HÒA LAN –
TÂM TÌNH MÙA VỌNG 2017
Những cơn bão dồn dập trong năm nay đã làm cho người
dân Việt tại quê nhà phải khốn đốn, lầm than vì nhà cửa tan nát, mùa màng mất
trắng, tài sản mất sạch và nhiều người đang cần hàng cứu trợ từ những tấm lòng
từ bi, hỉ xả của những nhà hảo tâm.
Một
cơn bão khác không kém những thảm họa thiên nhiên là cơn bão mạng. Cả tuần qua trên mạng xã hội facebook, youtube.., và ngay cả
báo chí điện tử, báo giấy hay truyền hình đã tạo nên một trận cuồng phong càn quét
dữ dội lên một đề án cải tiến chữ viết Tiếng Việt của PGS-TS Bùi Hiền, nguyên
Phó Hiệu trưởng Trường ĐHSP Ngoại Ngữ.
Theo vị PGS-TS cao
niên này, ông đề xuất về một bảng chữ cái Tiếng Việt được cải tiến và cho rằng trải qua gần một
thế kỷ đến nay chữ quốc ngữ đã bộc lộ nhiều bất hợp lý.
Theo ông, người Việt thường
sử dụng 2, 3 chữ cái để biểu đạt một âm vị phụ âm đứng đầu. Ví dụ C - Q - K (cuốc,
quốc, ca, kali), Tr - Ch (tra, cha), S - X (sa, xa)… Bên cạnh đó, lại dùng 2 chữ
cái ghép lại để biểu đạt âm vị một số phụ âm đứng cuối vần như Ch, Ng, Nh
(mách, ông, tanh…).
Thoạt đầu chúng tôi
có theo dõi vài phản ứng về đề xuất ấy của vị PGS-TS cao niên cách nhẹ nhàng
qua những ví dụ dí dỏm khi ráp vào bảng chữ cái mới của Tiến Sĩ Bùi Hiền. Tuy
nhiên, mức độ phản ứng ngày càng gay gắt hơn khi một vị nữ tiến sĩ tên tuổi
khác cùng với PGS-TS Bùi Hiền xuất hiện trong một chương trình Cafe sáng của
đài VTV3. Vị nữ tiến sĩ không biết do lỡ lời hay cố ý gì đó khi bà nói rằng: "Đây là
công trình khoa học. Phải có những nhà khoa học định đoạt, chứ không thể nào để
một đám quần chúng không hiểu gì cả ào ào vào ném đá" .
Thật sự
mà nói việc đề xuất của vị PGS-TS Bùi Hiền để cải tiến Tiếng Việt không có gì để
bàn cãi nhiều vì dù ông ta có học vị cao, đã từng nhiều năm nghiên cứu như ông
đã nói, nhưng chưa chắc đề xuất của ông đã được công chúng chấp nhận. Chúng ta
cũng thấy giới trẻ hiện nay trên thế giới khi sử dụng internet và mạng xã hội để
liên lạc với nhau cũng đầy ắp những kiểu nói tương tự như đề xuất của ông tiến
sĩ Bùi Hiền, nhưng chưa bao giờ đó được xem là ngôn ngư chính thức trong văn bản
vì xã hội văn minh bây giờ tuy vàng thau lẫn lộn nhưng người ta cũng dễ dàng nhận
ra cái gì là thật, cái gì là ảo; cái gì là bản sắc, cái gì giả dối, và những
người được mệnh danh là trí thức đừng nên dùng những từ ngữ miệt thị hay xem
thường những công chúng đang sử dụng mạng xã hội.
Mấy ngày qua trời Hòa Lan bắt đầu lạnh và nhiệt độ đã xuống dưới 3 độ âm
dù chưa có tuyết rơi nhưng gió thổi và mưa rào đã tăng thêm cái lạnh buốt ở xứ
Âu châu này. Năm phụng vụ mới vừa bắt đầu những ngày đầu tiên của Mùa Vọng
nhưng bầu khí Giáng sinh đã sôi động. Hòa Lan dù hiện nay không còn đơn
thuần là một quốc gia thuần túy Công giáo nhưng lại là là một trong những đất
nước đón Giáng sinh náo nhiệt nhất trên thế giới với nhiều những
truyền thống, tập tục trong suốt thời gian diễn ra lễ Giáng sinh với những điều rất riêng mang đậm đặc trưng văn hóa xứ sở cối xay gió,
hoa Tulip và đôi giày
bằng gỗ này.
Những ngày đầu của tháng 12, Hoà
Lan đang tưng bừng trong không khí chuẩn bị cho một mùa Giáng sinh sắp đến.
Khắp các đường phố, những con ngõ nhỏ, không khí lạnh đã được bù đắp bởi ánh
sáng, các vật trang trí và trong cả lòng người.
Một trong những ngày lễ mang tính
truyền thống trong những ngày đầu của tháng 12 là lễ Sinterklaas Avond (Lễ Vọng
thánh Nicolas mà Việt Nam chúng ta hay
quen gọi là Ông Già Noel). Lễ này được tổ chức hàng năm vào ngày 5 tháng
12 và được coi là đêm sinh nhật của Santa Claus (Ông già Noel). Vào đêm lễ vọng
này, Sinterklaas sẽ đến nhà của mọi trẻ em ở Hoà Lan và tặng những món quà nhỏ.
Sinterklaas là hình tượng tương đương với Santa Claus, nhưng trông khá khác
nhau so với hình tượng người đàn ông vui vẻ được miêu tả trong văn hóa phương
Tây.
Sinterklaas ở Hoà Lan là người cao và gầy, và ông mặc áo choàng màu đỏ
sẫm và một chiếc mũ tương tự như phẩm phục của giám mục. Trong nhiều hình ảnh
truyền thống, ông là người cao tuổi và có một bộ râu dài màu trắng.
Lễ vọng Sinterklaas thực sự bắt đầu vài tuần trước ngày 05 tháng 12,
thường sớm nhất là giữa tháng mười một. Sinterklass được cho là sống ở Tây Ban
Nha, và ông đến với sự phô trương tuyệt vời trên một chiếc tàu hơi nước vào đầu
của kỳ nghỉ lễ. Amsterdam, thành phố cảng này thường giữ lễ kỷ niệm tuyệt vời
để báo trước khi ông đến, bao gồm cả các cuộc diễu hành, nhạc chuông nhà thờ.
Sinterklaas được đi kèm với trợ lý của ông Peter Đen (Zwarte Piet),
người được mặc trang phục Tây Ban Nha thế kỷ 16 để tượng trưng cho sự thống trị
của Tây Ban Nha qua Hoà Lan trong suốt thời kỳ đó. Nhưng khuôn mặt đen được bao
phủ với bồ hóng và ông cưỡi một con la, một sự tương phản hoàn toàn với những
màu sắc vui tươi hơn áo choàng màu đỏ và con ngựa trắng của Sinterklaas. Đây
chính là hình tượng của Zwarte Piet người đi xuống ống khói của từng nhà để lại
quà cho các trẻ em, mặc dù trong một số truyền thuyết, ông cũng là nhân vật để
trừng phạt trẻ em không vâng lời.
Cũng giống như trẻ em ở các nền văn hóa phương Tây, trẻ em Hoà Lan cũng
để những thứ đựng quà nhưng không phải là tất mà là những đôi giày cạnh lò sưởi
chứa đầy cỏ khô, cà rốt cho ngựa của Sinterklaas. Trong buổi sáng, các món ăn
của ngựa được thay thế bằng những món quà cho các trẻ em.
Năm đầu tiên sống bầu khí mùa
Vọng để chuẩn bị đón mừng Giáng Sinh và được biết thêm nhiều phong tục, truyền
thống của một quốc gia Âu châu cảm thấy rất thú vị. Và mỗi ngày học ngôn ngữ
cũng biết thêm một số kiến thức rất hay để làm hành trang cho tương lai. Qua
đó, chúng tôi cảm nghiệm rằng nếu mình chỉ biết lựa chọn và làm theo ý riêng
mình, thì Chúa cũng tôn trọng sự tự do của mình, nhưng đó chỉ là mình làm cho
mình. Còn nếu chúng ta biết phó thác mọi sự cho Chúa và cố gắng hết sức mình để
vâng theo thánh Ý Chúa thì chính Chúa sẽ hướng dẫn mình theo cách của Ngài.
Mình chọn Chúa chứ không phải là chọn công việc của Chúa.
Mùa Vọng mời gọi
chúng ta sống tích cực hướng về ngày đó mà chúng ta quen gọi là ngày cánh
chung. Giữa hai lần Chúa đến ấy, còn có thể nói tới một lần nưã, đó là cuộc
Chúa ngự đến cách nhiệm mầu trong tâm hồn chúng ta bằng ân sủng, như lời Kinh
Thánh: “Ai yêu mến Ta, thì Cha Ta sẽ yêu mến người ấy và chúng ta sẽ cư ngụ
trong người ấy”. Mùa Vọng cũng nhắc nhở chúng ta rằng cuộc đời ta còn
dang dở và quê hương thật của ta ở trên trời. Mùa Vọng mời gọi ta nhổ trại lên
đường tiến về Ngày của Chúa, ngày Chúa đến làm cho cuộc đời chúng ta cũng như
toàn thể lịch sử nên sung mãn. Chính ngày đó đem lại cho cuộc sống hiện tại một
hướng đi và một ý nghĩa cao cả. Vì thế nỗi chờ mong của ta cũng là một niềm hy
vọng.
Lạy Chúa, xin
hãy đến, chúng con đang tỉnh thức và mong chờ ngày Chúa đến cứu độ chúng con
trong suốt Mùa Vọng năm nay. Amen!
Hòa
Lan, 05 tháng 12 năm 2017 – Sinterklass,
Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD.
No comments:
Post a Comment