Saturday, March 24, 2012

CHÂU ÂU KÝ SỰ (1)



 Vào những ngày đầu tháng 3, sau khi sắp xếp mọi việc với các anh em trong Ban Đào Tạo và các nơi mình làm mục vụ, chúng tôi đã đáp chuyến bay từ thủ đô Asunción của Paraguay để đi Âu châu tham dự khóa học đào tạo cho các nhà truyền giáo Ngôi Lời đang làm việc ở các nơi trên thế giới. Anh hai lúa như chúng tôi  được nhà Dòng cho đi Âu châu để hội nhập với các anh em Ngôi Lời trên thế giới trong công tác huấn luyện cũng là một niềm vui nhưng cũng là một trách nhiệm lớn cho sứ vụ.
Trên chuyến đi từ phi trường Asuncion của Paraguay đến Brazil, chúng  tôi có gặp 2 nữ tu người Argentina thuộc Tu hội Schoenstatt, một phong trào cổ võ lòng sùng kính Đức Mẹ đang rất phát tiển ở các quốc gia Nam Mỹ. Các Soeurs khá vui vẻ, thân thiện với hết mọi người trong cuộc hành trình và còn tặng nhiều hình ảnh như là một cách truyền giáo. Khi các Soeurs biết chúng tôi là dân truyền giáo Dòng Ngôi Lời, các Soeurs rất thích thú vì từng được các tu sĩ Dòng Ngôi Lời chia sẻ dịp tĩnh tâm ở các cộng đoàn và Tu hội của các Soeurs. Chúng tôi nói chuyện với nhau như những người thân quen dù chỉ mới gặp nhau lần đầu.  Đến phi trường São Paolo của Brazil, chúng tôi phải chia tay nhau mỗi người mỗi hướng vì các Soeurs đáp chuyến bay đi Tây Ban Nha, còn chúng tôi thì đến Đức quốc.
Sau nhiều giờ bay từ phi trường São Paolo- Brazil, chúng tôi đã đến một trong những phi trường hiện đại nhất thế giới của nước Đức, phi trường Frankfurt.
Vì lần đầu tiên đến Ấu châu nên chúng tôi chưa có một tí kinh nghiệm nào nên đã gặp một vài trục trặc tại hải quan. Lâu nay chúng tôi thường nghe nói người Đức khá lạnh lùng và nguyên tắc, và chúng tôi cũng đã kinh nghiệm điều đó khi làm việc với các cha cùng Dòng và những giáo dân người Đức tại Paraguay. Tuy tính cách và vẻ bề ngoài của họ như vậy, nhưng công bằng mà nói chưa có dân tộc nào làm việc từ thiện bác ái qua các tổ chức phi chính phủ một cách quảng đại như nước Đức.  Lí do tôi bị trục trặc giấy tờ mà phần lớn là do chúng tôi khá bất cẩn khi làm Visa ở Paraguay nên những nhân viên hải quan đã làm việc khá nghiêm túc nhưng rất lịch sự khiến không ai có thể bắt lỗi một tí nào. Tôi đành phải ở phi trường để chờ hoàn tất thủ tục trước khi về trụ sở ở Dòng tại học viện Sank Augustin, Đức quốc. Trong khi chờ đợi ở đó tôi quan sát nhiều thứ và thấy được nhiều điều cần học hỏi của một quốc gia công nghiệp và văn minh này. Ngẫm nghĩ lại mà thương cho quốc gia Paraguay nơi mình đang phục vụ và đất mẹ Việt Nam của mình biết đến bao giờ mới theo kịp đà tiến của thế giới hiện đại.
Các nước Tây Âu mùa này đang là cuối đông nên thời tiết vẫn còn se lạnh. Nhiệt độ ở Paraguay khi chúng tôi rời phi trường là 38 độ C, trong khi ở ở Đức thời tiết lúc này là 6 độ C nên cơ thể tôi chưa thích ứng ngay được.
Vì có liên lạc trước với một anh em linh mục Việt Nam cùng Dòng đang làm việc ở Netherlands nên người anh em này có sắp xếp cho chúng tôi dâng lễ ở một cộng đoàn nhỏ vào ngày cuối tuần. Lâu rồi được dâng thánh lễ và chia sẻ bằng tiếng mẹ đẻ cảm thấy sung sướng vô cùng. Đặc biệt hơn là sau thánh lễ chúng tôi còn được thưởng thức những món ăn thuần Việt của những người Việt xa xứ, được nói chuyện hài hước và được chia sẻ những chuyện vui buồn của nhau. Cũng có hai tu sĩ trẻ người Việt cùng Dòng đang tu học năm cuối tại học viện Sank Augustin hướng dẫn chúng tôi thăm đây đó để biết thêm những cảnh đẹp của Tây âu. Trong bữa ăn trưa tại học viện nổi tiếng Sank Augustin của tỉnh Dòng SVD Đức quốc, chúng tôi nhận thấy có rất nhiều tu sĩ linh mục của các Dòng từ các nước đến trọ học, mọi người đều trò chuyện vui vẻ với nhau và chúc mừng nhau khi biết có một số khách từ xa đến. May mà mình biết trọ trẹ vài ngôn ngữ đế tiếp xúc nên không cảm thấy bị lạc lõng giữa chốn đông người.
Trước chuyến đi chúng tôi tự hỏi mình là đi Âu châu để xem gì đây. Tôi cũng lập lại câu hỏi đó với anh em linh mục từng học ở Đức thì ngài trả lời tôi rằng nếu đi Âu châu mà không thăm viếng các thánh đường là một thiếu xót lớn vì đây là cái nôi của các thánh đường cổ kính được xây dựng khá công phu từ nhiều thế kỷ qua. Thực tình thì cựu lục địa này đã từng có biết bao vị thánh sáng lập các Dòng tu lớn trong Giáo Hội và từng gởi các nhà truyền giáo đến các nước Á châu, Mỹ châu, Phi châu và Úc châu để rao giảng Lời Chúa và từng giúp nhân lực, tài lực cho các nước chậm phát triển. Nhìn thấy những tu viện, những thánh đường được xây dựng từ nhiều thế kỷ qua mà đến nay vẫn còn kiên cố vẫn còn hiện đại và mang nét huyền bí khiến cho Âu châu trở thành một trung tâm hành hương đầy thú vị. Ngày xưa những tu viện ấy, những thánh đường đó đầy ấp những tu sĩ, những tín hữu, thế mà nay chỉ còn lát đát những vị tu sĩ về hưu lớn tuổi trở về từ những vùng truyền giáo sinh sống, những giáo dân già nua tham dự thánh lễ. Thậm chí có những tu viện hay thánh đường giờ đây chỉ giành làm viện bảo tàng hay cho thuê vì không còn người để bảo quản nữa. Nhìn thấy điều đó mà xót xa cho Giáo Hội khi mà có những nơi dồi dào ơn gọi mà lại phải sống chui rút, khốn khổ trong khi nơi khác thì đầy đủ tiện nghi, thừa tự do mà lại vắng bóng ơn gọi.
Đời sống vật chất cũng như tinh thần ở Âu châu thì khỏi phải nói vì đây là một quốc gia tự do và là một thế giới tiêu thụ với phương châm là “ăn ngon, mặc đẹp” chứ không còn là “ăn no, mặc ấm nữa”. Lúc ở phi trường Frankfurt, tôi có mua một chai nước uống mà giá tới 5 Euro (tương đương với 150.000 đồng Việt Nam hay khoảng 30 ngàn Guaranies của Paraguay). Với số tiền 5 Euro, chúng tôi có thể sống hai ngày ở Paraguay. Vậy mà ở Âu châu này, số tiền 5 Euro đó chỉ bằng một chai nước suối thì cũng thấy đời sống của họ cao gấp nhiêu lần các nước chậm phát triển. Chính vì thế người dân ở đây rất coi trọng đến phẩm giá và mạng sống con người. Đối với họ, sự chết là một điều gì đó khó chấp nhận và nếu một người nào chết thì được an táng cẩn thận và nghĩa trang của họ cũng giống như một thành phố xinh đẹp.           
Như đã chia sẻ, khóa học mà chúng tôi tham dự là khóa tu nghiệp giành cho những nhà đạo tạo của Dòng Truyền giáo Ngôi Lời đang làm việc trên thế giới. Chính vì thế, có rất nhiều tham dự viên đến từ nhiều quốc gia khác nhau như Slovakia, Indonesia, Ba-lan, Brazil, Philippines, Ấn Độ, Zambia, Congo, Trung quốc, …. Việt Nam cũng có 6 thành viên linh mục tham dự nhưng đang làm việc ở các nước khác nhau (3 đang làm việc tại Việt Nam, 1 đang làm việc ở Chicago-Hoa Kì, 1 đang làm việc tại Đài Loan và 1 đang làm việc tại Paraguay). Mỗi tham dự viên ít nhất phải biết 2 ngôn ngữ ngoài tiếng mẹ đẻ. Khóa học sử dụng tiếng Anh là chính và đội ngũ giảng viên cũng đến từ nhiều quốc gia khác nhau nên thật là lí thú.
Chương trình khóa học khá nặng từ thứ Hai đến thứ Sáu, một số ngày thứ Bảy chúng tôi cũng có thời khóa biểu rất nghiêm túc. Có những buổi chia sẻ nhóm nhỏ hay nhóm lớn và mỗi người đều phải phát biểu. Chúng tôi nhận thấy các anh em linh mục người Ấn Độ, Philippnes và Indonesia cũng là châu Á với mình nhưng họ rất tự tin dù tiếng Anh của họ đâu có ngon lành gì. Người Việt Nam của mình có tình nhút nhát, rụt rè và cứ mong muốn mọi điều đều hoàn hảo nên trên lĩnh vực quốc tế mình cứ thua người ta. Học ngoại ngữ mà cứ yêu cầu phải nói giống như người bản xứ thì biết đến bao giờ mới nói được. Cứ tưởng tượng xem mình đòi hỏi một người nước ngoài nói tiếng Việt như người Việt hoặc ngược lại thì có nên lắm không. Vậy tại sao mình cứ muốn là người hoàn hảo cả trong ngôn ngữ! Ngôn ngữ chẳng qua chỉ là để diễn tả điều mình muốn nói để người khác hiểu, nếu trong cuộc nói chuyện mà mọi người cùng hiểu 100% là điều lí tưởng, còn không thì chỉ cần hiểu được người bên kia nói gì cũng đủ để cảm thông nhau. Chúng tôi không muốn biện minh cho những người không thông thạo ngôn ngữ nhưng chỉ muốn nói rằng trong cuộc đàm thoại, yếu tố tự tin luôn giúp chúng ta thắng được mình.
Trong những tuần lễ đầu của khóa học, chúng tôi trọ tại Trụ Sở truyền giáo đầu tiên của Dòng, còn gọi là Nhà Mẹ- nơi mà Đấng Sáng Lập- thánh Arnold Janssen đã thành lập cách đây 137 năm. Trụ sở ấy ở Steyl bên Hà Lan, giáp với biên giới nước Đức. Sau những giờ học, chúng tôi lần lượt ghé thăm và sống lại những nơi mà Đấng Sáng Lập và những vị đồng sáng lập đã sinh ra, đã từng sống và nhất là những giây phút cuối đời của các ngài để hiểu thêm về linh đạo và đường hướng của Dòng. Trước đây chúng tôi chỉ được biết các ngài qua hình ảnh, qua những buổi thuyết trình hay chỉ nghe kể lại từ xa. Trong khóa học này chúng tôi được xem tận nơi, thấy tận mắt những gì ngài đã từng làm. Chúng tôi được đụng chạm những kỉ vật của các ngài, được gặp những người thân của các ngài kể lại những bút tích sống động khiến trong lòng thấy phấn chấn thêm. Chúng tôi cùng nhau hội thảo, chia sẻ những về văn hóa, phong tục tập quán của quốc gia mà mình sinh ra cũng như các quốc gia mà chúng tôi đang thi hành sứ vụ. Chúng tôi cũng đào sâu linh đạo và di sản tinh thần mà các vị sáng lập đã để lại. Chúng tôi cũng có những buổi tối ngồi bên nhau với những bữa ăn A-ga-pê để chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn trong sứ vụ truyền giáo dù chúng tôi thuộc những quốc gia, ngôn ngữ và màu da khác nhau. Những buổi chia sẻ ấy nối kết chúng tôi xích lại gần nhau hơn dù chúng tôi khác nhau về mọi phương diện, nhưng có chung một tấm lòng và một sứ mạng là đem Chúa đến cho những ai chưa nhận ra Ngài.
Có một anh em linh mục Việt Nam cùng Dòng đã từng phục vụ nhiều năm ở Đức và gần 5 năm nay chuyển qua Hà Lan làm việc về mục vụ ơn gọi. Anh em này đã đưa chúng tôi đi thăm nhiều nơi du lịch ở quốc gia được mệnh danh là cấp tiến về dân chủ và nhân quyền này. Vì là thổ địa của 2 quốc gia Đức và Hà Lan nên không nơi nào nổi tiếng và … cả tai tiếng nữa ngài đều chỉ cho biết. Ngài cũng đưa chúng tôi đến thăm một số gia đình Việt Nam thân quen và được gặp gỡ cha quản nhiệm cộng đồng Công giáo Việt Nam tại nước này để hàn huyên tâm sự. Nhìn thấy cha quản nhiệm hơi gầy còm nhưng phải chăm lo tất cả các cộng đoàn Việt Nam tại Hà Lan mà thương cho ngài. Lâu nay chúng tôi nghĩ chỉ có các nước Nam Mỹ mới thiếu linh mục, nhưng khi nghe cha quản nhiệm chia sẻ là có những Chúa Nhật hay các lễ trọng, ngài phải dâng 3 thánh lễ ở các nơi rất xa nhau và khi về đến nhà là nằm luôn. Đất mẹ Việt Nam mình còn đồi dào ơn gọi và nếu các đấng bề trên có một tầm nhìn xa thì nên chia sẻ cho các quốc gia mà trước đây cũng như bây giờ họ đã từng chia sẻ cho chúng ta về vật chất cũng như tinh thần.
Chúng tôi có một nhận xét không biết có quá lắm không là người Việt mình, nhất là người công giáo, dù sống ở đâu cũng còn giữ được nề nếp đạo nghĩa rất tốt là biết họp nhau lại để đọc kinh nguyện, nâng đỡ ơn gọi và nhất là quí mến các linh mục. Khi chúng tôi đến thăm những gia đình Việt Nam, họ tiếp đãi rất tốt, nấu những món ăn thật ngon cho chúng tôi ăn vì nghĩ rằng anh em truyền giáo chúng tôi thiếu thốn từ lâu. Lâu ngày những người Việt xa xứ gặp nhau nên nói chuyện thiên thu bất tận. Trong dịp này một số người Việt cũng có cơ hội trút bầu tâm sự qua bí tích cáo giải vì từ lâu rồi họ ngại ngùng.
Khóa học ở Hà Lan sẽ kết thúc vào cuối tháng này và sau đó chúng tôi sẽ chuyển qua Rô-ma cho giai đoạn II. Chương trình khóa học khá nặng nhưng rất lí thu vì chúng tôi tiếp thu được nhiều điều mới lạ cho công việc đào tạo của chúng tôi. Tuần tới là bắt đầu bước vào Tuần Thánh, tưởng niệm cuộc khổ nạn và Phục sinh của Chúa, chúng tôi sẽ có những ngày tĩnh tâm tại tại Kinh Đô của Giáo Hội và sẽ tham dự thánh lễ Phục sinh tại Đền Thánh Phê-rô. Xin cầu chúc mọi người bước vào Tuần Thánh sốt sắng để cùng nhau nói lên lời Hoan Ca Phục Sinh Alleluia-Alleluia-Alleluia. Happy Easter.                          
                             Netherlands, 23-3-2012
Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD. 

No comments:

Post a Comment