Thursday, March 14, 2013

CHÚNG TA ĐÃ CÓ GIÁO HOÀNG “HABEMOS PAPAM”



 Đúng 19:10 giờ Rôma ngày thứ Tư 13/3/2013 (15:10 giờ Argentina và Paraguay), khói trắng đã bốc lên tại nhà nguyện Sistine, nơi các Hồng Y đang diễn ra mật nghị, báo hiệu một tin mừng “Habemos Papam” Chúng ta đã có Giáo Hoàng! Vị Giáo Hoàng đắc cử ở vòng phiếu thứ 5 có tên là  Jorge Mario Bergoglio.


Đức Hồng Y  Jorge Mario Bergoglio người Argentina, một tu sĩ Dòng Tên sinh ngày 17 tháng 12 năm 1936 hiện lạ Tổng Giám Mục tổng giáo phận Buenos Aires. Ngài đã đắc cử Giáo Hoàng và lấy tước hiệu là Phan-xi-cô Đệ Nhất (Francisco I).
Vị Tân Giáo Hoàng Châu Mỹ La-tinh đầu tiên này sinh ra trong một gia đình đơn sơ tại thủ đô Argentina, cha của ngài là một công nhân hỏa xa và mẹ chỉ là một người nội trợ.
Năm 22 tuổi ngài xin gia nhập Dòng Tên ở Argentina và bắt đầu học Triết học và Thần học.
Ngài thụ phong linh mục và năm 1969 khi đã 33 tuổi. 3 năm sau đó khi ngài vừa mới 36 tuổi, ngài được chọn làm Bề trên Giám tỉnh của anh em Dòng Tên tại Argentina trong nhiệm kỳ 6 năm.
Vào những năm cuối cùng đầy biến động và khó khăn của chế độ độc tài tại Argentina (1976 – 1983), ngài là người duy trì sự hiệp nhất của các anh em Dòng Tên, trung lập với nền thần học giải phóng và duy trì với anh em Dòng Tên không tham gia vào chính trị.
Ngài từng bảo vệ luận án tiến sĩ ở Đức nên ngài nói tiếng Đức rất thành thạo.
Năm 1992, Đức Gioan Phao-lô II đã bổ nhiệm ngài làm giám mục phụ tá của Tổng giáo phận lớn nhất Argentina là Buenos Aires và năm 1998 ngài được nâng lên làm Tổng giáo mục phó với quyền kế vị của Tổng giáo phận này.
Năm 2001, cùng với Đức Cố Tổng Giám mục Phan-xi-cô Xa-vi-e Nguyễn Văn Thuận của Việt Nam và một số Tổng Giám Mục khác trên thế giới, ngài đã nhận mũ Hồng Y. 
Theo truyền thông Argentina (nhiều người quen với tên gọi là Á-Căng-Đình theo tiếng Hán), thì Đức Tân Giáo Hoàng đã từng là người có nhiều phiếu trong Mật Nghị Hồng Y năm 2005, nhưng năm đó Đức Hồng y Joseph Ratzinger ở vòng phiếu thứ 4.
 Vị Tân Giáo Hoàng rất được uy tín và kính nể trong hàng giám mục Argentina nói riêng và châu Mỹ La-tinh nói chung. Ngài có một lập trường trung hòa giữa những người quá bảo thủ hay quá cấp tiến.
Đức Tân Giáo Hoàng Phan-xi-cô Đệ Nhất là vị Giáo Hoàng thứ 266 của Giáo Hội Công Giáo Rô-ma kể từ thánh Phê-rô đến nay.
Chúng ta tiếp tục cầu nguyện cho vị Tân Giáo Hoàng đầu tiên đến từ châu Mỹ La-tinh này. Ước mong sẽ có nhiều chuyển biến tốt đẹp tại lục địa có đông người Công giáo này.

Lm. Antôn Trần Xuân Sang, svd

(Nguồn tham khảo : http://www.abc.com.py/internacionales/el-primer-papa-latinoamericano-548976.html, http://www.abc.com.py/internacionales/francisco-i-conjuga-moderacion-humildad-y-preocupacion-social-548977.html

Sunday, March 3, 2013

PARAGUAY – MỘT SỰ KHỞI ĐẦU MỚI




Trở lại xứ sở truyền giáo

          Sau những ngày về thăm quê hương bất đắc dĩ vì người Mẹ thân yêu được Chúa gọi về trong tháng Các Linh Hồn, chúng tôi đã tranh thủ mừng Chúa Giáng Sinh, Tết Dương Lịch và nhất là Tết Âm Lịch Quí Tỵ với những người thân yêu trong gia đình. Đây là lần đầu tiên chúng tôi được đón nhận niềm vui 3 trong 1 dù niềm vui ấy không được trọn vẹn vì ngày Đại Tang của Mẹ. Người Mẹ thân yêu đã ra đi mà không bao giờ chúng tôi được gặp lại khiến chúng tôi hụt hẫng rất nhiều. Nhiều người đã hỏi sao không thấy tôi khóc tí nào! Còn nước mắt đâu nữa mà khóc vì trên chuyến bay trở về từ Paraguay đến Việt Nam gần 3 ngày đường chúng tôi đã vật vã và khóc một mình vì nhớ Mẹ khôn nguôi. Lẽ ra chúng tôi đã có một niềm vui lớn nếu ngày trở về mẹ con chúng tôi được sum vầy với nhau lần cuối nhưng trên đời có mấy ai học được chữ “ngờ”.
          Có lẽ Chúa đã đền đáp cho chúng tôi rất nhiều để phần nào chúng tôi vơi đi nỗi buồn mất mẹ. Chúng tôi được nhiều người mến thương và an ủi trong những ngày về thăm quê hương. Những người ấy đã để lại trong lòng chúng tôi những tình cảm dạt dào vì chính họ cũng đã gặp những tình cảnh như chúng tôi hiện giờ nên không chỉ thể hiện bằng những lời an ủi bề ngoài mà còn động viên, khích lệ chúng tôi rất nhiều bằng nhiều cách.
          Trên chuyến bay trở về xứ sở truyền giáo Paraguay, chúng tôi lại tiếp tục một cuộc hành trình dài như lúc từ Paraguay về Việt Nam. Từ Phi trường Tân Sơn Nhất- Sài Gòn chúng tôi quá cảnh qua Thái Lan, rồi từ Thái Lan chúng tôi bay đến Thổ Nhỉ Kỳ. Rất may là từ Việt Nam đến Thổ Nhỉ Kỳ, chúng tôi được gặp rất nhiều người Việt Nam từ Âu châu về quê ăn Tết và nay cũng trở lại Âu Châu. Qua nói chuyện, chúng tôi được quen biết một gia đình Công giáo Việt Nam đã sống ở Đan Mạch hơn 30 năm qua. Cũng nhờ nói chuyện trên chuyến bay mà chúng tôi cảm thấy đường bay ngắn hơn dù từ Thái Lan đến Thổ Nhỉ Kỳ phải bay hơn 13 tiếng đồng hồ.
          Tại Phi trường Istanbul của Thổ Nhỉ Kỳ, chúng tôi phải đợi nhiều tiếng đồng hồ nữa đế đáp chuyến bay đến các nước khác trước khi về đến quốc qua mình muốn đến. Chúng tôi cùng người đồng hương Việt Nam ở Đan Mạch có dịp nhâm nhi ly Cà-phê xứ Thổ Nhỉ Kỳ và hỏi chuyện để biết thêm về quốc gia Bắc Âu này. Vì cùng là người Công giáo sống xa quê hương lâu năm nên chúng tôi dễ cảm thông‎ nhau. Chúng tôi cùng hẹn nhau một ngày đẹp trời nào đó sẽ gặp lại nhau bên xứ Bắc Âu để chúng tôi có dịp chia sẻ những ưu tư truyền giáo của mình với những người đồng hương bên ấy và cũng để hiểu thêm phong tục, tập quán của quốc gia được xem là an bình và ít tham nhũng nhất trên thế giới này.
          Từ Istanbul- Thổ Nhỉ Kỳ, sau khi đợi nhiều giờ đồng hồ ở đó, chúng tôi lại đáp máy bay để bay đến phi trường São Paolo của Brazil cũng gần 13 tiếng đồng hồ bay đế bắt đầu hít thở bầu khí Nam Mỹ. Từ lúc chia tay những người đồng hương Việt Nam ở Thổ Nhỉ Kỳ, chúng tôi bắt đầu làm quen trở lại với tiếng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha trên chuyến bay sau thời gian nghỉ ngơi ở quê nhà. Chúng tôi không cảm thấy ngỡ ngàng nữa vì mình đã nhận quê hương thứ hai của mình là Paraguay, Nam Mỹ và ngày trở lại Paraguay cũng như trở lại quê hương của mình. Chúng tôi đã đến Paraguay vào lúc rạng sáng sau cuộc hành trình dài hai ngày hai đêm trên chuyến bay.

Lại… một sự khởi đầu mới

Dù đã sống ở xứ sở Nam Mỹ này nhiều năm, khi chúng tôi trở lại Paraguay thì những ngày đầu vẫn chưa quen miếng ăn, giấc ngủ vì giờ giấc cách xa nhau quá nhiều và ăn uống cũng khác nhau một trời một vực. Phải mất mấy ngày chúng tôi mới lấy lại thăng bằng trong cuộc sống và đâu đó vẫn còn phảng phất của những món ăn ngày Tết với những giọng nói cười vui vẻ của những người thân và bạn bè. Mỗi buổi sáng thức dậy cứ muốn ra tiệm ăn tô bún hay tô phở nhưng ở đây làm gì có những thứ đó mà mơ! Mấy ngày đầu lo nạp điện thoại để báo cho người thân và bạn bè về chuyến đi bình an để mọi người khỏi lo lắng nhiều. Người Việt mình thương lâu và nhớ dai, còn người dân ở đây thì rất mau quên. Sống lâu rồi mới thấy được sự khác biệt này.
Sau khi đã quen lại với môi trường cũ, chúng tôi đã bắt tay vào ngay công việc mà những tháng qua nhờ anh em ở đây làm giúp khi mình vắng nhà. Cũng tội nghiệp cho người anh em linh mục đồng môn người Tây Ban Nha, lẽ ra ngài đã về phép cuối tháng 12 để thăm người mẹ già của ngài và đón mừng Năm Mới Dương lịch với mẹ, nhưng ngài đã nhường cho chúng tôi và gánh vác công việc của chúng tôi vì ngài cũng biết được triết lí của người Á Đông “Nghĩa tử là nghĩa tận”. Lúc này mình mới hiểu được tình anh em đồng môn mà bấy lâu nay mình cứ quơ đũa cả nắm và cho là người Nam Mỹ không hiểu người Á Đông.
Chúng tôi đã sắp xếp công việc mục vụ cũng như việc đào tạo cho một năm mới đúng nghĩa vì bên Nam Mỹ, niên học bắt đầu vào trung tuần tháng Hai. Chính vì thế chúng tôi đến các trường học và các trung tâm giáo dục để cử hành thánh lễ cho ngày tựu trường nhằm khơi dậy niềm tin tại các quốc gia Ki-tô giáo.
Những ngày này ở Paraguay đang dồn dập các chiến dịch vận động để chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống sắp đến. Một trong những ứng cử viên của một đảng tương đối lớn ở đây đã tử nạn  máy bay trong lúc vận động tranh cử ở một vùng phía Tây Bắc của Paraguay. Các đối thủ chính trị không ngại lên án lẫn nhau và dùng những đòn hiểm nhất để tấn công nhau và để giành quyền vào “chung kết”. Đâu đâu người ta cũng bàn đến chính trị và ai sẽ là người đắc cử tổng thống của Paraguay sắp tới là một dấu hỏi lớn đang làm cho người dân ở đây chia rẽ nhau rất nhiều.
Trong khi đó, một vị lãnh đạo tinh thần lớn nhất của Giáo hội Công giáo Rô-ma, Đức Thánh Cha Bê-nê-đíc-tô XVI hôm nay đã chính thức rời chức vụ Giáo Hoàng để lui về đời sống cầu nguyện trong âm thầm đã khiến biết bao người nể phục. Ngài chính là một gương chứng nhân đức tin trong Năm Đức Tin do chính Ngài khởi xướng. Ngài đã theo gương Chúa Giê-su là “đến để phục vụ chứ không phải để được phục vu” (Xc. Mc 10,45 ), và sẵn sàng giao trách nhiệm cho người khác khi Chúa muốn. Tất cả những lời đồn đoán về vị Giáo hoàng sắp tới dù thế nào đi nữa nhưng chúng ta hãy tin chắc rằng lời Chúa Giê-su nói với thánh Phê-rô khi đặt ngài làm thủ lãnh Giáo hội là “cửa hỏa ngục sẽ không thắng được” (Xc. Mt 16, 13tt). Chúng ta cùng hiệp ý cầu nguyện cho mật nghị hồng y sắp tới được diễn ra tốt đẹp để các ngài chọn ra một vị Đại Diện Chúa Ki-tô nơi trần gian theo ý Chúa.          
Paraguay, 28 tháng 2 năm 2013
Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD