Monday, April 15, 2013

PARAGUAY – VÀI CẢM NGHIỆM TRONG MÙA PHỤC SINH 2013



Chút tản mạn
Mùa Phục sinh năm nay chúng tôi có khá nhiều việc để làm ở Chủng viện cũng như ở các giáo họ lẻ mà chúng tôi đang đảm trách.
Chúa Nhật Lễ Lá, khởi đầu của Tuần Thánh- tưởng niệm cuộc Khổ nạn và Phục Sinh của Chúa, chúng tôi phải “chạy sô” 3 giáo họ khác nhau để kịp dâng thánh lễ vì người dân ở đây tuy là dân Công giáo nhưng chỉ là Công giáo của Lễ Lá và Tuần Thánh mà thôi. Thánh lễ vào những ngày này rất đông người tham dự và đây cũng là cơ hội tốt để dạy dỗ họ. Dẫu biết rằng chuyện như thế là không đúng vì linh mục cứ phải làm theo nhu cầu của họ nhưng thử hỏi nếu làm lễ mà không có giáo dân tham dự thì làm lễ cho ai! Các xứ đạo Việt Nam được tổ chức qui củ nên cha xứ chỉ có việc ở ngay giáo xứ và giáo dân chỉ việc đến tham dự, chấm hết. Còn ở đây là vùng truyền giáo nên linh mục phải luôn tìm những phương thế thích hợp để qui tụ giáo dân. Thay đổi một não trạng, một phong tục, tập quán một sớm một chiều không dễ tí nào vì nhà truyền giáo không đến để phá đỗ văn hóa hay phong tục tập quán của một dân tộc, nhưng là đến để hội nhập và làm cho những nét văn hóa này ngày một thăng hoa theo hướng tích cực hơn.
Như chúng tôi đã chia sẻ trong các bài viết trước đây, các linh mục bản xứ phụ trách các giáo xứ ở đây khá thờ ơ hay nói trắng ra là khá lười ngồi tòa, vì đối với họ thì ngồi tòa rất mất thời gian mà không được lợi lộc gì. Chính một vài anh em linh mục trong Dòng người Paraguay đã từng chia sẻ như thế và họ thường tránh né khi có người đến xin hòa giải với Chúa. Trái lại, anh em linh mục nước ngoài thường noi gương vị thánh bổn mạng Gioan Vi-a-nê để ngồi tòa trước hay sau thánh lễ cho những ai có nhu cầu này. Chúng tôi rất cảm phục nhiều cha xứ ở Việt Nam dịp chúng tôi về Việt Nam cuối năm vừa rồi vì các ngài ngồi tòa mà quên cả chuyện ăn uống.
          Vì có một mình giúp các giáo họ lẻ nên nhiều khi chúng tôi phải ngồi tòa nhiều giờ đồng hồ trong Mùa Chay và Tuần Thánh, cộng thêm các nghi thức khá dài của Tam Nhật Thánh nên chúng tôi cảm thấy khá mệt. Tuy nhiên, khi thấy nhiều người đến hòa giải với Chúa sau nhiều năm xa Chúa khiến mình phấn khích hơn và sự uể oải cũng mau tan dần vì nếu ngồi tòa mà gương mặt hằm hằm và cáu gắt thì đố ai mà dám đến gần. Cũng may thời tiết lúc này vừa chuyển qua mùa Thu nên tương đối mát mẻ và phần nào cũng giúp thân nhiệt ổn định.
Mùa Phục Sinh năm nay có khá đông người tham dự nên bản thân cảm thấy vui và đó là một khích lệ lớn giống như một người bán hàng mà có nhiều khách hàng thì gặp thời. Có lẽ người dân ở đây dần dần đã chấp nhận chúng tôi vì chúng tôi đã sống hết mình với họ. Có lẽ Chúa Phục Sinh cũng hiều được hoàn cảnh của những đứa con đã từ bỏ quê hương, xứ sở và nhọc nhằn nơi xứ truyền giáo nên lâu lâu Ngài lại ban cho một vài niềm vui, dù đó chỉ là những niềm vui chóng qua. Chúng tôi xác tín rằng mình làm việc cho Chúa thì Chúa sẽ lo cho mình và trả công bội phần vì Ngài là Đấng giàu lòng thương xót và thấu xuốt mọi tâm can.
Ngày thứ bảy cuối tuần Bát Nhật Phục Sinh, chúng tôi đã đến dâng thánh lễ tại trại tù khét tiếng Tacumbu ở Paraguay mà chúng tôi đã giúp mục vụ trong 2 năm qua. Chúng tôi đã chia sẻ với các tù nhân về niềm hi vọng Phục Sinh mà Chúa đã hứa cho tất cả mọi người nếu họ biết từ bỏ con đường cũ mà trở về với Chúa. Chính Chúa Giê-su trên thập giá đã hứa thiên đàng cho người trộm lành biết tỏ lòng ăn năn. Nhiều khi mình cảm thấy vừa tức, vừa cười vì làm việc cho những tù nhân ở đây với sự kiên nhẫn và tha thứ. Ấy vậy mà chính trong những ngày của Tuần Thánh, khi mà tất cả các linh mục và chủng sinh trong Chủng viện tham dự các nghi thức Tam Nhật Thánh ở các giáo họ thì mấy tên trộm lại lẻn vào Chủng viện và lấy đi một số đồ đạc quí giá. May mà những người hàng xóm tốt bụng phát hiện và tri hô nên bọn trộm này đã cao chạy xa bay chứ nếu không phát giác sớm thì đến giờ này mặt mày ai cũng méo xẹo vì mất sạch hết rồi.
Chúa Nhật II Phục Sinh kính Lòng Thương Xót Chúa, chúng tôi cũng đến 3 giáo điểm để dâng lễ 2 trong 1 này. Người dân Paraguay  rất sùng kính Lòng Thương Xót Chúa nên tham dự đông đảo. Điều này rất tốt vì họ đang thể hiện đời sống đức tin của họ qua việc tham dự thánh lễ và thể hiện sự liên đới với nhau trong Năm Đức Tin.
Chúng tôi được biết gần đây có nhiều bài viết khá gay gắt của những người không thích Nhóm Lòng Thương Xót Chúa hay nói đúng hơn là một số người lợi dụng Lòng Thương Xót Chúa vào mục đích khác. Cũng có một số anh em linh mục vì thiếu sự công bằng hay vì thành kiến với những người tôn kính Lòng Thương Xót Chúa rồi để những người cơ hội ngay trong giáo xứ mình gây nên chia rẽ, mạ lỵ nhau. Chúng ta biết rằng trong 1 giáo xứ mà thiếu vắng các nhóm, các đoàn thể thì giáo xứ đó không thể mạnh được. Tuy nhiên nếu có quá nhiều nhóm, hội đoàn mà thiếu một cái đầu, một tiếng nói thống nhất thì cũng dễ dần đến tình trạng “lắm thầy, nhiều ma”. Chính vì thế, cha xứ và hội đồng giáo xứ phải là những người đồng hành, hướng dẫn các đoàn thể trong xứ mình để làm cho giáo xứ ngày một lớn mạnh hơn. Đừng để cho bất cứ nhóm nào, đoàn thể nào tự cho mình là nhóm chủ lực, nhóm Number 1 thì dễ dẫn đến lũng đoạn và chia rẽ ngay. Bên các nước Nam Mỹ này tuy người ta rất ít tham dự thánh lễ nhưng lại có rất nhiều nhóm, đoàn thể như Phong trào con đường tân dự tòng (Camino Neo-catecumenal), Focolares, Thánh Linh Đặc Sủng, Lòng Thương Xót Chúa, Nhóm Alpha các gia đình… Các nhóm này là các nhóm có nhiều tiền và có quyền lực nữa nên nếu cha xứ mà không biết mềm mỏng, thiếu sự đồng hành và thiếu sự khiêm nhường thì dễ dấn đến những kết cục bi thương. Bên xứ Nam Mỹ này thì đừng có giở trò hù dọa dứt phép thông công kiểu Việt Nam mình vì chẳng những linh mục không dứt phép thông công của họ được mà tính mạng hay chỗ đứng của linh mục cũng chưa chắc bảo toàn. Chúng tôi muốn chia sẻ như thế để chúng ta có một cái nhìn thoáng hơn và đừng đối xử với nhau theo cơ chế “xin-cho” nhưng bằng tình thương và sự cảm thông. Chúng tôi cũng mong các nhóm, các đoàn thể trong các giáo xứ hãy biết vâng phục các đấng bản quyền địa phương của mình và sẵn sàng đối thoại để tìm ra những giái pháp tốt nhất cho những hoạt động tông đồ của mình ngay trong môi trường mình đang sống.

             Những ngày tĩnh tâm
Sau những ngày đại lễ khá mệt mỏi, Tỉnh Dòng Paraguay chúng tôi có kỳ tĩnh tâm năm để anh em có dịp nghỉ ngơi và gặp gỡ nhau trong bầu khí thiêng liêng của gia đình tu sĩ và cũng để hâm nóng lại đời sống tâm linh giữa những bôn ba của cuộc sống thường nhật.
Tĩnh tâm là thời gian nhìn lại mình về các phương diện tương quan với Chúa, với tha nhân và với chính mình. Các anh em Dòng Tên dùng thuật ngữ “Linh Thao” (thao dượt tinh thần) khác với thao dượt thể lí để chuẩn bị cho một cuộc đua tài. Bởi thể, tĩnh tâm hay linh thao là giúp mọi người biết khám phá lại chính mình, biết lắng nghe tiếng vọng từ bên trong tâm hồn mình, biết đáp trả những tiếng vọng ấy và sẵn sàng sửa sai những gì mình đã mắc phạm.
Chuyện kể rằng ở một giáo xứ nọ có một cha xứ nổi tiếng là khó tính thường hay la mắng giáo dân và thánh lễ của ngài thường trên 2 tiếng đồng hồ. Giáo dân ca thán và việc này đã đến tai giám mục. Vị giám mục sở tại sau khi đã điều tra kĩ lưỡng liền cho gọi cho xứ ấy lên để nghe ngài giãi bày. Rất may là cha xứ này đã chấp nhận tất cả những điều người ta tố cáo và sẵn đón nhận mọi phán quyết của giám mục. Vị giám mục nhân từ chỉ khuyên cha xứ khó tính kia nên tham dự một cuộc tĩnh tâm để nhìn lại mình.
Sau khóa tĩnh tâm về, vị cha xứ khó tính ấy về lại xứ mình và viết một một hàng chữ lớn trên 1 tấm bảng và treo trước tiền đình nhà thờ để mọi người cùng thấy, tấm bảng viết : “Cha Xứ cũ của anh em đã chết”. Ngài đã thay đổi 180 độ. Trước đây khó tính và cau có bao nhiêu thì hôm nay ngài luôn niềm nở, tươi cười với tất cả mọi người. Thánh lễ và bài giảng cũng được cắt ngắn trong khoảng 1 giờ đồng hồ. Mọi người đều ngạc nhiên về sự thay đổi mau chóng của cha xứ và thầm cảm ơn Chúa đã ban cho giáo xứ họ có được vị mục tử như thế.
Tuy nhiên, 3 ngày trôi qua, bước sang ngày thứ 4 thì người dân lại thấy cha xứ của họ còn tồi tệ hơn trước, nghĩa là tiếp tục la mắng, cau có và thánh lễ còn dài hơn 2 tiếng. Bực mình quá, ông trùm xứ mới viết thêm dưới hàng chữ mà cha xứ đã viết trước đây “Cha Xứ cũ của anh em đã chết – Nhưng sau 3 ngày đã sống lại”.
Qua câu chuyện trên chúng ta thấy tĩnh tâm có thể giúp chúng ta thay đổi, nhưng không phải là thay đổi tức thời để rồi trợ lại tồi tệ hơn trước nhưng là thay đổi từ từ để mỗi ngày một tốt hơn.
Tĩnh tâm lần này chúng tôi được một anh em linh mục cùng Dòng người Argentina hướng dẫn. Người anh em này là đồng hương của Đức Đương Kim Giáo Hoàng Phan-xi-cô vì cùng ở Tổng Giáo Phận Buenos Aires nên rất quen nhau. Với sự khiêm tốn, bình dị và tinh thần trẻ trung của vị giảng phòng đã giúp chúng tôi tiến tới một mối tương quan mật thiết hơn với Đấng mà chúng tôi đang tôn thờ. Chúng tôi có nhiều giờ thinh lặng bên Thánh Thể để múc lấy nguồn mạch thiêng liêng dù trong môi trường giáo xứ hay Chủng viện chúng tôi đều dâng lễ hàng ngày nhưng nhiều người trong chúng tôi chỉ làm theo bổn phận mà thiếu đi phần trách nhiệm với Chúa. Dịp Tĩnh Tâm năm nay cũng là dịp để anh em tụ họp bên nhau và biết thêm các nhà truyền giáo trẻ vừa mới đến, và cũng để hâm nóng lại tính quốc tế của Dòng vì hiện nay số thành viên của Tỉnh Dòng Ngôi Lời ở Paraguay có đến 27 quốc tịch khác nhau.
Hiện diện trong kì tĩnh tâm lần này cũng có một anh em linh mục Paraguay đang làm việc truyền giáo tại Papua New Guinea hơn 12 năm nay về thăm quê hương. Có lẽ anh em này là người trụ lâu nhất ở nước ngoài vì đa phần người Paraguay không thể sống xa quê hương lâu được. Đúng dịp này cũng là dịp kỉ niệm 14 năm anh lãnh nhận chức linh mục và 20 năm khấn Dòng nên Tỉnh Dòng đã mời anh chủ tế và giảng lễ. Qua cách chia sẻ dí dỏm, nét mặt rạng rỡ vui tươi của một nhà truyền giáo xa quê dù Papua New Guinea là một quốc gia còn nghèo nàn và lạc hậu hơn Paraguay cho thấy người anh em này rất hạnh phúc trong đời sống mục vụ truyền giáo của mình. Papua Nueva Guinea cũng có vài anh em Ngôi Lời Việt Nam đang mục vụ ở đó rất thành công và được nhiều người thương mến vì đã dám dấn thân đến những vùng hiểm nguy.
Paraguay sẽ có Tổng thống và Quốc hội mới vào Chúa Nhật 21 tháng 4 này. Một quốc gia khá nhỏ bé chỉ vỏn vẹn hơn 7 triệu dân nhưng lại rất dân chủ. Có đến 12 ứng cử viên tổng thống thuộc nhiều đảng lớn, nhỏ khác nhau. Người dân ở đây có thể nói lên chính kiến của mình, thậm chí phê bình, chỉ trích một cách thậm tệ các nhà lãnh đạo hay các ứng cử viên cách công khai mà không hề sợ bị tù tội hay trả thù vì đã có hiến pháp và luật pháp bảo vệ. Chúng tôi thấy lạ là trong cùng một gia đình mà có nhiều chính kiến khác nhau. Chồng theo đảng của chồng và vợ theo đảng của vợ. Hai anh em ruột thịt lại là ứng cử viên của cùng một chức vụ vì thuộc hai đảng phái khác nhau. Trong những cuộc vận động tranh cử thì họ chỉ trích nhau rất nặng nề nhưng về đến gia đình thì chung sống hòa bình. Chính trị là vậy, ai mạnh và có lí thì chiến thắng. Họ cạnh tranh nhau rất lành mạnh vì đây là quốc gia dân chủ.
            Bên Venezuela của Nam Mỹ cũng vừa có cuộc bầu cử tổng thống sau cái chết của ông Hugo Chavez vào tháng 3 vừa qua. Dù đây là quốc gia theo đường hướng xã hội chủ nghĩa mà ông Chavez đã học được của cựu chủ tịch Fidel Castro của Cuba, họ vẫn tố chức bầu cử vì cũng có phe đối lập và ông Maduro, người được xem là cái bóng của ông Chavez đã thắng cử xít sao hơn 1%. Qua đó cũng nói lên rằng thuận ý trời và ý dân thì sẽ tồn tại, còn ngược lại thì sẽ bị diệt vong. Ước mong những nhà cầm quyền trong thế kỷ XXI này dù tư bản hay xã hội chủ nghĩa hãy biết lắng nghe tiếng nói của người dân, những tiếng nói đối nghịch của tầng lớp trí thức và tôn giáo đôi khi chói tai một t‎ý nhưng có thế giúp quốc gia ngày một đi lên.
Mùa Phục Sinh tháng 4 năm 2013
Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD              
     

No comments:

Post a Comment