HÀ LAN: HAI LÚA
Ở ÂU CHÂU
Tin Mừng Chúa Nhật XXI thường niên A ngày 27 tháng 8
vừa qua Chúa Giêsu đặt ra cho mỗi người chúng ta một câu hỏi quan trọng "Phần
anh em, anh em bảo Thầy là ai?" (Mt 16, 15), Chúa Giêsu là ai trong cuộc
đời chúng ta ? một câu hỏi rất thời sự, nhất là trong thời đại mà chúng ta
đang sống với những bộn bề của công việc, của mưu sinh nhưng chúng ta cũng quên
mất người từng đồng hành với chúng ta, từng quan tâm đến chúng ta. Hãy nghe lại
lời tuyên xưng mộc mạc của, người Anh Cả Giáo Hội để chúng ta trở về với thực tại:
"Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống" (Mt 16, 16).
Tuy nhiên, mỗi
người chúng ta phải tự trả lời câu hỏi ấy chứ không thể lập lại y chang lời
tuyên xưng của Thánh Phêrô vì mỗi người chúng ta là một thực thể sống động. Khi
chúng ta khám phá ra Chúa Kitô, là chúng ta khám phá ra chính bản thân, và căn
cội của chính mình để từ đó chúng ta mới có thể trả lời được Chúa Giêsu là ai
trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta.
Ngày 27 tháng 8 hàng năm cũng là là Giáo Hội mừng lễ
thánh nữ Monica, quan thầy của các bà mẹ Công giáo. Tuy nhiên năm nay, lễ thánh
Monica lại trùng vào ngày Chúa Nhật nên nhiều nơi đã cử hành lễ thánh Monica trước,
và các bà mẹ Công giáo Việt Nam nghe đâu cũng được tĩnh tâm, mừng lễ cách sốt sắng
dù không được cử hành chính ngày lễ. Một lần nữa, xin chúc mừng tất cả những ai
được thiên chức làm mẹ, dù là một những mẹ đơn thân hay chỉ là những bà mẹ nuôi,
luôn biết noi gương vị thánh bổn mạng Monica của mình để luôn là chỗ dựa vừng
chắc cho gia đình.
Thấm thoát mà đã 3 tháng chúng tôi ở nơi truyền giáo mới
vừa thân quen, vừa lạ lẫm và mọi sự phải làm lại từ đầu như một đứa trẻ lên 6 bắt
đầu bước vào lớp 1. Nhiều người đã quên đi anh hai lúa ở Pargauay thuở nào với
những bài chia sẻ truyền giáo mộc mạc và bình dị. Cuộc sống văn minh, náo nhiệt
ở vùng truyền giáo mới dường như chẳng
ai biết đến có một anh cù lần từng làm việc ở Paraguay đang ẩn mình ở đây.
Mà đúng mình
cù lần thiệt. Ở đây cái gì cũng dùng thẻ, cũng nhấn nút, cũng dùng điều khiển từ
xa mà đối với mình còn nhiều xa lạ quá. Có lẽ vì thế mà bài viết lần trước
chúng tôi đã bị một anh em linh mục ở đây phê bình tơi tả và cho là quá cù lần
không biết giấu giếm mà còn kể lể! Vài năm nữa là bước qua 50 rồi mà bây giờ mỗi
ngày phải ê a từ vựng với một ngôn ngữ Hoà Lan quá khó. Cũng may là các giáo
viên ở đây có cách dạy khá thú vị và sáng tạo nên học không thấy chán nản. Cách
đây hai tuần chúng tôi được họ đưa đi tham quan một số điểm du lịch. Mình cứ tưởng
là hôm nay sao họ tử tế quá nên đi cho vui. Họ hướng dẫn chúng tôi những nơi ấy
khá tường tận và chúng tôi cũng được chụp hình thoải mái những nơi ấy. Khi về đến
nhà thì họ bảo phải viết bài mô tả những nơi ấy để họ chấm điểm từ vựng, ngữ
pháp, câu cú. Té ra mình bị lừa! Chơi mà học, học mà chơi và cứ như vậy khiến
mình thấy thích thú dù hiện giờ đầu óc không còn nhanh nhẹn và thông minh như
trước đây.
Có lẽ nhờ sống
với các cộng đoàn quốc tế nên khả năng ngôn ngữ cũng nhạy bén hơn một tý. Trước
đây ở Nam Mỹ chúng tôi rất ít dùng tiếng Anh vì bên đó họ nói tiếng Tây Ban
Nha, Bồ Đào Nha và tiếng địa phương Guarani. Sống ở bên này thật sự là liên hiệp
quốc vì người ta nói đủ thứ tiếng, nào là tiếng Anh, tiếng Hòa Lan, tiếng Pháp,
tiếng Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và tiếng Việt nữa. Thỉnh thoảng trong cộng đoàn
khi có khách người Ấn Độ hay Philippines thì họ nói chuyện với nhau bằng tiếng
Hindi hay tiếng Tagalog. Có khi một ngày Chúa Nhật mình tham dự 3 thánh lễ bằng
3 thứ tiếng khác nhau là tiếng Hòa Lan, tiếng Tây Ban Nhà và tiếng Việt. Nhiều
khi tối về ngủ mơ màng chúng tôi không biết mình đang ở đâu và nói tiếng gì! Anh
hai lúa cù lần ngày xưa ở Paraguay, nay phải lo hội nhập một lối sống mới nhưng
tiến trình hội nhập lần này cần nhiều thời gian và sự kiên nhẫn vì một khi tuổi
tác đã lớn thì không dễ gì đáp ứng ngay điều mình mong muốn được.
Âu châu cũng
là nơi dễ gặp gỡ nhau nhất nếu đã từng biết nhau. Chúng tôi thật không ngờ
trong những ngày vừa qua lại được gặp những bậc đàn anh cùng Dòng người Việt
Nam từng làm việc ở Úc châu, Mỹ Latinh và Phi châu nhưng nay hầu hết đã trở về
Mỹ làm việc ở các giáo xứ đa sắc tộc. Rất nhiều năm rồi nay mới được gặp lại các
anh nhân một khóa học về nguồn tại Nhà Tổ của Dòng tại Hòa Lan. Gần 20 năm về
trước các anh còn ở độ tuổi 40 rất phong trần, lãng tử nhưng nay các anh đã bước
vào tuổi 60, có anh tóc đã bạc trắng và sức khỏe cũng đã xuống nhiều. Đời người
là thế và mình cũng phải chấp nhận giới hạn của mình để chuẩn bị cho lớp đàn em
kế thừa. Thật khâm phục các anh vì sự hiền hòa, khiêm tốn và tình huynh đệ dù
trước đây các anh đã từng nắm những trọng trách quan trọng trong Dòng. Chúng
tôi cũng sẽ cố gắng sống nhân ái, khiêm nhường như các anh để mọi người đến với
các linh mục, các nhà truyền giáo một cách gần gũi như là một người bạn, một
người anh em chứ không phải trong tâm trạng sợ sệt, xa cách.
Những ngày này chúng tôi cũng tình cờ gặp được một
linh mục đàn anh đến từ Canada đang là cáo thỉnh viên cho tiến trình phong
thánh cho cha P. X Trương Bửu Diệp. Một người có nhiều kinh nghiệm, có bằng cấp
cao nhưng lại rất bình dị và khiêm nhường trong cách sống và rất dễ gần gũi
ngay từ lần đầu gặp mặt. Chúng tôi cùng nhau dâng thánh lễ cho một công đoàn
người Việt dịp lễ kính Đức Mẹ Lavang và cùng nhau chia sẻ bữa cơm huynh đệ với
mọi người. Đây là những dịp hiếm hoi chúng tôi gặp nhau để chia sẻ những thao
thức mục vụ, những vui buồn trong cuộc sống để mong sao mỗi ngày cuộc sống được
tốt hơn.
Hôm nay Giáo Hội mừng kính thánh Augustino, một người
được xem là hết thuốc chữa nhưng đã được biến đổi qua lời cầu nguyện không ngừng
của người mẹ đạo đức nhưng kiên quyết là thánh nữ Monica. Đối với Chúa thì
không gì là không thể (Xc. Lc 1,37). Nhiều lúc chúng tôi cảm thấy mình có tính
nổi loạn, ngoan cố như Augustino. Có những lúc rất háu thắng, tham vọng và bướng
bỉnh. Xin thánh Augustino giúp con biết nhìn lại con người của con và cũng như
ngài cầu nguyện, con muốn lập lại: “Lạy Chúa. Xin cho con biết Chúa, xin cho con biết
con”. Amen.
Hoà Lan, 28
tháng 08 năm 2017-
Lễ Thánh Augustino,
Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD.