HÀ LAN: ĐẤT NƯỚC
VÀ CON NGƯỜI
Uống nước nhớ nguồn,
Ăn quả nhớ kẻ trồng cây
Mới đó mà đã gần
3 tuần chúng tôi đặt chân đến xứ sở hoa Tulip để nhận sứ vụ mới. Như đã chia sẻ
trong bài trước (Xc. http://www.vietcatholic.net/News/Html/224876.htm), mọi sự chúng tôi phải bắt đầu lại như em bé
bắt đầu vào trường Mầm Non. Cũng may là nhờ có một chút minh nghiệm bên Nam Mỹ
như đời sống cộng đoàn quốc tế và ngôn ngữ mà chúng tôi có thể giao tiếp với
các anh em đồng môn trong cộng đoàn và người dân ở đây. Thêm nữa là có người
Việt sinh sống rải rác khắp Hòa Lan nên lâu lâu cũng đi dâng lễ tiếng Việt cũng
như thưởng thức các món ăn Việt để không có cảm giác lạc lõng và nhớ quê nhà.
Vào ngày 02 tháng 11 năm 2004, nhà đạo diễn phim phê bình đạo Hồi Theo van Gogh bị giết chết tại Amsterdam. Tiếp theo sau đó là nhiều vụ đốt cháy nhà thờ đạo Hồi và tấn công nhà
thờ Thiên Chúa giáo của người theo đạo Hồi. Các vụ việc đã khởi đầu cho nhiều thảo luận mãnh
liệt về hội nhập người nước ngoài và về việc chung sống của những văn hóa và tôn giáo khác nhau.
Chính vì thế, bắt
đầu từ ngày 15 tháng 03 năm 2006, những người muốn di dân vào Hoà Lan phải trải qua một
thử nghiệm. Cuộc thử nghiệm bao gồm nhiều câu hỏi về kiến thức ngôn ngữ, văn hóa và vài đề tài khác. Thêm vào đó hiện nay đang
thảo luận về một đạo luật cấm sử dụng những thứ tiếng khác ngoài tiếng Hoà Lan nơi công cộng.
Chúng tôi đã đến
Hòa Lan làm việc trong hoàn cảnh không mấy thuận tiện như trước đây về vấn đề
giấy tờ và phương thức làm việc dù theo thư bổ nhiệm từ bài sai của Tổng Quyền
là chúng tôi sẽ làm việc với những người nói tiếng Tây Ban Nha đến từ châu Mỹ
Latin. Theo luật mới thì chúng tôi phải biết tiếng Hòa Lan ở mức độ tối thiểu
là nói-nghe-đọc-viết ở mức tương đương với chứng chỉ C cũng như về kiến thức xã
hội, văn hóa, chính trị mới được chính thức làm việc ở đây và dĩ nhiên sẽ có
những qui chế về tiền lương và bảo hiểm xã hội. Tiếng Hòa Lan là ngôn ngữ chính
thức trên toàn quốc dù 80% dân số Hòa Lan cũng rất thông thạo tiếng Anh. Quả
thực tiếng Hòa Lan không hề dễ dàng tý nào vì nó pha trộn đủ thức ngôn ngữ mà
hai ngôn ngữ chính mà tiếng Hòa Lan vay mượn là tiếng Đức và tiếng Anh. Chúng
tôi đã bắt đầu học tiếng này và phải tập phát âm cho đến khi nào nước bọt phun
ra mới đúng!!!
Trong những ngày
đầu ở Hòa Lan, bề trên ở đây gởi chúng tôi đến thăm các cộng đoàn và các cơ sở
của Tỉnh Dòng Hòa Lan để biết và gặp gỡ các anh em trong Tỉnh Dòng. Một trong
những cộng đoàn mà gây ấn tượng nhất với chúng tôi được gọi là Missiehuis (Mission
House: Ngôi Nhà Truyền Giáo) nằm giáp với biên giới nước Bỉ, nơi mà trước đây
từng là Chủng Viện Truyền Giáo của Dòng Ngôi Lời tại Hòa Lan và đã từng có hàng
trăm chủng sinh truyền giáo người Hòa Lan và Bỉ mỗi năm tu học và sau đó được
sai đi truyền giáo ở các nước Phi châu. Tuy nhiên hiện nay phải nhượng lại cho
nhà nước để làm trung tâm chăm sóc cho người già và neo đơn trong đó có các nhà
truyền giáo của Dòng Ngôi Lời, Dòng Biển Đức và Dòng Thánh Gia vì không còn
người làm việc và không có chủng sinh thì không còn tiền để bảo trì và đóng
thuế cho nhà nước. Nhìn cơ sở rộng lớn và đẹp đẽ như thế nhưng giờ mình chỉ như
khách mà thấy tiếc vô cùng. Tỉnh Dòng Ngôi Lời Hòa Lan của chúng tôi chỉ có 58
thành viên (kể cả chúng tôi là người mới đến) mà đã có đến 34 nhà truyền giáo
trên 80 tuổi đang ở nhà hưu dưỡng này sau khi họ đã phục vụ rất nhiều năm ở các
nước Phi châu, châu Đại Dương, Á châu và châu Mỹ Latin. Nhìn các cha già trong
Dưỡng Viện mà nghĩ về tương lai của mình không biết mình có sống đến tuổi của
các ngài hay không. Cũng may là chúng tôi cũng có ít
kinh nghiệm và ngôn ngữ mình có
được trong những năm sống ở Paraguay nên chúng tôi có thể trò chuyện và tâm sự
với các ngài rất tâm đầu ý hợp. Các ngài đã kể lại những kinh nghiệm thú vị về
những năm truyền giáo ở các nước Phi châu như Togo, Ghana, Kenya, Zambia hay
các quốc gia khác như Papua New Guiena, Philippines, Indonesia, Ấn Độ, Brazil,
Argentina… Các ngài đã muốn được chết nơi xứ truyền giáo như do những điều kiện
khách quan khi về lại quê hương để kiểm tra sức khỏe thì “bị” cho ở lại để chữa
bệnh và đưa về Dưỡng Viện để chăm sóc được tốt hơn. Mà quả thực ở đây điểu kiện
chăm sóc y tế tốt thật vì tất cả đều tự động hóa và chỉ cần một cái nút bấm ở
trong phòng thì ngay lập tức sẽ được cứu viện.
Hà Lan, 18 tháng 06
năm 2017- Lễ Mình Máu Thánh Chúa Ki-tô
Ngày lễ của những người
cha
Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD.