Saturday, December 28, 2013

ARGENTINA : TỪ BỤI ĐỜI TRỞ THÀNH LINH MỤC TRUYỀN GIÁO




            Trong khi ngồi chuẩn bị viết một vài chia sẻ cho người đàn em, người học trò vừa mới chịu chức linh mục tại xứ sở Tango, Argentina, chúng tôi chợt nhớ đến những vị Thánh mà mình ngưỡng mộ từ lâu về cuộc đổi đời mà từ khi còn bé chúng tôi được các linh mục kể lại, và sau khi vào Dòng chúng tôi được đọc lại cuộc sống của các ngài qua cuốn “Hạnh Các Thánh”, đó là Thánh Augustino, điên khùng, viễn vông nhưng đó lại là điểm đến của những người theo Chúa.
một thanh niên thông minh, nhanh nhẹn nhưng đã nhiều phen làm người mẹ đau buồn vì lạc lối, thánh Phan-xi-cô Át-xi-di, đấng sáng lập Dòng Anh Em Hèn Mọn và Thánh I-nha-xi-ô,vị sáng lập Dòng Tên. Các vị Thánh này đã từ bỏ tất cả những vinh hoa, lợi lộc trần thế để theo đuổi một điều mà người đời ngày nay cho là
 Chúng tôi cũng chợt nhớ đến vị sáng lập các anh chị em tiểu muội và tiểu đệ- Charles de Foucauld, có một cuộc đổi đời ngoạn mục và được nâng lên hàng chân phước vào năm 2005. Khi đọc lại tiểu sử của vị chân phước người Pháp này khiến chúng tôi ngưỡng mộ vô cùng vì sự thay đổi 360 độ của ngài dù rất tài ba nhưng từng là một người có tai tiếng xấu. Rồi đến khi ngài say mê kể chuyện về những chiến tích của ngài khi ngài còn tại ngũ cho gia đình người chị nghe thì đứa cháu gái bé nhỏ của ngài đã hỏi ngài một câu khiến ngài suy nghĩ : “Cậu ơi, những việc làm của cậu thật hiển hách, nhưng cậu hãy tự hỏi, cậu đã làm được gì cho Chúa chưa?”. Cũng chính câu chất vấn của đứa cháu gái bé bỏng này đã thức tỉnh và làm cho Foucauld đổi đời.
Rồi người anh em linh mục thuộc Tu Hội Vinh Sơn học trên chúng tôi vài lớp là tu sĩ Augustino Nguyễn Viết Chung, hiện đang làm việc truyền giáo tại Kontum, từng là một Phật tử với bằng cấp chuyên môn là bác sĩ da liễu, đã quyết chí vào đạo Công giáo và ước mong trở thành linh mục khi tuổi đời đã lớn vì đã thấy được những tấm gương sáng của Đức Cha Jean Cassaigne và một Nữ tu thuộc Tu Hội Bác Ái Vinh Sơn. Chính những gương sáng này đã làm cho bác sĩ Chung từ bỏ tất cả để trở thành một linh mục Công giáo và hết lòng phục vụ những người nghèo khổ và phong cùi bằng chính nghề bác sĩ linh mục của mình.
Và người em vừa lãnh nhận tác vụ linh mục hôm thứ Bảy ngày 14 tháng 12 vừa qua cũng đã có một cuộc đổi đời ngoạn mục khi trước đây từng là một trẻ bụi đời với biệt danh “Đại Ca Đen” đã từng làm cho người mẹ thân yêu của em khóc đứng khóc ngồi và giáo xứ, xóm làng nơi em từng sống ở khu Chợ Mới nhiều phen khiếp vía, vừa trở thành linh mục truyền giáo. Đức Cố Hồng Y Phan-xi-cô Xa-vi-ê Nguyễn Văn Thuận đã từng chia sẻ trong dịp chuẩn bị bài giảng tĩnh tâm cho Giáo Triều Rô-ma rằng Thiên Chúa biết viết thẳng trên những đường cong. Đúng, Thiên Chúa có cách của Ngài để làm những gì mà con người không thể ngờ được.
Khi gia đình em thông báo ngày em chịu chức linh mục tại Argentina, nhiều người từng quen biết em không thể tin được và tự hỏi tại sao một con người từng hư hỏng như thế nay lại có thể trở thành một linh mục truyền giáo được!
Người em mà chúng tôi đang nói đây có một cái tên rất dài là Mi-ca-e Nguyễn Hoàng Thanh Tuyên vừa gia nhập hàng giáo sĩ với bài sai truyền giáo đầu tiên là làm việc với những người thổ dân Mapuche ở Argentina, giáp với biên giới Chile. Cái tên dài lòng thòng này không một người dân Argentina hay Nam Mỹ nào đọc đúng được, vì thế họ gọi tên thánh là Miguel hay tên Việt là “Tu-yen” vì người nước ngoài quen đọc đa âm tiết.
Ngay từ những năm cuối cấp II, Tuyên từng là một đứa trẻ nghịch ngợm, quậy phá nên chúng bạn cùng lớp đã phong cho chức đại ca và vì da ngăm đen nên gọi là “Đại Ca Đen”. Đại Ca Đen ngay từ lúc 15 tuổi đã biết hút thuốc, uống rượu và phá làng, phá xóm khiến những người láng giềng bực mình và thường gièm pha. Dù sống trong một gia đình Công giáo và có người Dì ruột là một Nữ tu thuộc Dòng Khiết Tâm Đức Mẹ Bình Cang, “Đại Ca Đen” đã không thèm học giáo lý, bỏ lễ thường xuyên và vào một ngày lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời 15/8 “Đại Ca Đen” này đã say bí tỉ và ngủ trên đường không biết trời trăng mây đất gì nữa khiến nhiều người đi lễ bắt gặp và gọi gia đình đưa về. Người mẹ đã bao phen khốn khổ vì đứa con ngỗ nghịch này. Chưa hết, cậu đã từng nhiều lần bỏ nhà ra đi khiến người mẹ hiền phải long đong, vất vả kiếm tìm khắp nơi để mong gặp lại đứa con thân yêu của mình dù biết nó hư hỏng. Dù trẻ tuổi nhưng “Đại Ca Đen” này hầu như tứ đổ tường đều kinh qua. Nghe bạn bè xấu xúi dục và chọc giận máu anh hùng khi bọn chúng nói rằng nếu “Đại Ca Đen”  mà dám bắt làm thịt con gà trống đá của ông ngoại để làm mồi nhậu thì bọn chúng sẽ tôn làm đại ca vĩnh viễn, “Đại Ca Đen” đã không chần chừ và chỗm ngay con gà gà quí của người Ông khiến ông ngoại ngày ấy tức tối vô cùng. Một người bác họ ngày ấy giúp Giáo Xứ Chợ Mới, nay đang là Giáo Sư Đại Chủng Viện Sao Biển và là linh mục Chính Xứ Giáo xứ Ba Làng, Nha Trang đã từng giúp đỡ, khuyên răn người cháu mình để mong cháu thay đổi nên người nhưng dường như tính nào tật nấy khiến người bác cũng buồn lòng. Không có tình thương nào như tình thương của người mẹ dù hàng xóm, và ngay cả gia đình gièm pha, dị nghị, nhưng người mẹ này đã bỏ ngoài tai tất cả và ngày đêm cầu nguyện như Thánh nữ Mô-ni-ca ngày xưa với đứa con ngỗ nghịch Augustino và thường chạy đến nhờ các Nữ tu Dòng Kín Nha Trang cầu nguyện để chỉ mong đứa con trai của mình có một ngày thay đổi.
Và ngày thay đổi đó đã đến khi lần  cuối cùng “Đại Ca Đen” bỏ nhà đi bụi đời hơn một tháng dài lang thang trên đường phố Sài Gòn tìm việc làm và hàng đêm cứ vật vờ trong những cơn say. Người anh họ và em gái khi tìm được thuyết phục trở về, và trong một đêm vào năm 1999, “Đại Ca Đen” vắt tay suy nghĩ về những việc mình đã làm, cậu trẻ nghịch ngợm này đã cầu nguyện với Chúa rằng nếu kỳ thi vào đại học lần này mà đậu thì cậu sẽ nhất quyết đi tu. Cậu đã thổ lộ điều này với người mẹ và khi nghe tin này người mẹ đã khóc vì vui sướng.
Chúa đã nhậm lời và kỳ thi năm ấy, “Đại Ca Đen” đã trúng tuyển đại học ngoại ngữ tại Sài Gòn, một trong những tiêu chuẩn để gia nhập Đệ Tử Viện Dòng truyền giáo Ngôi Lời. Tuy nhiên, cuộc sống tu trì không mấy dễ dàng với một người từng thích thong dong, bay nhảy và nói năng bặm trợn. Trong thời gian đầu đối với “Đại Ca Đen” ngày nào không mấy dễ dàng vì phải đi vào khuôn phép. Vị hữu trách ngày ấy hiểu được hoàn cảnh của người đệ tử dở chứng này nên có những cách cư xử mềm dẻo hơn nhưng không vì thế mà quên sửa dạy những thói hư tật xấu. Với tư chất thông minh, thích ứng mau lẹ với hoàn cảnh và có máu văn nghệ, “Đại Ca Đen” đã dần chinh phục những tình cảm của các bạn đồng môn và các nhà huấn luyện, và lột xác nhanh chóng.
Rồi sau khi hoàn tất đại học, cậu ta vào Tập viện tại Nha Trang. Trong phần nhận xét trước khi cho khấn lần đầu, vị Tập Sư đã viết rằng : “Trước khi em này đi tu, em có một quá khứ không mấy tốt đẹp là quậy phá, nhật nhẹt, hút xách…”. Lời nhận xét ấy không sai tý nào nhưng cuối cùng là em đã thay đổi. Đây mới là một trang sử mới trong cuộc đời của em.
Sau khi khấn Dòng tại Nha Trang với bao lời chúc mừng và người vui nhất là người mẹ khi thấy con mình trong chiếc áo chùm thâm. “Đại Ca Đen”  lúc này là thầy Tuyên được gởi vào Sài Gòn học Triết tại Học Viện Đa Minh và Nhà Dòng đã giao cho chúng tôi phụ trách cùng với 11 thầy khác thuộc nhiều lớp khác nhau. Tất cả đều nhận xét rằng thầy Tuyên là người sống có tình, luôn chu toàn những bổn phận của một thành viên trong cộng đoàn và có một tư chất thông minh.
   Sau những năm học Triết, thầy được gởi đi thực tập truyền giáo tại Argentina, Nam Mỹ. Lúc này chúng tôi cũng đã ở Paraguay, quốc gia láng giềng của Argentina như một nhà truyền giáo. Thỉnh thoảng chúng tôi có dịp tiếp xúc với nhau qua email, điện thoại và nếu có ai qua lại Argentina thì chúng tôi có tý quà gởi cho người đàn em mình.
Rồi chúng tôi được bổ nhiệm làm việc trong Ban Đào Tạo Tỉnh Dòng ở Paraguay nên chúng tôi được tiếp xúc nhiều với các nhà Đào Tạo của thầy Tuyên bên Argentina nên biết thầy quyết định ở lại Argentina để học thần học. Những nhà Đào Tạo và ngay cả cha Giám Tỉnh người Argentina cũng phải khâm phục tư chất thông minh của nhà truyền giáo trẻ Việt Nam này vì tiếng Tây Ban Nha không mấy dễ học, nhưng chỉ có một điều phàn nàn là “thầy Tu-yen” mập quá vì ăn thịt nướng và uống rượu vang nhiều!
Cuối năm ngoái 2012, trong chuyến về Việt Nam thọ tang người mẹ yêu dấu của mình, chúng tôi có dịp ghé thăm gia đình của “Đại Ca Đen” gần nhà thờ Chợ Mới để báo tin cho gia đình vui về ngày lãnh nhận chức Phó tế vào tháng 12. Người mẹ của “Đại Ca Đen” đã vui mừng khôn xiết và nói với chúng tôi rằng vậy mà nó không báo gì cho gia đình biết. Bà còn đưa chúng tôi qua nhà ông ngoại gần đó để chào thăm và nói thêm thông tin về người cháu ngoại đã từng trộm con gà đá của Ông. Tuy tuổi đã cao, sức đã yếu vì đã ngoài 80, nhưng khi nghe tin như thế ông như muốn nhảy lên vì sung sướng và chúng tôi nói với ông hãy cố chờ người cháu ngỗ nghịch  ngày nào của ông trở về với tư cách là một linh mục để giài tội cho ông và để hai ông cháu cùng tha lỗi cho nhau, ông chỉ cười và nói chỉ biết phó thác cho Chúa. Tuy nhiên Chúa đã gọi ông về cách đây vài tháng và ước nguyện được gặp đứa cháu bụi đời nay trở thành linh mục truyền giáo vẫn chưa thực hiện được.
Và ngày vui đã đến khi lần đầu tiên trong lịch sử đât nước Argentina, Đức Tổng Giám Mục José María Arancedo của Tổng Giáo Phận Santa Fe, kiêm Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Argentina vào lúc 20 giờ Thứ Bảy ngày 14 tháng 12 năm 2013 vừa qua đã đặt tay truyền chức linh mục cho Tu Sĩ Mi-ca-e Nguyễn Hoàng Thanh Tuyên, người Việt Nam thuộc Dòng truyền giáo Ngôi Lời. Thật là hãnh diện vì Giáo Hội có thêm một tân linh mục trong Mùa Vọng và càng hãnh diện hơn khi tân linh mục đó là người Việt Nam chịu chức ở Argentina.
Người mẹ thân yêu cũng muốn tham dự ngày Đại Hỉ của con nhưng vì lý do sức khỏe nên không đến được. Buổi lễ thật trang trọng và sốt sắng với sự hiện diện của các nhà truyền giáo cùng Dòng thuộc nhiều quốc gia đang làm việc tại Argentina. Chúng tôi cũng bay từ Paraguay qua để hiệp thông và cầu nguyện em với tư cách vừa là người đồng hương, vừa là người đồng hành trong những ngày đầu của tân linh mục. Cũng có một anh em linh mục và hai tu sĩ trẻ Việt Nam cùng Dòng có bài sai ở Argentina đến dự lễ. Một đôi vợ chồng người Việt Nam từng ở Argentina gần 30 năm qua mà chúng tôi quen biết cũng đến tham dự và được giao cho phần dâng áo lễ. Một người Việt nữa vừa mới đến nhân chuyến du lịch cũng được mời tham dự nên tân chức cũng bớt phần tủi thân. Kể ra nơi đất khách quê người cũng thú vị và người dân ở đây họ cũng tận tình lo lắng cho thánh lễ.
Trong bài giảng lễ khoảng 10 phút, Đức Giám Mục chủ phong đã khích lệ tân chức rất chân tình của một hiền phụ, ngài nói với tân chức khi trở nên linh mục thì không chỉ là linh mục cho người Việt Nam, cho Dòng Truyền Giáo Ngôi Lời mà là cho cả Giáo Hội của Chúa Kitô. Bởi thế linh mục phải là người phục vụ quên mình và sống chết vì đàn chiên. Linh mục mà không biết chiên là một linh mục thiếu trách nhiệm.
Trong phần tri ân bằng tiếng Tây Ban Nha, tân linh mục trước hết dâng lời tạ ơn Chúa đã luôn gìn giữ, che chở và biến đổi từ một người bụi đời trở thành linh mục truyền giáo. Tân linh mục đã không quên nhắc đến công ơn trời bể của người mẹ hiền đã hết nước mắt vì con. Tân linh mục cũng không quên tri ân những người thân yêu trong gia đình, họ hàng bằng nhiều cách đã nâng đỡ, tha thứ những lầm lỗi trong quá khứ và luôn giúp lời cầu nguyện. Rồi những anh em trong Dòng ở Việt Nam và Argentina đã luôn dìu dắt và tạo mọi điều kiện thuận lợi trong những năm tháng tu học ở Việt Nam và ở Argentina. Tân linh mục cũng dâng lời cảm ơn đến vị Giám mục chủ phong qua bí tích truyền chức, đã biến đổi tân chức từ một người thấp hèn với biết bao tội lỗi trở thành linh mục của Chúa Kitô. Và cuối cùng là cảm ơn người dân Argentina đã đón nhận và cưu mang tân chức trong những năm qua. Chúng tôi, những người Việt Nam hiện diện trong thánh lễ, được Cha Giám Tỉnh mời lên dâng một lời nguyện bằng tiếng Việt cho tân chức, chúng tôi đã cùng nhau đọc một kinh Kính Mừng và Sáng Danh bằng tiếng Việt để xin Mẹ Maria che chở tân chức. Một tràng pháo tay vang lên rộn rã theo phong cách của vũ điệu Tango.  
“Đối với Thiên Chúa, không gì là không thể làm được” (Xc, Lc 1,37tt). Thiên Chúa biết viết thẳng trên những đường cong và Thiên Chúa đã thực hiện điều đó nơi con người của tân linh mục Mi-ca-e Tuyên qua lời cầu nguyện liên lỉ của người mẹ và những người thân, trong đó có các Nữ Tu Dòng Kín Nha Trang. Xin Chúa tiếp tục ban ơn và đồnh hành tân linh mục để trong cuộc đời truyền giáo sắp tới, người anh em chúng con biết đem lại nhiều linh hồn cho Chúa. Xin chúc mừng Tuyên, người anh em cùng Dòng luôn biết giữ ngọn lửa truyền giáo cháy sáng để thắp ngọn lửa ấy lên nơi mà em chuẩn bị thi hành sứ vụ với người thổ dân. Trước đây đời em tưởng như bỏ đi nhưng giờ đây em đã là linh mục của Chúa, hãy làm hết sức mình có thể, để mẹ em và những người thân yêu của em hãnh diện về em để mỗi khi xướng kinh Magnificat trong giờ Kinh Chiều mỗi ngày thì mọi người mạnh dạn tuyên xưng : “Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao những kẻ khiêm nhường” (Xc. Lc 1, 46-55). Muchas felicitaciones y que Dios te bendiga.
Argentina, ngày 15 tháng 12 năm 2013
Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD      

PARAGUAY : MÙA VỌNG VỚI MẸ MARIA




Năm Phụng Vụ mới bắt đầu với Chúa Nhật Thứ I Mùa Vọng trùng vào ngày thế giới Phòng chống SIDA (1/12), một căn bệnh thế kỷ đã khiến biết bao nhiêu người chết và nhiều người đang sống với căn bệnh này cũng gặp biết bao khó khăn, mặc cảm dù xã hội dần dần thay đổi cái nhìn khinh miệt và kỳ thị. Chính trong viễn cảnh này, Giáo Hội của Chúa Kitô bắt đầu một mùa Vọng với những khắc khoải, lo âu trước những thảm họa thiên nhiên vừa mới xảy ra.
Trong khi tiết trời các xứ Bắc Mỹ và châu Á năm nay do biến đổi khí hậu nên lạnh te tua thì ở Nam Bán Cầu, cụ thể là Paraguay nơi chúng tôi đang sống, thời tiết lại nóng kinh khủng và thỉnh thoảng lại có những cơn giông tố khiến cây côi ngã đổ, nhà cửa tốc mái và làm thiệt hại người và tài sản. Trời nóng bức nhưng nhiều nơi lại bị cúp điện khiến hoàn cảnh bi đát hơn.
Cũng chính trong những ngày mùa Vọng này người dân Paraguay bắt đầu cho những ngày lễ để tôn vinh Mẹ mà cao điểm là ngày 8/12, lễ Đức Trinh Nữ Maria Các Phép Lạ tại Caacupé mà người ta hay gọi gọi là Đức Mẹ Caacupé giống như Việt Nam chúng ta quen gọi là Mẹ La Vang, Mẹ Trà Kiệu hay là Mẹ Tà Pao…  
Lễ Đức Mẹ Caacupé ngày 8/12 hàng năm là Quốc Lễ của người Paraguay và người ta đã xem Linh Địa Caacupé là thủ đô tinh thần của quốc gia này.
          Khác với người Công giáo Việt Nam, Lễ Đức Mẹ La Vang dịp 15/8 thường diễn ra trọng thể trong 3 ngày áp lễ nhưng người Paraguay thì họ làm Tuần Cửu Nhật trọng thể và mỗi ngày trong Tuần Cửu Nhật có 2 thánh lễ chính được cử hành trước tiền đình Vương Cung Thánh Đường Caacupe với hàng ngàn người tham dự, và cứ mỗi giờ thì có thánh lễ bên trong Vương Cung Thánh Đường hay Nhà Thờ hầm cho các tín hữu hành hương tham dự. Tất cả các thánh lễ trong Tuần Cửu Nhật đều được lên lịch mời từ rất lâu để các giám mục và các linh mục sắp xếp và chuẩn bị thánh lễ chu đáo vì các Thánh Lễ trong Tuần Cửu Nhật được trực tiếp truyền thanh và truyền hình cho người dân trên cả nước để họ lắng nghe các sứ điệp và các bài chia sẻ của những vị mục tử.   Năm nay chúng tôi được mời chủ tế và giảng lễ vào đúng ngày đầu đầu Chúa Nhật Thứ I Mùa Vọng trong Vương Cung Thánh Đường vào lúc 9h sáng. Chúng tôi những tưởng là sau thánh lễ lúc 7h sáng trước tiền đình Vương Cung Thánh Đường do một Giám Mục người Đức chủ sự với hàng ngàn người hành hương thì thánh lễ lúc 9h sáng của chúng tôi sẽ không mấy người tham dự. Tuy nhiên, khi ca đoàn vừa hát ca nhập lễ, chúng tôi vừa bước ra bái chào Cung Thánh thì hơi khớp vì lượng người tham dự thánh lễ lúc 9h cũng không thua kém gì thánh lễ vừa mới kết thúc. Định thần lại một chút trước khi chào giáo dân, chúng tôi mới cảm nhận rằng có lẽ lâu nay mình hiểu chưa đúng về người dân mà mình đang phục vụ vì cứ nghĩ rằng họ thờ ơ với đạo nghĩa nhưng thật sự trong sâu thẳm họ rất quí mến Mẹ vì qua Mẹ họ có thể dễ dàng đến với Chúa.
          Đây là là thứ hai chúng tôi được diễm phúc chủ tế và chia sẻ thánh lễ với hàng người tham dự tại Thủ Đô Tinh Thần của người dân Paraguay vào những ngày quan trọng nhất của Tuần Cửu Nhật kính nhớ Đức Mẹ trong Mùa Vọng. Thật là một niềm vui và hãnh diện vì chúng tôi nghĩ đây là một món quà quí mà Đức Mẹ tặng cho những người con linh mục luôn biết phó thác và nhận Mẹ là người hướng dẫn đời sống tâm linh của mình.
          Chúng tôi không phải là người cuồng tín hay nói quá về vai trò của Mẹ Maria rồi quên đi điều chính yếu mà nhiệm vụ của các linh mục phải rao giảng là Lời Chúa. Tuy nhiên, chúng tôi phải thành thực nói rằng nếu các linh mục chỉ nói về Chúa mà quên đi người Mẹ Hiền của Ngài thì cũng là một thiếu sót lớn. Chính vì lẽ đó, chúng tôi luôn cố gắng tìm mọi cách để giúp mọi người vừa có thể yêu mến Mẹ cách xứng hợp, vừa có thể quay về với Chúa trong tâm tình của một người con lạc đường.
          Có thể nói, không nhiều thì ít, không một người Công giáo nào dù Phi châu hay Mỹ Châu, Á châu hay Úc châu lại không biết đến Mẹ và bằng chứng là hầu như các nước trên thế giới đâu đâu người ta cũng nói đến những lần hiện ra của Đức Mẹ để an ủi và cứu giúp đàn con trong cơn nguy khốn. Tuy nhiên, Giáo hội Công giáo cũng rất dè dặt và khôn ngoan khi công bố đâu là những phép lạ thật và đâu là những điều bịa đặt để các tín hữu không bị rơi vào hiện tượng mê tín để rồi dẫn đến những hậu quả không mấy tốt đẹp về sau.
          Quay lại ngày lễ Đức Trinh Nữ Maria Các Phép Lạ tại Caacupé ở Paraguay trong Tuần Cửu Nhật, chúng tôi hiểu thêm nhiều vấn đề mà quốc gia có số phần trăm người Công giáo rất đông này rất hãnh diện về người Mẹ tuyệt vời mà Thiên Chúa đã ban cho họ. Linh Địa Caacupé chỉ cách Thủ Đô hành chính Asunción của Paraguay khoảng 60km về hướng Đông, và chính điều đó cũng rất thuận tiện cho việc đi lại cho khách hành hương từ khắp nơi đổ về. Chúng ta thử tưởng tượng xem với tháng 12 là tháng Hè của Paraguay và nhiệt độ có khi lên đến 40 độ C và thỉnh thoảng trời lại mưa xen lẫn sấm chớp nhưng không làm khách hành hương nhụt chí. Họ đến từ khắp các nẻo đường bằng nhiều phương tiện khác nhau : Đi bộ, xe đạp, xe máy, xe ngựa và xe hơi… để được tham dự thánh lễ và được tận tay sờ vào linh tượng của Mẹ. Từng đoàn người rồng rắn kéo nhau nói cười vui vẻ trong suốt cuộc hành trình dài để đến với Mẹ. Chỉ thấy như thế cũng đủ nói lên là Đức Mẹ đang làm phép lạ để qui tụ đàn con về một mối trong tình hiệp nhất dù trong quá khứ họ là những người tội lỗi.
          Những ngày này chúng tôi tận mắt quan sát cách tổ chức và sắp xếp của người Paraguay trong dịp lễ đại trào. Thật tình mà nói nếu so với người Việt Nam mình thì họ thua xa về hình thức và cách bố trí. Tuy nhiên, công bằng mà nói thì người dân xứ này có một sự phối hợp nhịp nhàng giữa chính quyền và giáo quyền vào những dịp trọng thể. Theo nguồn tin đáng tin cậy của tổng giám đốc cảnh sát quốc gia, một người từng là giáo dân trong giáo xứ của chúng tôi cho biết là dịp lễ này chính quyền đã huy động hơn 2.500 cảnh sát để bảo vệ an ninh trật tự và hướng dẫn đoàn người hành hương và chính những viên cảnh sát này cũng là những người chống bạo động. Chính quyền cũng đã ra lệnh giảm giá xe buýt cho khách hành hương, hàng quán bán ven đường và quanh khu vực Linh Địa phải được kiểm nghiệm an toàn, dịch vụ y tế và chữa cháy túc trực 100% trong những ngày đại lễ và không hề có chuyện xảy ra nạn trộm cắp, lừa bịp trong những ngày này. Các vị giảng thuyết trong những ngày này thường đề cập đến công bình xã hội, về các giáo huấn xã hội của giáo hội nhằm thăng tiến thiện ích chung. Báo chí và truyền hình cũng lợi dụng những dịp này để trích dẫn những câu nói, những bài giảng hay của những vị giảng thuyết nhằm đánh động lương tri của những nhà cầm quyền. Các giới chức trong chính quyền hay giáo quyền không hề né tránh hay đỗ lỗi cho người này hay người khác nhưng sẵn sàng trả lời phỏng vấn cách trực diện để làm sáng tỏ vấn đề. Không ai lợi dụng diễn đàn này để trục lợi cá nhân nhưng chỉ để giúp giải quyết các vấn đề tiêu cực mỗi ngày được tốt hơn lên. Chính nhờ những ngày lễ mang tính quốc gia này mà những nhà cầm quyền đã biết lắng nghe và làm cho đất nước mỗi ngày một thay đổi theo chiều hướng tốt đẹp hơn.
          Hôm nay ngày Chúa Nhật ngày 8/12, theo lịch phụng vụ là ngày Chúa Nhật Thứ II Mùa Vọng năm A. Tuy nhiên, với phép đặc biệt của Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bích Tích của Tòa Thánh, Giáo Hội Paraguay được mừng Đại Lễ Đức Trinh Nữ Maria Các Phép Lạ tại Caacupé. Thánh lễ chính được diễn ra lúc 6h sáng trước tiền đình của Vương Cung Thánh Đường với sự tham dự của hàng ngàn tín hữu từ khắp nơi tràn về. Về phía chính quyền có vị Tổng Thống, Phó Tổng Thống, các vị Bộ Trưởng và các phái đoàn ngoại giao của các nước. Vị chủ tế thánh lễ là Đức Giám Mục Giáo Phận Caacupé nơi có Linh Địa Caacupé đồng thời là Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Paraguay. Cùng đồng tế có vị Sứ Thần Tòa Thánh, các Giám Mục của các Giáo Phận khác và hàng trăm linh mục, phó tế trong nước. Điều này cũng nói lên tầm quan trọng của Thánh Lễ này. Dù đài dự báo thời tiết mấy ngày trước nói rằng ngày 8/12 sẽ là ngày mưa lớn nhưng sáng nay trời lại quang đãng và khí hậu khá dễ chịu trong suốt Thánh Lễ. Chính Mẹ Maria đã làm Phép Lạ mà nhiều khi chúng ta không nhận ra.
          Trong bài giảng khoảng hơn 10 phút trước cử tọa hàng ngàn người, với sự hiện diện của vị Tổng Thống và các nhà cầm quyền dân sự, vị Giám Mục giảng thuyết với tư cách là Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục đã dùng Lời Chúa và Giáo Huấn của Giáo Hội để cảnh báo những trào lưu tục hóa đang len lỏi vào Giáo hội và nhắc nhở giới trẻ không để thế giới tiêu thụ, ích kỷ, nền văn minh sự chết lôi kéo. Ngài cũng kêu gọi các nhà cầm quyền và các đảng phái chính trị không nên vị lợi ích nhóm mà quên đi nhiệm vụ chính là làm cho đời sống người dân được bình an, hạnh Phúc. Giáo Hội không làm chính trị nhưng Giáo Hội nói lên những bất công và bênh vực những người nghèo khổ, áp bức để những nhà cầm quyền dân sự bảo vệ và thăng tiến nhân phẩm của họ. Các vị mục tử trong Giáo Hội là những tiếng nói của Chúa, là những dụng cụ của Mẹ trước những bất công đó. Nếu những nhà cầm quyền dân sự quên đi nhiệm vụ chính yếu của mình hay nuốt lời khi vận động tranh cử thì Mẹ sẽ ra tay cứu giúp qua những vị mục tử và do đó, những nhà chính trị đừng cho là Giáo Hội đã tham gia vào chính trị khi chính họ không làm tròn bổn phận cai trị của mình.

          Chúng tôi nhận thấy vị Tổng Thống và Phó Tổng Thống cùng các vị Bộ Trưởng lắng nghe rất chăm chú bài giảng của vị giảng thuyết và có những giây phút trầm tư. Đối với người Paraguay, dù là quốc gia Công giáo nhưng chính quyền và giáo quyền là hai thực thể hoàn toàn độc lập với nhau nhưng bổ khuyết cho nhau. Người dân rất cảm mến những nhà cầm quyền nào có tinh thần đạo đức được thể hiện trong những dịp tham dự các thánh lễ như Lễ Đức Trinh Nữ Maria Các Phép Lạ tại Caacupé hôm nay.
          Người dân Paraguay hôm nay vui như Tết vì có Mẹ chở che, đồng hành. Người ta cùng nhau đốt pháo ăn mừng vì là ngày Quốc Lễ và cũng là ngày mà các học sinh bắt đầu bước vào những ngày Hè sau những tháng học hành vất vả. Xin Mẹ Maria luôn đồng hành và ban ơn cho dân tộc nhỏ bé này và cũng ban ơn cho nước Việt thân yêu của chúng con được tự do, hạnh phúc thật sự.
Paraguay, 8/12/2013 – Lễ Đức Trinh Nữ Maria Các Phép Lạ tại Caacupé
Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD.