Tuesday, May 17, 2016


15/05/2016 – CHÚA NHẬT – LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG


Lời Chúa: Ga 20, 19-23
Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín, vì sợ người Do-thái, Chúa Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông và nói rằng: "Bình an cho các con!" Khi nói điều đó, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người. Bấy giờ các môn đệ vui mừng vì xem thấy Chúa. Chúa Giêsu lại phán bảo các ông rằng: "Bình an cho các con! Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con". Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: "Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội cho ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại". Đó là Lời Chúa.

Chuyện kể rằng có một linh mục trẻ nọ rất hăng say, năng động trong tất cả mọi việc, và luôn chuẩn bị bài giảng kỹ càng trong các thánh lễ. Một ngày nọ, ngài chuẩn bị dọn bài giàng về lễ Chúa Thánh Thần thì chợt nảy ra sáng kiến là phải làm thế nào để cho những người tham dự thánh lễ khỏi ngủ gục. Ngài bắt một con chim bồ câu trắng thật đẹp và dặn chú giúp lễ là sau khi đọc Tin Mừng xong thì chú giúp lễ phải thả con chim bồ câu trong nhà thờ để ngài bắt đầu bài giảng của mình. Đọc Tin Mừng xong và chờ mãi nhưng vẫn không thấy chú giúp lễ thả chim bồ câu, cha bực mình vội nhìn vào trong phòng áo và hỏi chú giúp lễ: “Sao con không thả Chúa Thánh Thần?”. Chú giúp lễ vừa trả lời vừa run rẩy: “Thưa cha, Chúa Thánh Thần bị mèo ăn mất dồi!!!”. Cả nhà thờ được một trận cười no bụng.
Anh chị em thân mến! Hôm nay Giáo Hội mừng lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, hay còn lã là Lễ Ngũ Tuần-Lễ Năm Mươi, tính từ ngày Chúa Giê-su sống lại. Khi còn bé, chúng ta thường được dạy về Chúa Thánh Thần như hình lưỡi lữa hay con chim bồ câu đơn sơ như câu chuyện vừa mới đề cập trên đây rồi ăn sâu vào tâm trí chúng ta đến nổi khi chúng ta nhìn thấy những chú chim bồ câu thì chúng ta hay tưởng tượng về Chúa Thánh Thần! Điều đó không đúng.
Hôm nay chúng ta thử tìm hiểu Chúa Thánh Thần là ai và vai trò của Ngài trong mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi và trong Giáo Hội.
Trước hết chúng ta có thể phân biệt rõ Chúa Thánh Thần hay thỉnh thoảng chúng ta nghe nói là Chúa Thánh Linh, chính là Thiên Chúa Ngôi Ba, đồng bản thể với Chúa Cha và Chúa Con như trong kinh Tin Kính mà chúng ta tuyên xưng. Ngài có rất nhiều tước hiệu: Ngài thường được gọi là Thần khí của Thiên Chúa, là Thần khí của sự thật, là Đấng an ủi và là Đấng ban sự sống.Trong một số sách Cựu Ước khi nói về Chúa Thánh Thần đều xưng Ngài là Thần Khí, Thần Khí của Thiên Chúa. Chúa Giêsu gọi Chúa Thánh Thần là Đấng Bảo Trợ, Đấng An ủi. Trong bữa Tiệc Ly Chúa Thánh Thần cũng được gọi là Thần Khí của sự thật. Trong Kinh Tin Kính Chúa Thánh Thần được gọi là Đấng Ban Sự Sống. Như thế, danh xưng của Chúa Thánh Thần tuy rất nhiều nhưng tựu trung những danh xưng đó được dùng để nói lên vai trò đặc biệt của Chúa Thánh Thần trong mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa và trong Giáo Hội. 
Chúng tôi còn nhớ khi còn nhỏ thỉnh thoảng có đi lễ ké ở Giáo Xứ Tân Hương thuộc giáo phận Kontum vào lúc ấy do cha sở Luca Bùi Thủ làm quản xứ và được nghe rất nhiều bài thơ, bài hát hay về Chúa Thánh Thần mà chính ngài là tác giả để dạy cho các em thiếu nhi ngày ấy về Thiên Chúa. Chúng tôi còn nhớ như in lời ngài dạy trước giờ lễ về Chúa Thánh Thần: “Nếu cuộc đời vắng bóng Thánh Linh, thì Thượng Đế muôn trùng xa cách; nếu cuộc đời vắng bóng tình yêu, ôi Thượng Đế, có cũng bằng không”. Một bài hát mộc mạc, dễ thuộc nhưng gói gọn được tất cả mầu nhiệm về Chúa Thánh Thần.
Kinh Thánh thường dùng những hình ảnh như nước,lửa, việc xức dầu, áng mây, ánh sáng, dấu ấn,bàn tay,ngón tay và chim bồ câu.
Nước và lửa là hai hình ảnh rất gần gũi với con người, Kinh Thánh dùng hai hình ảnh này để nói về Chúa Thánh Thần.
Áng mây và ánh sáng: hai hình ảnh Chúa Thánh Thần trong hành trình xuất hành của dân Do Thái khi đi trong sa mạc.
Kinh Thánh còn dùng những hình ảnh dấu ấn, bàn tay, việc xức dầu, ngón tay và chim bồ câu để chỉ về Chúa Thánh Thần.
Như vậy, những hình ảnh thường được dùng trong Kinh Thánh chỉ là những hình ảnh biểu tượng để chỉ về Chúa Thánh Thần nên chúng ta đừng bao giờ gắn kết một hình ảnh nào đó rồi nói rằng đó chính là Chúa Thánh Thần.
Chúng ta phải rất cẩn thận trong vấn đề tín lý và sống đức tin. Các ơn Chúa Thánh Thần khi chúng ta nhận lãnh bí tích thêm sức, đặc biệt là các ơn Khôn Ngoan và ơn Thông Hiểu giúp chúng ta nhận ra chân lý. Chúng ta không nên cụ thể hóa tác động ân sủng của Chúa Thánh Thần. Đôi khi chúng ta bị chìm đắm mải mê tin tưởng qua một số hành động và nghi thức bên ngoài do con người tạo nên như một số đoàn thể quá cuồng tín hay thích đặc tay cầu nguyện chữa lành và nói tiếng lạ được gắn kết cho tác động của Chúa Thánh Thần. Nhưng chúng ta cũng không được phép dập tắt Thần Khí như thánh Phao-lô đã khuyên dạy chúng ta (Xc. Tx 5: 19-21). Trong Kinh Thánh cũng dạy chúng ta rằng Chúa Thánh Thần đã xuất hiện ít là trong ba dịp quan trọng: Lúc sáng tạo vũ trụ, khi Đức Chúa Giêsu chịu phép rửa ở sông Gio-đan và trong ngày Lễ Ngũ Tuần hay Lễ Hiện Xuống mà hôm nay chúng ta mừng khi các thánh Tông đồ đang họp nhau cầu nguyện cùng với Đức Mẹ Maria. Chính trong lần xuất hiện này, các Tông đồ lãnh nhận ơn sủng của Chúa Thánh Thần tràn đổ xuống tâm hồn của mỗi người qua hình lưỡi lửa: Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một (Cv 2,3). Ân sủng của Chúa Thánh Thần tác động sâu thẳm và đổi mới tâm hồn một cách toàn diện: Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho (Cv 2,4). Ơn Chúa Thánh Thần là một ân sủng cao siêu tuyệt vời thấu tận tâm can. Chính Chúa Giêsu thổi hơi ban Thánh Thần cho các tông đồ cùng với sứ mệnh: Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và nói: Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần (Ga 20,22). Chúa ban ân sủng và quyền năng cho các tông đồ làm hành trang sứ vụ trong cuộc lữ hành của Giáo Hội trên trần thế: Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ (Ga 20,23).
Chính Chúa Thánh Thần là Đấng Ban Sự Sống, là Đấng hướng dẫn chúng ta biết đường ngay nẻo chính nhưng đôi lúc chúng ta đã lạm dụng sự tự do của chúng ta để bất cần lắng nghe tiếng Ngài. Nguyện xin Chúa Thánh Thần ngự đến trong tâm hồn tội lỗi của chúng con. Xin ban cho chúng con thần trí của Chúa để chúng con luôn biết khôn ngoan chọn lựa những giá trị vĩnh cửu hơn là những vinh hoa phú quý trần gian mau qua. Xin cho chúng con luôn tràn đầy ơn Ngài để chúng con hân hoan ra đi gieo rắc niềm vui và bình an đến cho muôn người.Lạy Chúa Thánh Thần xin ngự đến để canh tân bộ mặt trái đất này. Amen.
Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, 15/05/2016.

Lm. Anthony Trần Xuân Sang, SVD

Wednesday, May 4, 2016

PARAGUAY – ĐÔI DÒNG SỰ KIỆN


Tháng 4 năm nay trên thế giới một lần nữa lại chứng kiến những thảm họa thiên nhiên khủng khiếp qua những trận động đất kinh hoàng ở Nhật Bản ở châu Á và Ecuador bên châu Mỹ La-tinh. Tuy số người chết không nhiều so với những lần trước nhưng đã để lại biết bao đau thương, tiêc nối của những người đang sống khi những người thân, nhà cửa, tài sản chỉ trong một phút chốc đã bị chôn vùi trong những đống đổ nát vô tình.
Tháng 4 cũng là tháng đáng suy gẫm cho những người con dân Việt Nam dù đã trải qua hơn 40 năm sau cuộc chiến huynh đệ tương tàn mà đến nay vẫn còn những vết thương không thể chữa lành được. Nói như ông cố thủ tưởng của cộng sản Việt Nam Võ Văn Kiệt vào năm 2005: "Một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại, có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là vết thương chung của dân tộc, cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm cho nó thêm rỉ máu... Đối với Việt Nam, nhất là ở miền Nam, tôi thường biết và hiểu nhiều gia đình đều có hai bên hết. Chính trong thân tộc của tôi, các anh em tôi, các cháu ruột của tôi cũng có số bên này và số bên kia. Cái đó có hoàn cảnh của nó. Có những gia đình một người mẹ có con đi chiến đấu, chết ở bên này và đứa con khác thì đi chiến đấu chết ở phía bên kia..." (Xc. http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2011/03/110315_bbcvietnam_tx_history2.shtml). Thế đó, nếu cùng một gia đình mà thuộc hai bên chiến tuyến đếu tử trận thì ngày 30 tháng 4 có gì đâu mà phải vui mừng kỷ niệm!
Tháng 4 năm nay ở Việt Nam mình chứng kiến những cảnh đau lòng khi các tỉnh miền Trung thân yêu phải nhìn cảnh tôm cá chêt phơi thây trên bờ biển xinh đẹp mà nay chỉ là những dòng nước đục ngầu mà các chuyên gia yếu nghề ở Việt Nam gọi là “thủy triều đỏ”. Ai phải chịu trách nhiệm đối với thảm cảnh này? Câu trả lời vẫn còn bỏ ngõ vì lâu nay nhà nước Việt Nam mình chỉ biết làm khổ dân và đỗ lỗi cho dân chứ trước những gì xảy ra đều rũ bỏ trách nhiệm hay tìm cách câu giờ để người dân nản lòng rồi đâu lại vào đấy.
Những ngày cuối tháng 4 năm nay ở bên đất nước nhỏ bé nửa bán cầu Nam Mỹ này có những cuộc biểu tình rầm rộ của những người nông dân miệt vườn và những doanh nghiệp nhỏ với nhà cầm quyền tại thủ đô. Cuộc biểu tình này xem ra có những điều khá vô lý là những người nông dân xin nhà nước xóa nợ vì họ không có khả năng trả nợ, còn những doanh nghiệp nhỏ thì xin giảm thuế ở mức độ cho phép để họ còn có thể sống được. Cuộc biểu tình kéo dài cả tuần lễ khiến giao thông ách tắc và có một số nông dân quá khích phá phách nhà cửa, xe cộ của người đi đường dù có cảnh sát hộ tống. Lúc đầu chính quyền còn cứng rắn không muốn đối thoại, nhưng với sự bền bỉ, kiên cường của những người nông dân và các doanh nghiệp nhỏ, cuối cùng thì nhà cầm quyền đã nhượng bộ với những điều khoản được các bên đồng tình. Tuy nhiên, nhà cầm quyền cũng đã ra lệnh bắt và tố giác một số người biểu tình có hành vi kích động, có những cử chỉ lăng mạ nhà cầm quyền không đúng theo hiến pháp, trong đó có một linh mục công giáo thuộc trường phái thần học giải phóng vì các ông đã kích động nông dân kêu gọi tổng thống từ chức, nếu không sẽ đổ máu.
