Wednesday, August 31, 2011

ĐỐI THOẠI NGÔN SỨ - MỘT LỐI TIẾP CẬN MỚI TRONG SỨ VỤ TRUYỀN GIÁO


Khoá Hội Thảo về Đối Thoại Ngôn Sứ tại Argentina

            Lâu nay tôi mãi chia sẻ những câu chuyện về Paraguay với những lời than thân trách phận về cuộc sống truyền giáo của mình. Hôm nay tôi muốn thay đổi không khí để chia sẻ với các bạn một chút về khoá hội thảo quốc tế về Đối Thoại Ngôn Sứ toàn Châu Mỹ vừa mới diễn ra tại Argentina từ ngày 17 đến ngày 30 tháng 8 năm 2009 mà tôi may mắn được tham dự như là đại diện cho Việt Nam.
            Sau ngày lễ Đức Mẹ Lên Trời (15/8), cũng là lễ bổn mạng của giáo xứ tôi đang phục vụ, tôi lên đường đi Argentina dự khoá hội Thảo quốc tế tại Argentina, quốc gia láng giềng của Paraguay.
Argentina là quốc gia thuộc Nam Mỹ có biên giới giáp với Bolivia, Paraguay ở phía Bắc, Brazil phía Đông Bắc, Chile phía Tây, Uruguay và Đại Tây Dương ở phía Đông. Quốc gia này có diện tích gần 3 triệu cây số vuông với dân số khoảng 41 triệu người. Năm 2007, trong cuộc bầu cử tổng thống dân chủ, bà Cristina Fernández, lúc đó còn là đệ nhất phu nhân của tổng thống Néstor Kirchner, đã đắc cử và trở thành người phụ nữ tổng thống đầu tiên của nước này. Chính chồng bà, cựu tổng thống Néstor Kirchner đã trao quyền lực cho vợ mình trong nhiệm kỳ 4 năm và người ta gọi là gia đình Kirchner trị. Quốc gia này đất rộng, người thưa và đời sống được nhà nước đảm bảo, nhất là chế độ lương hưu và chăm sóc sức khoẻ.      
            Theo ban tổ chức khoá hội thảo, chương trình đã được sắp đặt từ năm trước nhưng nửa đầu năm nay do căn bệnh cúm heo khiến nhiều người chết, và do đó, các vị đã duyệt lại lần cuối nên chăng tiếp tục khoá hội thảo lần này. Cuối cùng, khi mọi sự đã chuẩn bị kỹ lưỡng, họ quyết định tiến hành như đã định.
            Khoá hội thảo quốc tế lần này diễn ra tại Nhà Tĩnh Tâm Fátima, Misiones, Argentina với sự tham dự của 48 nhà truyền giáo trực thuộc 20 quốc gia trên thế giới đang làm việc truyền giáo tại châu Mỹ.
Các nhà truyền giáo đến đây tham dự buổi hội thảo mang theo hương vị văn hoá quê hương của từng quốc gia gốc và của hương vị văn hoá của những nơi mà họ đang phục vụ. Vị thư ký truyền giáo của Tổng quyền từ Rôma cũng đến tham dự. Các đại biểu của châu Mỹ gồm: Mỹ, Colombia, Mexico, Argentina, Paraguay, Brazil, El Salvador, Chile, Ecuador, Bolivia. Các đại biểu châu Âu gồm : Croatia, Balan, Đức, Ý. Châu Phi có 1 đại biểu đến từ Kenya. Các đại biểu của châu Á gồm Nhật, Ấn độ, Indonesia, Philipinnes và Việt Nam. Ngôn ngữ chính thức cho khoá hội thảo là tiếng Tây Ban Nha và ngôn ngữ bên lề là tiếng Anh và tiếng Bồ Đào Nha. Có thể nói đây là một “cuộc họp thượng đỉnh” và gồm cả 4 châu lục tham dự với đủ màu da : Trắng, Đỏ, Đen và vàng. Việt Nam có hai đại biểu nhưng linh mục kia có quốc tịch Mỹ nên đại diện cho Mỹ, còn tôi chính thức đại diện cho Việt Nam dù đang làm việc truyền giáo tại Paraguay.
            Thành phần thuyết trình viên, ngoài những giáo sỹ tên tuổi của châu Mỹ, khoá hội thảo này còn mời nguyên một ê-kíp giáo dân chuyên nghiệp để trình bày những gì mà họ đã, đang và sẽ làm cho giáo hội khi mà ở châu lục này mỗi ngày ơn gọi tu trì ngày một sa sút. Họ là những giáo dân có bằng cấp chuyên nghiệp như tiến sỹ thần học, triết học, nhân chủng học và truyền giáo học hiện đang giảng dạy trong các đại học Công giáo cũng như đang làm việc trong guồng máy chính quyền nên những gì họ chia sẻ đều sát với thực tế. Tôi muốn giới thiệu những điểm này để mọi người biết rằng vai trò giáo dân ngày nay rất quan trọng và không thể thiếu trong cánh đồng truyền giáo đang thiếu thợ gặt hôm nay.        

Đối thoại ngôn sứ, một lối tiếp cận mới trong sứ vụ truyền giáo

            Trong phần khai mạc với lời kinh cầu xin Chúa Thánh Thần để Người thánh hoá những ngày hội thảo,  và sau đó các tham dự viên nghe lại bản văn Kinh Thánh trích từ sách Xuất hành về đoạn bụi gai, Thiên Chúa đã ngỏ lời với Môi-sê : “Hãy cởi dép ngươi ra vì nơi ngươi đang đứng là Đất Thánh” (Xh 3,5). Các tham dự viên bắt đầu chương trình nghị sự của mình.
            Khóa hội thảo này dựa theo Hiến chế “Ad gentes” (Đến với muôn dân) và các thông điệp xã hội của giáo hội, đặc biệt là của hai vị giáo hoàng gần đây luôn quan tâm đến các vấn đề về hiện tượng di dân mà giáo hội muốn đi tiên phong để đồng hành với thế giới, với những con người bị xã hội lãng quên. Trong Tổng Tu Nghị năm 2006, Dòng truyền giáo Ngôi Lời cũng nhấn mạnh đến tấm quan trọng chiến lược về vấn đề này nên Dòng không thể đứng ngoài lề trước sự kiện nóng bỏng và thời sự này. 
Vì là khoá hội thảo mang tấm vóc quốc tế nên các tham dự viên cũng như các thuyết trình viên có những quy định khá chặt chẽ về giờ giấc làm việc để không lãng phí thời gian. Phải công nhận rằng các thuyết trình viên quá chuyên nghiệp và đầy kinh nghiệm trong lĩnh vực  phâm tâm. Những ngày đầu chúng tôi vừa nghe thuyết trình, vừa làm việc theo nhóm lớn, rồi nhóm nhỏ để khám phá ra chính mình và tìm những điểm tương đồng cũng như những khác biệt nơi người khác nhằm bổ sung những điểm khiếm khuyết của mình.
Tôi còn nhớ sau dịp phục sinh năm 2009, chúng tôi có kỳ tĩnh tâm năm do một giám mục truyền giáo Dòng Tận Hiến người Đức thuyết trình. Tôi đã tâm sự với ngài những trăn trở về việc hội nhập văn hoá, về những điều tốt mà các nhà truyền giáo đã làm cũng như những mặt tiêu cực của một số nhà truyền giáo luôn nghĩ rằng họ là những người đi khai phá nền văn minh nên đã loại bỏ một số tinh hoa của các dân tộc mà họ phục vụ. Chúng tôi có nhiều thời gian để mổ xẻ những vấn đề này và nhận ra rằng chẳng có một quốc gia hay nền văn hoá nào là ưu việt và vượt trội hơn nền văn hoá của quốc gia khác. Chính Thiên Chúa đã ngỏ với Môi-sê : “Hãy cởi dép ngươi ra vì nơi ngươi đang đứng là Đất Thánh” (Xh 3,5), vậy thì lý do gì các nhà truyền giáo dám tự hào cho rằng mình là người ban phát nền văn minh cho kẻ khác khi chính mình chưa biết gì về văn hoá của dân tộc nơi mà họ đang phục vụ. Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng.
Sau khi được hướng dẫn để nhận ra con người của mình với những ưu, khuyết, chúng tôi bắt đầu thuyết trình và chia sẻ về những đề tài rất thời sự cho các nhà truyền giáo hiện đại : Mục vụ cho người di dân ở thành phố, mục vụ cho người thổ dân ở thôn quê và ứng nhập văn hoá.
Đề tài được các tham dự viên tập trung nhiều nhất là việc mục vụ cho người di dân ở thành phố. Xét theo một nghĩa nào đó thì tất cả mọi người trên thế giới này đều là người di dân! Công bình mà nói không ai muốn rời quê hương đất tổ của mình để sống ở một đất nước xa lạ, nơi mà đôi lúc họ bị đối xứ bất công và có khi bị kỳ thị nữa. Ngoại trừ một số nhân viên công vụ, các nhà truyền giáo, các du học sinh xuất ngoại, còn lại rất nhiều người khác rời bỏ xứ sở vì cơm áo gạo tiền, vì quốc gia gốc của họ thiếu công ăn việc làm, vì tham nhũng, hối lộ tại chính quốc, vì chiến tranh hay những vấn đề nhạy cảm về chính trị. Nhưng nhìn chung chẳng ai muốn bỏ nước ra đi mà chỉ luôn mong muốn được sống trong chính quê hương của mình nếu ở đó có sự bình an, tình liên đới và bảo đảm về đời sống vật chất cũng như về tinh thần.
Các thuyết trình viên cũng như các tham dự viên có thâm niên làm việc với những người di dân trong các thành phố lớn ở Âu châu và Hoa Kỳ đã chia sẻ những kinh nghiệm quí báu về kinh nghiệm làm việc với những người di dân. Chúng tôi được xem những thước phim tài liệu phỏng vấn những người Nam Mỹ đang làm việc tại các thành phố ở Ý, ở Tây Ban Nha và các nước Âu châu khác dù họ sống khá sung túc và nhìn từ bên ngoài họ có vẻ lịch thiệp, sang trọng nhưng trong lòng họ luôn khao khát ngày trở về đoàn tụ với gia đình tại chính quê hương đất tổ của họ. Trông người mà nghĩ đến ta. Tôi chợt cảm thấy buồn khi những người Việt thân yêu của mình đang làm việc vì miếng cơm manh áo tại Đài Loan, Malaysia, Thái Lan và một số nước Á châu khác bị ngược đãi, bị đối xử như những người nô lệ và cũng mong muốn trở về đoàn tụ với gia đình nhưng ước mơ đó biết bao giờ mới thực hiện khi mà giấy tờ tuỳ thân của họ bị những người chủ “tạm giữ”. Tôi được học hỏi rất nhiều kinh nghiệm quí báu trong những buổi thảo luận này.      
Trong những ngày này, chúng tôi cùng chia sẻ với nhau trong Thánh lễ, trong bàn ăn, trong các sinh hoạt thường ngày về những đặc tính văn hoá riêng biệt của từng vùng, từng quốc gia mà bấy lâu nay chỉ nghe trên sách vở. Các bài hát bất hủ mang đậm màu sắc và vũ điệu của Nam Mỹ như vũ điệu Samba, Lambada của Brazil, bài hát Bésame của Mexico, Guantanamera vùng Trung Mỹ… được trình diễn với những điệu nhảy phụ hoạ trong các buổi sinh hoạt dã ngoại khiến lòng người sản khoái sau những ngày làm việc căng thẳng.
Vị linh mục người Mexico từng làm việc ở Bolivia 7 năm, sau đó trở lại Mexico làm việc với người thổ dân da đỏ đã chia sẻ với chúng tôi một thánh lễ mang đậm tính thổ dân thật vui. Ngài cũng chia sẻ là những người Nam Mỹ đang định cư tại Hoa Kỳ đều được dán nhãn là người Mễ (Mexico) vì nói tiếng Mễ nhưng thật sự không phải vậy. Không hề có tiếng Mễ như tiếng Việt hay tiếng Anh nhưng hầu hết người Nam Mỹ nói tiếng Tây Ban Nha. Vị linh mục người Columbia gốc Phi châu và đang làm việc cho những người gốc Phi châu đen thui thủi (chỉ trừ hàm răng và các móng tay là trắng thôi) đã dâng thánh lễ theo truyền thống thổ dân của mình với áo lễ truyền thống giống như những giáo chủ Hồi giáo thật là ngộ và nghi thức kiểu rừng rú vừa có cái gì là lạ, vừa thú vị.
Tôi còn nhớ là trong thời gian thực tập trông coi các em học sinh nội trú ở Nha Trang, Việt Nam, một chị bếp rất ngạc nhiên và đã hỏi tôi khi nhìn thấy trên Truyền hình một giám mục da đen, : “Ông đen thui đó mà cũng làm giám mục hả thầy?” Lúc đó tôi phì cười và trả lời với chị rằng ổng da đen thì ổng cũng là con người như mình chứ có gì khác đâu ngoài màu da. Quả thực trong thế giới đại đồng nếu khi nào con người biết đối xử bình đẳng với nhau, tôn trọng nhau thì chắc chắn chúng ta sẽ không còn phân biệt màu da, tôn giáo và sẽ có một thiên đàng ở trần gian. Tuy nhiên, ước mơ đó xa vời quá. 
Phần tôi, khi giới thiệu cho họ về bộ quốc phục mà tôi đem từ Việt Nam qua khiến mọi người trầm trồ và ai cũng mong được chụp hình chung làm lưu niệm. Tôi cũng nói cho họ biếr rằng người Việt Nam chúng tôi dù trải qua trăm ngàn đau khổ, trải qua nhiều cuộc chiến nhưng người Việt chúng tôi luôn có tinh thần lạc quan và tin ở tương lai. Họ có vẻ cảm tình với người Việt Nam dù trong bản đồ truyền giáo thế giới hiện nay  Việt Nam chỉ là thiểu số so với quốc gia láng giềng Indonesia, dù là nước Hồi giáo nhưng họ đang có tiềm năng gởi các nhà truyền giáo đi khắp thế giới. Quả thực học được cái hay, dở của người khác và chia sẻ những cái hay, dở của mình cho người khác để cùng nhau học hỏi là điều mà khoá hội thảo này nhắm tới. Cũng từ đó khi trở lại với nơi phục vụ, mình không còn có định kiến hay chê bai những điều mà mình không bằng lòng từ bấy lâu nay. Đây quả thực là một lối tiếp cận mới trong lĩnh vực truyền giáo.    

Một chút ngoài  lề

            Ngoài những buổi hội thảo chính khoá, chúng tôi cũng có những buổi dã ngoại và tán gẫn với nhau về đủ thứ chuyện trên đời. Vị linh mục người Kenya có vẻ vui mừng vì ông tổng thống Mỹ đương nhiệm Obama có dòng máu Kenya. Mấy anh em người Indonesia lại hãnh diện vì tuổi thơ của Obama được đào luyện tại đất nước Hồi giáo này. Còn tôi nói đùa với họ là ông anh của tôi làm rất lớn. Họ hỏi làm gì? Tôi trả lời là làm vua. Họ hỏi ở đâu? Và tôi trả lời là ở trên trời, đó là anh Hai Giêsu. Mọi người đều cười vui vẻ.
Tôi rất ấn tượng trong một chuyến dã ngoại đến thăm di tích của các anh em Dòng Tên tại Misiones, nơi mà Bộ Phim Misiones (Truyền Giáo) nổi tiếng mà cách đây nhiều năm tôi đã được xem. Nhìn lại những nền đá đổ nát của các ngôi nhà nguyện, các trung tâm đào tạo vang bóng một thời của các nhà truyền giáo Dòng Tên và được xem lại những thước phim tái tạo qua màn ảnh hơi nước do kỹ thuật hiện đại thực hiện mới nhận ra được biết bao công khó của các bậc tiền bối đã đổ máu và nước mắt mới hình thành nên những vùng đất màu mỡ ngày nay.
Bởi thế, Nam Mỹ nói riêng và cả châu Mỹ nói chung luôn mang đậm dấu ấn của Kitô giáo từ các địa danh, văn hoá và tâm thức.  
Trong thời gian rảnh rỗi của khoá hội thảo, tôi cũng tranh thủ hỏi thăm các sinh hoạt và cuộc sống của người dân xứ này, cách riêng cũng mon men dò tìm những người Việt đang sinh sống và làm việc ở đây. Được biết có 2 linh mục Dòng Ngôi Lời thuộc tỉnh Dòng Mỹ đang làm việc ở đây và sẽ trở lại Mỹ trong thời gian tới. Cũng có 3 chủng sinh Ngôi Lời người Việt đang học ngôn ngữ và đều có những tiếng thơm cho người Việt.
            Tình cờ tôi có gặp được một số người Việt Nam vừa mới qua đây làm việc cho một nhà hàng của một ông chủ người Việt gốc Hoa và tôi nói chuyện với các bạn trẻ này. Vì mong muốn có được cuộc sống khá hơn nên các bạn đã qua đây để kiếm việc làm. Tôi có hỏi thăm đời sống của các bạn trẻ này và được biết các bạn cảm thấy hạnh phúc vì ông chủ của họ rất tốt bụng. Hy vọng những bạn trẻ này sẽ có nhiều cơ hội và may mắn hơn nhiều bạn trẻ đang làm việc tại các nước Á châu và tương lai của các bạn sẽ tươi sáng hơn.
            Khoá hội thảo 2 tuần đã trôi qua nhanh chóng và trước khi kết thúc, chúng tôi có bữa bữa tiệc chia tay đầy luyến tiếc. Những món quà lưu niệm và địa chỉ được trao cho nhau, những bài hát đậm tính Nam Mỹ lại cất lên để kết thúc khoá hội thảo. Chúng tôi không hề ký với nhau một hiệp ước, một nghị định hiệp thương nào nhưng chúng tôi cùng ký vào tâm khảm của nhau một bản tuyên ngôn sứ vụ là cố gắng làm những gì hết sức có thể trong tầm tay của mình để xây dựng một thế giới ngày càng tốt đẹp hơn. 

Argentina, 31 tháng 8 năm 2009

No comments:

Post a Comment