Wednesday, August 31, 2011

MẸ MARIA TRONG TÂM THỨC CỦA NGƯỜI PARAGUAY

Trong cái nắng oi bức và bất chợt có những cơn bão không được dự báo trước ập đến của mùa Xuân-Hạ vào những ngày cuối năm dương lịch do biến đổi khí hậu toàn cầu khiến cho vụ mùa và đường xá của Paraguay vốn đã thê thảm nay lại lại càng thảm thê hơn. Tuy vậy, các hoạt động vẫn diễn ra bình thường nếu trời ngừng mưa và sức sống của Giáo Hội vẫn mãnh liệt vào những ngày lễ hội, nhất là các lễ liên quan đến Đức Trinh Nữ Maria.
Như tôi đã từng chưa sẻ trong các bài trước, Paraguay là một quốc gia Công giáo vì chiếm đến 85% dân số công giáo và các địa danh lớn, các thành phố lớn đều được đặt tên Công giáo hay có dấu ấn về tôn giáo. Ví dụ như thủ đô của Paraguay được mang tên là Asunción (Mẹ Lên Trời), thành phố phía Nam của Paraguay có tên là Encarnación (Nhập Thế hay Truyền Tin), thủ phủ phía Bắc của Paraguay có tên là Concepción (Mẹ Vô Nhiễm)… và thủ đô tinh thần của Paraguay với địa danh đã tồn tại nhiều thế kỷ qua từ khi Đức Mẹ hiện ra để cứu những người thổ dân và hiện nay đã nâng lên bậc Vương Cung Thánh Đường Đức Trinh Nữ Rất Thánh Caacupe. Paraguay là một quốc gia Nam Mỹ mang đậm dấu ấn Kitô giáo và cũng là một quốc gia có lòng tôn sùng đặc biệt Đức Trinh Nữ Maria. Nếu Việt Nam có Mẹ La Vang ở Quảng Trị, Mẹ Trà Kiệu ở Quảng Nam-Đà Nẵng, Mẹ Tà Pao ở Phan Thiết hay mới đây có Đức Mẹ Măng Đen ở Kon Tum, thì các nước ở châu Mỹ La-tinh lại càng không thiếu những địa danh rất quan trọng như Mẹ Aparecida ở Brazil, Mẹ Luján ở Argentina, Mẹ Candelaria ở Bolivia, Mẹ Guadalupe ở Mexico, Mẹ Chiquinquirá ở Columbia, Mẹ Dâng Mình ở Ecuador, Mẹ Mân Côi ở Guatamala, Mẹ Vô Nhiễm của Hoa Kỳ, Mẹ Áo Choàng của Canada, Mẹ Caacupe ở Paraguay…. Và vì thế có thể nói Mẹ Maria là bổn mạng của toàn châu Mỹ.
Theo thói quen của người dân Paraguay, trước những ngày mừng kính trọng thể bổn mạng của một giáo điểm hay một giáo xứ, người ta thường làm tuần Cửu Nhật để nhớ đến thánh bổn mạng của họ và cũng để hâm nóng tinh thần cộng đoàn. Tuy nhiên, những cộng đoàn, giáo điểm hay giáo xứ có thánh bổn mạng mang tước hiệu Đức Mẹ thì họ càng tôn sùng cách đặc biệt hơn. Những thành phố hay thủ đô có tước hiệu Đức Mẹ thì được nghỉ lễ dù có rơi vào ngày làm việc. Riêng hai ngày lễ Mẹ Lên Trời (15 tháng 8) và ngày lễ Mẹ Vô Nhiễm (8 tháng 12) là hai ngày đặc biệt quan trọng và là ngày quốc lễ nên từ thường dân đến tổng thống đều được nghỉ ngơi để tham dự thánh lễ. Thời tiết ở Paraguay năm nay quả thực khác thường vì lúc trời đang nóng gay gắt có khi nhiệt độ lên đến hơn 40 độ C, rồi bỗng nhiên chuyển mưa tầm tã và nhiệt độ lại xuống rất nhanh. Nhiều khi những dự tính của mình không thể thực hiện được vì những giáo điểm xa xôi đường xá trắc trở nên khi mưa xuống đành phải bó tay. Bởi thế một câu dặn dò không thừa mà tôi thường nói với giáo dân là nếu trời mưa thì chúng ta sẽ chuyển qua ngày khác. Người dân ở đây họ không có thói quen đội nón, mang dù hay mặc áo mưa dù trời mưa hay nắng.
Những ngày đầu tháng 12 lại đúng vào dịp tuần cửu nhật để mừng lễ Mẹ Vô Nhiễm hay là lễ Đức Trinh Nữ Rất Thánh Caacupe, bổn mạng của nước Paraguay. Trong những ngày này luôn có thánh lễ tại Thủ Đô tinh thần của Paraguay toạ lạc tại Caacupe, cách thủ đô hành chính Asunción của Paraguay khoảng 54km –nơi Đức Mẹ đã hiện ra với một người thổ dân từ cuối thế kỷ XVI. Tất cả các giám mục tại chức hay nghỉ hưu của Paraguay và các vị giảng thuyết có tiếng đều là khách mời để chủ tế các thánh lễ và chia sẻ những thông điệp đức tin cho các tín hữu. Paraguay là một quốc gia công giáo nhưng chính quyền và giáo quyền hoàn toàn tách biệt nhau. Bởi thế cả hai bên đều tôn trọng những tương đồng và dị biệt của nhau dù vị đương kim tổng thống hiện nay từng là giám mục công giáo. Các kênh truyền hình và truyền thanh chính của quốc gia trong những ngày này liên tục truyền thanh và trực tiếp truyền hình các hoạt động của Tuần Cửu Nhật và bình luận các bài giảng trong thánh lễ của các vị giảng thuyết. Không biết các bài giảng của các đấng hay dở thế nào còn tuỳ thuộc vào sự đánh giá của cử toạ, nhưng có lẽ các lời bình luận của các ngòi bút sắc bén cũng làm các chính trị gia đau đầu, nhức óc. Dân chủ là thế, không có gì phải giấu diếm nhưng nếu bình luận sai hay làm phật lòng dân chúng thì những nhà bình luận ấy phải chịu trách nhiệm với những nhận định của mình. Tôi được nghe biết một câu chuyện thật xảy ra cách đây không lâu của một vị thượng nghị sĩ đầy tai tiếng của Paraguay vừa mừng sinh nhật lần thứ 61.

Ông luôn là người chỉ trích vị tổng thống đương nhiệm và chỉ trích cả giáo hội công giáo nữa. Có một lần ông lên tiếng chỉ trích tại sao người dân lại ngu đần khi trời oi bức như thế lại đi bộ hàng trăm cây số để hành hương Đức Mẹ Caacupe mà đâu có nhận được lợi lộc gì! Ông còn nói những điều không hay về Đức Mẹ. Một vị linh mục khả kính đã khuyên ông đừng nói như vậy kẻo xúc phạm đến Danh Thánh Mẹ. Ông chẳng những không nghe mà còn mạt sát vị linh mục hiền từ kia. Sau đó vị thượng nghị sĩ này cùng nhóm của ông đi vận động cho đảng của ông các dự án và kế hoạch cho tương lai của ông. Xui khiến thay khi ông đang nói chuyện thì vận động trường nơi ông đang diễn thuyết tự nhiên bị sụp và đè chết rất nhiều người, riêng ông bị thương rất nặng và nguyên cả hàm răng trên của ông bị gãy. Có người đã hỏi tôi có phải vì ông đã có những lời lẽ xúc phạm đến Đức Mẹ nên bị Mẹ phạt phải không, mà sao Đức Mẹ không phạt cho ông chết cho rồi! Tôi trả lời với họ rằng Chúa và Mẹ không giống như những anh cảnh sát giao thông luôn chờ người ta có lỗi là phạt, nhưng Các Ngài luôn cảnh báo cho chúng ta biết sửa lỗi và ăn năn trước khi quá muộn. Mẹ Maria cũng muốn ông thượng nghĩ sĩ đó suy nghĩ lại những gì ông đã làm cho đất nước ông và người thân của ông. Nếu ông tiếp tục như thế thì có ngày ông phải trả giá. Hai năm rồi tôi không có dịp hành hương Vương Cung Thánh Đường Mẹ Caacupe vì các giáo điểm của tôi có đến 4 nhà thờ có bổn mạng Mẹ Caacupe nên tôi phải chạy show. Dịp bổn mạng cũng là dịp người ta xin Rửa Tội, Rước Chúa Lần Đầu hay Hôn Phối (dân tộc của Bí Tích mà!). Dịp này cũng là dịp tôi kêu gọi mọi người hoà giải với Chúa qua bí tích giải tội. Người dân ở đây họ không có thói quen xưng tội vì các linh mục cũng ít có thói quen ngồi toà vì bản thân của một số linh mục từ ngày chịu chức tới giờ đâu có biết xưng tội là gì mà đòi hỏi giáo dân xưng tội! Dịp cuối năm tôi có nghe biết một số tu sĩ xuất tu, một vài linh mục xin hồi tục trong khi số ơn gọi lại mỗi ngày một hiếm hoi. Việc một số linh mục xuất tu vì gây gương mù gương xấu cũng tác động khá nhiều đến tâm lý người dân vì hiện giờ thông tin liên lạc diễn ra quá nhanh không như trước kia. Thỉnh thoảng tôi nói đùa với cha bạn là anh em tuị mình như là những người bán hàng chờ khách. Nếu hàng hoá tốt và cách đối xử với khách hàng nhã nhặn thì khách đông và có lợi tức, còn nếu hàng hoá tồi và cách phục vụ tồi hay nhiều tai tiếng thì ế khách là cái chắc. Có lẽ lối so sánh kiểu nhà quê của tôi hơi thực dụng nhưng tôi nghiệm thấy như thế. Cũng may là các giáo điểm nơi tôi phục vụ hiện nay có rất nhiều “khách hàng” thường xuyên tham dự và các trẻ em rất thích được nói chuyện với ông cha Á châu “Jacki Chan”, cái tên thân mật mà họ gọi tôi. Tôi không biết mình sẽ tiếp tục như thế này được bao lâu nhưng tôi luôn tin tưởng, phó thác vào Chúa và người Mẹ Rất Thánh có cái tên thân thương Maria sẽ luôn nâng đỡ, đồng hành với tôi trong sứ mạng mà Các Ngài đã trao phó cho tôi.

 Paraguay ngày 9 tháng 12 năm 2009

No comments:

Post a Comment