Một quốc gia tuy nhỏ bé như Paraguay nhưng lại có một nền dân chủ đáng nể khi người dân có quyền nói lên chính kiến của mình qua tự do ngôn luận, tự do hội họp và tự do biểu tình. Còn nước Việt Nam mình luôn tự hào là “một quốc gia dân chủ gấp vạn lần tư bản” từ phát ngôn của cựu phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan vào ngày 5/11/2011, hay câu nói khá ấn tượng của ông Tổng Bí Thư đương nhiệm Nguyễn Phú Trọng sau khi bế mạc đại hội đảng 12 hôm 28/1/2016 vừa qua là “Cũng có đồng chí được Trung ương giới thiệu không trúng cử, có người không được Trung ương giới thiệu nhưng được Đại hội giới thiệu cũng trúng cử. Vừa rồi các đại biểu Quốc hội cũng tâm sự, dân chủ thế này là cùng, không thể dân chủ gì hơn”. Ấy vậy mà chỉ khi ai nói gì đó là bị chụp mũ, hay đi biểu tình chống giặc Tàu thị bị bắt bớ, đánh đập và bị qui cho tội là bị thế lực thù địch xúi giục!
Bước qua thế kỷ XXI rồi, chỉ cần ngồi một chỗ và lướt bàn phím hay vài cái click trên Ipad là có thể biết hết mọi chuyện xảy ra trên thế giới dù một số quốc gia là kẻ thù của truyền thông như Bắc Hàn, Trung Quốc và… Việt Nam mình có ngăn chặn thế nào đi nữa cũng không ngăn được đà tiến của khoa học kỹ thuật. Rât mong những người lãnh đạo mới được “đảng cử” mà dân không bầu phải lấy được lòng dân khi biết cởi trói, biết thâu phục nhân tâm bằng tài đức thật sự của mình để nước Việt Nam mình ngày một tiến lên dù chậm nhưng vững chắc.
Cũng trong những ngày cuối tháng 4 vừa qua, Tỉnh Dòng Ngôi Lời chúng tôi ở Paraguay có 2 hai phó tế vừa lãnh nhận tác vụ linh mục tại một giáo phận nghèo nhất và mất an ninh nhất của Paraguay, nơi mà vị cựu giám mục ở đó đã đắc cử tổng thống nhưng chưa hết nhiệm kỳ đã bị đảo chính vì bị cho là thiếu trách nhiệm khi để xảy ra một vụ chạm trán giữa cảnh sát và nông dân làm hơn 20 người thiệt mạng cách đây 4 năm. Hai tân chức linh mục này từng là học trò của chúng tôi, và sau khi học xong chương trình Triết học đã đi làm mục vụ và học thần học tại Mejico trước khi nhận tác vụ linh mục tại Paraguay. Hơn 10 năm rồi bây giờ mới có linh mục người bản xứ dù các em bước vào tu rất đông, các em đã ra đời hết sau khi đã có những tấm bằng cử nhân để đi tìm việc vì người Paraguay rất khó giữ luật độc thân. Cha Bề Trên Tỉnh Dòng đã giao cho chúng tôi làm chưởng nghi trong ngày phong chức, và vị Giám mục truyền giáo thuộc Dòng Chúa Thánh Thần người Canada chủ phong thật dễ chịu và hiền từ khi nói với chúng tôi rằng hễ cha bảo làm gì thì chúng tôi làm theo vì ngài cũng làm giám mục mới và chưa phong chức cho ai cả. Như hạn gặp mưa vì lâu rồi người dân quê mùa mới được chứng kiến một ngày phong chức với nhiều linh mục đồng tế từ nhiều nơi khác đến nên họ hớn hở và tham dự rất đông dù lễ diễn ra ngoài trời rất lạnh. Vừa vui khi có hai linh mục mới người bản xứ nhưng lại buồn khi hai anh em linh mục khác cùng Dòng người bản xứ vì quá ham làm chính trị và đang bị giám mục bản quyền điều tra và có thể bị ngưng chức nếu bị cáo buộc. Năm ngoái cũng có một anh em linh mục người Paraguay gốc Brazil vì đã không vâng phục bề trên khi một mực đòi ra làm ứng viên chủ tịch quận dù Bề trên đã hết lời khuyên can. Người anh em này đã quyết chí xin hồi tục để làm việc chính trị nhưng cuối cùng đã thất cử dù anh ta đã tính toán rất kỹ. Giờ thì anh cũng trở thành một anh nông dân cặm cụi làm việc và anh thấy xấu hổ khi về Dòng vì quyết định nóng vội của mình. Những người đi tu của chúng ta là những người dùng Lời Chúa để rao giảng và nói thay cho những người không có tiếng nói, chống lại những áp bức bất công bằng biện pháp ôn hòa. Nhưng chúng ta tuyệt đối không làm chính trị hay đảm trách một chức vụ trong công quyền nào vì các chức vụ đó đã có những người giáo dân có chuyên môn, những nhà chính trị có trường lớp đảm trách. Nếu họ không thực thi quyền đó thì dù những tu sĩ, linh mục chúng ta có bước ra chính trường, chúng ta cũng không làm gì được.      
Tháng 5 đã đến và người Việt Nam ở quê nhà vẫn đang lo lắng về hiểm họa môi trường mỗi ngày một lớn hơn mà chưa có câu trả lời xác đáng để làm họ yên lòng. Ccác thức ăn hàng ngày họ tiêu thụ không biết phân biệt đâu là độc tố, đâu là thức ăn sạch. Thật tội nghiệp cho dân mình nhưng mình biết làm gì bây giờ cho họ đây ngoài lời cầu nguyện tận đáy lòng mong ơn trên phù hộ và che chở cho những người con đất Việt đang khốn khổ, lầm than. Tháng 5 cũng là tháng Hoa, tháng kính Đức Mẹ Maria. Xin Mẹ đoái thương và ban nhiều ơn lành cho thế giới trước những thảm họa thiên nhiên, chiến tranh, dịch bệnh, và nhất là nước Việt Nam thân yêu của chúng con đang đau khổ vì hiểm họa môi trường. Một lời cầu xin của Mẹ với Chúa Giê-su tại tiệc cưới Cana thì Chúa đã làm ngay để gia đình cô dâu, chú rể không bị bẽ mặt. Xin Mẹ cũng cầu cùng Chúa Giê-su, Con của Mẹ cho người dân đát Việt chúng con thoát khỏi hiểm họa này và cho những nhà cầm quyền của nước Việt chúng con biết lo lắng và tôn trọng nhân phẩm của người dân để cùng nhau đưa đất nước bước qua cơn khủng hoảng này.
Chúa nhật 8 tháng 5 tới đây là ngày của các Mẹ. Xin chúc tất cả những ai đang làm Mẹ, dù chỉ một ngày làm mẹ rồi sau đó đã vứt bỏ các con của mình không thương tiếc khi phá thai, khi bỏ những đứa con đỏ hỏn vừa mới sinh… luôn biết làm tròn bổn phận thiên chức làm mẹ của mình, và tất cả những người con luôn biết trân quí và hiếu thảo với mẹ mình dù mẹ mình đang còn sống hay đã qua đời. Xin chúc mừng ngày lễ của Mẹ. Chúc mừng Mẹ Maria của chúng con. Feliz Dia de la Madre. Happy Mothers’’s Day.     
                      Paraguay,  ngày 04 tháng 05 năm 2016
Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD.