Sunday, October 21, 2012

PARAGUAY – KHÁNH NHẬT TRUYỀN GIÁO




Vài suy tư trong công tác huấn luyện 
Tháng 10, tháng Mân Côi, tháng Truyền giáo- Giáo Hội mừng kính nhiều vị Thánh lớn trong đó có 2 vị Thánh Nữ cùng tên Tê-rê-xa thuộc Dòng Kín nhưng lại được Giáo Hội tôn phong là tiến sĩ Hội Thánh. Trong tháng 10 này lại có nhiều sự kiện đặc biệt là ngày 11 tháng 10, trong dịp lễ kính Chân phước Giáo hoàng Gio-an XXIII, Giáo hội đã khai mạc Năm Đức Tin để kỷ niệm 50 năm Khai Mạc Công Đồng Va-ti-ca-nô II và cũng để ghi nhớ kỷ niệm 20 năm Chân phước Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II công bố Sách Giáo Lỷ‎‎ Hội Thánh Công Giáo.
Trong chiều hướng đó, chúng tôi-những tu sĩ thuộc Dòng Truyền Giáo Ngôi Lời đã cố gắng tìm hiểu, học hỏi và áp dụng những Văn kiện của Giáo hội cho công việc chuyên môn của mình, nhất là giúp các nhà truyền giáo tương lai đang trong giai đoạn đào tạo ‎ý thức hơn về sứ mạng truyền giáo của Giáo hội và của Hội Dòng.
Như chúng tôi đã từng chia sẻ trong các bài trước, kể từ mấy năm qua chúng tôi làm công tác huấn luyện và công việc chính là đồng hành với các nhà truyền giáo tương lai trong Chủng Viện Truyền giáo và thăng tiến ơn gọi cho Tỉnh Dòng.
Ngay từ đầu khi được Bề trên chỉ định làm việc trong vai trò đào tạo những tu sĩ truyền giáo tương lai, chúng tôi không mấy hứng thú lắm vì cảm thấy bị gò bó và phải tiếp tục quay lại sống một môi trường mà trước đây mình đã từng sống trong những năm đào tạo cho đến khi trở thành linh mục truyền giáo. Tuy nhiên, khi suy tư những lời chia sẻ khá mộc mạc nhưng đầy trách nhiệm của Đức cố Hồng Y Phan-xi-cô Xa-vi-e Nguyễn Văn Thuận khi ngài viết : “Tôi chọn Chúa chứ không chọn công việc của Chúa” đã giúp chúng tôi dấn thân hơn trong lĩnh vực “trồng người” này để có thể làm việc một cách vui vẻ và giúp các tu sĩ truyền giáo tương lai nhận ra chân giá trị đích thực của việc truyền giáo. Chúng tôi đã cố gắng yêu mến công việc mình đang làm dù đó là một công việc khá khó khăn và nhiều thách đố trong sự nghiệp trồng người vì đó cũng là một cách thế truyền giáo gián tiếp để cung cấp nhân sự  trong cánh đồng truyền giáo tương lai.
Vì sống trong môi trường quốc tế và các chủng sinh cũng thuộc nhiều quốc gia khác nhau nên công việc đào tạo không mấy dễ dàng. Anh em trong Ban Đào Tạo chúng tôi phải cập nhập cách thức huấn luyện sao cho phù hợp với phong tục tập quán, văn hóa của từng quốc gia để các tu sĩ tương lai cảm thấy như họ đang sống trong ngôi nhà đích thực của mình.
Lúc đầu chúng tôi cảm thấy khó chịu trong cách xưng hô và ăn mặt của các em vì các chủng sinh có em thì đầu cạo trọc, có em thì để râu ria hay tóc tai thật dài. Quần áo thì ăn bận đôi khi hơi lượm thượm; Một vài thánh lễ ở cộng đoàn có em chỉ vận quần Short và áo Mai-ô vào mùa Hè thấy chướng làm sao. Tuy khó chịu nhưng cũng may là chúng tôi chưa phản ứng vì mình đã rút kinh nghiệm của người xưa đã từng nói : “No mất ngon, giận mất khôn”. Còn nhớ ngày xưa khi chúng tôi ở trong giai đoạn đào tạo, một vị tu sĩ đào tạo rất tốt nhưng tính tình nóng như lửa và hễ là bợp tai hay đấm đá túi bụi nên gây nhiều đau khổ cho chúng tôi đến bây giờ. Bởi thế chúng tôi không muốn lập lại chuyện này vì không có lợi cho cả đôi bên. Trong các cuộc họp đào tạo, chúng tôi nêu những thắc mắc của mình về cung cách ăn mặt và xưng hô giữa thầy và trò. Một linh mục người Argentina trong Ban Đào Tạo mới tâm sự rằng ở vùng Châu Mỹ La-tinh này mà buộc các chủng sinh mặc tu phục hay đồng phục là một sự xúc phạm ngoại trừ các Dòng Phan-xi-cô và các Đan Viện. Vị này còn nói thêm rằng điều quan trọng không phải là yếu tố bên ngoài như chiếc áo Dòng hay là xưng hô khách sáo, chỉ cần đào tạo những tu sĩ trưởng thành và có nhân cách thì có thể chinh phục được người khác. Chúng tôi thấy cũng có lý vì chính anh em này sống khá giản dị, không cầu kỳ nhưng có một nhân cách đáng nể phục. Chúng tôi cũng rất tôn trọng từng chủng sinh trong cách ứng xử và văn hóa của từng em vì mỗi em là một thế giới khác biệt với tính cách, khả năng và chúng tôi không muốn các em đánh mất chính mình nhưng chỉ hướng dẫn các em tìm thấy những điểm chung trong sự khác biệt. Chúng tôi không muốn tạo ra những “con gà công nghiệp” nghĩa là đào tạo ra các tu sĩ truyền giáo tương lai đều như nhau nhưng mong muốn mỗi tu sĩ  tương lai với ơn riêng của mình, mỗi người phải là một nhân cách sống động và sống trách nhiệm để có thể làm phong phú tính cách đa dạng nhưng hiệp nhất của một Dòng Truyền giáo Quốc tế.         

Khánh Nhật truyền giáo
  Ngày đầu tháng 10, lễ thánh Tê-rê-sa Hài Đồng Giê-su, bổn mạng các xứ truyền giáo. Chúng tôi dâng thánh lễ đồng tế tại một giáo xứ mà chúng tôi đang giúp mục vụ. Đức Tổng Giám Mục mới nhậm chức của Tổng Giáo Phận thuộc Dòng Don Bosco nói chuyện rất thân tình với chúng tôi trước và sau thánh lễ, và dù ngài biết chúng tôi đang làm công tác Huấn Luyện nhưng vẫn hỏi chúng tôi liệu có thể đảm nhận chính thức hai giáo điểm gần Chủng viện của chúng tôi hay không vì Tổng Giáo phận đang thiếu linh mục trầm trọng. Chúng tôi có trả lời với ngài rằng danh chính ngôn thuận như là một cha xứ thì chúng tôi không nhận vì người làm đào tạo không thể đảm nhận thêm vai trò cha xứ, nhưng về mục vụ thì chúng tôi chưa bao giờ từ chối chuyện gì trong hai giáo điểm này. Chúng tôi luôn ‎ý thức rằng một khi đã dấn thân trở thành linh mục thì không được quyền từ chối phục vụ khi giáo hội cần đến mình.
Chúng tôi cũng rất vui khi tham dự tháng lễ bổn mạng của các anh em Dòng Phan-xi-cô Át-xi-di vào ngày 4 tháng 10 vừa qua mà bên này có rất nhiều nhánh Phan-xi-cô như Phan-xi-cô Ca-pu-chi-nô, Phan-xi-cô Viện Tu, Phan-xi-cô Hèn Mọn… Ngày 4 tháng 10 cũng là Ngày Thế giới của động vật vì thánh Phan-xi-cô là vị thánh rất yêu mến các con vật nên rất nhiều người đem các con vật cưng của mình như chó, mèo đi tham dự thánh lễ và sau đó được các tu sĩ Phan-xi-cô rảy nước Phép chúc lành. Đây là một truyền thống tốt đẹp chứ không phải là điều gì là mê tín vì giống như khi linh mục làm phép nhà, thì ngài cũng rảy Nước Phép trên tất cả các đồ vật trong nhà. Các anh em Phan-xi-cô cũng tổ chức những cuộc đi bộ đường dài đề cầu nguyện còn gọi là đi bộ trong tháng truyền giáo dù những ngày này thời tiết Paraguay đã bắt đầu nóng bức.
Chúng tôi cũng tố chức cho nhóm trẻ trong các giáo điểm đi thăm các trại tù nhằm giúp các em ‎ý thức hơn về tình liên đới và cũng để các em khi nhìn thấy các nhà tù và những tù nhân khốn khổ đang thi hành án phạt nên tránh xa cách tội phạm để xã hội bớt đi những ung nhọt. Chúng tôi làm những điều này để gây cho các em ‎ý thức trong tháng truyền giáo vì nguyên nghĩa của từ truyền giáo là sai đi. Ban đầu có nhiều em rất sợ khi nhìn thấy những người tù mặt mày bặm trợn và thân thể được xăm nhiều hình thù kỳ quái bị nhốt 4 hay 5 người trong một phòng chật chội. Nhưng khi chúng tôi chào hỏi và tặng những ảnh thánh và các sách thiêng liêng bỏ túi được mang theo thì những người tù này cảm ơn và tỏ thái độ thân thiện. Các bạn trẻ đi với chúng tôi từ đó cảm thấy tự tin hơn và bắt đầu có những cuộc tiếp xúc thân tình với những tù nhân. Chúng tôi cũng quan sát thấy trong số những tù nhân bặm trợn ấy có một vài người mắt ứa lệ và chúng tôi biết rằng trong lòng họ đang có những giằng co để mong sớm trở lại một cuộc sống bình thường.
Đầu tháng này chúng tôi tiếp đón hai linh mục trẻ cùng Dòng, một đến từ Indonesia và một đến từ Papua New Guinea. Cả hai mới thụ phong từ đầu năm nay và nhận bài sai đến phục vụ truyền giáo tại Paraguay. Cha Giám tỉnh ở đây đã nhờ chúng tôi đồng hành hai linh mục mới này để hướng dẫn việc học ngôn ngữ và mục vụ những năm đầu trong sứ vụ truyền giáo. Vì hai anh em này chưa biết tiếng Tây Ban Nha nên chúng tôi giao tiếp với nhau bằng tiếng Anh. Nhớ lại những ngày đầu khi mới đặt chân đến Paraguay chúng tôi đã gặp biết bao khó khăn về ngôn ngữ, văn hóa, phong tục, tập quán và ăn uống nên chúng tôi cố gắng làm điều gì có thể để giúp hai linh mục mới này cảm thấy an tâm và có nhiệt huyết truyền giáo vì vạn sự khởi đầu nan. Như một người anh đi trước, chúng tôi đã hướng dẫn đàn em của mình những kinh nguyện thương đau để các anh em không lập lại. Người anh em linh mục đến từ Papua New Guinea là dân tộc thiểu số nên cách giao tiếp và học hành hơi chậm so với anh em đến từ Indonesia. Chúng tôi đã động viên nhiều để người anh em này không có cảm giác bị bỏ rơi. Các anh em mới này rất tin tưởng chúng tôi và bất cứ điều gì cũng tâm sự, trao đổi và cảm thấy thoải mái ngay từ đầu. Nhiều lúc tự hỏi mình an ủi người khác sao chính mình lại không được an ủi. Sao ngày xưa mình gặp nhiều khó khăn nhiều khi muốn gục ngã mà nếu được một anh em linh mục ở đây hiểu mình thì hay biết mấy! Nhưng khi nghĩ lại thì thấy chính Chúa là niềm ủi an duy nhất của mình và Ngài đã chuẩn bị cho mình tất cả.
Hôm nay là Khánh Nhật Truyền giáo và chúng tôi cũng có những hoạt động cho ngày đặc biệt này để nhắc nhở mọi người biết ơn gọi và sứ mạng của mình. Chúng tôi có mời gọi những giáo dân bên cạnh Chủng Viện mà bấy lâu nay nguội lạnh không hề tham dự thánh lễ và các bí tích. Nhiều người rất ái ngại không muốn đi vì có vẻ sợt sệt nhưng chúng tôi thăm họ vài ngày trước đó để khuyến khích họ. Giữ đạo thỉ rất dễ nhưng sống đạo mới khó. Thường thì chúng ta chuộng hình thức và muốn có những buổi lễ tiệc rình rang để mời gọi sự chú ý nhưng có một điều khác quan trọng hơn mà chúng ta cố tình tránh né là một sự kết dính, một đời sống nội tâm mà nếu thiếu vắng nó thì những việc chúng ta làm đều vô ích. Chúng tôi, những người đang mong muốn trở thành chất kết dính ấy đang cố gắng hiệp nhất những anh chị em đang sống bơ vơ cần người nâng đỡ.     
Mấy tuần qua chúng tôi có nhận được email của các anh em linh mục từ nhiều nơi báo tin về các hộp thư điện tử bị hacker thâm nhập và gởi đến các địa chỉ thân quen để xin xỏ tiền bạc và quà tặng. Nếu ngày nào đó mà quí vị nhận được một email với tên của chúng tôi mà mục đích là xin tiền hay có một dụng ý xấu xa nào đó thì quí vị biết rằng email của chúng tôi cũng đã bị hacker. Truyền thông đích thật là truyền thông nối kết và đem lại lợi ích cho mọi người. Trái nghịch với điều đó là chia rẽ và bịp bợm. Xin chúc mừng tất cả các nhà truyền giáo. Felicidades!           
Khánh Nhật truyền giáo 2012
             Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD.