Friday, August 19, 2011

PARAGUAY – NHỮNG THÁCH ĐỐ TRUYỀN GIÁO

Thay đổi nhân sự

Trong những ngày đầu tháng 2/2008, Tỉnh Dòng Ngôi Lời Paraguay chúng tôi đã có Hội Đồng Bề trên mới nhiệm kỳ 2008-2011. Hội đồng gồm 5 người cũng là 5 quốc tịch khác nhau. Cha Giám tỉnh là người Ái-nhĩ-lan, cha phó giám tỉnh là người Paraguay, cha bảo hiến là người Thụy sĩ, 2 cha cố vấn còn lại là người Ba-lan và người Indonesia. Khi các vị biết tin mình trúng cử vào Hội đồng bề trên, vị nào cũng lo lắng không biết có chu toàn được trách vụ mà Hội Dòng giao phó hay không bởi vì ở xứ truyền giáo này, các vị bề trên không bao giờ ngồi một chỗ để nghe báo cáo mà phải đi đến tận nơi để chứng kiến tận mắt những điều xảy ra trong Hội Dòng. Bởi thế, các vị bề trên thường là những người còn khá trẻ, nhanh nhẹn, quyết đoán và sẵn sàng chịu trách nhiệm những việc mình đã quyết định. Đã có một vài vị bề trên trước đây có những quyết định không đúng và khi biết sai lầm của mình đã sẵn sang từ chức và xin làm việc ở một nơi xa để chuộc lỗi. Đây quả thực là một cách điều hành mới mẻ và táo bạo vì không phải bề trên lúc nào cũng đúng.
Cũng trong thời gian này, Hội đồng bề trên đã quyết định thay đổi về nơi chốn làm việc của những người đã từng ở một nơi lâu năm cũng như các nhà truyền giáo trẻ mới đến để họ có thể thích nghi được với hoàn cảnh mới. Trong lần thay đổi nhân sự này tôi nhận thấy các nhà truyền giáo người Âu Châu là những người dễ chịu nhất và dễ tuân phục quyền bính nhất dù các vị bề trên hiện tại chỉ đáng học trò hay đáng bậc con cháu của họ. Các thừa sai người Âu Châu đã từng đến những giáo xứ đi từ con số không và rồi họ xây dựng nên các ngôi nhà thờ, các đoàn thể, các cơ ngơi xứng hợp và chưa kịp tận hưởng thì ngay sau sau đó lại được chuyển đi nơi khác. Họ rất sẵn lòng và không một lời than van hay kể công. Trong khi một số nhà truyền giáo Mỹ La-tinh và Á Châu lại là những người rất khó thay đổi chỗ mới một khi họ đã mọc rễ ở một nơi nào. Muốn đổi chỗ mới cho họ thì trước hết họ xem chỗ mới có khá hơn chỗ cũ hay không và có thuận tiện trong vấn đề đi lại hay không. Bởi thế, các vị bề trên đã phải thương lượng, đối thọai nhiều lần trước khi đi đến quyết định, và có những lúc các bề trên đã phải dùng đến quyền bính để buộc đương sự phải tuân phục. Dù là người tu hành nhưng yếu tố con người vẫn còn chi phối trong đời sống tu trì và do đó phải chiến đấu nhiều mới mong thoát ra được những hạn hẹp, nhỏ nhoi đó.
Đôi lúc các anh em trẻ trong Dòng gặp nhau tâm sự và đều có chung nhận định rằng đi tu thời nay dễ mà khó. Ở các quốc gia tự do và hiếm con thỉ tìm kiếm được một ơn gọi không dễ dàng tý nào. Rồi khi dấn thân đi tu, rồi trở thành linh mục, nhất là linh mục truyền giáo tại vùng Nam Mỹ nói chung và Paraguay nói riêng, dường như chẳng có giá trị gì, như một tu sĩ trẻ người Ấn Độ nói đùa “Không có các linh mục truyền giáo thì trái đất vẫn quay” tương tự như câu nói người Việt Nam chúng ta hay dùng “Không mợ thì chợ vẫn đông”. Đời tu ngày nay dường như chẳng có một sức hấp dẫn nào nữa nên cách đây vài năm đã có hơn 30 linh mục người Paraguay đã đồng lọat xin hồi tục vì thấy đời tu cô đơn và tầm thường quá. Bởi thế, Paraguay vốn đã thiếu linh mục nay lại càng thiếu hơn. Một giáo phận lớn như Giáo phận Ciudad del Este có đến 800.000 giáo dân với hơn 50 giáo xứ và 1.000 giáo họ mà chỉ còn 17 linh mục triều thì thử hỏi làm sao mà cai quản hết được. Vì thế các nhà truyền giáo ngọai quốc đã đến đây rất nhiều để hỗ trợ công việc truyền giáo. Nhiều linh mục ngọai quốc phải quản nhiệm đến 3, 4 giáo xứ với hàng trăm giáo họ cách xa nhau. Việc đi lại rất khó khăn vì đường xá gập ghềnh. Paraguay là một quốc gia đất rộng, người thưa và mức sống khá thấp. Các giám mục giáo phận đã tha thiết kêu mời người trẻ dấn thân cho xứ sở nhưng cũng chẳng có mấy ai đáp trả vì họ sợ đi tu. Nhiều lúc tôi cũng có suy nghĩ đời một tý là tại sao mình lại đến đây để bây giờ lại than thân trách phận. Có những khi đi mục vụ ở các giáo họ rất xa và nguy hiểm đến 9,10 giời tối mới về nhà xứ, rồi tranh thủ xem trong bếp còn gì để lót bao tử trước khi tẳm rửa, kinh tối và đi ngủ. May mà nhờ có cộng đoàn, anh em vài ba ngày gặp nhau chia sẻ Lời Chúa và đời sống mục vụ, nếu không, chắc dễ lên cơn điên hoặc tìm một bàn tay êm ái nào đó để gối đầu. Có thể hiện giờ nhờ sức trẻ, tôi dễ dàng vượt qua những khó khăn nhưng không biết rồi đây mình có vượt qua được hay không!
Khi cha giám tỉnh thông báo cho tôi biết là tôi cũng sẽ được chuyển đến một xứ truyền giáo mới, tôi rất vui vì có lẽ bản tính thích phiêu lưu và thích khám phá những điều mới mẻ.
Ngay khi nhận được thư chính thức tôi đã khăn gói về địa điểm mới trước khi nói vài lời tạm biệt với giáo dân của giáo xứ tôi từng phục vụ. Dĩ nhiên là cũng có những giọt nước mắt bùi ngùi khi chia tay nhưng tôi cũng đã cố nén lại để ra đi.
Giáo xứ mới tôi chuyển đến là giáo xứ khá lớn nằm sát biên giới với Brazil. Đây là một giáo xứ nửa nhà quê, nửa thành thị với địa hình phức tạp. Vì là vùng giáp biên giới với nhiều rừng núi hiểm trở nên an ninh không được an toàn cho lắm. Đây cũng là nơi lý tưởng của bọn Mafia họat động. Hiểm nguy luôn rình rập không biết lúc nào sẽ xảy ra với chính mình. Tôi về được 2 tuần thì phải làm đám tang cho 3 nạn nhân bị bọn tay chân của Mafia hạ gục. Tôi cũng đi thăm và làm phép tẩy uế cho một gia đình cách đây hơn 1 tháng bị bọn cướp viếng nhà và giết đi người chồng là một giáo sư hiền lành để lại 4 người con thơ dại. Tôi được nghe câu chuyện thương tâm xảy ra với gia đình người góa phụ trẻ này. Khi tên cướp vừa bóp cò giết chết vị giáo sư trẻ để cướp tiền thì đứa con trai út 7 tuổi của vị giáo sư này cũng liền nổ súng hạ gục tên cướp. Tưởng cũng nên biết Paraguay là một quốc gia cho tự do sỡ hữu vũ khí để tự vệ. Bạn có thể mua súng và sau đó chỉ cần trình thẻ căn cước cho cảnh sát là bạn có quyền sử dụng theo mục đích của mình. Bởi thế, vị giáo sư trẻ quá cố đã từng dạy các con mình cách sử dụng súng nên cậu bé dù chỉ 7 tuổi đã có thể bắn hạ tên cướp. Như thế, trong căn nhà ấy đã có 2 xác chết nên người vợ quá cố đã mời linh mục đến để làm phép tẩy uế. Nhìn chị ta và những đứa con thơ dại đang khóc thương cho người chồng, người cha của họ mà tôi cảm thấy mủi lòng. Cuộc đời sao có những cảnh trái ngang như thế. Bạo lực và chết chóc luôn là một đám mây đen ám ảnh người dân vô tội vùng ven biên giới này.
Chính vì lẽ đó, chính quyền đã cử một cảnh sát trưởng rất giỏi từ một thành phố khác đến để điều tra tình hình và tái lập an ninh nơi đây. Viên cảnh sát này cũng vừa đến trước tôi vài ngày và đã đến chào anh em chúng tôi để mong sự hợp tác. Và ngày thứ Sáu sau Chúa nhật thứ 3 mùa Chay vừa qua, thay vì đi đàng thánh giá, giáo xứ chúng tôi đã tổ chức một cuộc rước thánh giá trên khắp các nẻo đường với sự hộ tống của cảnh sát qua các khẩu hiệu như ‘Đi bộ để cuộc sống không có sự xấu; Đi bộ hướng đến sự sống; Bạo động thì hủy diệt và chia cắt; bình an thì xây dựng và hiệp nhất...”. Hàng ngàn người đã hưởng ứng và cầu nguyện trên các nẻo đường giữa trời nắng nóng của mùa hè. Ít ra người dân cũng còn ý thức về sự sống, về một thế giới an bình không còn bạo lực. Các báo, đài cũng tranh thủ sự kiện này để đăng tải tin tức.

Ngày tựu trường

Sau những tháng nghĩ hè từ cuối tháng 12 đến nay, học sinh ở đây lại bắt đầu cho một năm học mới.
Các trường tư thục thường khai giảng trước một tuần trong khi các trường công lập năm nay khai giảng vào ngày 25/2/2008. Có khá nhiều trường công lập xung quanh giáo xứ chúng tôi và họ thường mời linh mục đến dâng thánh lễ và chúc lành cho năm học mới. Tôi chỉ nhận lời dâng thánh lễ cho 2 trường công lập vào dịp này. Cũng rất may là hệ thống giáo dục ở Paraguay miễn phí hoàn toàn từ cấp mẫu giáo cho đến hết bậc phổ thông trung học, bằng không có lẽ người dân phải chịu dốt nát suốt đời vì không có tiền đóng học phí. Các trường tư thục được mở ra với sự khuyến khích, ủng hộ và nâng đỡ rất nhiều từ phía chính quyền. Đa số các trường tư thục đều do các Dòng Tu điều khiển và thường ở rất gần với các nhà thờ để cho học sinh có thể dễ dàng chạy đến cầu nguyện và tìm gặp linh hướng là các tu sĩ khi có những căng thẳng về tinh thần. Một trong những điều đáng học hỏi của người dân ở đây là từ một em bé biết đọc đến người già sắp từ giã cỏi đời đều có thể hát bài quốc ca một cách thành thục và nghiêm trang khi chào cờ. Chẳng biết đó có phải là một tinh thần yêu nước hay không nhưng nó cũng thể hiện một quyết tâm để xây dựng đất nước.
Sau bài hát quốc ca, tôi đã cử hành thánh lễ để khai giảng năm học mới. Phần đông người dân Paraguay, cách riêng là giới trẻ hiện đại chỉ đến nhà thờ 3 lần trong đời là ngày lễ Rửa tội, ngày rước lễ lần đầu và ngày lễ Thêm Sức. Trước đây họ còn chú trọng đến lễ hôn phối nhưng hiện giờ họ cũng chẳng cần vì hợp nhau là sống chung với nhau, còn không thì chia tay nhau. Bởi thế, những dịp khai giảng năm học, bế giảng năm học hay những dịp nào có thể thì các linh mục thường đến để dâng thánh lễ cầu nguyện và nói với họ về Chúa. Họ là Công giáo thật nhưng chẳng biết làm dấu thánh giá thế nào cho đúng, ngay cả những giáo lý viên mà cũng không thuộc được Kinh Tin Kính! Trách ai bây giờ! Thôi thì mình cố làm được gì thì làm theo khả năng của mình, còn những chuyện khác để Chúa lo liệu.
Ngày tựu trường cũng có vài hoạt động văn nghệ để lên giây cót cho các em học sinh vốn rất yêu thích nhảy nhót. Hầu như không người Paraguay nào mà không biết nhảy, nhất là họ nhảy những điệu nhạc có tiết tấu mạnh. Có những nghệ sỹ cũng đến biểu diễn những điệu vũ truyền thống, trong đó có tiết mục múa chai là tiết mục đặc sắc nhất mà nhiều người nước ngoài cũng rất thích. Cô nghệ sỹ múa đã để rất nhiều chai (lọai chai rượu sâm-banh) trên đầu và múa theo tiếng đàn rất điệu nghệ mà không bị rớt. Chỉ có một số rất ít theo cái nghề múa truyền thống này phải học hành công phu để bảo tồn nét văn hóa. Học sinh bên này biết yêu rất sớm và dĩ nhiên chuyện quan hệ tính dục cũng xảy ra khá sớm. Dù là một nước nghèo và ở những vùng quê nhưng các cô cậu cũng yêu cầu cha mẹ sắm cho được cái điện thọai di động để gọi nhau í ới, chơi games và để gởi tin nhắn cho nhau.
Người Paraguay khá bình thản, thậm chí có những lúc thờ ơ trong mọi vấn đề nên câu cửa mịệng của họ là “Tranquilo”. Có người bị bệnh rất nặng có thể dẫn đến cái chết hay ngày hôm đó chẳng có gì ăn mà khi chúng ta hỏi họ : “Qué tal? Cómo estas?” (Thế nào, có khỏe không?) thì sẽ nhận được câu trả lời là “Tranquilo” (Bình thường, chẳng có gì đáng lo cả). Cách sống của họ nhiều lúc làm ta khó chịu, mất đi hứng thú làm việc và cảm thấy lạc lõng, chán nản trong những chương trình, dự phóng của mình. Thách đố truyền giáo ngày nay chính là mình sống như thế nào trong một xứ truyền giáo chứ không hệ tại ở chỗ mình làm được gì ở đó. Nhiều lúc tôi tự hỏi mình được học đủ thứ để làm gì khi mà không thể áp dụng một tý nào cho những người mình đang làm việc. Tuy nhiên khi nhớ lại câu nói của Đức Phaolô VI trong Tông Huấn Loan Báo Tin Mừng giúp tôi cảnh tỉnh : “Con người ngày nay thích nghe những chứng nhân hơn các thầy dạy, hoặc giả như họ nghe các thầy dạy vì các thầy dạy cũng là chứng nhân”. Tôi cố gắng nằm lòng câu nhận định bất hủ này của Đức cố Giáo Hoàng và xem đó như là một thách đố trong đời truyền giáo.
Paraguay 2/3/2008






No comments:

Post a Comment