Tản mạn chuyện Xuân
Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh.
Chỉ còn hai ngày nữa là bước sang Năm Mới Âm Lịch, Tết Nguyên Đán Tân Mão. Khi tôi chia sẻ với những người dân xứ này thì họ cười và cảm thấy là lạ vì mỗi năm Tết Việt Nam lại rơi vào những ngày dương lịch khác nhau.
Tết Nguyên đán của Việt Nam năm nay rơi vào ngày 3 tháng 2 dương lịch, ngày lễ thánh Blas, bổn mạng của nước Paraguay. Nhân dịp này tôi cũng muốn chia sẻ thêm vài tập tục của người Paraguay để ai đó khi đến Paraguay có thể hiểu thêm về dân tộc này.
Không giống như người Việt, người Paraguay nghỉ lễ và đón mừng Năm Mới từ tối 24 tháng 12 (áp lễ vọng Giáng Sinh) đến ngày 1 tháng Một hàng năm. Tuy là quốc gia Công giáo nhưng đêm Vọng Giáng sinh họ không rộn rã và tưng bừng như các nước vùng Đông Nam Á hay các nước Công giáo khác. Dịp Giáng sinh là dịp hè và trời nóng bức nên dịp này họ chỉ đoàn tụ gia đình và sinh hoạt trong phạm vi gia đình mà thôi. Bởi thế, các linh mục người bản xứ đều về với gia đình trong dịp này để gặp gỡ những người thân yêu của họ. Và đúng 12 giờ đêm ngày 24 tháng 12, họ đốt pháo và ôm chúc mừng nhau với hai nghĩa : một là mừng Chúa Giáng sinh và hai là ngày hội ngộ gia đình. Họ cùng nâng ly chúc mừng nhau để đạt được nhiều điều tốt lành cho những ngày sắp đến. Tôi cũng từng được mời đôi lần trong dịp này và nhận ra rằng dù dân tộc nào, văn hóa nào thì con người đều biết đến công ơn các bậc sinh thành của mình và dịp cuối năm họ thường đoàn tụ để xin lỗi nhau sau những lần làm khổ nhau.
Năm Mới của người Paraguay chẳng có gì đặc biệt vì họ đã chúc nhau vào đêm Vọng Giáng Sinh nên ngày đầu năm mới các thành viên trong gia đình tự do đi thăm bạn bè và chuẩn bị trở về công sở.
Ngày 1 tháng 1 năm mới dương lịch, tôi có nhận lời để dâng thánh lễ cho một cộng đoàn các nữ tu Dòng Tông Đồ Lời Chúa người Mejico (chúng ta hay quen gọi là Mễ). Thầy Dòng Don Bosco người Việt Nam đã đến Paraguay hơn 1 năm nay có ghé thăm tôi và hai anh em tôi cùng đến dâng lễ tại cộng đoàn các nữ tu. Sở dĩ tôi nhận lời dâng lễ cho các nữ tu người Mễ vì chúng tôi là những người đồng cảnh ngộ : Những người ngoại quốc sống xa nhà. Chúng tôi cùng hiệp nhau cầu cho một Năm Mới An Bình, Thánh Đức và biết trung thành với ơn gọi dù cuộc sống biết bao thử thách.
Sau thánh lễ, các Soeurs mời chúng tôi dùng bữa và chúng tôi được thưởng thức món ăn truyền thống của người Mễ. Món ăn này giống món bánh đúc của Việt Nam nhưng các Soeurs có bỏ thịt mỡ được chiên lên thấy cũng là lạ. Hai anh em Việt Nam chúng tôi vui vẻ ăn và khen ngon để các Soeurs được vui. Chúng tôi nói chuyện với nhau và hỏi về phong tục, tập quán của nhau để hiểu nhau thêm. Đa số các nữ tu ở Nam Mỹ không mặc tu phục. Họ chỉ mặc thường phục như dân thường và họa may có đeo một thánh giá hay biểu tượng của Dòng trên ngực mà thôi. Sau khi chào từ biệt ra về, thầy Việt Nam có hỏi tôi là sao thấy các Soeurs người Mễ này có vẻ đen đủi và te tua quá. Tôi có trả lời với thầy ấy là người Mễ cũng có người đẹp, người xấu. Đâu phải mấy Soeurs người nước ngoài nào đi tu cũng đẹp như các Soeurs người Việt mình đâu. Hai anh em cùng cười và trò chuyện với nhau suốt trên đường về nhà.
Tôi đã từng chia sẻ trong dịp Thanksging về phong tục của người Paraguay thổ dân là họ ít biết nhớ ơn đến những người làm ơn cho mình nên trong ngôn ngữ Guarani của người thổ dân Paraguay không có từ Cảm ơn. Chính nhờ những nhà truyền giáo đã dần dần cải hóa và giúp họ tiếp cận với những thế giới văn minh và hiện nay họ thay đổi rất nhiều. Tuy nhiên, rất nhiều người Paraguay hiện nay vẫn còn giữ một vài tập tục không mấy tốt đẹp là biết mượn nhưng không bao giờ biết trả. Một vài linh mục người Indonesia qua đây cũng tự nhiên bị lây tập tục này, và vì thế, những anh em truyền giáo ở đây hay đùa rằng sống ở Paraguay mà cho người khác mượn là người ngu, và khi mượn rồi mà trả lại là người ngu hơn. Tôi cũng bị dính vài lần về chuyện này khi một số chủng sinh người Paraguay hỏi mượn tiền và một số đồ cá nhân nhưng khi tôi hỏi thì họ tìm cách lảng tránh, và dĩ nhiên không bao giờ được trả lại. Cũng vì thế mà rất khó kết bạn thân với người Paraguay dù trong lòng không hề có một chút thành kiến gì.
Kỷ niệm 100 năm Dòng Ngôi Lời hiện diện ở Paraguay
Thứ 7 ngày 29 tháng 1 năm 2011, Tỉnh Dòng Ngôi Lời tại Paraguay dâng thánh lễ tạ ơn kết thúc năm thánh kỷ niệm 100 năm sự hiện diện của Dòng ở Paraguay.
Trong thánh lễ tạ ơn long trọng này, ngoài sự hiện diện đông đảo của các linh mục đồng tế, các nhà truyền giáo Dòng Ngôi Lời tại Paraguay và Argentina, đông đảo giáo dân của các giáo xứ nơi anh em Dòng Ngôi Lời làm việc, còn có sự hiện diện của 4 Giám Mục và Đức Sứ Thần Tòa Thánh Eliseo Antonio Ariotti. Về phía chính quyền, Tổng thống đương nhiệm của Paraguay và đoàn tùy tùng của ông cũng có mặt cùng với nhiều thống đốc, thượng nghị sĩ cũng tham dự sự kiện trong đại này. Trong lời diễn từ cuối lễ, Đức Cha Ignacio, đại diện cho Hội Đồng Giám Mục Paraguay đã nói lên lòng biết ơn của giáo hội Paraguay đối với Dòng Ngôi Lời trong những tháng năm đầy khó khăn khi những nhà truyền giáo Ngôi Lời đến Paraguay để chinh phục người thổ dân và đã gầy dựng nên những giáo phận hiện có ngày nay. Tiếp đó, Đức Sứ Thần Tòa Thánh Antonio, đại diện cho Đức Thánh Cha cũng ngỏ lời cảm ơn những đóng góp to lớn của Dòng Ngôi Lời tại Paraguay. Chính Đức Sứ Thần đã mời Tổng Thống Lugo lên có đôi lời cảm ơn Dòng Ngôi Lời bằng tiếng Guarani và vị tổng thống đã đứng lên ngỏ lời cảm ơn vì ông từng là một tu sĩ của Dòng Ngôi Lời trước khi được cất nhắc làm giám mục, và rồi đã từ nhiệm giám mục để trở thành tổng thống. Tổng thống đã cảm ơn Dòng Ngôi Lời đã góp phần trong việc làm cho đất nước Paraguay mỗi ngày một lớn mạnh hơn, ông cảm ơn những vị thầy của ông trong Dòng nhưng nay đã nằm xuống nơi mảnh đất truyền giáo. Ông cũng cảm ơn nhà Dòng đã từng dạy dỗ ông thành người dù hiện giớ ông đang ở chiến tuyến khác. Tuy thế, Dòng Ngôi Lời vẫn luôn rộng mở đón tiếp ông dù ông ở bất cứ trên cương vị nào.
Sau thánh lễ, chúng tôi ngồi dùng bữa với nhau và các anh em trong Dòng được phân công tiếp chuyện các khách mời. Tôi được tiếp chuyện Đức Sứ Thần Tòa Thánh và vị thư kí riêng của ngài trong bữa ăn. Chúng tôi đã nói chuyện với nhau rất chân tình và vui vẻ. Tôi không ngờ rằng ngài biết quá nhiều về tình hình giáo hội Việt Nam khi ngài biết tôi là người Việt Nam. Một số người đã từng nói rằng Rôma ở xa quá thì làm sao biết được hiện tình giáo hội Việt Nam. Nếu nói như thế thì cỏ vẻ chúng ta hơi lầm vì chính vị Sứ Thần ở đây khi tôi được tiếp chuyện đã biết khá rõ dù ngài chẳng có liên qua gì đến Việt Nam. Đúng là mẫu người ngoại giao vì tuy chúng tôi mới gặp nhau lần đầu và tôi chỉ là một anh hai lúa cù lần nhưng ngài tỏ ra rất thân thiện với tôi và ngài nói trong một dịp thuận tiện khác ngài muốn chúng tôi tiếp tục nói chuyện.
Tôi muốn chia sẻ nơi đây về sự kiện này để mọi người biết rằng những nhà truyền giáo, những linh mục Công giáo không bao giờ gây tổn hại đến đất nước mà chỉ muốn đưa đất nước mỗi ngày đi lên mà thôi. Bằng chứng là những quốc gia vùng Nam Mỹ nếu không có dấu chân của các nhà truyền giáo thì bây giờ người dân và đất nước có phát triển tốt như vậy không. Những nhà truyền giáo hay vị giáo sĩ nào muốn làm chính trị thì họ xin từ nhiệm ngay chứ họ không bao giờ đồng hóa tôn giáo với chính trị như mộ số quốc gia Hồi giáo. Nếu những nhà lãnh đạo chính quyền biết lắng nghe tiếng nói của những nhà lãnh đạo giáo quyền và của những công dân chân chính trong tôn trọng và đối thoại thì đất nước sẽ ngày một đi lên. Sở dĩ vị tổng thống đương nhiệm Paraguay cởi bỏ áo Dòng, từ nhiệm giám mục để tranh cử tổng thống là vì chính quyền hồi đó không chịu lắng nghe tiếng nói của người dân và của các vị mục tử. Là một tu sĩ truyền giáo, một cựu giám mục, ông chưa từng học một trường chính trị nào, chưa bao giờ là một dân biểu hay thượng nghị sĩ nhưng khi đắc cử đến giờ ông đã lãnh đạo còn tốt hơn nhiều những vị đã từng có bằng cao cấp trong lĩnh vực chính trị. Sở dĩ ông làm được như thế vì ông biết lắng nghe tiếng nói người dân, những người mà ông hứa trung thành phục vụ khi tranh cử. Nói như thế để biết rằng nếu những người đứng trên cương vị lãnh đạo dù ở cấp độ nào mà không biết lắng nghe thì sẽ có ngày trả giá.
Tôi viết những lời chia sẻ này nhân lúc tôi đang đợi chuyển tiếp chuyến bay tại Phi trường São Paolo của Brazil để đến trụ sở liên Hội Đồng Giám Mục Nam Mỹ CELAM tại Colombia tham dự khóa tu nghiệp về đào tạo. Trong những ngày cuối năm âm lịch, tôi lại nghe một tin buồn về cha giáo Giuse Đỗ Ngọc Bảo thuộc Dòng Đaminh Việt Nam qua đời quá đột ngột vào ngày 26/01 vừa qua. Vẫn biết rằng cuộc sống trần gian là tạm bợ, là mỏng manh nhưng khi nghe tin về sự ra đi đột ngột của những người mà mình từng quen biết thì trong lòng cảm thấy nhói đau. Tôi từng là hoc trò của vị giáo sư hài hước và đa tài này. Tôi còn nhớ dịp ngài kỷ niệm 25 năm linh mục vào năm 2000 tại giáo xứ Mân Côi, Gò Vấp, ngài đã chia sẻ một chuyện vui nhưng rất thâm thúy. Ngài kể rằng có một em nhỏ vào xưng tội với ngài, em này đã nói : “Thưa cha là kẻ có tội”, thay vì nói “thưa cha con là kẻ có tội, xin cha giải tội cho con”. Khi ngài vừa nghe em bé xưng tội thì ngài giật mình ngay vì lâu nay ngài tưởng các linh mục hay các vị tu sĩ không có tội. Thỉnh thoảng Chúa cũng gởi những em bé hay những người nói cà-lăm để nhắn một vài thông điệp cho những nhà tu hành biết mà ăn năn hối cải. Xin cầu nguyện cho linh hồn vị giáo sư hài hước này sớm được diện kiến trước nhan Chúa để thỉnh thoảng chọc cười cho Chúa khi Chúa bực mình.
Mội cái Tết nữa chuẩn bị bước qua mà tôi cũng không được đoàn tụ với gia đình thấy cũng buồn thật. Tết này tôi lại ở một nước khác vì công việc và quả thực cuộc đời truyền giáo là một chuyến đi. Biết bao chuyện vui buồn trong năm qua đã đến và đi trong cuộc sống của tôi và tôi chỉ biết dâng lên Chúa tất cả.
Viết lên những dòng này khi mà ở Việt Nam và các nước vùng Đông Nam Á, tiết trời đang giao chuyển để người dân chuẩn bị đón Xuân Tân Mão. Xin cầu chúc mọi người một Năm Mới Tân Mão An Khang Thịnh Vượng, Phúc Lộc chan hòa và tràn đầy hồng ân Thiên Chúa. Xin Chúa của mùa Xuân Vĩnh Cửu chúc lành cho tất cả.
Dịp Tết Tân Mão 2011
No comments:
Post a Comment