Saturday, November 24, 2012

MỘT LỄ TẠ ƠN KHÔNG CÒN MẸ


         Hôm nay ở các nước Bắc Mỹ, người ta mừng lễThanksgiving- lễ Tạ Ơn. Lễ Tạ Ơn thường rơi vào thứ Năm tuần thứ 4 của tháng 11 mà người Công giáo chúng ta dành riêng để tưởng nhớ và cầu nguyện cho những người đã khuất. Bởi vì biết ơn là dấu chỉ làm người. Không những thế, biết ơn còn là cách đáp trả tình yêu của Thiên Chúa ban cho mọi người chúng ta. Ngoài Thiên Chúa là Đấng tác tạo mọi loài để chúng ta biết ơn, chúng ta còn mang ơn của nhiều người người khác, trong đó có các bậc sinh thành của chúng ta, những người đã giúp đỡ chúng ta bằng cách này hay cách khác để chúng ta có thể sống tốt thân phận làm người.

Cũng trong những ngày này, Giáo phận truyền giáo Kontum, Việt Nam tổ chức đón tiếp vị Đại diện không thường trú của Đức Thánh Cha Bênêđitô tại Việt Nam- Đức Tổng giám mục Léopoldo Girelli người Ý. Có lẽ duy nhất tại Việt Nam, người giáo dân Việt Nam có những nghi thức đón tiếp trọng thị và hoành tráng các vị quốc khách đến từ Tòa Thánh như là một dấu chỉ biết ơn và hiệp thông trọn vẹn với Đức Thánh Cha vì từ rất nhiều năm qua Giáo Hội Việt Nam đã chưa có một vị Sứ Thần Tòa Thánh chính thức nào. Bởi thế, mọi tín hữu Kinh, Thượng từ bé đến lớn khi hay tin vị khách quý sẽ đến thăm các giáo điểm của mình, họ đã bỏ hết công ăn việc làm để đến cho gặp cho bằng được. Chúng tôi đã quan sát thấy họ đến từ rất sớm để chuẩn bị tất cả các nghi thức. Các cha xứ ở các giáo điểm truyền giáo xa xôi cũng chuẩn bị rất kỹ càng khâu đón tiếp để có thể làm vui lòng vị khách quý đến từ xa. Nếu đem so sánh với vùng truyền giáo nơi chúng tôi đang phục vụ, có lẽ chúng tôi phải học hỏi nhiều. Tuy nhiên, vùng truyền giáo của chúng tôi thì vị Sứ Thần có thể đến bất cứ lúc nào ngài muốn mà không cần phải xin phép tắt hay thông dịch. Chúng tôi chỉ cần điện thoại và hẹn ngày giờ để ngài đến thì ngài sẽ đến. Qua đó, chúng ta có thể nhận ra rằng về khách quan chúng ta đang còn thiếu một cái gì đó nên người dân vẫn còn khao khát.                   Cũng trong ngày lễ Thanksgiving hôm nay, chúng tôi muốn dâng lên lời cảm tạ tri ân trước hết với Thiên Chúa vừa là Người Cha Nhân Lành vừa là người Mẹ tuyệt vời đã luôn sánh bước với chúng tôi trong mọi nẻo đường của cuộc sống, nhất là đời sống truyền giáo nơi đất khách quê người từ nhiều năm qua. Chúng tôi cũng muốn tri ân với người Mẹ của chúng tôi vừa mới nằm xuống cách đây hơn một tuần, để những ai còn Mẹ hãy biết quan tâm và yêu thương Mẹ của mình.
            Trong cuộc đời tại thế này, cái ngày buồn tủi nhất là ngày ta mất mẹ. Trong số những kỳ công Thiên Chúa tạo dựng trên thế gian này thì "Mẹ" là tác phẩm tuyệt vời nhất. Mẹ sinh ra ta, nuôi ta khôn lớn. Ta mạnh khỏe, mẹ vui mừng. Ta đau ốm bệnh tật, mẹ tất tả ngược xuôi tìm thầy, tìm thuốc. Ta lớn khôn, mẹ hạnh phúc. Ta công thành danh toại, mẹ vui mừng mãn nguyện. Mỗi khi ta đi xa, mẹ đêm ngày trong ngóng. Mỗi khi ta trở về, mẹ lo lắng mừng miếng cơm, giấc ngủ. Dù khôn lớn, dù đi tới phương trời xa xăm nào thì ta vẫn nhớ tới mẹ. Tình thương mẹ theo ta suốt cuộc đời. Khi vui ta nhớ mẹ cho niềm vui ta trọn vẹn, lúc buồn ta nhớ mẹ để mẹ thêm sức cho ta. Mong ước của ta là nhìn thấy mẹ trăm tuổi. Ấy vậy mà Mẹ đã bỏ ta ra đi….“Cậu 9 ơi, Má mất rồi!!!!!” Chúng tôi vừa nghe điện thoại của người chị từ quê nhà báo tin sự ra đi đột ngột của Má khiến tôi sững sờ như rớt từ tầng lầu xuống vì quá bất ngờ. Khi định thần lại, chúng tôi vội liên lạc với những người có trách nhiệm để sắp xếp hành trình về quê hương thọ tang người mẹ yêu dấu.Cuộc hành trình về quê hương lần này không được định trước nên khá khó khăn vì rơi vào ngày cuối tuần. Tại Paraguay chúng tôi đã xoay sở mọi cách nhưng không tài nào tìm được vé. Cũng may là người anh kết nghĩa đang làm công ty lữ hành bên Na-uy dù là ngày Chúa Nhật nhưng đã vào văn phòng để đăng ký vé cho chúng tôi để kịp trở về sớm với gia đình.Trên chuyến bay từ Paraguay về đến phi trường Tân Sơn Nhất-Sàigòn, chúng tôi phải quá cảnh qua Brazil, Thổ Nhỉ Kỳ rồi Thái Lan, tổng số giờ bay là 30 tiếng cộng thêm 20 tiếng phải chờ đợi nữa khiến chúng tôi mệt lã người. Những lúc ngồi trên máy bay và lúc chờ đợi tại các phi trường thì trong tâm trí chúng tôi lại quay về quá khứ với những thước phim quay chậm về những kỷ niệm mà từ ngày chúng tôi bắt đầu có trí khôn về hình ảnh của Mẹ. Không biết bao lần chúng tôi đã thổn thức và khóc một mình dù chúng tôi là một người khá bình tĩnh và cứng rắn trước những chuyện xảy đến.Khi đặt chân đến Phi trường Tân Sơn Nhất, Sài Gòn thì trời bắt đầu nhá nhem. Chúng tôi vội đón một chiếc Taxi để chở đến một Cộng Đoàn của Nhà Dòng trước sự ngỡ ngàng của Quý Cha và Quý Thầy ở đó vì chúng tôi không báo trước là ngày nào đến. Chúng tôi phải đợi một đên nữa ở Sài Gòn trước khi đón máy bay và sau đó đi xe đò để về đến Kotum vào buổi chiều ngày hôm sau .Vừa bước vào nhà để chào người Mẹ thân yêu được quàng trong quan tài mấy ngày để chờ đứa con xa nhà, chúng tôi đã vuốt mắt Mẹ vì lúc đó mắt Mẹ đang còn mở như luyến tiếc một điều gì! Khi tay tôi vừa vuốt thì mắt Mẹ liền nhắm lại và những giọt nước mắt của Mẹ lại trào ra khiến chúng tôi không tài nào cầm được nước mắt. Qua đó chúng ta cũng biết rằng chết chưa phải là hết nhưng như thánh Phao-lô đã từng nói, chết là một giai đoạn để bước vào sự sống mới.
          Trong thánh lễ an táng của Má với sự hiện diện đông đảo các linh mục, Nam Nữ tu sĩ, các anh em trong Dòng đến từ nhiều nơi cùng bà con láng giềng, chúng tôi đã thổn thức với Má: “Má ơi, hôm nay là thánh lễ cuối cùng của Má tại Giáo xứ Phương Nghĩa thân yêu này. Mới cách đây mấy tuần Má có hỏi con là khi nào con về thăm Má. Con có trả lời với Má là Tết này con sẽ về thì Má rất mừng nhưng lại hỏi sau lâu vậy! Con trả lời với Má là vì công việc của con chưa sắp xếp xong nên con chưa về ngay được. Má còn căn dặn con là nếu Chúa gọi Má thì con nhớ về dâng lễ an táng cho Má nhen. Con trả lời là Má yên tâm đi con sẽ về. Không ngờ điều Má nói đã trở thành sự thật. Má ra đi quá đột ngột khiến chúng con đau buồn vô cùng. Người ta thường nói: “Còn cha, còn mẹ thì hơn; Không cha, mất mẹ như đờn đứt dây. Đờn đứt dây còn dây nối lại; cha mẹ mất rồi con phải mồ côi”. Con đã mồ côi thật rồi. Tiếng đàn trong tâm hồn con giờ đây đang lỗi nhịp, đang rối tung vì sự ra đi của Má. Ơn gọi linh mục cua con xuất phát phần lớn từ Má dù Má là một tân tòng. Má đã cho con cuộc sống, cho con đức tin, cho con tất cả. Con biết Má rất đau buồn khi con ra đi truyền giáo ở một nơi xa xôi một thân một mình, nhưng vì yêu thương con nên Má đã phó thác mọi sự cho Chúa và chấp nhận tất cả những nghịch cảnh này.Má ơi, hôm nay con về đây với Má để chu toàn lời hứa với Má và cũng để vĩnh biệt Má. Xin Má tha lỗi cho chúng con vì những lần chúng con xúc phạm đến Má. Xin Má cầu nguyện và phù hộ cho chúng con để anh chị em chúng con được hiệp nhất với nhau. Xin Má phù hộ cho Ba trong những ngày cuối đời sống lẻ loi một mình không có Má. Phần chúng con sẽ cố gắng sống hiệp nhất với nhau để lời ước nguyện của Má trở thành sự thật. Má hãy yên tâm ra đi. Xin Chúa sớm đưa Má về đến Vương Quốc vĩnh cữu của Người. Vĩnh biệt Má thân yêu của chúng con”.

         Con kính dâng Má lời tạ ơn nhân ngày lễ Thanksgiving vì Má đã sinh ra con làm người và làm con Chúa. Cũng xin tri ân tất cả những ai đã phúng viếng, cầu nguyện và nâng đỡ gia đình chúng con trong những ngày đau buồn vừa qua. Xin Chúa ban ơn cho tất cả. Happy Thanksgiving!

Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD.

Việt Nam, Thanksgiving 22/11/ 2012

Friday, November 9, 2012

THÁNG CÁC LINH HỒN – MỘT CHÚT GÌ ĐỂ NHỚ, ĐỂ THƯƠNG



 Đã 9 ngày trong tháng 11, tháng các linh hồn đã trôi qua mà nếu viết theo tiếng Việt thì người ta tưởng nhầm là biến cố 9/11. Những ngày qua chúng tôi có nhiều sự kiện đặc biệt tại nước Paraguay mà chúng tôi đã xem như là quốc gia thứ II của mình dù có những lúc “cơm không lành, canh không ngọ”. Tuy nhiên, vì chúng tôi đã đính ước với quốc gia này trong ngày chúng tôi nhận thánh giá truyền giáo nên chúng tôi phải cố gắng sống và yêu quí nó như là khuế ước của một cuộc hôn nhân.
Những năm đầu của cuộc sống truyền giáo ở đây chúng tôi đã gặp biết bao cơn song gió và thử thách- nào là ngôn ngữ, thức ăn, thời tiết… và có một lần thập tử nhất sinh phải nằm 3 tuần trong phòng cấp cứu. Có những lúc mình phục vụ mà dường như chẳng ai thèm giòm ngó hay tỏ lòng biết ơn mình. Những lúc ấy chúng tôi đã muốn bỏ cuộc và quay về quê hương của mình để nếu có chết thì cũng được gần bên những người thân và đồng hương của mình. Có lẽ những năm đầu tiên ấy chúng tôi chưa cảm nghiệm và chưa “yêu” người “tình truyền giáo” của mình, chưa thật sự hiểu công việc và cam kết của mình nên đã có những ý nghĩ tiêu cực ấy.
Vậy mà… thấm thoát đã nhiều năm trôi qua, bây giờ chúng tôi làm việc trong môi trường đào tạo để huấn luyện các nhà truyền giáo trong tương lai. Chúng tôi có dịp ngồi lại ngẫm nghĩ những công việc và những gì xảy ra trong qua khứ để gợi lại một chút gì để nhớ, để thương.
Trong những ngày cuối tháng 10 vừa qua, chúng tôi có cuộc họp Đào tạo liên vùng bao gồm các Bề trên và các nhà Đào tạo thuộc các nước nói tiếng Tây Ban Nha để định hướng về việc huấn luyện vì những năm gần đây ở các nước Âu châu và châu Mỹ La-tinh đang có sự khủng hoảng ơn gọi trầm trọng. Chính vì thế, các vị Bề trên và các nhà Đào tạo thuộc các nước có cùng văn hóa, ngôn ngữ giống nhau muốn hình thành các Liên Chủng Viện Quốc tế hay các Trung Tâm Đào Tạo Ơn Gọi liên quốc gia để vừa tiết kiệm được nhân lực và kinh tế và cũng để có thể hợp tác với nhau trong những vấn đề quốc tế nữa.
Trong những ngày hội họp đó chúng tôi được nghe những vị linh mục đồng nhiệm chia sẻ về tình hình kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa của từng quốc gia mà họ đang làm việc. Chúng tôi cũng được nghe những kinh nghiệm truyền giáo của từng người trước khi được bầu làm Bề trên hay được bổ nhiệm làm việc trong công tác huấn luyện. Nếu so với người Á châu và người Việt thì chúng tôi cũng không đến nỗi nhỏ con lắm, nhưng nếu so với những người Âu châu và châu Mỹ La-tinh thì chúng tôi là người thấp bé nhất nhưng đó không phải là điều gì to tát mà hệ tại ở chỗ là chúng tôi hiểu nhau và làm việc rất ăn ý với nhau.
Một trong những cậu chuyện mà tôi rất thích khi một anh em linh mục người Ấn độ đang làm việc ở Colombia kể chúng tôi nghe trong những năm đầu cha được sai đến làm việc ở một giáo xứ toàn dân đầu gấu bên ấy. Cha kể rằng chỗ giáo xứ cha ở toàn là dân nghiện ngập, cướp bóc và đâm chém xảy ra như cơm bữa. Một buổi tối khi cha ta đang ở nhà một mình và chuẩn bị đi ngủ thì nghe tiếng động bên nhà dưới. Cha vội chạy xuống xem thì thấy hai tên cướp đang dở mái ngói trèo xuống nhà định cướp. Vừa thấy cha, chúng vội rút dao định đâm để tẩu thoát. Cha khá bình tĩnh và cũng chạy lại cầm con dao phay thật lớn và nói với bọn cướp : “Nếu tụi bay muốn đâm tao thì nhào vô coi thử đứa nào chết!”. Bọn cướp nghe vậy cũng hoảng hồn vì biết không dễ gì ăn hiếp ông cố đạo có vẻ bạo lực và không sợ chết này nên vội bỏ đi. Mấy ngày sau chúng quay lại gặp ông cha và hứa từ đó trở đi sẽ không đi cướp nữa nhưng nếu cha có việc gì làm thì cho chúng làm để có thể đổi nghề. Cũng từ đó ông cha này đã tạo nhiều việc làm cho xóm đạo đó và cũng bớt đi tệ nạn cướp bóc và đâm chém. Ngay cả cảnh sát và chính quyền cũng ngạc nhiên khi biết tin này. Qua đó cũng thấy rằng không phải lúc nào “nhu cũng thắng cương” nhưng đôi lúc cũng phải tỏ ra mạnh mẽ và cứng rắn trước những sự kiện mà xem ra khó giải quyết. Chính lúc đó Thiên Chúa sẽ ra tay để giúp chúng ta.
Rạng sáng ngày 31/10 vừa qua, đúng ngày chúng tôi kỷ niệm thụ phong linh mục, cha Bề trên ở đây có nhờ chúng tôi đi đón một anh em linh mục người Việt nhưng được đào tạo và thụ phong linh mục bên Chicago, Hoa Kỳ vào tháng 5 năm nay và có bài sai truyền giáo bên Paraguay. Người anh em này từng thực tập mục vụ hơn 2 năm ở quốc gia láng giềng Argentina nên khả năng tiếp thu tiếng Tây Ban Nha khá tốt. Sau khi chịu chức linh mục tại Hoa Kỳ, vị linh mục trẻ này cũng về Việt Nam nơi từng chôn nhau, cắt rốn để dâng lễ tạ ơn và vinh qui bái tổ. Khi được hỏi là tại sao lại chọn Paraguay hay Argentina mà không chọn một quốc gia khác để làm việc truyền giáo vì ở các nước Nam Mỹ có hơn 90% dân số Công giáo thì anh em linh mục trẻ này trả lời rằng lí do chọn Paraguay cũng chỉ vì hơn 2 năm ở Argentina anh ta đã chứng kiến việc tham dự dự thánh lễ Chúa nhật của những quốc gia được xem là Công giáo toàn tòng này chỉ có vỏn vẹn mấy người. Anh ta muốn làm một cái gì đó theo lời mời gọi của Đức Chân Phước Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II là “Tân Phúc Âm Hóa và Tái truyền giảng Tin Mừng” cho những người được xem là Công giáo mà không thực hành Công giáo. Xin chào mừng người anh em. Như vậy là hiện giờ ở Paraguay có 3 anh em linh mục Việt Nam thuộc Dòng Ngôi Lời và  4 Tu Sĩ trẻ Dòng Don Bosco. Lẽ ra một anh em linh mục nữa từ Việt Nam đã phải qua đây từ lâu vì có bài sai hơn 2 năm qua nhưng vì chưa dám dấn thân và thích ở lại Việt Nam để được tận hưởng thêm những vinh quang trần thế vì có lẽ chỉ ở Việt Nam hay ở các xứ có người Việt mình thì linh mục được được chăm sóc khá chu đáo. Đó cũng là một lựa chọn.
Hôm nay là ngày 9/11, Lễ Cung Hiến Đền Thờ thánh Gioan La-tê-ra-nô, đây là ngày kỷ niệm ngày lễ mở tay linh mục mà chúng tôi cử hành tại giáo xứ Phương Nghĩa, nơi chúng tôi lớn lên. Dù chúng tôi tôi sinh ra và được rửa tội ở Giáo xứ Đồng Tiến- Sài Gòn. Nhưng do thời cuộc và sau biến cố 1975, gia đình chúng tôi bị đẩy lên vùng kinh tế mới và từ đó chúng tôi lớn lên và gắn bó với giáo xứ mới này. Ngày chịu chức linh mục là ngày 31/10 cùng với 6 anh em thuộc các tỉnh khác nhau nên chúng tôi chia nhau khác ngày để tất cả cùng nhau hiện diện trong thánh lễ mở tay như là một khởi đầu của sự hiệp thông. Nhìn những bức hình chụp chung với các linh mục trong ngày lễ mở tay cách đây không lâu nhưng hiện giờ nhiều người không còn nữa, trong đó có những người mà mình rất thân. Vẫn biết cuộc sống tạm bợ này nay còn mai mất nhưng khi nghe tin một người nào đó mà mình thân, mình quen biết ra đi là mắt lại cay cay. Mới Chúa nhật rồi có một người quen ở Đức quốc báo tin để cầu nguyện cho mẹ anh vừa qua đời ở Việt Nam và anh không thể về thọ tang mẹ vì chưa xin phép được và nghe giọng anh nghẹn ngào dù anh đã gần 60. Nghe nhắc đến mẹ làm chúng tôi cũng chợt buồn vì mẹ mình cũng đang đau nặng có lúc tỉnh, lúc mê không biết khi nào Chúa gọi về. Nhớ lại những câu ca dao về cha mẹ mà lòng chợt nhói đau nếu ngày nào đó mình không còn cha mẹ “Còn cha còn mẹ thì hơn; Không cha, mất mẹ như đờn đứt dây!”. Cũng đôi tay linh mục này chúng tôi đã từng cử hành biết bao thánh lễ, trong đó có lễ rửa tội, lễ rước Chúa lần đầu, lễ cưới… và lễ an táng cho biết bao người nhưng không biết chúng tôi có được diễm phúc để gặp cha mẹ mình lần cuối để làm tròn chữ hiếu hay không!
Tháng 11- Tháng Các Linh Hồn, xin dành những giây phút đặc biệt này trong dịp kỷ niệm lễ mở tay để cầu cho những người thân yêu đã qua đời. Xin Chúa tha thứ những tội lỗi của những người thân chúng con còn thiếu sót khi ở trần gian và cho các ngài sớm được hưởng hạnh phúc muôn đời trong Vương Quốc Vĩnh Cửu của Người. Amen.             
           9/11/2012 – Kỷ niệm Thánh Lễ Mở tay
Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD.