HÒA LAN –
TÂM TÌNH VỚI MẸ MARIA TRONG THÁNG MÂN CÔI
Năm Toàn Xá dịp kỷ niệm 100 Đức Mẹ hiện ra tại Fatima,
Bồ Đào Nha chuẩn bị khép lại, từng đoàn người từ khắp mọi miền trên thế giới vẫn
chạy đến với Mẹ qua những cuộc hành hương, những hy sinh hàng ngày cũng như những
tràng hạt Mân Côi, chuổi sống của những anh chị em trong các đoàn thể để thực
thi lời Mẹ nhắn nhủ: Ăn năn sám hối, siêng năng lần hạt mân côi và tôn sùng
trái tim Mẹ.
Âu châu
đang giữa mùa Thu và trời se lạnh. Một số quốc gia vừa mới đổi múi giờ chậm hơn
một tiếng vì ngày ngắn đêm dài như ông bà ta thường nói “tháng Mười chưa cười
đã tối”. Chúng tôi cũng đã dần dần bắt nhịp với lối sống ở đây dù trong tâm trí
vẫn còn ngỗn ngang những suy nghĩ, hoài niệm một nơi nào đó từng để lại thời
trai trẻ và những kỷ niệm đẹp của những năm tháng truyền giáo.
Người xưa từng nói: “Thức khuya mới biết đêm dài, Ở lâu mới biết lòng người dở, hay...”. Câu
nói đó nhắc nhở cho chúng tôi biết không nên đánh giá người khác cách vội vàng
vì những người ban đầu mình nghĩ là không tốt nhưng càng về sau mới thấy họ chân
thành với mình, còn những người ban đầu vồn vã với mình nhưng càng về sau mình
mới hiểu họ như thế nào. Vì thế, để đánh giá nhân cách một con người hay một
phong tục, tập quán của một nơi nào đó chúng ta cần phải có thời gian. Sau nhiều
năm sống và làm việc ở Paraguay đã dạy cho chúng tôi kinh nghiệm quí báu ấy dù
người dân ở đó hoàn toàn xa lạ với chúng tôi, và nay chúng tôi đã và đang bắt đầu
sống với những người đồng hương cũng như những người thuộc nhiều quốc gia, chủng
tộc, tôn giáo và văn hóa khác nhau nên chúng tôi cần phải sáng suốt và bình
tĩnh hơn để có thể đánh giá và nhìn nhận đúng những người xung quanh mình.
Phải thực sự nhìn nhận
rằng dù người bản xứ ở đây không có nhiều hoạt động tôn giáo hoành tráng và bề
thế như ở Việt Nam hay các nước Nam Mỹ mà chúng tôi từng biết đến, họ sống rất
công bình, ngay thẳng và tiết kiệm. Vì sống trong một giáo xứ toàn người Hòa
Lan nên chúng tôi có dịp quan sát rõ và hiểu thêm về họ. Một khi họ đã làm là
làm tới nơi tới chốn và rất đúng giờ. Chuyện công, chuyện tư rất minh bạch và
điều đó có thể gây khó chịu cho những người làm việc theo cảm tính.
Chúng tôi đã bắt đầu đi
sâu vào các sinh hoạt tôn giáo của người Hòa Lan, người nói tiếng Tây Ban Nha,
người nói tiếng Anh cũng như một số vùng có người Công giáo Việt Nam sinh sống.
Mỗi vùng, mỗi nơi, mỗi sắc tộc đều có một sắc thái riêng nhưng tựu trung một điều
là họ rất yêu mến Đức Mẹ. Có thể nhiều người cho rằng người Công giáo tôn thờ Đức
Mẹ hơn là tôn thờ Chúa. Điều đó hoàn toàn sai vì người Công giáo đến với Mẹ
Maria vì Mẹ là Mẹ Chúa Giêsu, Mẹ Thiên Chúa, và qua Mẹ người ta có thể đến với
Chúa vì Chúa không bao giờ ghen tỵ với Mẹ của Ngài.
Trong tháng Mân Côi chúng tôi có dịp
giúp anh chị em thuộc gia đình Lòng Chúa Thương Xót tại Hòa Lan về vấn đề mục vụ
Hôn Nhân và Gia Đình dịp họ mừng lễ thánh Quan Thầy Faustina. Đây là vấn đề nhạy
cảm và tế nhị vì nhiều anh chị em rất thao thức và ước muốn hiệp thông trọn vẹn
với Giáo Hội qua các bí tích nhưng vì có vài khiếm khuyết trong đời sống hôn
nhân khiến họ rất ray rứt. Giáo Hội không làm gì khác hơn vì luật Chúa thì bất
biến ngoài việc mời gọi những anh chị em đó luôn gần gũi với Giáo hội để có thể
gỡ từng nút thắt vì Giáo Hội là Mẹ nên không bao giờ bỏ con cái dù con cái có
sai đường lạc lối nhưng nay muốn quay trở về.
Nhiều giáo dân Việt Nam
ở đây chưa có dịp hành hương Đức Mẹ Fatima và họ tha thiết được lãnh nhận ơn
Toàn Xá nên đã mời chúng tôi đến để xưng tội và hiệp dâng thánh lễ để họ cảm thấy
bình an khi chu toàn lời Mẹ nhắn nhủ. Chúng tôi càm thấy vui vì mình có thể
giúp được những gì theo khả năng của mình là đem Lời Chúa đến cho mọi người.
Tháng Mân Côi với Mẹ
hôm nay kết thúc, nhưng lời khuyên nhủ của Mẹ những lần hiện ra trên thế giới và
cách riêng ở Fatima luôn vang vọng trong tâm trí của đàn con: Hãy ăn năn sám hối,
siêng năng lần hạt Mân Côi và tôn sùng trái tim Mẹ để Mẹ cầu bàu với Chúa Con Mẹ
tha thứ tội lỗi cho thế giới và dẹp trừ những bạo quyền xấu xa. Đối với loài
người thì những chuyện ấy khó có thể xảy ra, nhưng với Thiên Chúa thì mọi sự đều
có thể.
Hôm nay cũng là ngày kỷ niệm chúng tôi thụ phong linh
mục. Thời gian trôi nhanh quá và tuổi đời cũng như tuổi linh mục mỗi ngày một
nhiều thêm nhưng nhìn lại mình chưa làm được gì cho Chúa. Vẫn nghe đâu đó có
người ca ngợi linh mục vì các ngài sống đúng tinh thần Tin Mừng, phản ánh hình ảnh
trung thực của Chúa Kitô vì các ngài hiền lành, yêu thương và sống chết với đàn
chiên mình coi sóc. Tuy nhiên, vẫn nghe đâu đó có một vài linh mục làm mờ đi
hình ảnh Chúa Kitô để rồi từ đó xảy ra chia rẽ, lên án và khích bác nhau. Nhiều
người ngày nay còn thắc mắc không biết linh mục có phải là một cái nghề hay
không vì linh mục ở Âu châu này có lương bổng và cũng làm việc như một công chức!
Thật ra linh mục chính là hiện thân của Đức
Kitô. Họ có nhiệm vụ kéo dài sự nghiệp của Chúa Giêsu ở trần gian để điều hành
dân Chúa, để thánh hoá và rao giảng Tin Mừng. Chính vì là hiện thân của Đức
Kitô nên người linh mục không còn sống cho chính mình nữa nhưng là sống cho Đức
Kitô, như lời của thánh Phaolô “Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, mà Đức
Kitô sống trong tôi.”(Gl 2,20).
Thỉnh thoảng một số
giáo dân chia sẻ nói rằng các cha sướng thiệt khỏi phải lo cơm áo, gạo tiền,
còn chúng con thì khổ quá phải lo đủ thứ. Điều đó có thể đúng phần nào, nhưng
phía sau những thứ nhìn thấy được đó có bao nhiêu người hiểu được đời sống phía
sau cánh cửa của nhà xứ hay nhà Dòng của các linh mục là cả một sự cô đơn đáng
sợ. Cô đơn đến từ bữa ăn, cô đơn đến từ giấc ngủ và cô đơn trên từng bước đi. Khi
linh mục còn trai trẻ, khỏe mạnh thì lúc nào giáo dân cần các ngài cũng sẵn
sàng và sự cô đơn vơi đi. Tuy nhiên, sự cô đơn càng mãnh liệt hơn khi linh mục
bắt đầu có tí tuổi, sức khỏe suy giảm. Sự cô đơn sẽ lớn mạnh sau những cuộc tiếp
xúc với bạn bè, sau giờ kinh tối, sau những thánh lễ rửa tội, an táng, tạ ơn,
hôn phối... Bởi chưng linh mục cũng là con người như bao người khác, cũng cần đến
những sự sẻ chia, cũng cần đến những lời động viên. Cho nên không thể phủ nhận
rằng cũng có một số ít linh mục không sống đúng với ơn gọi của mình để rồi bị
rơi vào tham-sân-si và đó có thể là lý do để gây ra gương mù, gương xấu. Tuy
nhiên vượt trên tất cả, người linh mục không để cho cái tham-sân-si và sự cô
đơn chế ngự tâm hồn mình vì họ biết rằng trên hành trình dâng hiến của đời linh
mục đã có Chúa đồng hành.
Bản thân chúng tôi có những lúc muốn làm điều gì đó
theo ý riêng mình vì cho rằng mình cũng từng có chút ít kinh nghiệm ở xứ truyền
giáo với một số kiến thức kha khá và nghĩ rằng mình có thể làm được nhiều tốt đẹp
cho người khác mà không cần Nhà Dòng hay Bề Trên. Tuy nhiên, khi đọc lại những
chia sẻ quí báu “Năm chiếc bánh và Hai con cá” mà Đức Cô Hồng Y P.X Nguyễn Văn
Thuận ghi lại trong những năm tháng tù đày ở Việt Nam, chúng tôi mới thấu hiểu
về đời sống mục vụ: Chọn Chúa chứ không phải chọn công việc của Chúa. Hiện giờ
chúng tôi vẫn phải lo trau giồi thêm tiếng Hòa Lan cho hành trình mục vụ của
mình sau này và cảm nghiệm rằng Chúa luôn đồng hành với mình trong từng phút
dây của cuộc sống và muốn chúng tôi phải luôn kiên nhẫn, hiền hòa và khiêm nhường
để trở nên khí cụ bình an cho Ngài.
Hôm nay cũng là ngày
Halloween, một lễ hội có người gốc tôn giáo nhưng đã bị biến tướng thành lễ hội
hóa trang (hay lễ hội Hóa Lộ Quỉ) mà nhiều quốc gia Công giáo ở Nam Mỹ
đã cấm không cho học sinh Công giáo tham gia lễ hội này. Thật ra, Halloween có tên gốc là All Hallows' Eve, có
nghĩa là đêm trước Ngày lễ các thánh (vì ngày 1/11 là lễ Các Thánh).
"Hallow" là một từ tiếng Anh cổ có nghĩa là "thánh". Tên
ngày lễ sau đó được cắt thành Hallowe'en và cuối cùng là Halloween như chúng ta
biết ngày nay.
"Các
người hãy Thánh, vì Ta là Thánh" (Lv 19,2) là lời mời gọi
của Chúa nhưng không mấy dễ dàng thực hiện. Tạ ơn Chúa đã cho con được trung
thành với ngài thêm một năm nữa trong sứ vụ linh mục dù đời con te tua đầy tội
lỗi. Xin Chúa và Mẹ Maria luôn ban ơn và nâng đỡ con vì con yếu đuối, mỏng dòn.
Cảm ơn anh chị em đã luôn đồng hành, chia sẻ những lúc cô đơn, phiền muộn. Xin
Chúa chúc lành cho tất cả.
Hòa
Lan, 31 tháng 10 năm 2017 – Kỷ niệm thụ phong linh mục,
Lm.
Antôn Trần Xuân Sang, SVD.
No comments:
Post a Comment