Friday, August 19, 2011

MỤC VỤ TRUYỀN GIÁO TẠI PARAGUAY

Cách đây không lâu, tôi có viết một bài về cách sống đạo của người dân Paraguay ở thành phố với tựa đề : “Giáo Hội Chúa Kitô, Giáo hội của những người khiêm hạ”. Nay, tôi muốn chia sẻ đôi điều về cách sống đạo của những người dân Paraguay ở nông thôn nơi tôi đang làm việc để mọi người cùng hiệp thông, cầu nguyện, liên đới với những anh chị em của chúng ta cùng sống trên địa cầu này.
Khi tôi rời Việt Nam để đi làm việc truyền giáo tại Paraguay, Nam Mỹ, những người dân lối xóm của gia đình tôi bàn tán với nhau rằng mai mốt gia đình cha Sang sẽ sướng rồi vì có đồ Mỹ gởi về! Tôi có nghe rồi lại cười thầm vì người dân xóm tôi cứ nghĩ đi nước ngoài đồng nghĩa với viêc đi Mỹ, mà đi Mỹ thì tất nhiên sẽ có Đô-la gởi về!
Sau 3 tháng rời Việt Nam, tiền đô đâu không thấy mà tôi nghe tin buồn từ gia đình khi biết rằng những người thân của tôi trong đó có một người chú, một người Dì ruột, và buồn nhất là người anh ruột, người đã từng lo lắng cho tôi rất nhiều, lần lượt qua đời mà không có sự hiện diện của tôi và tôi cũng chẳng có một xu dính túi để gởi về chia sẻ. Đây là một cuộc tử đạo trong tâm hồn của tôi trong bước đầu truyền giáo.
Lòng tôi quặn đau. Tôi chỉ biết phó dâng cho Chúa mọi sự để Ngài giúp tôi vượt qua những cơn giông tố của cuộc đời, và nhất là để tôi yên tâm làm việc truyền giáo tại một đất nước đã từng nhuộm máu của các thừa sai.
Sau vài tháng học ngôn ngữ tại thủ đô Asunción và giúp mục vụ tại một giáo xứ để làm quen với ngôn ngữ, tôi được sai đến một giáo xứ miền quê giáp biên giới với Argentina, bên cạnh dòng sông Paraná để làm việc truyền giáo. Vì đã chuẩn bị tư tưởng trước nên tôi không mấy ngạc nhiên khi đến giáo xứ nhà quê nghèo và lạc hậu như thế này. Đối với tôi, làm việc truyền giáo thì ở đâu cũng được, miễn sao ở nơi đó tôi có thể giúp cho mọi người nhận biết tình yêu của Chúa và sống hiệp nhất với nhau là tôi vui rồi.
Giáo xứ tôi đang phục vụ có khoảng 37 nhà nguyện (Capilla) cách xa nhau, nhà nguyện xa nhất mất khoảng 2 giờ xe chạy.
Nói là nhà nguyện cho oai chứ thực ra đó chỉ là một căn nhà dã chiến để che nắng che mưa với sức chứa khoảng 100 người. Đường xá ở đây vì là đất đỏ nên rất xấu, mùa mưa thì trơn trợt còn mùa nắng thì bụi mù trời. Cũng may là cộng đoàn chúng tôi có 3 anh em (Một linh mục người Paraguay, một thầy người Ba Lan và tôi, một linh mục Việt Nam) nên công việc có thể chia sẻ cho nhau. Chúng tôi phải tự nấu ăn, giặt giũ và dọn dẹp mọi thứ vì ở đây không có người phục vụ. Nghĩ lại thấy thương người giáo dân Việt nam quá chừng vì họ đã lo lắng, quan tâm đến các linh mục, đến giáo xứ và không quản ngại ngày đêm, hy sinh tiền của và sức lực để giúp giáo xứ. Vì chúng tôi là cộng đoàn liên hiệp quốc (Paraguay-Ba Lan-Việt Nam) nên các món ăn cũng mang tính liên hiệp quốc dù không ngon lắm.
Paraguay là một quốc gia thuộc Mỹ Latin nên tiếng Tây Ban Nha là ngôn ngữ chính thức cùng với tiếng Guarani. Tuy nhiên, không phải ở đây ai cũng đều nói giỏi và hiểu tốt tiếng Tây Ban Nha, đặc biệt ở giáo xứ miền quê như xứ tôi đang phục vụ. Chính vì thế, tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn trong công tác mục vụ vì mình không thể hiểu tiếng Guarani, nhất là việc dạy giáo lý và giảng lễ tại các họ đạo nói tiếng Guarani. Cũng may là có vị linh mục người Paraguay chính gốc, ngài đã truyền tải những bài giảng, những sứ điệp của giáo hội cho các giáo lý viên để họ có thể truyền đạt lại cho những người dân xứ mình bằng chính ngôn ngữ của mình. Về những trường hợp nguy tử hay xưng tội, tôi phải cử hành cho họ bằng tiếng Tây Ban Nha còn họ nói tiếng Guarani thì để Chúa hiểu! Dĩ nhiên, tôi cũng phải lo học tiếng của họ khi thời gian chín mùi.
Một kinh nghiệm đáng nhớ vào những ngày đầu tiên tôi về giáo xứ làm việc. Một giáo dân đến yêu cầu tôi cử hành nghi thức an táng cho một người mới qua đời. Tôi hỏi anh ta từ giáo xứ đến nhà người chết bao xa, anh ta trả lời tôi rằng “cerquita, padre” nghĩa là rất gần cha à. Tôi vội đem mấy món đồ nghề linh mục để cử hành nghi thức cho người chết và đi với anh ta. Vì đi đường rừng nên chúng tôi cuốc bộ gần 1 tiếng đồng hồ mới đến nơi khiến tôi mệt nhoài và mồ hôi nhuễ nhoại. Trời ơi! 1 tiếng đồng hồ đi bộ mà họ bảo là rất gần thì thế nào gọi là xa đây! Vừa mệt, vừa tức nhưng lại vừa cười khi nhớ lại hồi còn ở Việt Nam một anh dân tộc thiểu số cũng đã từng nói với tôi tương tự như thế khi tôi hỏi từ nhà anh ra đến phố bao xa thì anh ta trả lời là khi nào cái chân không muốn đi nữa là sẽ đến. Họ thật là những người dễ thương chất phát vì ở đây họ quen đi bộ đường rừng nên đối với họ đi bộ 1 tiếng đồng hồ là chuyện thường, là gần rồi đấy. Vì thế làm sao có thể trách họ được. Sau khi cử hành nghi thức an táng, gia đình tang quyến đến hỏi tôi “Padre, cuanto?” (Thưa cha, bao nhiêu?) Lần đầu tiên trong đời tôi nghe người ta hỏi tôi giá cả của việc cử hành nghi thức thánh. Làm sao tôi có thể nói là bao nhiêu và nhận tiền của họ khi nhà của họ quá nghèo như thế! Tôi đã khoát tay và nói với họ “Gratis!” .
Khác với người dân thành phố, người dân nông thôn ở Paraguay sống có tình hơn, nhất là biết nâng đỡ nhau những khi gặp khốn khó. Khi tôi đến giáo xứ này làm việc, họ rất vui vì lần đầu tiên họ tiếp xúc với một người linh mục trẻ người Á châu và họ gọi tôi là ông cha Taiwan (Đài Loan) dù bao nhiêu lần tôi nói với họ tôi là người Việt Nam. Khi hỏi họ có biết gì về Việt Nam không thì họ trả lời rằng Việt Nam là một đất nước chiến tranh mà họ đã từng xem trên Ti-vi, chỉ có thế thôi. Tôi cũng đã nói cho họ biết một tý về Việt Nam để từ nay họ có một cái nhìn khác hơn và nhất là hiểu đúng hơn về Việt Nam. Khi chỉ có mình tôi ở nhà vì vị linh mục người Paraguay thường hay đi vắng và ông thầy người Ba Lan đi tĩnh tâm, những người dân quê chất phát ấy đã đem đến cho tôi nào là vài quả trứng gà, nào là nải chuối, nào là quả đu đủ, cam, quýt… Họ rất quí mến tôi và họ muốn tôi làm việc tại đây thật lâu với họ.
Ở nông thôn mỗi gia đình có khoảng 10 héc-ta đất để canh tác. Đất đai ở đây rất xanh tuơi, màu mỡ nhưng họ chẳng gieo trồng gì cả ngoài vài cây ăn quả thông thường như cam (naranja), quýt (mandarina), chanh (limón). Số đất đai còn lại họ để trống và thả vài con bò để nuôi ăn cỏ trong khu vườn rộng lớn như thế. Khi hỏi họ tại sao không trồng các cây ngông nghiệp như lúa, khoai mì hay đậu phộng để đến mùa có thể thu hoạch vì đất ở đây rất thích hợp với các giống cây nông nghiệp đó. Họ bảo rằng họ không có vốn, vả lại không có sức người để làm việc vì cũng có một vài gia đình làm như thế nhưng chỉ làm bằng sức trâu bò cày cấy nên thu hoạch cũng chằng bao nhiêu. Vì giáp biên giới với Argentina nên đa số giới trẻ ở đây đã qua Argentina để làm việc độ 3 hay 4 tháng mới về thăm gia đình một lần (Paraguay, Argentina, Brazil và Uruguay đã thiết lập hiệp ước gọi là MECOSUR vào năm 1991 nên việc cư trú trong các quốc gia thành viên rất dễ dàng, chỉ cần giấy thông hành là đủ). Người dân thôn quê thường rất nghèo và lạc hậu. Dù rất nghèo nhưng họ rất thích chưng diện và ăn bận diêm dúa. Vì nghèo nên họ rất cần tiền, và vì cần tiền nên họ sẵn sàng làm tất cả. Cách đây hai tuần có một bà mẹ trẻ đã bán đứa con bé bỏng chỉ vài 3 tháng tuổi với giá 220.000 Guaranies, tuơng đương với 45 usd. Cảnh sát đã khám phá ra đường dây buôn bán trẻ em có hệ thống, đặc biệt tại các miền quê nên đã cứu được các trẻ vô tội trả lại cho các bà mẹ và nhắc nhở các bà mẹ trẻ đừng vì tham tiền mà coi rẻ mạng sống con mình.
Paraguay là một quốc gia đa phần là Công giáo nhưng việc giữ đạo lại rất thờ ơ. Phần lớn các địa danh như thủ đô, thành phố đều mang tên các vị thánh nhưng người dân lại sống không thánh tý nào. Dù là thành phố hay nông thôn thì chỉ có những người già, và nhất là quí bà là giữ đạo tốt nhất. Sở dĩ phải thành lập nhiều nhà thờ họ là để mời gọi họ thi hành nghĩa vụ tôn giáo vì nếu không họ sẽ không bao giờ đến nhà thờ nữa, nhất là giới trẻ. Chính vì thế nên các linh mục phải làm việc nhiều hơn. Người dân ở đây rất thích lễ hội và nhảy nhót nên các ngày lễ bổn mạng giáo xứ hay giáo họ thì mọi người đều có mặt đông đủ để liên hoan, nhảy múa. Người dân Paraguay cũng là dân xài giờ giây thun, chẳng đúng giờ tý nào cả! Ở đây việc cử hành bí tích hôn phối rất hiếm hoi vì giới trẻ từ tuổi 15, 16 đã có con ngoài hôn thú, rồi đường ai nấy đi. Nếu cứ chiếu theo luật mà thi hành như khi rửa tội yêu cầu có cả cha mẹ đứa trẻ thì chắc không có trẻ nào được rửa tội! Khi thời tiết hơi xấu, hoặc mưa một tý mà nhằm vào ngày Chúa Nhật là họ chẳng chịu đi lễ nên chỉ có linh mục và vài người đạo đức tham dự. Tuy nhiên, họ vẫn còn ý thức về tội lỗi, biết đến lãnh nhận bí tích hoà giải và nhất là khi đau yếu, họ thường mời linh mục đến để ban các phép.
Paraguay thật sự không nghèo nhưng vì nạn tham nhũng đã làm cho đất nước tụt hậu và người dân vùng thôn dã đã thật sự đi vào ngõ cụt. Khoảng cách giàu nghèo ở đây rất lớn. Có những gia đình dù chỉ 4 người nhưng lại có đến 3 chiếc xe hơi, mỗi chiếc trị giá vài chục ngàn đôla trong như nhiều gia đình khác không có gì để ăn. Vì quá nghèo nên cuộc sống vật chất cũng như tinh thần đi xuống. Các nhà thừa sai ở đây đang cố gắng làm dịu bớt phần nào những đói khát tâm linh và đồng hành với họ trên bước đường đến với Chúa.
Paraguay 28/10/2007

No comments:

Post a Comment