, 30 tháng 12 năm 2018 – 
Lễ Thánh Gia Thất,
Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD.