Tuesday, May 15, 2018

CẢM NHẬN NGÀY HÀNH HƯƠNG THÁNH MẪU ÂU CHÂU TẠI LINH ĐỊA BANNEUX-BELGIUM 2018

Nếu ai đó hỏi tháng nào là tháng có nhiều lễ về Đức Mẹ nhất thì chúng ta có thể mạnh dạn trả lời đó là tháng 5 vì Giáo Hội dành cả tháng này gọi là tháng Hoa để kính Đức Mẹ. Và tháng này ngoài xã hội cũng dành riêng ngày Chúa Nhật tuần thứ II để mừng các người Mẹ gọi là Ngày Hiền Mẫu. Nhiều xứ đạo bên Tây cũng như bên Ta đã áp dụng và tôn vinh các bà mẹ trong ngày này dù trong lịch phụng vụ chưa được ghi vào chính thức.
Chúa Nhật tuần thứ II của tháng 5 năm nay rơi vào ngày 13 tháng 5 là ngày mà cách đây 101 năm Đức Mẹ hiện ra ở Fatima nước Bồ Đào Nha và những tháng kế tiếp sau đó cũng vào các ngày 13 hàng tháng Mẹ đã lần lượt hiện ra để nói cho thế giới biết qua các thị nhân trẻ tuổi về các sứ điệp Fatima mà năm ngoái 2017 Giáo Hội đã long trọng mừng Năm Thánh Bách Chu Niên.
Ngày Hiền Mẫu năm nay lần đầu tiên chúng tôi tham dự cách chính thức ngày hành hương Thánh Mẫu cho cộng đồng người Việt đang sinh sống ở Âu châu diễn ra tại Linh Địa Banneux, Bỉ quốc giáp biên giới với các nước Hòa Lan, Pháp và Đức. Chính Linh Địa này cách đây 85 năm Đức Mẹ đã hiện ra 8 lần với cô bé Mariette Beco 12 tuổi và nói với cô bé rằng Mẹ đến an ủi những người đau khổ, Mẹ bảo bé Beco là hãy nhúng tay vào dòng suối nước dành cho mọi dân tộc để lãnh nhận ơn chữa lành bình an trong thể xác cũng như tinh thần. Và cũng kể từ đó những quốc gia lân cận nói tiếng Pháp, Đức, Hòa Lan hàng ngày đều hành hương ghé thăm Linh Địa Đức Mẹ Banneux để nhận được ơn chữa lành.
 Trong chuyến viếng thăm mục vụ Bỉ quốc vào tháng 5 năm 1985, Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II đã dâng thánh lễ tại Linh Địa Banneux cho các bệnh nhân và ngài đã nói đau khổ là một huyền nhiệm nằm trong kế hoạch của Thiên Chúa : ‘La sofferenza è un grande mistero nel disegno di Dio’ (https://w2.vatican.va/content/john-paul-ii/it/homilies/1985/documents/hf_jp-ii_hom_19850521_ammalati-banneux.html) vì chính Chúa Giêsu, Mẹ Maria cũng đã trải qua những cơn đau khổ nên các Ngài luôn yêu thương những người đau khổ vì bệnh tật, vì chiến tranh, vì mất mát… và Mẹ Maria luôn hiện ra để an ủi và ban ơn cho những người đau khổ, bệnh tật.
Người Việt tỵ nạn ở Âu châu sau những năm bôn ba chạy loạn để lo cơm áo gạo tiền, nay họ cũng đã biết đến địa danh này, và tiếng lành đồn xa họ đã tuôn đến nơi linh thánh này để cầu khẩn với Đức Mẹ ban ơn, gìn giữ họ trong cuộc sống tha hương. Từ những nhóm, những đoàn thể tự phát, họ bắt đầu hình thành nên những nhóm lớn có tổ chức bài bản hơn với sự đồng hành của các vị linh mục tuyên úy. Và gần 10 năm qua những vị tuyên úy của các cộng đoàn, giáo đoàn và giáo xứ ở 3 quốc gia gần Linh Địa là Bỉ, Đức và Hòa Lan đã liên kết tổ chức những cuộc hành hương mang tầm vóc châu lục cho những người con đất Việt mang dòng máu của các Thánh Tử Đạo không quản ngại vượt khó từ khắp nơi tụ về bên Người Mẹ Hiền Mẫu mỗi năm một đông hơn.
Dù trước đây mỗi lần ghé thăm Âu châu chúng tôi cũng hành hương Linh Địa này với một số gia đình và bạn bè ở Hòa Lan và Bỉ và dâng thánh lễ trong ngôi nhà nguyện nhỏ nhắn. Tuy nhiên chuyến hành hương lần này là lần đầu tiên với tư cách là người được mời để đồng hành với khách hành hương ngay từ giây phút khai mạc đến lúc bế mạc. Phải thực sự công nhận rằng người Việt Nam chúng ta rất có năng khiếu về tổ chức, về thẩm mỹ và về sự cộng tác dù ban tổ chức đến từ các quốc gia Đức, Bỉ, Hòa Lan. Chúng tôi đã từng làm việc với các sắc dân Nam Mỹ để tổ chức những sự kiện quốc tế nhưng họ rất hời hợt, thiếu sự cộng tác và cũng thiếu luôn tinh thần trách nhiệm. Còn ở đây theo ghi nhận và sự quan sát của chúng tôi, chúng tôi nhận thấy từng nhóm, từng hội đoàn và từng cá nhân ai cũng muốn góp phần của mình vào để cho ngày hành hương được tốt đẹp mà không hề so đo, tính toán hơn thiệt.
Dù thời tiết được dự báo là mưa, mọi người vẫn đến đông đủ từ sáng sớm và chúng tôi nghe nói có nhiều người đến từ ngày hôm trước vì đường xá xa xôi. Họ đi đàng thánh giá, lần chuỗi Mân Côi, xưng tội… để lãnh nhận Mình Máu Chúa cách sốt sắng. Khuôn viên Banneux khá rộng rãi, thoáng mát, sạch sẽ so với các nơi hành hương ở Nam Mỹ mà chúng tôi đã tham dự, và khách hành hương đến đây từ nhiều quốc gia cũng rất lịch sự, hòa nhã.
Chương trình cho ngày hành hương bắt đầu từ 10 giờ sáng cho đến 17.00 chiều nên khá cập rập và ai nấy đều phải cố gắng làm theo đúng lịch trình đã lên sẵn để mọi người được tham dự theo chủ đề của năm hành hương.
Năm nay, ngày hành hương được tập trung vào hai chủ đề chính là rước kiệu cung nghinh Đức Mẹ Banneux mừng 85 năm Đức Mẹ hiện ra tại Linh Địa này. Đoàn rước kiệu này do nhóm các linh mục cùng các anh chị em thuộc hai cộng đoàn ở Đức, Bỉ đồng hành. Đoàn rước kiệu và tôn vinh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam dịp kỷ niệm 30 năm ngày Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II tôn phong hiển thảnh năm 1988 do các linh mục cùng các anh chị em ở Hòa Lan, Pháp, Anh phụ trách. Nhìn đoàn rước hàng hàng lớp lớp với những lễ phục, trống chiêng và những lời kinh Mân Côi được xướng lên nhịp nhàng tự nhiên chúng tôi cảm thấy tâm hồn thơ thới bình an dù trời đang mưa lất phất. Những bài hát về Đức Mẹ cũng như bài ca về các Thánh Tử Đạo mỗi khi được cất lên sau mỗi mầu nhiệm Năm Sự Mừng thật hùng hồn và sâu sắc từ lời ca và từng nốt nhạc: Đây bài ca ngàn trùng, dâng về Thiên Chúa, bài ca thắm đượm máu đào. Từng bao người anh dung tiến lên hy sinh vì tình yêu…
Đoàn rước kiệu Đức Mẹ và Các Thánh Tử Đạo tiến vào nhà thờ sau khi đã đi một vòng Linh Địa để chuẩn bị cho thánh lễ đồng tế.
Trước khi bắt đầu thánh lễ, cộng đoàn được chứng kiến các em thiếu nhi trong trang phục áo dài truyền thống nhiều màu sắc múa dâng hoa kính Đức Mẹ. Dù các em sinh ra và lớn lên ở đây, các em vẫn còn cái gì đó rất Việt Nam do cha mẹ và những người có dòng máu Việt Nam giáo dục đức tin cho các em nên từng cử chỉ, trang phục và điệu múa dâng kính Mẹ rất là Việt Nam. Mọi người trong ngôi thánh đường chật kín trong ngoài khoảng 7 ngàn người đã vỗ tay không ngớt chúc mừng các em vì đã tham dự ngày hành hương và dêng lên Mẹ những điệu vũ và cánh hoa tươi thắm.
Kế đến, một vị linh mục trong ban tổ chức đã giới thiệu thành phần tham dự. Một linh mục cao niên làm việc ở Đức chuẩn bị mừng 60 năm linh mục với tuổi đời vừa bước qua 90 nhưng ngài vẫn còn khỏe mạnh và luôn luôn hiện diện và đồng hành cùng đàn chiên bé nhỏ xa quê hương dù nay ngài đang nghỉ hưu. Các linh mục đan sĩ Dòng Citeaux, các linh mục tuyên úy ở Đức, Pháp, Luxembur, Anh, Bỉ và Hòa Lan. Hòa lan có một giáo xứ tòng nhân duy nhất ở Âu châu cho cộng đồng người Việt và có một linh mục quản xứ coi sóc giáo xứ tòng nhân nhân này từ Bắc đến Nam với sự giúp đỡ của các linh mục Việt Nam khác đang làm việc với các cộng đoàn nói tiếng Hòa Lan, tiếng Pháp, tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha. Cũng thấy bóng dáng của các nữ tu Dòng Mến Thánh Giá Việt Nam đang có cộng đoàn ở Pháp, ở Bỉ và các đan sĩ Citeaux và một số Hội Dòng khác cũng tham dự ngày hành hương. Cha Quản Đốc Linh Địa cũng có lời chào mừng với cộng đoàn hành hương người Việt bằng tiếng Pháp khi ngài nói rằng ngài rất phấn khích vì người Việt Nam mỗi năm tham dự rất đông và đóng góp rất nhiều cho quá trình trùng tu Trung Tâm Linh Địa, và ngài cũng dí dỏm nói rằng ngài có hỏi Đức Mẹ hôm nay sao trời lại mưa thì Đức Mẹ trả lời rằng Mẹ muốn ban phép cho những người con đi hành hương vì nước phép phải có nước chứ khô ráo thì đâu thể gọi là nước phép.
Trong thánh lễ đồng tế hôm nay với sự hiện của gần 20 linh mục đồng tế đang làm việc tại Âu châu cũng phần nào nói lên sự hiệp thông giữa chủ chiên và đoàn chiên. Cha chủ tế là Tân Quản Nhiệm giáo xứ Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo Việt Nam tại Hòa Lan, là một tu sĩ thuộc Hội Truyền giáo thánh Giuse Mill Hill có trụ sở chính ở Anh quốc. Ngài tỵ nạn ở Hòa Lan từ năm 1980 và từng làm việc truyền giáo ở Ấn Độ và Kenya nhiều năm trước khi được bài sai về lãnh trách nhiệm giáo xứ Việt Nam tại Hòa Lan thay thế cho vị cựu quản nhiệm nghỉ hưu vì lý do sức khỏe. Với sự đơn sơ, hiền lành và khiêm nhường, cha chủ tế đã mời gọi mọi người sống chứng nhân giữa một xã hội tục hóa. Hôm nay cũng là ngày Hiền Mẫu, ngài chúc mừng tất cả các bà mẹ, các chị và những ai có thiên chức làm mẹ biết noi gương Mẹ Maria dám hy sinh tất cả, ngay cả người con thân yêu của mình là Chúa Giêsu cho nhân loại.
Quan sát ca đoàn, chúng tôi thấy có hai ca đoàn hát rất hay và hát đúng phụng vụ. Các em ca đoàn trẻ hát có phong cách rất giống dân Nam Mỹ nơi mà chúng tôi làm việc nhưng các em vẫn luôn giữ được cái hồn của nhạc thánh ca. Đó cũng là một sự hy sinh lớn vì ở Âu châu mà kêu gọi được giới trẻ tham dự thánh lễ hay ngày hành hương không dễ chút nào nếu các em không có đức tin và sự đồng hành từ gia đình lúc còn thơ bé.
Mọi người được ăn uống và tâm sự sau thánh lễ dù trời bên ngoài mưa bay bay. Chúng tôi cũng ăn uống vội vàng với mọi người vì cũng phải chuẩn bị cho buổi đi đàng thánh giá. Nhìn thấy mọi người từ trẻ đến già hang say tham dự ngày hành hương cách sốt sắng là động lực lớn giúp chúng tôi quên đi những mệt nhọc và bớt đi suy nghĩ bi quan về cuộc sống tục hóa trong thế giới này.
Kết thúc ngày hành hương là giờ Chầu Thánh Thể và hôn thánh tích Các Thánh Tử Đạo. Một số khách hành hương theo đoàn phải vội vã ra về cho kịp chuyến xe nhưng số còn lại vẫn hăng hái dù suốt ngày tham dự đã thấm mệt. Tạ ơn Chúa đã cho chúng con có cơ hội quây quần bên nhau để mừng Người Mẹ Hiền Mẫu Maria và kình nhớ các bậc tiền nhân Tử Đạo của chúng con trong ngày đặc biệt này. Cảm ơn anh chị em giáo dân ở Âu châu đã cầu nguyện và khích lệ chúng tôi- những linh mục đôi lúc khô khan, chán chường vì thiếu đời sống nội tâm khi sống ở một môi trường đầy đủ tiện nghi nhưng đời sống tâm linh lại trống vắng. Xin Mẹ Maria và Các Thánh Tử Đạo Việt Nam luôn phù trợ và đồng hành với chúng con trong cuộc sống hàng ngày để chúng con luôn biết giữ lửa của lòng hăng say nhiệt thành mà truyền lại cho con cháu chúng con ngọn lửa rực cháy ấy. Hẹn gặp lại nhau tháng 5 năm 2019. God bless you all.   
Âu châu,  15  tháng 05 năm 2018

 Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD.   

2 comments: