Tuesday, August 16, 2011

BÀI SAI TRUYỀN GIÁO

Trước khi tuyên khấn trọn đời, tôi nhận được bài sai từ Tổng quyền ở Rôma báo cho tôi biết là tôi sẽ làm việc truyền giáo tại Paraguay sau khi lãnh nhận tác vụ linh mục. Thông tin này đến bất ngờ với tỉnh Dòng việt Nam cũng như với cá nhân tôi vì hiện tình tỉnh Dòng Việt Nam chúng tôi rất thiếu nhân sự và chính Hội Đồng Bề trên ở tỉnh Dòng Việt Nam đã đề nghị tôi ở lại làm việc.
Ra đi truyền giáo, đó cũng là ý Chúa và cũng là đặc sủng của ơn gọi trong Dòng Truyền giáo Ngôi Lời mà tôi cần phải đón nhận với một thái độ sẵn sàng. Trong lòng tôi hơi băn khoăn một tý vì không biết mình sẽ làm được gì trong một đất nước hoàn toàn xa lạ về ngôn ngữ, văn hóa, phong tục tập quán… và cách hơn nửa vòng trái đất này.
Và ngày chịu chức đã đến với biết bao lo toan khiến tôi quên bẵng đi bài sai truyền giáo ở Paraguay. Mãi đến khi nhận được thư chúc mừng và giấy báo từ cha Giám tỉnh ở Paraguay, tôi mới bắt đầu hồi hộp là lo lắng thật sự. Chỉ riêng chuyện giấy tờ đã làm tôi mất một thời gian dài vì giữa Việt Nam và Paraguay không có lãnh sự quán hay đại sứ quán nên mọi giấy tờ phải làm qua trung gian tại Nhật Bản. Cũng thời gian này, tôi được cha Bề trên gởi qua Malaysia làm việc với những công nhân Việt Nam qua lời mời của Đức tổng giám mục giáo phận Kuala Lumpua. Tôi thấy đó cũng là ý Chúa để chuẩn bị hành trang cho tôi cho chuyến đi truyền giáo lâu dài sắp tới. Tôi đã sẵn sàng chờ ngay xuất trận.
Và ngày đó đã đến. Khi cầm chiếc vé trên tay với người anh em cùng lớp để lên đường, tôi vừa mừng vừa lo. Mừng vì từ nay mình sẽ được gọi là một nhà truyền giáo như mong ước từ nhỏ; lo vì không biết mình sẽ làm được gì và khi nào mới được về thăm quê hương, thăm cha mẹ già và những người thân đang rất buồn vì chuyến đi không hẹn ngày về của mình.
Từ Việt Nam đến Paraguay, tôi phải quá cảnh 3 lần qua các nước Thái Lan, Nam Phi và Brazil. Tổng cộng thời gian chờ quá cảnh và giờ bay là 43 tiếng đồng hồ. Tôi đã đến Paraguay lúc 1 giờ sáng vào mùa thu nên trời bắt đầu se lạnh. Người đón chúng tôi tại Phi trường là một sư huynh cùng Dòng người Congo đen thủi đen thui với tấm bảng ghi là Việt Nam. Chúng tôi chẳng nói chuyện gì được vì thầy chẳng nói được câu tiếng Anh nào và chúng tôi chỉ vỏn vẹn biết một câu tiếng Tây Ban Nha bình thường để chào hỏi: “Qué tal, cómo estas?”. Chúng tôi đã được sắp xếp ở tại chủng viện của Dòng trong những tháng ngày học ngôn ngữ ở thủ đô Asunción – Paraguay.
Khi còn ở Việt Nam, tôi chỉ biết đến Paraguay qua các trận bóng Copa America hay Mundial, còn bây giờ, tôi đã chính thức ở đất nước này như một nhà truyền giáo.
Paraguay là một quốcc gia thuộc châu Mỹ Latin có biên giới giáp với Brazil, Bolivia và Argentina. Quốc gia này theo chính thể cộng hòa và ngôn ngữ chính thức là tiếng Tây Ban Nha và tiếng Guarani. Đất nước này có gần 6 triệu dân và đa phần là Công giáo. Vậy cần gì phải truyền giáo nữa! Tôi sẽ chia sẻ dưới đây những điều mắt thấy tai nghe và tay sờ về những công việc truyền giáo nơi vùng đất toàn những người Công giáo này. Cơ sở hạ tầng ở đây khá nghèo nàn và lạc hậu dù đất nước cò nhiều tài nguyên và đất đai màu mỡ. Nạn tham nhũng lan tràn khắp quốc gia nên đời sống của người dân cơ cực, nhất là người dân ở nông thôn. Tôi đã bắt đầu học tiếng Tây Ban Nha mà người dân ở đây quen gọi là tiếng Castellano vì họ không muốn dùng chữ Spanish hay Español la tiếng của người thống trị, của những kẻ thực dân.
Những ngày đầu ở Paraguay khến tôi bị sốc nhiều vì mọi sự hoàn toàn khác với những gì mình nghĩ. Múi giờ thay đổi nên đồng hồ sinh học của tôi chưa kịp thích ứng.
Ban ngày thì cứ ngáp dài ngáp ngắn và thèm ngủ vô cùng, trong khi ban đêm hai mắt lại mở thao láo nhìn về một cõi trời xa xăm! Việt Nam đi trước Paraguay 11 giờ nên tôi phải cố gắng điều chỉnh sao cho quen dần với giờ giấc và giấc ngủ để hội nhập với cuộc sống mới. Thức ăn thì khó ăn vô cùng. Khoai mì là món ăn chính ở đây cùng với súp đậu và thỉnh thoảng có thịt bò hay thịt gà họ nấu với rất nhiều dầu nên không tài nào ăn được. Mấy ngày đầu còn kén ăn vì có đem theo mì tôm trong vali. Khi hết mì tôm rồi đói quá nên phải ăn những món mà mình chẳng hề thích tý nào. Ăn riết rồi cũng thấy quen nhưng lại sinh ra một chuyện đó là người bắt đầu nóng, mụn nổi lên khắp người và miệng thì sưng tấy rất khó chịu. Cha bạn vì không quen thức ăn, nước uống nên đã ngã bệnh và phải nằm nhiều ngày trên giường. Hai anh em chúng tôi sụt cân thảm hại. Nhờ Chúa thương, tôi vẫn chống chọi được những khó khăn ban đầu. Hai anh em đã an ủi nhau vì đây là 2 nhà truyền giáo Việt Nam đầu tiên đến vùng đất Nam Mỹ xuất thân từ Việt Nam. Trước đây cũng có một số anh em Ngôi Lời làm việc ở đây cũng như ở Brazil, Ecuardo, Argentina… nhưng họ đến từ Tỉnh Dòng Mỹ và sinh sống ở Mỹ từ nhỏ. Ở Chủng viện, có 2 chủng sinh đến từ Zambia, Phi châu và họ nói được tiếng Anh nên chúng tôi có dịp trò chuyện với nhau những khi muốn nói. Khi bắt đầu vào mùa đông, thời tiết khá lạnh, có những ngày xuống O0C mà chúng tôi chẳng đủ ấm. Thiếu thốn trăm bề nhưng không biết ngỏ cùng ai. Nghĩ lại thấy các nhà truyền giáo ngày xưa mà cảm phục thật. Họ đi bằng đường thủy chứ không phải bằng máy bay như bây giờ. Họ phải chịu đói, chịu khác và chịu bắt bớ đủ điều mà chẳng hề than trách. Còn mình mới chịu khổ có tý xíu mà đã thất chí và kêu la om xòm rồi.
Thế đó, những tháng ngày đầu tiên ở xứ truyền giáo không dễ dàng tý nào đối với những anh em Việt Nam hai lúa chúng tôi. Việc học ngôn ngữ cũng chẳng dễ chịu chút nào vì chúng tôi chẳng hề có một cuốn từ điển cho ra hồn. Chúng tôi phải suy nghĩ bằng tiếng Việt, viết ra bằng tiếng Anh và dịch qua tiếng Tây Ban Nha và ngược lại. Chữ L và chữ R ở cuối trong tiếng Tây Ban Nha không dễ phát âm tý nào đối với tôi và nhất là đối với anh bạn gốc Hà Tĩnh của tôi. Chúng tôi đã cùng nhau cặm cụi học hành, làm quen với phong tục tập quán, chịu khó uống tereré và mate cũng như ăn củ mì để cho giống người Paraguay. Chúng tôi đã cố gắng hội nhập hết sức để chuẩn bị đến các điểm truyền giáo làm việc.
Sau cơn mưa, trời lại sáng. Dần dần chúng tôi cảm thấy thân quen, gần gũi hơn khi bắt đầu bặp bẹ nói tiếng Tây Ban Nha và hiểu người ta muốn gì ở mình. Dĩ nhiên ở đâu cũng có người tốt, kẻ xấu và ở đây cũng vậy. Anh bạn tôi và tôi đều đã bị lừa và cũng suýt bị mất mạng vì bọn lưu manh ở đây nghĩ rằng chúng tôi là người Nhật hay Đại Hàn vì người Đại hàn ở đây chuyên buôn bán và có nhiều tiền.
Sau mấy tháng học ngôn ngữ, hai anh em người Việt được phân bổ ở những giáo xứ rất xa nhau. Và chúng tôi đã bắt đầu công việc của một nhà truyền giáo tập sự. Dưới đây xin chia sẻ một vài cảm nhận truyền giáo trong những tháng ngày làm việc ở Paraguay để anh chị em cùng biết và cầu nguyện thêm cho các nhà truyền giáo khắp nơi trên thê giới và cũng cầu nguyện cho 2 linh mục truyền giáo nhỏ bé người Việt của Dòng Ngôi Lời đang làm việc tại Paraguay. Nguyện xin Chúa ban nhiều ơn lành cho tất cả.
Lm. Trần Xuân Sang, SVD.

No comments:

Post a Comment