Wednesday, October 18, 2017


TỘI BÁNG BỔ THẦN THÁNH


Trong những ngày vừa qua, trên mạng xã hội tại Việt Nam có bình luận về một nhóm trẻ muốn “chơi ngu lấy tiếng” khi mặc những trang phục tôn giáo với hình thánh giá trên người nhảy nhót, uốn éo rất sexy tại một thủ đô ngàn năm văn hiến mà chưa thấy bị xử phạt nào từ phía chính quyền vì cái tội bang bổ tôn giáo. Còn nếu ai đó mà có lời nói hay hình ảnh gì xúc phạm lãnh tụ là bị xứ lý ngay. Điều này thấy thật bất công. Nhân chuyện này, chúng tôi muốn trình bày để mọi người tránh tội phỉ báng tôn giáo và các thần thánh.
Trong Cựu Ước, khi Môsê, một trong những thủ lãnh được Thiên Chúa chọn dẫn dân Israel trốn khỏi Ai Cập để đưa về Đất Hứa. Một hôm, khi ông đang còn chăn chiên trong sa mạc, thì ông nhìn thấy bụi gai bốc lửa, nhưng không bị thiêu rụi. Ông tò mò nhìn xem cảnh tượng kỳ lạ ấy nhưng Thiên Chúa đã nói với ông: "Ngươi đừng đến gần đây. Hãy cởi dép ở chân ra, vì chỗ ngươi đang đứng là nơi thánh" (Xc. Xh 3, 1-8).
Qua lời nói của Thiên Chúa với Môsê, Chúa muốn nhắn nhủ chúng ta một điều là hãy biết tôn trọng nơi Thánh, biểu tượng Thánh và những gì được gọi là Thánh.
Do đó, tôn giáo, thánh thần, tổ tiên, dân tộc, cha mẹ...là những điều thiêng liêng chỉ để yêu kính chứ không bao giờ để chế diễu, báng bổ...
Còn nhớ cách đây gần 30 năm về trước, nhà văn người Anh gốc Ấn độ Salman Rushdie, tác giả quyển tiểu thuyết Những vần thơ của quỷ Satan, cũng chỉ vì một chút hài hước khi phác ra những phúng dụ ám chỉ tiên tri Mohammed của Hồi giáo mà ông đã bị những người Hồi giáo trên thế giới xử tử hình vắng mặt, dẫn đến khủng hoảng ngoại giao giữa các nước Âu châu và thế giới Ả-rập, và những ai làm việc với tác giả này đểu bị sát hại cách dã man bởi những người Hồi giáo quá khích. Cho đến bây giờ, nhà văn nổi tiếng ấy vẫn đang sống biệt tích vì sợ trả thù.
Cách đây gần 3 năm, vụ xả súng tại trụ sở tuần báo trào phúng  Charlie Hebdo ngày 7 tháng 1 năm 2015  khiến 12 người thiệt mạng, 11 người khác bị thương trong đó có bốn người bị thương rất nặng. Nguyên nhân của vụ tấn cống này là do những kẻ Hồi giáo quá khích cho rằng những họa sĩ châm biếm của tuần báo này đã bôi nhọ tôn giáo của họ.
Trên thế giới hiện nay có nhiều người quá khích thật. Họ nhân danh tôn giáo để làm những chuyện không hay. Tuy nhiên, đạo Công giáo không dạy chúng ta thái độ qua khích, bạo động nhưng Chúa Giêsu chỉ dạy chúng ta hãy nhân từ, hiền lành và khiêm nhường trong lòng. Bởi thế người Công giáo chân chính không trả thù, không hãm hại người khác vì chính Chúa sẽ làm điều ấy thay cho chúng ta khi những ai xúc phạm đến Danh Ngài.
Có nhiều người mỉa mai rằng hiện nay biết bao kẻ nói lộng ngôn, phỉ báng tôn giáo, xúc phạm đến nhà thờ và các vật thánh mà có thấy Thiên Chúa phạt đâu? Chúng vẫn sống phây phây, làm ăn khấm khá, mỗi ngày thêm giàu có, nhà cao cửa rộng ... Xin đáp rằng : Họ chưa bị phạt thì không phải họ sẽ không bao giờ bị phạt. 
Hình phạt là điều chắc chắn, nếu họ không hối cải và xin Thiên Chúa tha thứ. Không hình phạt đời này thì hình phạt đời sau. Thiên Chúa tuy nhân từ, chờ đợi họ ăn năn hối lỗi, song Ngài cũng là Đấng Uy linh và công bình vô cùng, không thể coi tội lộng ngôn là vô can được.
Tội gì còn dễ dung thứ, chứ tội lộng ngôn phạm thượng là tội rất lớn, khó được tha thứ, không bởi lòng Chúa hẹp lượng, nhưng bởi lòng chai đá và tự ái kiêu căng của họ không mềm ra được mà thống hối xin tha. Thậm chí, Đức Giêsu còn nói tội “lộng ngôn phạm đến Chúa Thánh Thần” thì không được tha thứ cả đời này lẫn đời sau, nghĩa là không bao giờ được tha thứ vì đã dám khinh thường Đấng dựng nên Đất Trời này, 
Các tội khác người ta phạm, thường vì yếu đuối, do bị cám dỗ, thèm muốn quá mà sa ngã. Cho nên Thiên Chúa cũng dễ xót thương, tha thứ. Còn tội lộng ngôn, phỉ báng là do kiêu căng, hỗn xược mà đâm ghét Thiên Chúa, căm thù trực tiếp đối với chính Thiên Chúa, có thể nói : nếu họ giết được Thiên Chúa thì họ cũng giết, mà vì không giết được thì họ mạ lị, lăng nhục cho hả giận. Như vậy, tội lộng ngôn tố cáo kẻ ấy xấc láo, vô đạo đến tột độ.
Má tôi có kể lại một cậu chuyện mà tôi còn nhớ sau năm 1975, có một ông cán bộ cộng sản sau khi cướp một trường Dòng đã đập phá cây thánh giá và rất vui mừng vì từ nay ông sẽ được ngang nhiên ở một ngôi nhà rộng rãi vừa chiếm được. Nhưng niềm vui đó không được bao lâu vì hai ngày sau ông bị chết trôi trên một con sông rất cạn. Và biết bao nhiêu chuyện tương tự xảy ra khi những người chiến thắng sau năm 1975 ngang nhiên biến những nơi thánh thành nhà riêng và làm những việc bị xem là báng bổ thần thánh. Họ luôn sống trong tình trạng bất an dù vật chất, tiền bạc họ không hề thiếu.
Là người Công giáo, chúng ta cần phải làm gì trước những người đã và đang xúc phạm và báng bổ thần thánh?  
+ Trước hết chúng ta cầu nguyện cho họ như Chúa Giê su đã từng cầu nguyện trên Thập giá: “Xin tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm” (Lc 23,34)  
+ Tiếp đến là chúng ta cố tránh tránh làm cớ cho kẻ ngoại đạo, kẻ vô tín ngưỡng, kẻ vô đạo phỉ báng danh Thiên Chúa (Rm 2.24; 1Tm 6.1; Tt 2,5), xúc phạm đến Người, tức là sửa đổi cách ăn nết ở của chúng ta với những tham ô, dục vọng, tham lam hà tiện, ăn gian nói dối, trộm cắp, cãi cọ đánh lộn, chửi tục, vợ nọ con kia, trai gái, rượu chè, nhậu nhẹt say sưa tối ngày, cờ bạc, mê tín dị đoan,... Nếu người ngoại đạo thấy chúng ta là những người tin thờ Chúa mà cứ làm những điều như thế, họ sẽ lăng nhục Chúa mà nói : “Cái ông Chúa mà các ông bà tôn thờ có hơn gì mấy ông Bụt, thần, tà ma ngoại đạo đâu, vì các ông bà cũng làm mọi sự xấu xa như bao người khác. Các linh mục của các ông bà giảng dạy ra sao mà không chịu thực hành.
+ Rồi cuối cùng, chúng ta phải tránh không bao giờ được nói lời xúc phạm, lộng ngôn, phỉ báng đến Chúa, đến các người thay mặt Chúa, đến các thánh, nói chung đến các sự thuộc về Chúa. Có một tội, không hẳn là lộng ngôn nhưng nhiều tín hữu, ngay cả người được tiếng là đạo đức cũng hay mắc phải, đó là tội phàn nàn, càm ràm, oán trách Chúa. 
Có người nói : “Tại sao Chúa để con phải khổ thế này ?”. Người khác lại bực bôi khi gia đình có người bị tai nạn thì oán trách Chúa : “Tại sao Chúa bắt con tôi phải chết ?”. Có người bị bệnh lâu ngày cũng trách : “Tôi có tội gì đâu mà Chúa bắt tôi phải đau ốm, khổ cực thế này?”. Còn nhiều lời oán trách khác tương tự như vậy. Một cách nào đó, những lời ấy là lời lộng ngôn phạm thượng. Những lời ấy diễn tả tâm trạng bực tức Chúa, song chưa dám lăng nhục, mạ lị Chúa đó thôi. Các tội khác như ăn cắp, nói hành nói tỏi, ngoại tình, rối rắm,... thậm chí giết người, tuy cũng là tội trọng, nhưng xét cho cùng, vẫn còn nhẹ hơn, và dễ được Chúa tha thứ hơn vì các tội này ta phạm do yếu đuối, do xác thịt đam mê, chứ không bởi tức giận Chúa.
Lạy Chúa, xin cho những ai vô tình hay cố ý xúc phạm đến Chúa và báng bổ thần thánh biết ăn năn sám hối để đươc Chúa tha thứ. Xin cho thế giới này biết nhận ra quyền năng Chúa để tôn thờ và ngợi khen Người để chính Người luôn ban ơn và chúc lành cho chúng con. Amen.

Tháng Mân Côi 2017
Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD.

No comments:

Post a Comment