Chuyện kể rằng có một vị thương gia giàu có và đạo đức kia đột ngột qua đời và sau đó trình diện trước mặt Chúa. Ông ta tỏ vẻ buồn rầu và phàn nàn với Chúa. “Lạy Chúa, con không phàn nàn về chuyện Chúa gọi con đi. Nhưng con chỉ bực mình Chúa là sao Ngài không báo cho con biết trước để con có thể chuẩn bị hậu sự và trăn trối vài điều với vợ con của con”. Chúa ôn tồn trả lời với vị thương gia ấy rằng : “Con ơi, Ta đã thông báo với con nhiều lần mà con đâu có nghe!”. Vị thương gia khó chịu hỏi Chúa : “Ngài nói là đã thông báo với con! Làm gì có chuyện đó, sao con không biết!”. Chúa lại từ tốn đáp lời : “Lần thứ nhất, Ta báo với con là lúc con tổ chức sinh nhật lần thứ 50 với đông đủ gia đình, người thân. Lúc đó, mọi người chúc mừng con sống lâu trăm tuổi và gặp nhiều may mắn. Tại sao lúc đó con không biết chuẩn bị cho tương lai mình vì con biết rằng đời sống trên trần gian này chỉ là tạm bợ? Lần thứ hai Ta đã cảnh báo cho con khi con gặp một tai nạn. Vậy mà con cũng đâu có quan tâm gì đến chuyện đó. Và lần cuối cùng là năm vừa qua khi con bị cơn đột quỵ nhưng gặp thầy, gặp thuốc nên con đã bình phục nhanh chóng. Sao con không lo chuẩn bị trước cho cuộc sống vĩnh cửu mà bây giờ con lại vội trách Ta?”. Vị thương gia chợt hiểu ra và thôi không dám phàn nàn với Chúa nữa.
Tháng 11, đối với người Công
giáo, đó là tháng nhớ về những người đã khuất, về những bậc tổ tiên, ông bà cha
mẹ, còn được gọi là Tháng Các Linh Hồn. Đây cũng là tháng để nhắc nhở những
người đang sống biết lo và nghĩ đến hậu sự của mình, đừng để nước đến chân rồi
mới chạy rồi lại phàn nàn như vị thương gia giàu có vừa kể trên.
Ngày Chúa Nhật vừa qua tôi
sau khi dâng lễ tại họ đạo tôi phụ trách vào buổi sáng. Buổi chiều tôi dâng lễ
cho giới trẻ tại một giáo xứ của Dòng. Người ta báo cho tôi là bà thủ quỹ của
giáo xứ vừa bị tai nạn giao thông cùng với người cha, người em và con trai của
bà. Tất cả đều thiệt mạng. Tai nạn thảm khốc đã cướp đi sinh mạng của 4 người
trong cùng một gia đình. Cả giáo xứ người nào cũng có bộ mặt như đưa đám khiến
tôi cũng không khỏi mủi lòng. Trong bài chia sẻ Tin Mừng Chúa Nhật XXXII thường
nhiên A hôm ấy thật trùng hợp với nỗi ưu tư lo lắng của những người tham dự,
tôi đã chia sẻ về sứ điệp mà Chúa Giê-su đã cảnh báo : “Vậy anh em hãy biết
canh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào” (Mt 25, 13).
Tôi còn nhớ những ngày ở Việt Nam khi tham dự
các nghi thức tiễn biệt người quá cố, ca đoàn thường tấu lên bài hát được phổ
từ Thánh Vịnh 102 nghe thật buồn : “Đời sống con người giống như hoa cỏ. Như
bông hoa nở trên cánh đồng. Một cơn gió thoảng đủ làm nó biến đi. Nơi nó mọc
không còn mang vết tích…” (TV 102).
Thật
vậy, con người luôn mong muốn được sống lâu trăm tuổi, được cải tử hoàn sinh
nhưng không ai thoát khỏi cái chết dù điều đó không ai thật sự mong muốn. Bản án Chúa đã ghi: mọi người đều phải chết. Thánh
Âu-tinh từng nói: “Mọi sự dầu hay, hay dở, đều không chắc chắn, chỉ sự
chết là chắc chắn sẽ xảy đến.” Người Hồi giáo cũng có một câu kinh để nhắc nhở
mọi người về sự chết : “Tất cả mỗi người đều phải nếm cái chết, cái chết là vị
khách bước vào nhà của mỗi người dù lớn hay nhỏ, dù giàu hay nghèo... cũng
không cần phải xin phép gia chủ…”. Bởi thế
cuộc sống thật mong manh, mỏng dòn nhưng sao con người cứ mải mê thế sự mà
không biết chuẩn bị cho hậu sự để rồi cái ngày oan nghiệt xảy đến với mình thì
mình trở tay không kịp!
Người Công giáo có Tháng Các Linh
Hồn để nhớ về những người đã khuất và cầu nguyện đặc biệt cho họ. Người Phật
giáo có tháng Xóa Tội Vong Thân mà cao điểm là ngày Rằm Tháng Bảy âm lịch. Hồi
còn nhỏ tôi có được xem bộ phim “Mục Liên Thanh Đề” hay “Mục Liên tìm mẹ”, một
phim truyện Phật giáo thật hay nhưng lúc đó trí khôn của tuổi thơ tôi chẳng
hiểu được bao nhiêu. Sau này có thời gian tìm hiểu, tôi mới biết được nhân vật
Mục Liên, hay còn gọi là Bồ Tát Mục Kiền Liên đại hiếu đã cứu mẹ của mình ra khỏi kiếp ma quỷ vì mẹ của Mục
Liên kiếp trước đã từng gây nhiều nghiệp ác. Dù Bồ Tát Mục Kiền Liên rất thần thông quảng đại nhưng
không đủ sức cứu mẹ mình khỏi ngạ quỷ nên Đức Phật mới khuyên Mục Liên là hãy
biết hợp lực các chư tăng khắp mười phương mới mong giải cứu được. Làm theo lời Phật, mẹ
của Mục Liên đã được giải thoát. Phật cũng dạy rằng: chúng sanh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ
cũng theo cách này. Và cũng từ đó, ngày lễ Vu-lan ra đời vào rằm tháng 7 hàng
năm như là dịp để chúng sanh báo hiếu cha mẹ.
Tôi được sinh ra
trong một gia đình mà bên nội là Công giáo còn bên ngoại là Phật giáo. Cũng vì
điều đó mà tôi phải cố gắng tìm hiểu để không làm phật lòng hai bên nội ngoại
vào những dịp tang lễ và cúng kiếng. Tôi còn nhớ có lần về thăm nhà tổ bên
ngoại để ăn giỗ, vị trưởng tộc mà tôi gọi bằng Cậu ruột sau khi cúng bái đã gọi
tôi thắp hương cho ông ngoại. Má tôi đứng đó xem tôi phản ứng thế nào vì lúc ấy
tôi đã là một tu sĩ Công giáo. Tôi đã không ngần ngại thắp nén hương cho ông
ngoại mình. Sau khi khấn vái cho ông ngoại tôi xong, vị trưởng tộc đã vỗ vai
tôi bốp bốp và nói với tôi rằng ông cứ tưởng là những người Công giáo ăn đồ
mặn, đặc biệt là những người đi tu quên mất nguồn cội tổ tiên, nhưng giờ đây
ông không còn thành kiến đó nữa. Tôi có giải thích với ông Cậu tôi rằng người
Công giáo chẳng những không quên tổ tiên, những người đã khuất mà còn giành
riêng một tháng để cầu nguyện cho họ nữa dù họ không cúng kiếng như người Phật
giáo.
Trước đây, ông
Cậu trưởng tộc của tôi luôn tỏ ra là người nghiêm khắc và độc đoán. Ngay cả Má
tôi cũng không dám tự tiện nói chuyện hay đôi co gì với ông vì Má đã phạm phải
sai lầm là theo đạo Công giáo, và theo gia đình phía ngoại của tôi thì Má tôi
đã can tội bất hiếu. Nhiều lần Má tôi muốn nói muốn giải thích cho phía bên
ngoại nhưng chẳng ai chịu nghe. Tuy nhiên, ngày hôm ấy tôi đã đại diện cho Má
tôi để tranh luận cách bình đẳng và sòng phẳng với những bậc trưởng thượng phía
bên ngoại tôi về những khuất mắt và hiểu lầm giữa đôi bên. Cũng từ đó, ông Cậu
trưởng tộc và những người phía bên ngoại tôi dần dần hiểu ra và quí mến người
Công giáo hơn. Má tôi cũng được dịp lên nước để bào chữa những gì mà lâu nay bà
không được nói ra.
Tôi muốn nói lên
điều này vì Việt Nam và các nước vùng châu Á có một nền văn hóa rất đặc sắc mà
hiếm Châu lục nào có được. Bởi thế, nếu mà chúng ta không tìm hiểu, không cảm
thông thì rất dễ rơi vào thành kiến hay kết án. Tôi là người đang nghiên cứu
văn hóa và rất thích về nhân chủng học, là khoa học nghiên cứu về con người. Ngày
nay người ta dùng nhiều hạn từ như hội nhập, ứng nhập văn hóa hay là tương tác
văn hóa đế ám chỉ đến việc thích ứng với nền văn hóa mà mình đang sống và hoàn
chỉnh nền văn hóa đó. Tôi đang sống ở một đất nước mà văn hóa cũng như phong tục
tập quán hoàn toàn khác biệt với nơi chôn nhau, cắt rốn của mình nên phải cố
gắng để hòa mình vào nền văn hóa này nhưng không đánh mất đi văn hóa của dân
tộc mình. Nhiều lúc tôi cũng cảm thấy hơi shock về cách sống và cách
hành xử văn hóa nơi mà mình đang sống vì nó chưa hoàn toàn thuộc về mình. Một cú
shock văn hóa nhiều khi cũng tạo cho mình nhưng trăn trở, âu lo.
Tôi không phải
là người quá đam mê âm nhạc nhưng lại rất thích các nhạc phẩm của nhạc sĩ họ
Trịnh về triết lí sống của ông. Những ngày này tôi thường nghe bài hát “Trở về
cát bụi” để suy gẫm thêm về cái điều mà không ai muốn nói đến-Sự chết : “Sống
trên đời này người giàu sang cũng như người nghèo khó. Trời đã ban cho ta cám
ơn trời dù sống thương đau. Mai kia chết rồi trở về cát bụi giàu khó như nhau.
Nào ai biết trước số phận ngày sau ông trời sẽ trao…”. Tôi cũng như bao
người luôn mong được sống lâu trăm tuổi và gặt hái nhiều thành công nhưng tôi
cũng cần phải học biết một điều quan trọng hơn là chuẩn bị cho hậu sự của mình.
Paraguay, ngày 7 tháng 11 năm 2011,
Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD.
No comments:
Post a Comment